Chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Ngọc Anh – giáo viên môn Hóa tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI hướng dẫn học sinh cách ôn luyện trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 sắp tới.
Theo đó, giai đoạn này là giai đoạn cuối cùng của quá trình ôn luyện, để đạt điểm số mong muốn sĩ tử phải có chiến thuật cụ thể.
Chia sẻ về cấu trúc đề thi tham khảo môn Hóa trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, thầy Nguyễn Ngọc Anh cho biết:
Cấu trúc đề thi năm nay có sự thay đổi, cụ thể ở việc tăng số lượng câu hỏi lý thuyết (từ 24 câu trong đề thi chính thức 2019 tăng lên thành 29 câu trong đề tham khảo lần 2) và giảm số lượng các câu hỏi tính toán (từ 16 câu trong đề chính thức 2019, giảm xuống còn 11 câu trong đề tham khảo lần 2).
Thầy Nguyễn Ngọc Anh (ảnh nhân vật cung cấp) |
Số lượng câu Vận dụng cao cũng giảm rõ rệt (trong đề các năm trước có 4-6 câu thì đề tham khảo lần 2 chỉ còn lại 3 câu), vùng kiến thức ở các câu Vận dụng cao tập trung vào các chuyên đề thuộc học kì I - lớp 12 là chủ yếu.
Với cấu trúc như vậy, các em cần ôn luyện kỹ các câu hỏi lý thuyết. Làm tốt các câu hỏi này và một số câu hỏi cơ bản dạng bài tập tính toán thì mục tiêu 8-9 điểm không hề khó.
Đối với các bạn đặt mục tiêu 9-10 điểm thì cần chú ý thêm các chuyên đề có bài toán Vận dụng cao đã xuất hiện trong đề tham khảo: este, biện luận muối amoni. Các em cần chú ý luyện thêm các chuyên đề khác cũng hoàn toàn có thể xuất hiện như: peptit, bài toán đồ thị, điện phân.
“Các dạng bài thi trong đề tham khảo không giống hoàn toàn trong đề chính thức mà chỉ tương đồng về cấu trúc (số câu lý thuyết - câu bài tập, số câu trong chương trình lớp 12- lớp 11)”, thầy Nguyễn Ngọc Anh lưu ý thêm.
Kết hợp luyện đề và tổng ôn kiến thức hiệu quả
Bắt tay ngay vào việc luyện đề là lời khuyên của thầy Nguyễn Ngọc Anh dành cho các sĩ tử trong giai đoạn này.
Việc luyện đề phải đảm bảo chuẩn với cấu trúc đề thi, với phạm vi kiến thức thi năm 2020, tức là đã bỏ các kiến thức giảm tải và tinh giản theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để việc luyện đề đạt hiệu quả, hãy bắt đầu làm đề với tâm lý như bước vào thi thật, cần tập trung làm bài trong đúng 50 phút, và tính toán điểm số của mình sau khi làm xong. Ghi chép lại điểm số sau mỗi đề để tự đánh giá sự tiến bộ của bản thân.
Giai đoạn này rất quan trọng khi kết hợp giữa luyện đề và tổng ôn. Sau khi luyện đề xong cần xem lại đề và ghi chép lại những phần bài tập bị mất điểm do nhầm lẫn, mắc bẫy, sai sót không đáng có.
Với những phần bài tập không làm được, có thể do chưa được tiếp cận nên không có định hướng tư duy xử lý câu hỏi.
Vì vậy, cần bổ sung ngay các kiến thức, luyện tập các câu hỏi dạng bài của phần này để có cơ hội kiếm điểm khi luyện đề sau.
Học sinh cần xác định mục tiêu điểm số của mình là bao nhiêu, từ đó có kế hoạch làm chắc chắn đúng bao nhiêu câu hỏi trong đề thi.
Mỗi câu hỏi đều có số điểm như nhau, vì vậy các em nên ưu tiên bổ sung phần kiến thức ở những câu hỏi cơ bản trước khi nghĩ đến các câu Vận dụng, Vận dụng cao. Vì để có kiến thức làm các câu khó thì các em sẽ mất nhiều thời gian luyện tập mới có thể xử lý được.
Ổn định tâm lý trước và trong khi thi
“Hãy lên kế hoạch học tập cho từng ngày, từng tuần, dù lượng kiến thức còn nhiều nhưng việc chăm chỉ, khắc phục kiến thức bị hổng từng ngày sẽ có kết quả rất nhanh.
Giai đoạn sát kì thi, các em phải đảm bảo sức khoẻ, học tập vừa phải, kết hợp nghỉ ngơi để đảm bảo thể trạng tốt nhất”, thầy Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.
Ổn định tâm lý trong phòng thi rất quan trọng. Thầy Ngọc Anh cho biết, để có tâm lý tốt, các em hãy tập luyện và làm quen với tâm lý phòng thi ngay khi ở nhà, thông qua cách luyện đề như đi thi thật. Khi làm bài thi cũng cần có chiến thuật cụ thể.
Các em cần phân loại ngay các câu cơ bản để làm trước tiên: Đó có thể các câu lý thuyết, các câu tính toán ở mức độ cơ bản. Hãy làm chắc chắn những câu này, đọc kỹ đề, nhớ lại kiến thức và chọn đáp án.
Khi bắt đầu làm bài, học sinh lưu ý tránh mất thời gian đọc đề các câu vận dụng cao, sau khi các em làm xong các câu cơ bản, nắm chắc 8 điểm trở lên mới tiếp tục dành thời gian cho các câu khó hơn.
Nếu đột ngột quên kiến thức trong phòng thi, các em hãy cố gắng liên hệ với một kiến thức đơn giản của phần đó rồi liên hệ lại. Nếu chưa nhớ được ngay thì hãy chuyển sang câu hỏi khác để hoàn thành trước, sau đó mới quay lại các câu chưa làm được.