Nếu Bộ bắt nghỉ hè giống trường công, phụ huynh tư thục không biết gửi con ở đâu

04/07/2020 06:07
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu Bộ yêu cầu các trường tư chỉ được nhập học từ đầu tháng 9, tức là các cháu nghỉ hè 3 tháng thì gây khó khăn cho bố mẹ về việc sắp xếp thời gian để quản lý

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, thay thế cho Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT đã áp dụng từ năm học 2017-2018.

Theo đó, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 05/9/2020; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 01/9/2020.

Đối với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT cho phù hợp hơn.

Riêng năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với Sở Giáo dục và Đào tạo về thời gian tập trung học sinh đến trường, tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn.

Lý do được Bộ đưa ra là, những năm gần đây, các địa phương thường tổ chức tựu trường đầu tháng 8, điều này làm ảnh hưởng tới thời gian nghỉ hè của học sinh và giáo viên.

Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học sinh phải học chính khóa trong thời gian hè, thời gian nghỉ hè chỉ còn 1,5 tháng, vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương không được tựu trường trước ngày 1/9 để đảm bảo thời gian nghỉ hè cho học sinh và giáo viên.

Trong thời gian trước khai giảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tuân thủ nghiêm túc việc không dạy học trước chương trình. Đây là tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt của lãnh đạo Bộ.

Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở giáo dục vi phạm quy định này. Các trường dành tuần đầu tiên của năm học mới để thực hiện các hoạt động đầu năm học theo hướng dẫn của Bộ.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cứng về thời gian tựu trường như vậy nhiều người cho rằng chỉ phù hợp với khối trường công lập còn hệ thống tư thục được thỏa thuận với phụ huynh thì nên giữ một năm học kéo dài 10 tháng như hiện nay, bởi lẽ nhiều phụ huynh trường tư thục cảm thấy rất khó khăn khi con được nghỉ hè 3 tháng liền.

Ảnh minh họa: Hằng Ngần/ giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: Hằng Ngần/ giaoduc.net.vn

Theo ghi nhận của phóng viên Giáo dục Việt Nam, chị Tuyết Mai (phụ huynh tại Hà Đông, Hà Nội) hiện đang có 3 con đều đang theo học trường tư thục cho rằng:

“Khi phụ huynh chọn trường tư để gửi gắm con cái mình là đã tìm đến sự khác biệt trong cách giáo dục con cái, chúng tôi mong con được tăng cường kỹ năng như học võ, vẽ, âm nhạc, bơi….và ôn tập, bồi dưỡng tiếng Anh phù hợp với nhu cầu”.

Mà thời gian học 9 tháng ở trường chỉ đủ để các con học tập theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn lại tháng 8 tựu trường để các con tăng cường các kỹ năng, chứ chắc chắn không trường tư nào “gan to” tới mức lại dạy trước chương trình.

Nay nếu Bộ yêu cầu các nhà trường chỉ được nhập học từ đầu tháng 9, tức là các cháu nghỉ hè tròn 3 tháng thì gây khó khăn cho bố mẹ về việc sắp xếp thời gian để quản lý, chăm sóc con cái.

Nhìn vào thực tế từ việc các con nghỉ phòng dịch Covid-19 kéo dài 3 tháng đã gây xáo trộn không biết bao nhiêu gia đình và nhà chị Mai không ngoại lệ.

Chị Tuyết Mai kể, nhà chị chỉ còn ông bà ngoại nhưng ông bà ở quê và đang phải chăm sóc cháu nhỏ, do đó không thể gửi con về để ông bà trông giúp trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm mà con đang ở độ tuổi tiền dậy thì và dậy thì (lớp 4, lớp 5 và lớp 8) nên khi các con tự ở nhà trông nhà thì vợ chồng chị không hề yên tâm.

Đó là chưa kể bạn học lớp 5 rất “mê” game, nếu để không có sự giám sát của người lớn thì ắt hẳn sẽ thành “nghiện” game.

Do đó, chị Mai cho rằng việc để học sinh được tựu trường từ tháng 8 là phù hợp bởi lẽ phụ huynh yên tâm khi gửi con đến trường vừa đảm bảo an toàn mà các con lại được tăng cường nhiều kỹ năng, được làm thí nghiệm để hiểu về thực tế thay vì chỉ cầm điện thoại, chơi game khi ở nhà.

Ngoài ra, nhìn nhận từ góc độ phụ huynh, chị Mai nhận thấy, nếu trường tư mà nghỉ hè tròn 3 tháng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của nhà trường khiến thu nhập của các thầy cô sẽ bị giảm, vậy còn ai muốn gắn bó với trường nữa.

