Bước vào năm học mới, trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện tình trạng khan hiếm sách giáo khoa lớp 6.
Không chỉ riêng hai thành phố lớn này mà các địa phương khác cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Anh Phan D., chủ một nhà sách ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Ngay từ đầu vụ sách 2020-2021 tôi đã đặt hàng sách giáo khoa lớp 6 theo số lượng như mọi năm nhưng không có đủ số lượng, hoặc không đủ bộ.
Tình trạng thiếu sách lớp 6 xảy ra diện rộng chứ không riêng gì địa phương mình. Nguyên nhân thiếu sách do nhà xuất bản in ít hơn mọi năm, hoặc công ty phát hành nhập về ít”.
Nguyên nhân nào dẫn đến thiếu sách lớp 6?
Ngày 10/6/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn thực hiện bồi dưỡng giáo viên và cung ứng sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 gửi các sở giáo dục và đào tạo; các nhà xuất bản, có sách giáo khoa lớp 1 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông [1].
Nhiều người cho rằng, các nhà xuất bản tập trung cung ứng sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 nên đã “quên” nhiệm vụ phải in sách giáo khoa lớp 6.
Tuy nhiên, nếu lấy công văn hướng dẫn thực hiện bồi dưỡng giáo viên và cung ứng sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 để giải thích thì khập khiễng, vì nếu vậy sẽ xảy ra thiếu sách giáo khoa ở lớp khác chứ không riêng gì lớp 6.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: “Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhu cầu mua sắm ở các địa phương có biến động so với mọi năm, giảm ở các vùng có dịch, tăng ở một số thành phố lớn.
Hiện chúng tôi đang gấp rút điều chuyển sách giữa các địa phương và khu vực, in bổ sung gấp để đáp ứng nhu cầu phát sinh, có đủ sách trong 1-2 ngày tới”. Như vậy nguyên nhân làm thiếu sách giáo khoa lớp 6 trên thị trường là do ... Covid-19!
Năm 2016, Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa cục bộ [2].
Năm 2017, Hà Tĩnh xảy ra việc thiếu sách giáo khoa, phụ huynh không thể mua được [3] trong khi lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn khẳng định đủ sách [4].
Năm 2018 Phú Quốc thiếu "sách giáo khoa" Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, cha mẹ học sinh chạy đôn chạy đáo khắp nơi không mua được. Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói do thẩm định không kịp [5].
Năm 2019, do thiếu sách giáo khoa lớp 6, nên một số phụ huynh phải mua sách cho con với giá “cắt cổ”, bộ sách giáo khoa lớp 6 năm nay được mời chào với giá 900.000 đồng! [6]
Theo lộ trình thay sách, năm học 2021-2022 sẽ thay sách giáo khoa chương trình mới của lớp 2 và lớp 6.
Theo một số người trong nghề nguyên nhân chính thiếu sách giáo khoa lớp 6 năm nay chính là tâm lý sợ tồn sách của nhà xuất bản và công ty phát hành sách.
Một chủ nhà sách xin giấu tên chia sẻ: “Trong nghề này (Nghề bán sách giáo khoa – người viết), chẳng thà thiếu hoặc vừa đủ sách thì ổn, còn dư ra đó là thành sách cũ, lỗ chết”.
Vậy năm học tới liệu có còn tái diễn tình trạng khan hiếm sách giáo khoa cục bộ hay không và lý do sau Covid-19 sẽ là gì?
Hình ảnh học sinh đọc sách tại Thư viện xanh của Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng (Ảnh: Sơn Quang Huyến) |
Nhưng hậu quả trước mắt thấy rõ là thiệt hại về kinh tế của phụ huynh, phía sau là mất niềm tin của phụ huynh vào ... giáo dục ngay từ đầu năm học.
Tặng sách giáo khoa cũ, lan tỏa sự tử tế
Một số trường học có phong trào tương thân, tương ái, giáo dục sự chia sẻ cho học sinh đã phát động phong trào tặng sách giáo khoa cũ cho bạn.
Đầu năm, Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng (Bà Rịa-Vũng Tàu) phát động phong trào giữ sách giáo khoa sạch đẹp. Cuối năm học, trường phát động phong trào tặng sách giáo khoa cho bạn.
Hàng năm phong trào “Tặng sách cũ cho bạn” của trường đã thu được hàng chục bộ sách mỗi khối tặng cho học sinh khó khăn, học sinh chưa có sách, nâng bước chân em tới trường.
Tặng sách cũ cho bạn, giáo dục học trò biết sẻ chia, sống có trách nhiệm, dần hình thành nhân cách của một người tử tế.
Thiếu sách giáo khoa, vấn đề kinh tế có thể dễ khắc phục, còn mất niềm tin với ngành giáo dục ngay từ đầu năm học thì rất khó lấy lại.
Vì vậy rất cần sự chỉ đạo của Bộ Gíao dục và Đào tạo để không xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa các lớp khi lộ trình thay sách mới chuẩn bị thực hiện.
Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã xã hội hóa việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa, nhưng nếu tình trạng bán độc quyền qua ngành dọc từ sở xuống phòng tới nhà trường, kèm theo các loại sách bổ trợ, vở bài tập, đồ dùng lên tới cả triệu bạc một bộ, thì e rằng "xã hội hóa" chẳng có ý nghĩa gì, ngoài việc chia miếng bánh độc quyền cho các nhà xuất bản.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.nxbgd.vn/bai-viet/tin-tuc/no-luc-dam-bao-du-sach-giao-khoa-trong-nam-hoc-moi-9849.htm?fbclid=IwAR0j3PLLSH4dZPX
[2]http://baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201608/sach-giao-khoa-khoi-lop-6-7-nam-hoc-2016-2017-thieu-sach-o-mot-so-mon-694771/
[3]https://bnews.vn/nam-hoc-2017-2018-ha-tinh-thieu-sach-giao-khoa-tieu-hoc/55872.html
[4]http://vinanet.vn/kinhte-taichinh/nam-hoc-2017-2018-dam-bao-du-sach-giao-khoa-cho-hoc-sinh-678493.html
[5]https://thanhnien.vn/giao-duc/nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-ly-giai-viec-thieu-sach-giao-khoa-lop-1-cong-nghe-994124.html
[6] https://thanhnien.vn/giao-duc/lai-tai-dien-tinh-trang-thieu-sgk-khi-sap-thay-sach-co-sach-het-gia-tren-troi-1277024.html