LTS: Tự chủ đại học là xu thế tất yếu. Muốn đại học tự chủ thực sự, Hội đồng trường phải có thực quyền. Điều này đã được Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định rõ.
Tuy nhiên trong thực tế triển khai, việc giải quyết mối quan hệ giữa các chủ thể Đảng ủy - Hội đồng trường - Hiệu trưởng cũng như điều kiện tiến đến "xóa cơ chế chủ quản" như tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương đang đặt ra nhiều vấn đề.
Xung quanh vấn đề này Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học để lắng nghe ý kiến độc lập của bà về các vấn đề trên.
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy! Với kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực giáo dục đại học, bà có thể cho biết nhận định tổng quát về hiện trạng vai trò của Hội đồng trường và những khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, Luật giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018), Nghị định 99/2019/NĐ-CP hiện nay là gì không?
Tiến sĩ Thu Thủy: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) đã thể chế hoá được chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, của cơ sở giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, bảo đảm hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của thị trường lao động trong nước và nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng, một cơ sở giáo dục đại học tự chủ toàn diện, nhìn từ trên cao. Ảnh: TDTU. |
Luật số 34/2018/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/7/2019, chúng tôi nhận thấy tất cả các cơ sở giáo dục đại học đều nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tự chủ theo quy định của Luật số 34/2018/QH14.
Nhìn tổng thể cho thấy nhiều trường đại học đã ý thức được vai trò quan trọng của Hội đồng trường khi các trường thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Đặc biệt là một số trường đã có những bứt phá khi được Chính phủ giao thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP.
Để làm được điều này, các trường phải có Hội đồng trường thực hiện được vai trò quản trị, hoạch định chiến lược phát triển để trường có uy tín, thương hiệu trong nước và nước ngoài…
Luật số 34/2018/QH14 đã quy định về chức năng, nhiệm vụ, thành phần Hội đồng trường để giúp các trường có thể chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giảm chi cho Ngân sách nhà nước đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách.
Như vậy, nếu các cơ sở giáo dục đại học thực hiện đúng theo quy định của Luật số 34/2018/QH14 cũng chính là đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Được biết bà rất quan tâm đến quan hệ 3 bên bên trong giữa Hội đồng trường-Đảng ủy Nhà trường với Hiệu trưởng; và mối quan hệ 2 bên bên ngoài giữa Hội đồng trường và cơ quan quản lý trực tiếp hay cơ quan chủ quản. Bà có nhận định gì về tình hình này ở các trường đại học khi thực hiện Luật số 34/2018/QH14?
Tiến sĩ Thu Thủy: Từ trước đến nay, Đảng uỷ là lãnh đạo toàn diện trong trường đại học. Về mối quan hệ giữa Hội đồng trường - Đảng ủy Nhà trường với Hiệu trưởng đã được thể hiện ở nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực quản trị của các trường đại học theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW chính là nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường theo hướng hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường.
Dấu ấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học |
Cơ chế này khác với cơ chế trước đây khi Hiệu trưởng là Bí thư, là có sự chồng lấn giữa chức năng quản trị (governance) và chức năng quản lý (management).
Với cơ chế hội đồng để các trường thực hiện tự chủ thì Hội đồng trường thực hiện chức năng “quản trị”, Hiệu trường thực hiện chức năng “quản lý, điều hành”.
Khi Bí thư Đảng uỷ kiêm chủ tịch Hội đồng trường thì thì Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong cơ sở giáo dục đại học vẫn là lãnh đạo toàn diện trường đại học như quy định của Luật số 34/2018/QH14.
Về mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và Hội đồng trường thì chúng ta thấy, khái niệm cơ quan chủ quản gắn liền với mô hình đào tạo theo cơ chế “tập quyền”. Ví dụ như các trường trong Quân đội, Công an chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang, thì các trường này phải thực hiện các quy định về nhân sự, tài chính, tài sản,… của Bộ Công An, Bộ Quốc phòng và các quy định của pháp luật liên quan.
Đối với các trường khác, khi thực hiện tự chủ, tức là chuyển đổi cơ chế hoạt động qua cơ chế hội đồng trường theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW thì không cần cơ chế bộ chủ quản như Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP đã đề ra từ năm 2005.