“Hãy cứ để một năm học được kéo dài 10 tháng như hiện nay đối với hệ thống trường tư thục là thuận tiện đôi đường, vừa tốt cho phụ huynh, vừa tốt cho nhà trường”, chị Mai chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến của chị Tuyết Mai, chị Ánh Hồng (Thanh Oai, Hà Nội) hiện đang có 2 con học tiểu học và một bé mới sinh, chị làm kinh doanh tự do nên chủ động về mặt thời gian tuy nhiên cảm thấy stress, thậm chí phát “điên” vì 3 tháng Covid-19.

Chị Hồng kể: “Khi tôi bận chăm đứa bé ngủ thì 2 đứa lớn lấy điện thoại để chơi Tik Tok, bật tivi để xem đủ thứ. Lúc đó làm sao tôi kiểm soát hết được nên dù làm công việc tự do nhưng không thể quản lý hết được.

Thử hỏi, nếu giao cho ông bà thì làm sao ông bà biết được các “mánh” của bọn trẻ như chui vào chăn rồi trùm lên và nghịch điện thoại ở trong đó”.

Nhiều gia đình không có ai trông thì nhốt con ở nhà với 4 bức tường rồi gắn camera nhưng kỳ thực camera làm sao soi được đủ các ngóc ngách và như vậy thì bố mẹ làm sao tập trung làm việc nổi?.

Chính vì vậy, chị Hồng thừa nhận nghỉ 2 tháng hè để các con được đi du lịch với gia đình rồi về quê thăm ông bà 1-2 tuần là đủ chứ nếu nghỉ 3 tháng thì các con quen hết kiến thức và kỳ thực “tình cảm giữa bố mẹ và con cái sứt mẻ vì mắng quát con quá nhiều”.

Đó chưa kể những mất an toàn khi các con tự ở nhà trông nhau mà không có người lớn giám sát bởi có những nơi “kẻ xấu” qua mặt bảo vệ vào khu chung cư giả là người phun thuốc diệt muỗi, dán bình ga, nếu trẻ không có kỹ năng là mở cửa cho họ vào.

Lúc đó không biết chuyện gì sẽ xảy ra, rất nguy hiểm.

Trong khi đó nghỉ 2 tháng nhiều gia đình cũng cho con tham gia trại hè nọ, trại hè kia trong vài tuần, chứ có phải để con ở nhà đâu.

“Vậy cớ gì mà không gửi con tới trường để vừa được rèn giũa nề nếp, bổ túc kiến thức mà bố mẹ lại yên tâm để đi làm”, chị Hồng nghĩ.

Dưới góc độ một nhà quản lý, hiệu trưởng một trường tư thục trên địa bàn Hà Nội (đề nghị không nêu tên) cho rằng, có những phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh khối bản lề như khối 1 và khối 8, 9 lo lắng về nề nếp học của con sau đợt nghỉ dài vì Covid cũng như tiếp cận kiến thức năm tiếp theo.

Vì vậy, việc tạo điều kiện cho trường tư tổ chức bổ túc và bồi dưỡng ôn tập kiến thức cũ, đặc biệt trong năm nay là vô cùng quan trọng.

“Trường tôi những năm trước vẫn tựu trường vào tháng 8 nhưng không tổ chức dạy kiến thức mới mà tổ chức ôn tập và cho học sinh chơi thể thao, bơi lội, tham gia các câu lạc bộ với giáo viên nước ngoài để luyện tiếng Anh,.., hoàn toàn không dạy trước kiến thức vì vốn như vậy là trái quy định.

Bên cạnh đó, dù là mùa hè thì đa phần phụ huynh chỉ có một giai đoạn nhất định là muốn cho con nghỉ để đu lịch. Còn lại thì đa số phụ huynh không tổ chức được hoạt động cho con, nên sẽ gửi con về quê hoặc cho con đi trại hè.

Tùy mức học phí các trường nhưng đa phần chi phí trại hè sẽ cao hơn học phí chính khóa. Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương không gây áp lực cho học sinh trong giai đoạn hè và không dạy trước kiến thức.

Tuy nhiên, việc tựu trường tháng 8 tại các trường tư thục phục vụ nhiều kỹ năng cho các em. Lượng kiến thức là 35 tuần học tuy nhiên với những trường với hơn 20 sự kiện cấp trường mỗi năm và các chuyến giao lưu quốc tế thì việc đảm bảo 10 tháng hoạt động mỗi năm sẽ mang lại nhiều giá trị toàn diện hơn cho học sinh”,vị này nêu quan điểm.

Khoản 1, Điều 3, Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục nêu rõ:

“Trường phổ thông tư thục có nhiệm vụ và quyền hạn như trường công lập theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học; Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Quy chế về tổ chức và hoạt động của trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp tương ứng đối với mỗi cấp học (sau đây gọi tắt là Điều lệ trường phổ thông) trong việc thực hiện mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục và các quy định liên quan đến giảng dạy, học tập, thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ và các quy định của Quy chế này”.

Thùy Linh