LTS: Học sinh trên cả nước chỉ mới bước vào tuần học thứ 3 của năm học 2020-2021 nhưng phụ huynh đã phải “gánh” những khoản phí từ hàng trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.
Khi bị phụ huynh phản ứng về việc lạm thu thì lãnh đạo nhà trường cũng tìm đủ cách để trốn tránh trách nhiệm.
Có nơi thì đổ lỗi cho giáo viên mới vào trường chưa rõ quy định, có nơi thì thừa nhận sai phạm nhưng cũng ậm ừ không trả lại tiền cho phụ huynh.
Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ có loạt bài phản ánh về tình trạng này tại nhiều trường học ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Những khoản tiền “trời ơi”
Khi năm học mới bắt đầu, nhiều phụ huynh đầu cấp (lớp 1) ở Trường tiểu học Lê Lợi (phường Phú Hội, thành phố Huế) đã choáng váng với nhiều khoản thu phí.
Phụ huynh trường tiểu học Lê Lợi (Huế) bức xúc bởi nhiều khoản thu đầu năm. Ảnh: TA |
Trong đó có nhiều khoản thu mang tên “tự nguyện” nhưng hầu như 100% học sinh đều phải nộp. Một phụ huynh phản ánh, các khoản phí nộp cho trường, lớp và tiền mua sách học đầu năm lên đến hơn 4,5 triệu đồng, đó là chưa tính tiền thuê bảo mẫu.
“Mỗi lớp có một cô bảo mẫu và được trả tiền công 2 triệu đồng/tháng để chăm các em ăn trưa, ngủ nghỉ khi học bán trú. Ngoài ra còn có một loạt khoản tiền áo quần, dụng cụ học tập nữa…”.
Bên cạnh những khoản tiền như: tiền tăng cường cơ sở vật chất bán trú, tiền gas, tiền vệ sinh…. thì có nhiều khoản tiền “trời ơi” khiến phụ huynh bức xúc.
Đó là tiền an ninh trật tự (50.000 đồng/học sinh) và tiền quỹ điều hòa dự phòng đối với học sinh khối 1 là 500.000 đồng/học sinh/5 năm.
“Dù đã nộp tiền phục vụ bán trú nhưng phụ huynh lại phải nộp thêm một khoản khác nữa là tiền vệ sinh bán trú.
Còn điều hoà nhà trường đã lắp đủ cho các phòng học nhưng vẫn thông báo thu thêm 500.000 đồng/học để làm quỹ dự phòng trong năm năm.
Trường giải thích rằng số tiền này dùng để bảo trì, sữa chửa nếu máy lạnh hư. Cuộc sống người dân đã khó khăn vì dịch bệnh, giờ thêm gánh nặng các khoản phí đầu năm thì càng khổ”, một phụ huynh ngao ngán.
Trong khi một phụ huynh lớp 1 khác của trường lại bức xúc vì khoản tiền điện điều hoà 245.000 đồng/học sinh.
Bởi theo lý giải của phụ huynh này thì tiền điện dùng điều hoà được đấu nối chung công tơ với hệ thống điện chiếu sáng của nhà trường.
Việc học sinh phải trả khoản tiền điện này thì ngân sách nhà nước cấp về cho các khoản này sẽ chi vào việc gì?
Thu cả tiền trực đánh trống
Một khoản thu khá lạ khác là "tiền trực đánh trống và vệ sinh lớp học" với mức thu học 150.000 đồng/học sinh được thông báo đến phụ huynh Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn (xã Đak Djrăng, Gia Lai).
Theo phản ánh của chị N.N.G. (có con học tại trường) thì khoản thu nói trên được hội phụ huynh nêu ra tại cuộc học đầu năm học mới 2020-2021.
“Việc đánh trống trường lâu nay được xem là nhiệm vụ của bảo vệ hoặc giáo viên phụ trách về đoàn, đội.
Còn việc vệ sinh lớp học thì học sinh vẫn làm bình thường theo nhóm, tổ ở mỗi lớp vì nó nhẹ nhàng, đơn giản.
Vậy tại sao nay lại thu thêm một khoản kinh phí để chi trả cho hai công việc trên, tôi thấy như vậy là vô lý”, chị G. phản ánh.
Theo lãnh đạo Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn thì nhà trường không yêu cầu thu hai khoản tiền nói trên mà do phụ huynh đòi đóng.
Về khoản thu tiền đánh trống thì vị lãnh đạo này cho rằng, đó không phải là công việc của bảo vệ vì nhân viên bảo vệ chỉ lo nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại trường và đảm bảo cơ sở vật chất.
Còn khoản thu phí vệ sinh thì nhà trường muốn học sinh làm để rèn luyện, biết công sức lao động nhưng phụ huynh vẫn đề xuất nộp một khoản phí để thuê người làm.
Hiện số tiền này dùng để thuê vợ của bảo vệ nhà trường làm công việc trực đánh trống và vệ sinh lớp học.
(Còn nữa)