Tự chủ về học thuật trong giáo dục đại học Việt Nam (2)

29/06/2020 06:16
Giáo sư Lâm Quang Thiệp
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để đảm bảo thực hiện được tự chủ về học thuật, ngoài chủ trương chung về trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, cần có hệ thống văn pháp quy rõ ràng...

(Tiếp theo phần 1)

3. Tự chủ trong giáo dục đại học Việt Nam

Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình nói chung

Ở nước ta khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của giáo dục đại học thế giới được đưa vào lần đầu ở Luật Giáo dục năm 1998 (lúc đó từ accountability được dịch không thỏa đáng là “tự chịu trách nhiệm”, đã có sự điều chỉnh thành “trách nhiệm xã hội” trong Điều lệ trường đại học năm 2003 và năm 2014, tuy nhiên trong các luật Giáo dục và giáo dục đại học về sau vẫn giữ cụm từ tự chịu trách nhiệm).

Cho đến nay từ tự do học thuật chưa từng xuất hiện trong các văn bản luật pháp ở nước ta.

Ở Điều 32 của Luật giáo dục đại học năm 2012 quy định: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục”.

Một số quy định quan trọng gần đây liên quan đến quyền tự chủ về học thuật và một vài nhận xét

Như vậy, theo Luật giáo dục đại học có thể hiểu tự chủ về học thuật là quyền của cơ sở giáo dục đại học (chứ không phải của từng cá nhân giáo chức và sinh viên) về đào tạo, khoa học và công nghệ, và một số mặt liên quan về nhân sự và đảm bảo chất lượng.

Có thể ví dụ một số quy định quan trọng gần đây.

Điều lệ trường đại học năm 2014 quy định về tự chủ học thuật ở Điều 5, cụ thể là: “tự chủ trong tuyển sinh, phát triển chương trình đào tạo, lựạ chọn và biên soạn giáo trình, quản lý và cấp văn bằng, triển khai các hoạt động khoa học công nghệ, đảm bảo chất lượng và lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng”.

Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT quy định cụ thể hơn về các yêu cầu của chương trình đào tạo các cấp học và quy trình phát triển chương trình đào tạo. Thông tư này thay thế quyết định 2677/GD-ĐT năm 1993 về cấu trúc và khối lượng kiến thức tối thiểu cho các cấp đào tạo đại học.

- Định mức khối lượng kiến thức được tính theo tín chỉ, với định mức tín chỉ giống như định mức tín chỉ của Mỹ, chỉ khác là không quy định thời gian triển khai tín chỉ phải kéo dài trong một học kỳ.

- Khối lượng tối thiểu của chương trình cử nhân được quy định 120 tín chỉ, thạc sĩ – 30-60 tín chỉ, tiến sĩ 90-120 tín chỉ.

- Yêu cầu tối thiểu của trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về kiến thức, kỹ năng và “năng lực tự chủ và trách nhiệm”.

- Yêu cầu ở cuối khóa đào tạo được nhà trường cam kết với người học và xã hội được gọi là “chuẩn đầu ra” (learning outcome).

Giáo sư Lâm Quang Thiệp (Ảnh: TT)
Giáo sư Lâm Quang Thiệp (Ảnh: TT)

Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT về điều kiện và quy trình xin mở ngành đào tạo.

Quy định về cơ sở được quyền thẩm định điều kiện mở ngành, ngoài điều kiện về cơ sở vật chất phải có 5 tiến sĩ, trong đó ít nhất 1 giáo sư, phó giáo sư trong ngành.

Nếu trường không đủ điều kiện phải nhờ một trường khác đủ điều kiện thẩm định hộ.

Nghị định 73/2015/NĐ-CP về phân tầng xếp hạng giáo dục đại học. Nghị định này thể hiện một số mâu thuẫn về khái niệm so với Luật giáo dục đại học năm 2012.

Theo Luật giáo dục đại học “phân tầng” dựa vào sứ mạng, chức năng, còn “xếp hạng” dựa vào chất lượng của cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, theo Nghị định 73/2015, phân tầng và xếp hạng được gộp vào cùng một khái niệm, chỉ khác nhau: phân tầng là “xếp hạng” trong ba tầng lớn, còn xếp hạng được thực hiện chi tiết hơn trong từng tầng.

