Đổi mới chương trình, “quả bóng trách nhiệm” được đẩy về cho các thầy cô giáo?

10/11/2020 08:28
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thử đặt vấn đề, nếu không xảy ra sự cố sách Cánh Diều thì liệu có ai cho phép các thầy cô giáo được tự do lựa chọn ngữ liệu khác như thế không?

LTS: Xung quanh câu chuyện về chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới, nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ tiếp tục gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phân tích vấn đề này theo góc nhìn của ông. Để đảm bảo thông tin đến bạn đọc được khách quan, đa chiều, ngõ hầu làm sáng tỏ các vấn đề thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Tòa soạn trân trọng gửi tới quý bạn đọc bài viết này. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Những pha “chuyền bóng” điệu nghệ

Năm học 2020-2021 là năm chính thức áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo tinh thần “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục.

Tuy nhiên, chỉ sau khoảng hơn 1 tháng triển khai, nhiều thầy cô giáo cho rằng chương trình lớp 1 quá nặng, học sinh theo không kịp nhất là các cháu vì tuân thủ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà “không học chữ” trước.

Trước những ý kiến than phiền này, ngay lập tức các “chuyên gia” xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa cùng những người có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng thanh minh, cho rằng chương trình không nặng.

Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này, theo họ là do các thầy cô giáo không hiểu, không nắm vững chương trình giáo dục phổ thông mới; đang có sự “nhầm lẫn”, không phân biệt giữa chương trình với sách giáo khoa nói chung…

Giáo viên Hải Phòng dạy tập huấn theo sách giáo khoa lớp 1 mới. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên Hải Phòng dạy tập huấn theo sách giáo khoa lớp 1 mới. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Đặc biệt, từ sau khi sự cố sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều xảy ra đến nay, quan điểm trên rất thường xuyên mang ra để làm “bùa hộ mệnh”.

Song song đó là sự khẳng định, “chương trình giáo dục” mới có tính “pháp lệnh” còn sách giáo khoa chỉ đóng vai trò như liệu tham khảo cho giáo viên trong quá trình dạy học.

Tiện đà, một số “chuyên gia” và các nhà quản lý còn “chuyền” luôn quá bóng trách nhiệm sang các thầy cô giáo.

Không ít người còn tự ý “ban quyền” cho các thầy cô giáo trong việc chủ động chọn ngữ liệu, văn liệu liên quan đến những hạt sạn trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều trong khi chờ nhóm tác giả này chỉnh sửa và Hội đồng thẩm định lại (chỉ là không biết đến bao giờ công việc chỉnh sửa này mới xong) như cách ông Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh đã phát biểu mới đây:

“Nội dung bài học nặng hay nhẹ là hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên, bởi giáo viên có quyền tổ chức phương án, hoạt động dạy học sao cho phù hợp với năng lực học sinh cũng như điều kiện của trường lớp.

Giáo viên được quyền lựa chọn tài liệu dạy học, có thể chọn dạy học trong sách giáo khoa, các tài liệu bên ngoài và cả những bộ sách khác.

Trên thực tế, sách giáo khoa chỉ là một trong những phương án dạy học. Nếu nội dung bài học trong sách giáo khoa chưa phù hợp, giáo viên có thể tìm tư liệu dạy học ở những nguồn tài liệu khác nhau. Giáo viên có quyền phân bố nội dung dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi lớp, mỗi trường, mỗi địa phương…” [1]

Bao biện, nói lấy được, đặt giáo viên vào sự đã rồi…

Chân thành và nghiêm túc mà nói, phát biểu trên của ông Nguyễn Văn Khánh không hẳn đã sai.

Tuy vậy, tại sao tôi cho rằng phát biểu này của ông Khánh và một số vị khác trong thời điểm hiện nay là sự bao biện, nói lấy được, nhất đặt các thầy cô giáo phổ thông vào chuyện đã rồi hơn là vì trách nhiệm của bản thân trước chủ trương lớn của đất nước?

Hay nói khác đi, những gì ông Khánh nói tuy đúng nhưng tiếc thay lại không “trúng”.

Có mấy vấn đề sau đây:

Thứ nhất, trong 2 năm qua kể từ khi chương trình giáo dục phổ thông mới được chính thức thông qua thì các vị đã làm gì nhất là công tác tập huấn cho giáo viên các cấp trên toàn quốc? Và công tác này được triển khai như thế nào? Kết quả ra sao để hôm nay bảo rằng giáo viên không hiểu và phân biệt sự khác nhau giữa chương trình và sách giáo khoa?

