Việt Nam là quốc gia điển hình tổ chức tốt kỳ thi trong COVID-19

14/08/2020 10:06
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Với tất cả những gì tôi biết, tôi nghĩ Việt Nam là quốc gia điển hình có thể tổ chức kỳ thi chất lượng cao trong điều kiện đại dịch khó khăn như hiện nay”.

Đại dịch thách thức thi cử trên thế giới

Ông Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định, các kỳ thi luôn xuất hiện trong tất cả các hệ thống giáo dục, nhằm tạo ra sự bình đẳng và công bằng.

Ông Andreas cho biết, các kỳ thi chứng nhận học sinh học được những gì và cho điểm những gì học sinh cần phải đảm bảo để đạt được vị trí học tập tốt nhất trong trường đại học, đồng thời giúp cho các cơ sở giáo dục tuyển lựa học sinh chất lượng.

“Tôi không ngạc nhiên khi hầu hết các hệ thống giáo dục có kết quả cao trong kì đánh giá PISA, bao gồm Việt Nam, dành nhiều ưu tiên cho các kỳ thi và chú trọng đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi”, ông Andreas nói.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã và đang là thách thức khiến học sinh ở nhiều quốc gia không thể tham dự kỳ thi vì lo ngại an toàn. Bên cạnh đó, các quốc gia phản ứng khá khác nhau về việc tổ chức kỳ thi.

Ông Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp)

Ông Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp)

Theo ông Andreas, một số quốc gia không tổ chức đủ các kỳ thi để đánh giá cho mọi học sinh. Điều này làm giảm giá trị công sức học tập chăm chỉ nhiều năm của học sinh và có thể khiến cho cả thế hệ đó bị chú ý khi đi làm.

Cũng có một số quốc gia đã lựa chọn hình thức thi tự làm tại nhà, trong đó đòi hỏi công nghệ rất tiên tiến và cơ chế giám sát hết sức phức tạp.

Có những quốc gia tổ chức kỳ thi dựa trên các câu hỏi nhanh, trên các cuộc thảo luận, trên diễn đàn, trên hồ sơ hoặc họ lấy điểm trung bình học bạ các năm học. Ông Andreas nhận định, điều này không công bằng với tất cả học sinh vì điểm số ở trường có thể bị gian lận.

Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã đưa ra phương án phù hợp

Trong bối cảnh đó, ở giai đọan 1, Việt Nam đã kiểm soát thành công sự lây lan của virus COVID-19 và ghi nhận 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong giai đoạn dịch bệnh, từ sau Tết, tất cả các cấp học ở Việt Nam bao gồm cả cấp trung học phổ thông đều đã thực hiện giảng dạy online. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các em học sinh đã trở lại học bình thường dù khung chương trình được chỉnh sửa đôi chút cho phù hợp với tình hình.

Các em học sinh trung học phổ thông đã kết thúc năm học để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, chính thời điểm đó dịch bệnh lại bùng phát trở lại. Việt Nam phát hiện người nhiễm bệnh mới tại Đà Nẵng.

Phân tích những thông tin trên, ông Ando Toshiki, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá: “Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã rất vất vả để đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của dịch bệnh”.

Theo ông Ando Toshiki, nếu chỉ xem xét về rủi ro lây nhiễm thì để giảm thiểu rủi ro, các hoạt động tập trung đông người sẽ không được lựa chọn. Nói cách khác, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ không được lựa chọn.

Tuy nhiên, kỳ thi này còn có nhiều yếu tố quan trọng là đánh giá kết quả học tập của học sinh, đánh giá kết quả của giáo dục bậc trung học phổ thông và là yếu tố xét tuyển đại học.

Theo đó, cách làm của Việt Nam là đưa ra giải pháp vừa đảm bảo an toàn cho thí sinh, vừa xây dựng phương án đảm bảo cơ hội bình đẳng cho tất cả thí sinh toàn quốc khi đều sẽ được dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Kỳ thi được chia 2 giai đoạn dành cho các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và các địa phương đang tạm khống chế được sự lây lan của dịch bệnh là phương án phù hợp.

Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ sự cảm kích tới quyết tâm và sự chuẩn bị của ngành Giáo dục Việt Nam và khẳng định: “Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức đã thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam, mà trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Sở Giáo dục và Đào tạo”.

Cảm kích nỗ lực của Việt Nam vì tương lai học sinh trung học phổ thông

Từ thực tiễn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ ngày 8-10/8 vừa qua, ông Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục của OECD đánh giá: “Việt Nam nằm trong số các quốc gia đã thành công với việc cân bằng điều kiện thi công bằng và điều kiện sức khỏe trong trường học”.

Công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Việt Nam đã cân bằng tốt giữa những điều quan trọng và những điều có thể.

“Với tất cả những gì tôi biết, tôi nghĩ Việt Nam là quốc gia điển hình có thể tổ chức kỳ thi chất lượng cao trong điều kiện đại dịch khó khăn như hiện nay”, ông Andreas Schleicher nhấn mạnh.

Nắm bắt các giải pháp cơ bản để hạn chế dịch bệnh COVID-19 ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông Ando Toshiki cho rằng, kỳ thi diễn ra nhờ sự hợp tác của rất nhiều cơ quan liên quan, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

Với cách tổ chức và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, ông Ando Toshiki đánh giá, về cơ bản kỳ thi đã được tổ chức tốt. Các bên đã hợp tác tích cực, dựa trên các giải pháp cẩn trọng tối đa, nhằm đảm bảo an toàn nhất có thể cho kỳ thi.

Theo Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, các trường và các giáo viên đã có những cải tiến tối đa trong dạy học để lứa học sinh năm nay có đầy đủ kiến thức cần thiết cho bản thân.

“Tôi rất cảm kích trước sự nỗ lực từ các cơ quan liên quan của Việt Nam vì tương lai học sinh trung học phổ thông - thế hệ trẻ Việt Nam”, ông Ando Toshiki Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ.

Thùy Linh