Một số khó khăn của việc thực hiện quyền tự chủ về học thuật

Tuy về lý thuyết các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ về học thuật nhưng một số quy định cụ thể cứng nhắc, thiếu tính khả thi nói trên làm cho việc thực hiện các quyền đó trong thực tế gặp khá nhiều khó khăn. Có thể nêu vài ví dụ.

Ví dụ 1: Về chương trình và quy trình đào tạo. Khi định mức khối lượng chương trình đào tạo, thông tư 07/2015 quy định đơn vị “tín chỉ” theo chuẩn tín chỉ Mỹ (khoảng 30 tín chỉ một năm học) cứng nhắc cho mọi trường đại học, trong khi ở các trường đại học Mỹ phương pháp dạy và học rất khác ở trường đại học nước ta, số giờ lên lớp rất ít so với số giờ tự học (khoảng 15 tiết/tuần), thiết kế thời khóa biểu theo định mức Mỹ trong khi phương pháp dạy và học lạc hậu ở phần lớn trường đại học nước ta sẽ dẫn đến cắt giảm chương trình, hạ thấp chất lượng đào tạo.

Quy định tín chỉ theo định mức châu Âu ETCS (60 giờ tín chỉ một năm học), gần với quy định “đơn vị học trình” trước đây, có thể phù hợp hơn với nhiều trường đại học nước ta, nhưng không được khuyến khích sử dụng.

Thông tư 07/2015 ra đời 22 năm sau quyết định 2677/GD-ĐT năm 1993 về chương trình đào tạo nhưng các triết lý về cấu trúc chương trình đào tạo (hai khối giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp) và kiểu quản lý mềm dẻo theo “khung chương trình” của văn bản trước đây không được làm rõ và kế thừa nên việc “tự chủ” áp dụng của các trường có vẻ khó khăn hơn.

Đã nhiều năm triển khai đào tạo theo tín chỉ nhưng nhiều trường đại học vẫn rất lúng túng và cũng không có được sự hướng dẫn thấu đáo của cơ quan quản lý nhà nước.

Ví dụ 2: Về điều kiện mở ngành đào tạo. Số tiến sĩ và giáo sư tối thiểu được quy định để mở ngành đào tạo là rất cao, rất ít trường có thể thỏa mãn, đặc biệt điều kiện đó chỉ thích hợp với loại trường đại học theo hướng học thuật chứ không phải theo hướng ứng dụng.

Thêm nữa, việc buộc một trường đại học phải nhờ một trường khác có đủ điều kiện thực hiện thẩm định giúp chính là một kiểu đánh đố, vì tâm lý cạnh tranh tuyển sinh của trường được nhờ thẩm sẽ gây nhiều khó khăn tốn kém cho trường phải nhờ.

Những khó khăn đó vô hình trung vô hiệu hóa cái gọi là tự chủ học thuật.

Rất nhiều trường đại học kêu ca là trong quy trình triển khai đào tạo việc xin mở ngành đào tạo thường là khâu khó khăn và tốn kém nhất.

Ví dụ 3: Về việc phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học. Gộp phân tầng và xếp hạng vào chung một khái niệm xếp hạng sẽ làm rối quá trình thực hiện.

Hơn nữa, lẽ ra phân tầng là việc của Nhà nước còn xếp hạng là của các tổ chức nghề nghiệp dân sự, Nhà nước rất không nên can thiệp quá sâu vào các hệ thống xếp hạng.

Do đó qui định “chu kỳ” phân lầng 10 năm, tức là một cơ sở giáo dục đại học sau 10 năm có thể chuyển tầng là vô nghĩa, vì sứ mạng và chức năng của một cơ sở giáo dục đại học phải ổn định trong một thời gian dài (cũng giống như một trường có chức năng là tiểu học không thể quy định sau một thời gian nào đó thể chuyển thành trung học!).

