Vào năm 1076, nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục bậc cao trong việc gìn giữ và xây dựng đất nước, vua Lý Nhân Tông đã cho lập thêm nhà Quốc Tử Giám và tuyển trong các quan thần lấy những người tài giỏi để đào tạo tại đó.
Trường đại học đầu tiên của Việt Nam đã được thành lập cách ngày nay đúng 950 năm, là trường đại học được xếp vào top 10 trường đại học có tuổi đời nhiều nhất thế giới.
(Đại học Bologna - Ý - thành lập năm 1088; Đại học Oxford - Anh - năm 1096; Đại học Paris - Pháp - năm 1160...)
Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam chưa có được trường đại học nào đứng vào top 100 hoặc 200 các trường đại học hàng đầu thế giới.
Điều này chắc cha ông chúng ta và nhiều người của thế hệ chúng ta hôm nay băn khoăn suy nghĩ và đặt ra câu hỏi lớn - tại sao?
Tại bảng xếp hạng Webometrics 2015 mới công bố, Việt Nam có 122 trường vào danh sách, trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội đứng thứ 1 Việt Nam, thứ 1.133 thế giới, tiếp theo là Đại học Bách khoa Hà Nội xếp thứ 2.181.
Trong bảng xếp hạng QS năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội duy trì là đại học Việt Nam thuộc top 200 đại học hàng đầu châu Á (kể từ năm 2014) với thứ hạng trong nhóm 191-200, đồng thời duy trì vị trí số 1 Việt Nam trong bảng xếp hạng này (kể từ năm 2009).
Cũng trong năm 2015, bảng xếp hạng Scimago cho thấy Đại học Quốc gia Hà Nội có vị trí số 1 của các đại học Việt Nam về tổng số bài báo khoa học công bố, tuy nhiên thứ hạng thế giới ở vị trí 1.895.
Các đại học Việt Nam ở vị trí tiếp theo là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Tại Hà Nội, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực chủ trì Hội thảo "Tự chủ đại học - cơ hội và thách thức" cũng không ngoài mục đích tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn mà cha ông chúng ta và bản thân chúng ta đang đặt ra, đang đòi hỏi trả lời.
Tự chủ đại học là xu thế của phát triển tất yếu của giáo dục đại học thế giới. Không thể tạo ra đổi mới đột phá trong giáo dục đại học nếu các trường đại học công chỉ dựa vào nguồn kinh phí có hạn của Nhà nước.
Giáo sư Trần Hồng Quân (Ảnh: TT) |
Giao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học cũng không có nghĩa Nhà nước "buông tay" hoàn toàn.
Nhà nước vẫn phải tiếp tục hỗ trợ, điều quan trọng là Nhà nước sẽ tạo ra công cụ kiểm tra chất lượng, giám sát việc thực hiện những quy định pháp luật tại các trường.
Hiện nay, 14 trường đại học công lập đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thí điểm mô hình tự chủ.
Các trường này đã được tự chủ về 4 khâu: quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường; tự chủ tổ chức hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học; tự chủ tài chính và tự chủ trong tổ chức nhân sự.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng từ năm 2008 đã thực hiện tự chủ hoàn toàn.
Đến nay, sau 6 năm, những gì trường đang có là kết quả của việc thực hiện quyền tự chủ.
Từ năm 2008, Trường Đại học Tôn Đức Thắng chỉ nhận hỗ trợ lãi suất từ nhà nước 37,5 tỉ đồng. Đến nay, trường đã tạo lập tổng tài sản lên tới 1.000 tỉ đồng.
Cơ chế tự chủ còn giúp trường có được trên 1.000 cán bộ giảng dạy chất lượng, sinh viên ra trường được thị trường lao động chào đón.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc hiểu về tự chủ đại học như thế nào cũng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu không làm tốt việc giao quyền tự chủ cho các trường có thể sẽ dẫn đến việc tăng học phí mà không chú trọng chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, tự chủ chỉ được trao nửa vời sẽ dẫn đến việc các trường muốn làm gì cũng bị khó và gò bó.
Tự chủ đại học được cho là bước đột phá về cơ chế. Cùng với sự thành lập của hai đại học quốc gia vào giữa thập niên 1990, khái niệm tự chủ đại học đã xuất hiện và thu hút được sự quan tâm và tranh luận tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sau hơn 15 năm áp dụng, có hẳn một nghị định về quyền tự chủ cho cơ quan nhà nước trong đó có các cơ sở giáo dục đại học, các trường đại học Việt Nam vẫn được coi là không có tự chủ.
Hiện nay, Chính phủ đã có các nghị định, nghị quyết khá tốt về vấn đề này.
Song đến nay, vẫn chưa có nhiều trường mạnh dạn thực hiện quyền tự chủ.
Có vẻ như mâu thuẫn vì lâu nay, các trường vẫn luôn đòi tự chủ nhưng khi đã trao quyền tự chủ rất cao thì những chủ thể này lại rất dè dặt.