Ngoài ra, trong cái nhìn tổng thể của việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, xin được hỏi thời gian qua các vị đã làm gì để cụ thể hóa vấn đề này như một sự chuẩn bị dài hạn liên quan với vấn đề đào tạo giáo viên phổ thông ở các trường đại học?

Đã có trường đại học sư phạm nào trên cả nước thiết kế hay điều chỉnh lại chương trình đào tạo giáo viên phổ thông các cấp nhằm phục vụ cho tinh thần đổi mới chương trình và sách giáo khoa lần này chưa?

Thứ hai, đế hôm nay các vị mớikhẳng định chương trình quan trọng hơn sách giáo khoa nhưng ngay khi có kết quả báo cáo việc thực nghiệm chương trình, bản thân tôi đã gửi đến Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết 3 vấn đề phản biện nhưng không ai lên tiếng trả lời.

Quan trọng nhất, tôi từng đặt vấn đề mục tiêu của chương trình giáo dục lần này là chuyển trọng tâm từ việc “truyền đạt kiến thức sang phát triển kỹ năng, phẩm chất”, thế thì, cơ sở khoa học nào để ban soạn thảo và phát triển chương trình khẳng định kết quả thực nghiệm chương trình “rất thành công” và “không có thất bại”?

Bởi lẽ, việc thực nghiệm chương trình theo tôi biết chỉ tổ chức cho các thầy cô giáo dạy thử chứ hoàn toàn không có việc kểm tra, đánh giá khả năng tiếp thu và vận dụng từ phía học sinh? [2].

Đặc biệt, như nhiều giáo viên đã lên tiếng, để kiểm chứng và đảm bảo mục tiêu dạy học phát triển kỹ năng và phẩm chất theo chương trình mới thì cần áp dụng các phương pháp dạy học mới nào?

Phương thức, công cụ để đánh giá, kiểm tra kỹ năng và phẩm chất của học sinh ở từng môn học, cấp học ra sao?

Thứ ba, đến hôm nay các vị mới nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính pháp lệnh của chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa chỉ là tài liệu phục vụ nhằm cụ thể hóa chương trình, vậy mà, trước đó, ngay khi chương trình còn chưa được phê duyệt thì các vị đã ký hợp đồng viết sách giáo khoa với các nhà xuất bản? Và sau khi chương trình được phê duyệt thì gần như không còn trách nhiệm gì nữa?

Sách giáo khoa không quan trọng bằng chương trình giáo dục vậy mà các nhà xuất bản trong khi tiếp cận với các địa phương bằng thái độ cạnh tranh không lành mạnh như lời phàn nàn của ông Nguyễn Minh Thuyết? [3]

Không những vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn rất chặt chẽ trong việc ban hành quy định liên quan đến việc thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia về sách giáo khoa?

Và nhất là quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất bản tiếp cận với các địa phương hơn là giúp cho các trường nhất là các thầy cô giáo có thời gian nghiên cứu, lựa chọn bộ sách tốt nhất để dạy học?

Cuối cùng, tại sao đến giờ phút này các vị mới đồng loạt lên tiếng và nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông so với sách giáo khoa?

Nhất là sau khi dư luận phát hiện bộ sách sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều là một thảm họa thì mới lớn tiếng yêu cầu, cho phép các thầy cô giáo được quyền chọn và thay thế ngữ liệu, văn liệu để dạy học?

Thử đặt vấn đề, nếu không xảy ra sự cố sách Cánh Diều thì liệu có ai cho phép các thầy cô giáo được tự do như thế không?

Khi các vị bảo “giáo viên được quyền lựa chọn tài liệu dạy học, có thể chọn dạy học trong sách giáo khoa, các tài liệu bên ngoài và cả những bộ sách khác; nguồn tài liệu khác nhau..”, vậy xin hỏi, về phương diện pháp lý và quản lý hành chính Nhà nước về giáo dục, văn bản nào cho phép giáo viên tự do làm chuyện này?