Thêm nữa, việc xếp hạng là của các tổ chức nghề nghiệp xã hội, thế mà điều 9 Luật giáo dục đại học lại “quan liêu hóa” việc xếp hạng, quy định Thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng công nhận việc xếp hạng tương ứng đối với trường đại học, trường cao đẳng.

Việc Nhà nước can thiệp sâu vào việc xếp hạng sẽ tạo khó khăn cho hoạt động của hệ thống, giảm tính tự chủ và sự cơ động của các cơ sở giáo dục đại học.

Thực thi quyền tự chủ về học thuật gặp một số khó khăn như trên có thể vì các lý do sau đây:

Về phía cơ quan quản lý nhà nước: Các văn bản pháp quy còn nhiều mâu thuẩn và kém khả thi có thể do sự không chuyên nghiệp của những người soạn thảo.

Phần lớn họ không được đào tạo trong lĩnh vực quản lý giáo dục đại học, một số người lại còn chưa kinh qua công tác tương ứng trong các trường đại học.

Có ý kiến cho rằng việc người soạn thảo văn bản pháp quy cũng chính là người quản lý lĩnh vực tương ứng là không ổn, vì những người này thường có xu hướng tạo khó khăn cho các trường chứ không phải giúp đỡ họ.

Đó là chưa nói đến có một số biểu hiện về sự chi phối của lợi ích nhóm đối với một số văn bản.

Về phía các cơ sở giáo dục đại học: Tính không chuyên nghiệp của cán bộ quản lý học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học cũng là vấn đề: phần lớn họ từng là giảng viên từ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau chứ không được đào tạo từ lĩnh vực quản lý giáo dục đại học.

Một số người cố gắng tự học hỏi để nâng cao trình độ qua thời gian quản lý thì lại bị thay thế bởi người thiếu kinh nghiệm hơn mỗi khi chuyển đổi nhiệm kỳ hiệu trưởng.

Khi các cơ sở giáo dục đại học không thể “tự chủ” thì quan hệ “xin, cho” mặc nhiên hình thành, và điều đó tất yếu dẫn đến tiêu cực.

Một điểm sáng về việc thực hiện quyền tự chủ đại học

Ngoài các ví dụ về khó khăn khi thực hiện quyền tự chủ về học thuật như đã nêu trên đây, chúng tôi cũng xin dẫn một trường hợp mà quyền tự chủ đại học được phát huy có hiệu quả.

Khi thực hiện dự án nghiên cứu để xây dựng Quy hoạch tổng thể cho giáo dục đại học nước ta vào năm 2012 [Master Plan …, 2012 ], chúng tôi có đi tìm hiểu về việc thực hiện cơ chế Hội đồng trường, một cơ chế được xem là cốt lõi để xây dựng một trường đại học tự chủ và dân chủ.

Trong khoảng mười trường đại học có hội đồng trường lúc ấy chúng tôi thấy duy nhất trường Đại học Tôn Đức Thắng áp dụng cơ chế này có hiệu quả, đặc biệt Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Tôn Đức Thắng chính là Chủ tịch Tổng Liên đoàn, không phải là một người nằm trong bộ máy của Hiệu trưởng và có vị thế thấp hơn hiệu trưởng.

Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng chính Hội đồng trường là chỗ dựa tốt cho Hiệu trưởng chứ không phải là trở ngại đối với hoạt động của hiệu trưởng như quan điểm của các trường khác.

Từ đầu năm 2015 Đại học Tôn Đức Thắng là một trong các cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở nước ta được Nhà nước trao quyền tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017.

Thời gian gần đây có hai sự kiện liên quan đến tự chủ học thuật của Đại học Tôn Đức Thắng.

Sự kiện thứ nhất là, theo dữ liệu của ISI Web of Science từ 2011 đến 2015 chất lượng nghiên cứu và công bố quốc tế thông qua tần số trích dẫn của Đại học Tôn Đức Thắng đã dẫn đầu các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu nước ta (tính trung bình, mỗi công trình của TDTU được trích dẫn 5.38 lần) [Nguyễn Văn Tuấn, 2015].