Theo tôi, để có cơ sở về việc trao tự chủ đến mức độ nào cho trường đại học, có lẽ ba câu hỏi quan trọng nhất cần phải được trả lời là: Tự chủ về cái gì? Giao tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học nào và giao đến đâu?
Làm sao có thể giám sát được việc thực hiện cam kết của trường đại học khi nhận tự chủ?
Hai câu hỏi đầu liên quan mật thiết với nhau vì nó cùng được xác định bởi câu hỏi về triết lý giáo dục đại học, tức là giáo dục đại học là gì.
Câu hỏi thứ ba liên quan đến kỹ thuật và công cụ quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Chúng ta cũng có những báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm, bài học của một số nước trên thế giới.
Những bài học của họ cũng có cái chung, cái tất yếu mà chúng ta nên vận dụng.
Chẳng hạn, cải cách giáo dục đại học ở Nhật Bản đã thực hiện khá lâu và có những bước thành công rực rõ.
Tuy nền giáo dục giữa hai nước có một khoảng cách khá xa nhưng xuất phát điểm tại Nhật Bản tương tự như tình hình nước ta hiện nay.
Do đó, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ cải cách giáo dục đại học ở Nhật Bản có thể xem là một giải pháp.
Trước đây, các trường đại học quốc gia ở Nhật về cơ bản được xem như là một tổ chức của nhà nước. Các hoạt động nghiên cứu và giáo dục phụ thuộc phần nhiều vào ngân sách nhà nước.
Nhân sự và tổ chức của các trường đại học quốc gia đều nằm dưới sự quản lý của nhà nước.
Điều này đã khiến nhà trường bị hạn chế trong công tác quản lý và chi tiêu dẫn đến kìm chế sự sáng tạo và phát triển các trường.
Năm 1999, cuộc họp nội các Nhật đã xác định việc chuyển đổi đại học quốc gia thành công ty quản trị độc lập là một trong những biện pháp cải cách đại học quốc gia, đặc biệt về vấn đề quyền tự chủ của các trường đại học.
Đến tháng 4 năm 2004, tất cả trường đại học quốc gia ở Nhật đều chuyển đổi thành công ty đại học quốc gia.
Thay đổi lớn nhất về nhân sự là tập thể nhân viên của đại học không còn là công chức nữa và không còn lệ thuộc vào nhà nước.
Nhà nước chỉ còn chức năng đánh giá chất lượng, thành lập và đóng cửa trường đại học và cung cấp nguồn ngân sách cần thiết cho mỗi công ty đại học quốc gia dựa trên đánh giá của bên thứ ba.
Đại học Tokyo được xếp hạng thứ 16 trong thứ hạng các trường đại học có chất lượng trên thế giới trong lần đánh giá của tạp chí Newsweek (Mỹ) vào tháng 8/2006.
Tôi mong muốn kết quả hội thảo không nằm trên giấy, mà phải có tác động vào thực tiễn, chúng ta phải có được một bản kiến nghị tập thể trình Chính phủ và các Bộ liên quan.
Chúng ta phải chủ động tiến công vào các khâu nào, các mắt xích nào trì trệ, bảo thủ trong đổi mới giáo dục đại học.
Chúng ta phải động viên, sát cánh với các trường đại học nào mong muốn đổi mới, đòi tự chủ để phát triển.
Tôi cũng mong muốn các viện nghiên cứu, các đơn vị khoa học, kinh tế xã hội khác có quan tâm đến giáo dục đại học hãy cùng Hiệp hội chúng ta chung tay với các trường đại học trong công cuộc chuyển mình đầy khó khăn, đầy thách thức, nhưng không thể chần chừ được nữa.
Giáo dục đại học Việt Nam cần phát huy tinh thần và truyền thống vinh quang của Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội - Trường đại học đầu tiên của Việt Nam từ 940 năm trước.
Ngày 13/6/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kết hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy về quản lý Nhà nước với giáo dục đại học Việt Nam” tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Cuộc tọa đàm quy tụ gần 100 nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học đặt dưới sự đồng chủ trì của Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam và Giáo sư Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông.
Tọa đàm khoa học đã nhận được trên 20 báo cáo tham luận về tự chủ đại học, vai trò cũng như chức năng của Hội đồng trường trong mối quan hệ với Đảng ủy, Ban giám hiệu và cơ quan quản lý trực tiếp...Phát biểu trực tiếp tại Tọa đàm có nhiều ý kiến tham luận sâu sắc về vấn đề bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản, từ chủ trương nghị quyết, quy phạm pháp luật đến thực tiễn.
Được sự đồng ý của Giáo sư Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Phương Đông, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam lần lượt đăng tải các bản tham luận tại Tọa đàm này để cung cấp thêm thông tin đến bạn đọc quan tâm. Nội dung, văn phong tham luận thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.