Nghị lực phi thường của thầy giáo ngồi xe lăn

20/11/2020 10:07
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vụ tai nạn đã cướp đi đôi chân của thầy giáo trẻ vĩnh viễn nhưng không thể dập tắt được nhiệt huyết của thầy với sự nghiệp trồng người.

Đó là câu chuyện về thầy giáo Thái Thành Thuận (sinh năm 1979), giáo viên Trường Trung học cơ sở Tam Bình (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) – một trong 183 nhà giáo tiêu biểu được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh năm 2020.

Ba năm qua, hình ảnh người thầy ngồi trên chiếc xe lăn ngày ngày tới trường dạy học đã khắc sâu vào tâm trí của bao thế hệ học trò Trường Trung học cơ sở Tam Bình. Đó là người thầy đặc biệt, với nghị lực phi thường, luôn tràn đầy nhiệt huyết, yêu thương học trò bằng cả trái tim.

Đã có giây phút tôi muốn tự giải thoát cho mình

Tháng 10 năm 2001, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang (nay là Trường Đại học Tiền Giang), thầy Thái Thành Thuận được phân công về dạy học tại Trường Trung học cơ sở Tam Bình trong niềm hân hoan, hạnh phúc.

Với nhiệt huyết dành cho công việc, thầy luôn nhận được tình cảm yêu mến của học trò. Nhiều năm liền, thầy được công nhận là giáo viên dạy giỏi, trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của trường đạt thành tích cao.

Thế nhưng một biến cố bất ngờ ập tới vào tháng 5 năm 2016 đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của thầy Thuận. Trong lúc giúp hàng xóm chặt nhánh cây trên cao, thầy Thuận không may bị ngã vào dây điện, bị điện giật rồi rơi xuống mép đường tự độ cao khoảng 7 mét.

Thầy Thuận kể lại: “Tôi bị gãy hai đốt sống lưng, bị dập tủy và liệt dây thần kinh tủy sống, phải nằm điều trị tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh 1 tháng, sau đó chuyển qua điều trị vật lý trị liệu tại bệnh viện phục hồi chức năng 5 tháng”.

Từ một người khỏe mạnh bình thường, đang có cuộc sống êm đềm, hạnh phúc, thầy Thuận bỗng trở thành người tàn tật. Dù đã kiên trì tập luyện suốt một thời gian dài, nhưng vĩnh viễn thầy không còn khả năng đứng lên, đi lại bằng đôi chân của mình.

“Tôi sụp đổ hoàn toàn, đó là những tháng ngày chỉ có cảm giác nặng nề, u uất, đau đớn, dằn vặt. Trước khi xảy ra tai nạn, mình có tất cả mọi thứ, một gia đình nhỏ hạnh phúc, công việc tiến triển thuận lợi, biết bao điều tốt đẹp đang chờ đón.

Nhưng tai nạn đó đã làm đảo lộn tất cả, có lúc mình đã nghĩ rằng với đôi chân tàn phế này thì chỉ là gánh nặng cho vợ con, hay là mình tự giải thoát cho rồi! Mình tự kết thúc cuộc đời mình đi”, thầy Thuận nghẹn ngào khi nhớ lại khoảng thời gian đó.

Thầy giáo Thái Thành Thuận xúc động đón nhận sự chia sẻ, động viên từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ trong buổi lễ vinh danh Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2020 (Ảnh: Phạm Minh)

Thầy giáo Thái Thành Thuận xúc động đón nhận sự chia sẻ, động viên từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ trong buổi lễ vinh danh Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2020 (Ảnh: Phạm Minh)

Suy nghĩ ấy tưởng chỉ thoáng vụt qua thôi nhưng cứ lặp đi lặp lại nhiều ngày. Những cuộc đấu tranh tư tưởng, sự giằng xé trong tâm can là thứ đáng sợ nhất, nó giày vò và hành hạ tâm hồn yếu đuối đang đứng bên bờ vực thẳm với những đau khổ, dằn vặt, những cảm xúc day dứt, xót xa cho số phận của mình.

Cái suy nghĩ muốn ra đi, muốn từ bỏ, không muốn là gánh nặng của gia đình lại bị kéo lại bởi cảm giác bất an chẳng thể yên lòng: “Nếu ra đi, rồi vợ con, người thân sẽ sống ra sao”?

Những ngày tập vật lý trị liệu cũng là những ngày thầy Thuận được điều trị về tâm lý. Nhưng có lẽ, liều thuốc hiệu quả nhất để điều trị tâm lý, xoa dịu cảm xúc lại chính là tình yêu, sự chăm sóc tận tình của người vợ, là ánh mắt vô tư hồn nhiên của cậu con trai 3 tuổi, là sự quan tâm, sẻ chia, động viên của những người thân, bạn bè, đồng nghiệp và của biết bao thế hệ học trò.

Thầy Thuận tiếp tục trải lòng: “Tình yêu thương của mọi người đã khiến mình nghĩ lại, nếu tìm đến cái chết thì tức là mình quá ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Nếu mình chết đi, người thân sẽ còn phải chịu đựng nỗi đau gấp ngàn lần nữa”.

Thời gian ở viện, khi đang ngồi xe lăn đi giữa hành lang, hai vợ chồng thầy chợt nghe thấy lời thở than nhói lòng của một người mẹ: “Biết bao giờ con trai tôi mới có thể ngồi dậy như thế”.

Câu nói ấy đã đánh thức và khơi gợi lại tình yêu cuộc sống trong trái tim thầy giáo trẻ.

Thầy Thuận chia sẻ: “Mình chợt nhận ra, xung quanh mình, còn biết bao người chịu những thương tật nặng nề hơn, người thân đang cầu mong họ tỉnh lại và có thể ngồi dậy, dù chỉ là di chuyển trên chiếc xe lăn như mình.

Hóa ra mình còn may mắn lắm, cú ngã với độ cao 7m, rơi vào dòng điện trung thế, ngã xuống đường mà mình vẫn còn được ngồi đây, mình phải cảm ơn cuộc đời, mình phải sống và sống có ích”.

Thầy Thuận gửi gắm nguyện vọng với ngành Giáo dục, trao cơ hội cho những người thầy tàn tật nhưng luôn tâm huyết. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Thuận gửi gắm nguyện vọng với ngành Giáo dục, trao cơ hội cho những người thầy tàn tật nhưng luôn tâm huyết. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

"Hạnh phúc vỡ òa, tôi đã khóc như một đứa trẻ"

Sau 6 tháng điều trị tại viện, thầy Thái Thành Thuận trở về nhà. Mặc dù đã cởi bỏ những suy nghĩ tiêu cực nhưng khi cuộc đời gắn liền với chiếc xe lăn, không gian sống giới hạn trong bốn bức tường, những cảm giác nặng nề, buồn tủi lại chợt đến và bủa vây tâm trí thầy.

Xót xa hơn khi mỗi ngày thầy hoài niệm bên trang giáo án cũ, lật giở, đọc lại từng lá thư tay của học sinh gửi khi mình còn nằm viện. Trường lớp, bóng dáng học trò, bảng đen phấn trắng,... những điều gần gũi, thân thương nhất hôm nay sao quá xa vời.

Giữa lúc tràn ngập nỗi nhớ, thầy Thuận nhận lời nhắn gửi: “Các em học sinh vẫn đang đợi thầy về dạy”. Đó là những học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý từ năm trước được thầy chọn, các em đang đợi thầy trở lại.

Khát khao trở lại với nghề trỗi dậy mạnh mẽ trong trái tim đầy nhiệt huyết, thầy Thuận đã xin phép nhà trường cho mình được dạy học bồi dưỡng cho các em tại nhà.

Được chấp thuận, thầy đã dẫn dắt đội tuyển gặt hái thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi năm đó.

Cũng từ đây, thầy Thuận nuôi ước mong được trở lại trường, được sống với đam mê, sống với nhiệt huyết rực lửa dành cho nghề dạy học. Dù đôi chân tàn tật nhưng tình yêu nghề, tinh thần sẵn sàng cống hiến cho giáo dục trong thầy chưa bao giờ phai nhạt.

Thầy Thuận chia sẻ: “Tôi viết đơn gửi lên Ban giám hiệu trình bày nguyện vọng của mình và đề nghị xem xét cho mình được tiếp tục công tác.

Trước giờ, chưa có ai hoàn cảnh như tôi được chấp nhận dạy học, tôi biết sẽ khó lắm, nhưng tôi không từ bỏ. Sau 9 tháng kể từ ngày viết đơn, tôi mới được chấp nhận trở lại trường.

9 tháng đó là khoảng thời gian dài sống trong chờ đợi mỏi mòn, đã có lúc đồng nghiệp báo tin vui sắp được đi dạy nhưng cuối cùng lại chưa được xét duyệt, cứ hy vọng chờ đợi hết lần này đến lần khác.

Và rồi, ngày 24 tháng 11 năm 2017, thầy Hiệu trưởng gọi điện báo tin tôi đã được trở lại với nghề. Lúc ấy, tôi đã khóc như một đứa trẻ vì xúc động, hạnh phúc vỡ òa”.

Từng mốc thời gian đặc biệt ấy thầy giáo Thái Thành Thuận chưa bao giờ quên. Ngày 27/11/2017 là tiết dạy đầu tiên của thầy tại trường kể từ ngày xảy ra sự cố tai nạn.

“Đó là ngày mà giống như được ba mẹ sinh ra lần thứ hai, ngày hạnh phúc hơn cả thời gian mới ra trường dạy học. Ngày trở lại trường, tôi hồi hộp và xúc động trào nước mắt khi được các em học sinh ra tận cổng trường chờ đón, khi những người đồng nghiệp đang đứng đợi mình trong sân, khi bước vào lớp, các em vỗ tay khích lệ tinh thần. Đến bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn cảm xúc lâng lâng, giống như một giấc mơ…”, giọng thầy nghẹn lại và những giọt nước mắt lại trào ra.