Sự kiện thứ hai là Đại học Tôn Đức Thắng đã tự thực hiện thành công việc phong chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư trong nội bộ nhà trường theo một quy trình rất chặt chẽ và minh bạch.

Việc áp dụng thành công cơ chế Hội đồng trường với các sự kiện về thành tích nghiên cứu khoa học và về thành công của quy trình tự chủ phong chức danh học thuật của Đại học Tôn Đức Thắng rõ ràng là có liên quan với nhau.

Đó chính là minh chứng cho sự vận dụng thành công cơ chế tự chủ đại học của Đại học Tôn Đức Thắng, một điểm sáng của các cơ sở giáo dục đại học nước ta.

Có thể nói: nơi nào lãnh đạo của cơ sở giáo dục đại học nắm vững và vận hành tốt các cơ chế tự chủ đại học thì nơi đó các hoạt động của nhà trường có khả năng thành công cao.

4. Vài kết luận và khuyến nghị

Sau khi trình bày và phân tích một số ví dụ về hiện trạng thực hiện tự chủ học thuật trong một số cơ sở giáo dục đại học nước ta, chúng tôi xin nêu một vài khuyến nghị sau đây:

- Để đảm bảo thực hiện được tự chủ về học thuật, ngoài chủ trương chung về trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, cần có hệ thống văn pháp quy rõ ràng và có tính khả thi, để cơ sở giáo dục đại học có thể thực hiện được và các bộ phận quản lý nhà nước dễ dàng giám sát.

Cần giảm bớt các quy định “trình, bẩm” dẫn đến cơ chế “xin, cho” là lý do trực tiếp tạo nên tiêu cực.

- Cả phía các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học đều cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là quản lý về học thuật, đội ngũ này nên được đào tạo từ lĩnh vực quản lý giáo dục đại học tương ứng và đã kinh qua hoạt động ở trường đại học.

- Đối với giáo dục đại học nước ta, mô hình quản trị và quản lý dựa vào “quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình” dù sao vẫn là một mô hình mới, do đó để thực hiện tốt cần tổ chức nhiều khóa tập huấn, trao đổi, nhằm tháo gỡ các khó khăn và phổ biến những kinh nghiệm thành công.

TÀI LIỆU DẪN

1. Lâm Quang Thiệp, 2014. “Hệ thống quản trị và quản lý thích hợp cho Giáo dục Đại học Việt Nam”, Hội thảo “Vietnam Education Dialogue: Higher Education Reforms”, Tp. Hồ Chí Minh, 31/7 – 1/8 năm 2014.

2. Kemal Gurus, 2011. “University Autanomy and Academic Freedom: A Historial Perspective”,trong “International Higher Education”, No 63, Spring 2011.

3. Philip G. Altbach, 2011. “Academic Freedom: International Warning Signs”, trong “International Higher Education”, No 24, Summer 2011.

4. Master Plan for Vietnam’s Higher Education System, 2012, “The Second Higher Education Project”, WB Credit VN4328, 2012.

5. Nguyễn Văn Tuấn, 2015. “Chất lượng khoa học của vài đại học Việt Nam”,

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2015/10/chat-luong-khoa-hoc-cua-vai-ai-hoc-vn.html#more

Ngày 13/6/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kết hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy về quản lý Nhà nước với giáo dục đại học Việt Nam” tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cuộc tọa đàm quy tụ gần 100 nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học đặt dưới sự đồng chủ trì của Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam và Giáo sư Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông.

Tọa đàm khoa học đã nhận được trên 20 báo cáo tham luận về tự chủ đại học, vai trò cũng như chức năng của Hội đồng trường trong mối quan hệ với Đảng ủy, Ban giám hiệu và cơ quan quản lý trực tiếp...Phát biểu trực tiếp tại Tọa đàm có nhiều ý kiến tham luận sâu sắc về vấn đề bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản, từ chủ trương nghị quyết, quy phạm pháp luật đến thực tiễn.

Được sự đồng ý của Giáo sư Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Phương Đông, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam lần lượt đăng tải các bản tham luận tại Tọa đàm này để cung cấp thêm thông tin đến bạn đọc quan tâm. Nội dung, văn phong tham luận thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp