Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Câu lạc bộ các trường cao đẳng sư phạm (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho biết:
Sau khi thảo luận tại Hội nghị Câu lạc bộ các trường Cao đẳng sư phạm tổ chức tại Đắc Lắk vào ngày 8/10/2020, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, lãnh đạo của 14 trường đại diện cho các trường cao đẳng sư phạm cả nước đồng thuận kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành cùng các bộ, ngành liên quan một số nội dung. Bao gồm:
ảnh minh họa: Vietnam+ |
Một là, cần duy trì hệ thống trường sư phạm địa phương trên cơ sở quy hoạch, sắp xếp phù hợp với từng địa phương và có lộ trình tương ứng với việc ban hành hoặc sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Hai là, tiếp tục thực hiện việc phân cấp quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Mầm non, Tiểu học, trung học cơ sở cho các địa phương như từ trước đến nay, trong đó có nhiệm vụ của trường sư phạm địa phương trong việc đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; bồi dưỡng cấp chứng chỉ công nghệ thông tin, ngoại ngữ.
Ba là, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương quy định, hướng dẫn thực hiện chuyển tiếp cho số sinh viên cao đẳng sư phạm đang đào tạo và tốt nghiệp trong các năm 2020, 2021 và 2022.
Các quy định chuyển tiếp theo hướng vừa đảm bảo quyền lợi cho người học, vừa tạo điều kiện cho các trường cao đẳng sư phạm hoạt động trong khi chờ Chính phủ sắp xếp, quy hoạch. Trước mắt là giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng ngành Sư phạm Mầm non cho các trường Cao đẳng Sư phạm phù hợp với nhu cầu của từng địa phương.
Bốn là, sớm ban hành Điều lệ trường Cao đẳng Sư phạm, các quy định về quản lý nhà nước đối với các trường cao đẳng sư phạm.
Năm là, mong muốn được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các trường cao đẳng sư phạm để đối thoại, giải đáp những kiến nghị, nguyện vọng của các trường.
Rõ ràng, cùng với nền giáo dục, sự tồn tại của trường sư phạm là tất yếu; củng cố, phát triển trường sư phạm vừa là điều kiện, vừa là mục tiêu của phát triển giáo dục. Trường Sư phạm là cơ sở đào tạo mang tính đặc thù nghề nghiệp cao, nên trường sư phạm cần phải có cơ chế quản lý riêng, được ưu tiên trong đầu tư, chế độ đãi ngộ.