Xin hãy trao cơ hội cho những người thầy tâm huyết

Chính tình yêu nghề đã tiếp thêm sức mạnh, mang đến nghị lực phi thường, đưa thầy Thuận trở lại với nghề giáo.

Thầy giáo dạy học ngồi trên chiếc xe lăn, đó là một hành trình nỗ lực của bản thân, cũng là kết quả từ tình yêu thương của mọi người dành cho thầy. Từ khi có ý định trở lại trường, thầy Thuận đã tìm hiểu để mua chiếc xe lăn chạy bằng điện để có thể chủ động di chuyển.

Một người bạn đã giúp thầy thiết kế tấm dụng cụ để thầy di chuyển lên bậc tam cấp trước những lớp học.

Nhà trường đã chuẩn bị riêng cho thầy một phòng dạy học đặc biệt, nơi đó có trang bị máy tính, máy chiếu, bảng phấn và không có bục giảng để thầy di chuyển dễ dàng. Học sinh đến tiết học của thầy Thuận sẽ tới căn phòng này để học tập.

“Tôi sẽ không bao giờ quên tình cảm của mọi người dành cho mình. Vợ tôi cũng là giáo viên cùng trường, người đã hi sinh, gánh vác, lo toan mọi thứ mà không một chút than phiền. Tôi vẫn lưu giữ những lá thư tay của học trò, trân trọng tình cảm mà các em dành cho thầy giáo.

Tôi càng biết ơn những đồng nghiệp, phụ huynh đã hết lòng giúp đỡ mình, có phụ huynh đã lên Phòng Giáo dục để xin cho tôi được trở lại trường dạy học”, thầy Thuận tâm sự.

Cô giáo Huỳnh Thị Thùy Trang – người vợ giàu tình yêu thương là hậu phương vững chắc cho thầy giáo Thái Thành Thuận (Ảnh: Phạm Minh)

Cô giáo Huỳnh Thị Thùy Trang – người vợ giàu tình yêu thương là hậu phương vững chắc cho thầy giáo Thái Thành Thuận (Ảnh: Phạm Minh)

Đặc biệt với thầy Thái Thành Thuận, quyết định từ cấp trên cho mình được trở lại tiếp tục gắn bó với nghề là một điều vô cùng ý nghĩa.

Thầy nói: “Cuộc gọi từ thầy Hiệu trưởng hôm ấy, quyết định cho phép tôi tiếp tục công việc thực sự đã làm thay đổi cuộc đời tôi.

Nếu không có quyết định đó, tôi không tưởng tượng được cuộc sống của mình sẽ ra sao, chắc tôi sẽ cuộn tròn mình lại, không đủ tự tin để nói chuyện, gặp gỡ mọi người. Tôi không thể sống một cuộc đời đúng nghĩa nếu không được dạy học”.

Cũng chính từ câu chuyện của mình, thầy Thái Thành Thuận gửi gắm tâm tư, nguyện vọng tha thiết đến lãnh đạo ngành Giáo dục, hãy trao cơ hội cho những thầy cô giáo tâm huyết, yêu nghề nếu không may họ gặp phải khiếm khuyết, tàn tật.

“Nếu người thầy vẫn khát khao được cống hiến, khát khao mang tri thức, tình yêu thương đến với học trò thì những khiếm khuyết trên cơ thể không bao giờ là rào cản đối với nghề dạy học. Ngành giáo dục hãy trao cho họ cơ hội được cống hiến và được sống cuộc đời có ích, có ý nghĩa”, Thầy Thuận chia sẻ.

Cũng như thầy Thuận, kiên trì chờ đợi cơ hội để được trở lại trường, thầy đã chứng minh cho mọi người thấy, một thầy giáo dù tàn tật vẫn có thể là một nhà giáo chân chính.

Với tình yêu thương của học trò, đồng nghiệp, với sự hỗ trợ của nhà trường, bao năm qua, thầy Thuận vẫn tới lớp trên chiếc xe lăn, thầy vẫn tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi của trường. Và thầy xứng đáng với danh hiệu “nhà giáo tiêu biểu toàn quốc”.

Trên trang Facebook cá nhân của thầy, nhiều em học sinh đã chia sẻ những tình cảm xúc động về người thầy của mình, trong đó có cả tâm sự của học sinh khóa đầu tiên thầy Thuận chủ nhiệm ngày mới ra trường.

20 năm qua, ngày hôm nay và ngày mai nữa, người thầy ấy vẫn đang miệt mài thắp sáng mơ ước cho các thế hệ học trò, truyền lửa nghề đến đồng nghiệp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục cao quý.

Phạm Minh