Trong nội dung trao đổi với Báo Thanh niên ngày 13/7/2019 Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ: “Luật Giáo dục đại học sửa đổi được xây dựng phù hợp với xu hướng giảm dần vai trò của cơ quan chủ quản, thậm chí khi không còn vai trò của cơ quan chủ quản thì luật vẫn không lỗi thời”.
Khó khăn nhất trong quan hệ giữa một đại học có mức độ tự chủ cao nhất với cơ quan chủ quản là gì thưa bà? Và để tháo gỡ khó khăn này cho trường ấy tiếp tục phát triển mạnh, tiếp tục mở rộng quyền tự chủ, theo bà, lãnh đạo các cấp cần phải làm gì?
Tiến sĩ Thu Thủy: Như tôi đã nói ở trên, vai trò của cơ chế bộ chủ quản chỉ có trong mô hình đào tạo nguồn nhân lực theo cơ chế “tập quyền” và mô hình này chỉ áp dụng cho những cơ quan chủ quản vẫn đảm đương ngân sách hoạt động cho trường đại học trực thuộc để đào tạo theo “đặt hàng” hoặc theo chiến lược do cơ quan chủ quản quyết định.
Đối với những trường đại học đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường (trong nước, nước ngoài), đào tạo cho nhiều thành phần kinh tế khác nhau ngoài nhà nước…, thì các trường này cần chuyển qua cơ chế tự chủ, trong đó Hội đồng trường phải đảm nhiệm vai trò hoạch định chiến lược, chính sách phát triển, tìm kiếm thị trường, kết nối đối tác là các trường, doanh nghiệp trong và ngoài nước, hợp tác với các tổ chức quốc tế…nhằm thu hút các nguồn lực và đảm đương nguồn ngân sách hoạt động cho trường.
Sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, một cơ sở giáo dục đại học tự chủ toàn diện và phát triển vượt bậc, ảnh: TDTU. |
Khi các trường chuyển qua cơ chế này, chính là thực hiện cơ chế Hội đồng trường như Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra. Do đó, nếu đề cao vai trò cơ chế bộ chủ quản khi các trường chuyển đổi cơ chế hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW thì sẽ làm giảm vai trò của Hội đồng trường khi các trường thực hiện tự chủ đại học.
Trong quan điểm của bà, đến thời điểm này của tiến trình tự chủ, chúng ta có nên quyết liệt thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP về “bỏ cơ chế bộ chủ quản” cho các đại học tự chủ chưa? vì đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW.
Tiến sĩ Thu Thủy: Theo quan điểm cá nhân tôi, thực hiện tự chủ không phải chỉ quyết liệt theo Nghị quyết 14/NQ-CP mà cần quyết liệt theo Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật số 34/2018/QH14 nhưng phải có lộ trình.
Đối với những trường đã đủ điều kiện thực hiện tự chủ toàn diện về các lĩnh vực như quy định của Luật số 34/2018/QH14 thì cần tạo điều kiện để xoá cơ chế bộ chủ quản.
Đối với những trường chưa hội tụ đủ các điều kiện để thực hiện tự chủ về mọi lĩnh vực theo quy định của Luật số 34/2018/QH14 (có thể xem như các trường mới tự chủ được một phần hay bán tự chủ) thì cần duy trì cơ chế bộ chủ quản.
Chỉ mình lãnh đạo Bộ Giáo dục nỗ lực, tự chủ đại học sẽ còn nhiều gian truân |
Tuy nhiên, việc duy trì hay bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với cả hai loại trường trên cần phải dựa trên sự tự nguyện của các trường vì năng lực thực hiện tự chủ của các trường là khác nhau. Đối với những trường chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ toàn diện trên mọi lĩnh vực theo quy định của Luật thì cần có lộ trình để các trường phấn đấu.
Bên cạnh đó, đối với những trường đào tạo theo cơ chế “tập quyền” như tôi đã phân tích ở trên thì cần thiết phải duy trì cơ chế bộ chủ quản.
Đặt trường hợp câu trả lời là nên thí điểm bỏ cơ chế bộ chủ quản để thúc đẩy hoạt động tự chủ ở các đại học tiến lên nhằm thực hiện cho nghiêm túc Nghị quyết 14/NQ-CP về “bỏ cơ chế bộ chủ quản” cho các đại học tự chủ. Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW, thì thưa bà, việc bỏ cơ chế bộ chủ quản này nên làm đồng loạt, hay từng bước? và nếu là từng bước?; lộ trình từng bước như thế nào?
