Các trường đại học sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập

24/07/2020 11:42
Nguyễn Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc tiếp nhận du học sinh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn cho những sinh viên theo học ở nước ngoài.

Ngày 23/7, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập”.

Tham gia buổi tọa đàm có Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và đại diện một số trường đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Hà Nội...

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp tại nhiều nước trên thế giới và việc du học sinh ở Việt Nam khó có khả năng quay trở lại học tập ở nước ngoài trong thời gian tới, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những chính sách, văn bản hướng dẫn kịp thời đến các cơ sở giáo dục.

Tọa đàm “Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập”. Ảnh: Kim Anh
Tọa đàm “Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập”. Ảnh: Kim Anh

Ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã ký công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học về việc tiếp nhận các học sinh không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch Covid-19.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường triển khai thực hiện một số công việc liên quan đến tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế.

Bộ yêu cầu các trường xem xét, tiếp nhận các em có nhu cầu, có đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Đưa ra những phương án tiếp nhận du học sinh phù hợp nhất

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh 2 điểm chính mà các cơ sở giáo dục đại học cần chú ý đưa ra các phương án tiếp nhận lưu học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế.

Thứ nhất, phải xem xét cơ sở điều kiện từ phía cơ sở giáo dục đại học, trường phải có đủ năng lực đào tạo, vẫn còn chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với điều kiện tuyển sinh và các điều kiện đầu vào đối với sinh viên trong quá trình nhập học, tiếp nhận cũng không thấp hơn cái điều kiện nhập học thông thường của chương trình tương ứng.

Thứ hai, khi căn cứ vào chương trình đào tạo, vào nội dung cấu trúc và yêu cầu chuẩn đầu ra, căn cứ vào số tín chỉ cũng như kết quả học tập của các em sinh viên thì nhà trường có thể xem xét để chấp nhận một phần tín chỉ, các học phần phù hợp và do đó tiết kiệm được thời gian học tập của các em trong giai đoạn tới.

“Ngoài ra công văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh vào việc khuyến khích các trường rà soát phát triển các mạng lưới học tập quốc tế, tìm kiếm các đối tác nước ngoài tốt để tiếp tục phát triển các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài cũng như là các hình thức hợp tác giáo dục quốc tế khác mang lại lợi ích cho người học”, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy cho biết.

Bên cạnh đó, đại diện một số trường đại học cũng đưa ra một vài quan điểm về kế hoạch tiếp nhận du học sinh.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo – Phó trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có công văn chỉ đạo giao cho các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc xây dựng các chương trình chi tiết hơn.

Các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc công bố từng chương trình đào tạo, từng loại hình đào tạo để cho thí sinh trong cả nước cũng như sinh viên quốc tế có thể theo dõi cập nhật, hướng dẫn những thủ tục chi tiết, điều kiện từng chương trình đào tạo để các em có thể dễ dàng nắm bắt.

Thông tin về phương án của trường mình, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết:

“Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, tiếp nhận các lưu học sinh Việt Nam và nước ngoài để không bị gián đoạn học tập, bao gồm 12 chương trình tiếng Anh và 10 chương trình liên kết quốc tế giảng dạy với 4 ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Nhật.

Sinh viên có những hình thức thi tuyển đầu vào theo các chứng chỉ đánh giá năng lực hoặc là có thể chỉ học Bách khoa một thời gian hữu hạn nhận các chứng chỉ được hoàn thành”.

Thách thức và cơ hội lớn

Tại tọa đàm, đã có câu hỏi về vấn đề sinh viên được gia đình cho đi theo dạng tự túc, khi quay trở lại Việt Nam trong tình hình dịch bệnh Covid-19, có những trường hợp nào trượt trong kì thi đầu vào bây giờ có thể theo học theo các chương trình liên kết này được không.

Trả lời vấn về này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền – Trường phòng quản lý đào tạo Đại học Ngoại thương cho biết, điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội lựa chọn con đường du học tự túc, việc theo hình thức liên kết đào tạo không quá khó.

Với chương trình chính quy theo hình thức chuyển tiếp ngược, trước đây du học sinh Việt Nam thường học một vài năm tại Việt Nam sau đó đi chuyển tiếp tại nước ngoài, mơ ước đến tấm bằng đại học nước ngoài nhiều hơn bằng đại học trong nước.

Đó là nỗi lo mà Trường Đại học Ngoại thương phải đối diện nhiều năm bởi tinh thần "chuộng ngoại" vẫn rất cao của sinh viên.

Do vậy, tùy từng chương trình khác nhau, trường sẽ có điều kiện tiếp nhận các bạn du học sinh.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo – Phó trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, việc tiếp nhận du học sinh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, đây vừa là một thách thức và cũng tạo ra cơ hội lớn cho những sinh viên theo học tại nước ngoài.

Sinh viên có cơ hội nhìn nhận nền giáo dục đại học tại Việt Nam có những bước phát triển lớn mạnh trong thời gian qua.

Nếu sinh viên trải nghiệm 1 học kỳ hoặc là toàn bộ các chương trình đào tạo thì có thể thấy rằng giáo dục đại học trong nước có những trường đại học, chương trình đào tại Việt Nam sánh ngang, đạt được đẳng cấp quốc tế.

Nguyễn Kim Anh