Trong khi đó, để triển khai và áp dụng sách giáo khoa mới kể từ năm học 2020, theo Thông tư số 25 về việc lựa chọn sách giáo khoa phổ thông được Bộ ban hành ngày 26/8/2020 thì đến ngay cả các trường phổ thông cũng không hoàn toàn có quyền lựa chọn nói chi là các thầy cô giáo. Bởi, theo Thông tư 25, việc lựa chọn này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Theo đó, người đứng đầu các Hội đồng chọn sách là đại diện lãnh đạo Sở giáo dục địa phương; các thầy cô giáo phổ thông nhìn chung và về cơ bản chỉ được đóng góp ý kiến qua “kênh” tổ trưởng Bộ môn và Ban giám hiệu nơi họ công tác.

Từ đây, xin hỏi hiện tại các trường lựa chọn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều nhưng bộ sách này đang xảy ra sự cố, vậy các thầy cô giáo có thể lên mạng xã hội chọn và lấy ngữ liệu để về làm tài liệu giảng dạy không? Như vậy, có vi phạm pháp luật không?

Hay nếu nói sách giáo khoa không quan trọng bằng chương trình thì tại sao Bộ Giáo dục không ra quyết định thu hồi sách Cánh Diều để các thầy cô giáo chuyển sang chọn ngữ liệu văn liệu ở các nguồn khác, bộ sách khác?

Tại sao Bộ Giáo dục không chọn giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thầy cô giáo hoàn thành nhiệm vụ của mình; nhất là vì tương lai của các cháu học sinh mà lại chọn giải pháp tạo điều kiện cho nhóm tác giả bộ sách Cánh Diều?

Thay lời kết

Theo quy định và lộ trình thì vấn đề đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới được thực hiện theo kiểu “cuốn chiếu”.

Điều này có nghĩa, ngoài việc tập huấn để nắm vững chương trình và nghiên cứu các bộ sách giáo khoa mới, các thầy cô giáo còn phải hoàn thành công tác giảng dạy của mình theo chương trình và sách giáo khoa cũ ở những lớp mà họ được phân công.

Đó là chưa kể đến những công việc liên quan đến sự vụ hành chính, hồ sơ, sổ sách hay các phong trào thi đua khác của ngành giáo dục…

Nói khác đi, trong bước chuyển tiếp này, các thầy cô giáo hiện nay phải đảm đương một khối lượng công việc cực lớn. Chứ không như các chuyên gia, xây dựng chương trình xong thì bắt tay vào viết sách giáo khoa.

Xong việc thì nhận tiền và hết trách nhiệm, các thầy cô giáo phải hàng ngày sống chết với những sản phẩm do các chuyên gia tạo ra.

Như giờ đây, khi sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều xảy ra sự cố thì các thầy cô giáo phải lãnh đủ.

Các “chuyên gia”, các nhà quản lý giáo dục có tầm nhìn và trách nhiệm nhất định phải nhìn thấy vấn đề trên và có những tính toán nhằm vạch ra một lộ trình thay đổi khoa học và phù hợp nhất để chia sẻ gánh nặng với các thầy cô giáo.

Và trách nhiệm này trước hết là thuộc về chính các chuyên gia, các nhà quản lý chứ không phải các thầy cô giáo ở phổ thông.

Không ai phủ nhận vai trò tối quan trọng của người giáo viên trong hoạt động dạy học. Tuy nhiên, dù cho nói thật mất lòng cũng phải nói rằng, “vị thế” của các thầy cô giáo phổ thông trong toàn bộ “quy trình” và bộ máy hành chính giáo dục nước nhà hiện nay trên thực tế, chỉ là “hữu danh vô thực”, “có tiếng mà không có miếng”…

Thế nên, các nhà quản lý, các chuyên gia xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa nếu vì lo sợ việc đổi mới giáo dục lần này không thành công mà đổ hết trách nhiệm cho các thầy cô giáo ở phổ thông thì theo tôi không những phiến diện mà còn rất vô cảm!

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chuong-trinh-moi-kho-thanh-cong-neu-giao-vien-van-le-thuoc-vao-sach-giao-khoa-post213408.gd

[2]: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cau-hoi-nha-giao-gui-tong-chu-bien-co-so-nao-khang-dinh-thuc-nghiem-thanh-cong-post185937.gd

[3]: https://ngaynay.vn/giao-duc/gs-nguyen-minh-thuyet-co-nhung-chuyen-khong-hay-lam-trong-canh-tranh-sach-giao-khoa-180235.html

Nguyễn Trọng Bình