Tiến sĩ Thu Thủy: Theo quan sát của cá nhân tôi nhận thấy hệ thống đại học hiện nay, năng lực, mức độ sẵn sàng thực hiện tự chủ của các trường rất khác nhau. Các trường lại trực thuộc các cơ quan chủ quản khác nhau như các Bộ, ngành, địa phương… Nên việc thí điểm bỏ cơ chế bộ chủ quản là cần thiết.
Việc thực hiện thí điểm sẽ giúp rút ra các bài học kinh nghiệm để triển khai đại trà vì Hội đồng trường gắn liền với trao quyền tự chủ.
Kết quả thí điểm sẽ cần tổng kết, đánh giá để xác định những chính sách mà các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng, chỉnh sửa để hỗ trợ và quản lý nhà nước đối với các trường đại học khi chuyển đổi hoàn toàn qua cơ chế tự chủ (không còn cơ chế bộ chủ quản).
Ví dụ như xây dựng các quy định để quản lý vốn nhà nước trong các trường đại học công lập chuyển đổi qua cơ chế tự chủ mà không còn cơ chế bộ chủ quản.
Tuy nhiên, khi thí điểm thực hiện tự chủ và không duy trì cơ chế bộ chủ quản thì các trường đại học phải thực hiện các quy định theo khung pháp lý liên quan đến giáo dục đại học.
Chính cơ chế tự chủ toàn diện đã giúp Trường Đại học Tôn Đức Thắng vươn lên phát triển mạnh mẽ, trở thành một trung tâm đào tạo đẳng cấp. Ảnh: TDTU. |
Khung pháp lý này do các cơ quan quản lý nhà nước quy định (ví dụ như quy định về đất đai, tài chính, tài sản, nhân sự, đào tạo, nghiên cứu khoa học,…). Đối với những trường thực hiện tự chủ nhưng vẫn còn cơ chế bộ chủ quản hoặc những trường đào tạo cho lực lượng vũ trang luôn cần duy trì cơ chế bộ chủ quản thì ngoài việc thực hiện theo khung pháp lý liên quan đến giáo dục đại học, cần thực hiện theo các quy định của cơ quan chủ quản về các vấn đề liên quan đến nhân sự, tài chính…
Vấn đề bỏ cơ chế bộ chủ quản này nên làm đồng loạt, hay từng bước và nếu là từng bước lộ trình từng bước như thế nào thì tôi đã phân tích như ở phần trên.
Nếu chia lộ trình như thế, thì nhóm đầu tiên cần bỏ ngay cơ chế bộ chủ quản là nhóm đại học tự chủ phải hội đủ những điều kiện gì, thưa bà?
Tiến sĩ Thu Thủy: Hiện nay thế giới phát triển rất nhanh, các trường đại học của Việt Nam phải đối mặt với những thách thức, cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trong thị trường trong nước và nước ngoài. Nhóm các trường thực hiện tự chủ mà có thể bỏ cơ chế bộ chủ quản nên là những trường khẳng định được năng lực thực hiện tự chủ của họ trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật số 34/2018/QH14.
Để xác định được những điều kiện cần hội tụ đối với nhóm những trường có thể bỏ cơ chế bộ chủ quản khi thực hiện tự chủ đại học cần tiến hành nghiên cứu đầy đủ. Tuy nhiên, với kiến thức và kinh nghiệm của cá nhân thì tôi thấy những tiêu chí/ điều kiện tối thiểu buộc phải có đối với nhóm trường này là:
Thủ tướng nên ban hành một Nghị định cho riêng Trường Đại học Tôn Đức Thắng |
(1) Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong trường đại học;
(2) Đảm bảo vốn, tài sản của nhà nước đã đầu tư cho trường đại học;
(3) Hội đồng trường có năng lực quản trị để dẫn dắt trường phát triển bền vững, khẳng định được đẳng cấp, thương hiệu của trường trong và ngoài nước;
(4) Đã tự chủ được tất cả mọi lĩnh vực theo quy định của Luật số 34/2018/QH14;
(5) Cam kết với xã hội và các bên liên quan về chất lượng đào tạo và thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật;
(6) Sự đồng thuận của tập thể sư phạm nhà trường khi thực hiện tự chủ mà không áp dụng cơ chế bộ chủ quản.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy!