Năm học mới, đừng nhìn đâu cũng chỉ thấy lạm thu

06/09/2020 06:12
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ có cái ghế ngồi cho học sinh, mà nhà trường lo mua không nổi, nên phải thu tới thu lui? Đây có phải là hành vi lạm thu và cố tình lạm thu hay không?

Nhân câu chuyện nhiều phụ huynh một trường trung học cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh bức xúc về việc nhà trường thu tới thu lui tiền ghế ngồi cho học sinh, có người còn đặt vấn đề:

Dù sân trường được lát gạch, học sinh vẫn phải có ghế ngồi (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Phan Tuyết)

Dù sân trường được lát gạch, học sinh vẫn phải có ghế ngồi (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Phan Tuyết)

Phải chăng, chỉ có cái ghế ngồi cho học sinh, mà nhà trường lo mua không nổi, nên phải thu tới thu lui? Đây có phải là hành vi lạm thu và cố tình lạm thu hay không?

Dưới góc nhìn của giáo viên hiện đang giảng dạy trong ngành giáo dục, chúng tôi sẽ phản ánh thực trạng, từ đó sẽ giúp bạn đọc trả lời vấn đề mà phụ huynh đã đặt ra.

Mua ghế chào cờ cho học sinh, chuyện không xảy ra ở một trường học

Hiện nhiều trường học trong cả nước vẫn đang thu tiền mua ghế ngồi cho học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10).

Ghế dùng ngồi chào cờ và trong các hoạt động ngoại khóa khác. Hiện các trường ngoài việc dạy học thì liên tục tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Bởi thế, ghế ngồi không thể thiếu vì học sinh không thể ngồi bệt xuống đất hay nền xi măng hoặc ngồi xổm như trước đây.

Nhưng vì sao chỉ học sinh đầu cấp mới phải đóng tiền mua ghế?

Chỉ học sinh đầu cấp mới phải đóng tiền mua ghế vì những học sinh khối lớp khác cũng đã đóng tiền mua ghế trước đó.

Sau mỗi năm học, nhà trường sẽ kiểm tra lại ghế ngồi của các em, bỏ đi những chiếc ghế gãy, nứt và bổ sung những chiếc ghế mới. Số lượng ghế ngồi bị thanh lý hàng năm không phải là ít vì có không ít học sinh chưa có ý thức giữ gìn nên ghế bị gãy, bị hư khá nhiều.

Thu tiền ghế học sinh đầu cấp cũng để mua thêm ghế mới bổ sung cho số lượng ghế đã hư trong năm học. Và cứ thế, năm học nào cũng học sinh đầu cấp vào trường cũng phải nộp khoản tiền để mua ghế.

Ghế có đáng bao nhiêu tiền (30 hoặc 40 ngàn đồng/cái) chẳng lẽ nhà trường không mua nổi hay sao”?

Nếu tính 40 ngàn đồng/cái ghế, trường có khoảng 200 học sinh đầu cấp (có những trường khoảng vài trăm em) thì số tiền nhà trường phải bỏ ra mua ghế cũng lên đến cả chục triệu đồng.

Số tiền này không thu phụ huynh thì lấy ở đâu ra? Chắc chắn chỉ còn lấy trong số tiền ngân sách mà nhà nước đã cấp cho nhà trường hoạt động trong năm học ấy.

Thế nhưng, tiền ngân sách mỗi địa phương cấp về trường mỗi khác, nơi cấp nhiều, nơi lại khá eo hẹp. Số tiền được cấp, nhà trường dùng để duy trì các hoạt động dạy và học thiết yếu.

Ví như, tại thị xã La Gi,tỉnh Bình Thuận một năm ngân sách cấp tiền hoạt động về cho các trường chỉ khoảng 160 triệu đến 180 triệu đồng/năm học.

Biết bao khoản phải chi hàng tháng như tiền điện, nước, internet, mua trang thiết bị dạy học, sách vở giảng dạy cho giáo viên, sách truyện, sửa chữa cơ sở vật chất, chi phần thưởng cho học sinh, chi tiền thưởng cho giáo viên, chi cho các hoạt động ngoại khóa…nếu chi tiêu không có kế hoạch sẽ thâm thụt ngân sách và mọi hoạt động của nhà trường sẽ bị ngưng trệ.

Nhưng nếu phải trích ra khoảng 10 triệu đồng để mua ghế ngồi, chắc chắn nhà trường phải bóp chặt các hoạt động khác. Và như thế, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của nhà trường.

Thu tiền mua ghế ngồi cho học sinh có phải hành vi lạm thu và cố tình lạm thu hay không?

Câu hỏi thu tiền mua ghế ngồi cho học sinh có phải hành vi lạm thu và cố tình lạm thu hay không?, chúng tôi khẳng định rằng hoàn toàn không phải hành vi lạm thu và cố tình lạm thu.

Đã có những trường phụ huynh không nộp tiền mua ghế nhưng các em phải mang ghế ở nhà đến trường. Mỗi em một mẫu, một màu cũng khó cho việc quản lý ghế ngồi giữa các lớp. Vì thế, phần lớn các trường thường chọn giải pháp phụ huynh nộp tiền, nhà trường mua ghế cho đồng bộ.

Tiền phụ huynh nộp mua ghế đang phục vụ chính quyền lợi của các em. Không phải lạm thu vì các trường học không dùng số tiền ấy để phục vụ mục đích khác hoặc hoàn toàn không phát hiện dấu hiệu tư túi ở đây.

Phan Tuyết