Các thông tin trong Kết luận điều tra vụ án "Giả mạo trong công tác" của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đang thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh- Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho biết, ông quan tâm đến 2 nội dung trong kết luận điều tra được các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh. Ảnh: Dân Việt |
Đó là với 193 người được trường Đại học Đông Đô cấp bằng khống, có 60 người đã sử dụng bằng. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng khống này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ...
Tiếp đó thông tin trong kết luận điều tra nêu, quá trình hoạt động, trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2. Tuy nhiên từ năm 2015, Bộ đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải đề án tuyển sinh của Đại học Đông Đô lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy ngành ngôn ngữ Anh.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho biết: "Đọc các thông tin trong kết luận điều tra được các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải, rõ ràng trách nhiệm trực tiếp của lãnh đạo, các cá nhân ở Vụ Kế hoạch Tài chính; Vụ Giáo dục Đại học và trách nhiệm cao nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vụ việc này khó có thể thoái thác.
Bởi, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa cấp phép cho Đại học Đông Đô được đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh mà thông tin về đề án tuyển sinh của trường này lại được đăng tải công khai trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, tôi chưa dám nói là có sự tiếp tay hay không nhưng rõ ràng, với các thông tin được đăng tải trên, người dân sẽ nghĩ là Đại học Đông Đô đã được cho phép đào tạo ngành này.
Các trường đại học công lập hay ngoài công lập thì vẫn phải tuân thủ các quy định pháp luật về giáo dục đại học và các quy định pháp luật liên quan. Các cơ quan bảo vệ pháp luật, ở đây là Bộ Giáo dục và Đào tạo, trực tiếp là 2 Vụ trên có trách nhiệm chính duy trì quản lý, giám sát giáo dục đại học với các cơ sở giáo dục".
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nói thêm, với các vi phạm tại trường Đại học Đông Đô, cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an đã và đang làm. Và cần sớm làm rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Vụ Kế hoạch tài chính; Vụ Giáo dục đại học trong việc đăng tải thông tin lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ; việc cấp bằng cho các sinh viên trong khi chưa hề được cấp phép đào tạo...
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cũng quan tâm đến một nội dung được nhắc đến trong kết luận điều tra là có 55 trường hợp sử dụng bằng khống này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ...
"Cơ quan chức năng đã xác định rõ thì các trường hợp này thì cần công khai. Ít nhất là thông báo đến cơ quan quản lý trực tiếp các cán bộ, công chức, viên chức này để xem các văn bằng này dùng vào những việc gì, từ đó có các biện pháp phù hợp.
Cá nhân tôi cho rằng, với những người mà sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của trường Đại học Đông Đô thì nên đưa ra khỏi tổ chức bộ máy nếu họ đang làm và giữ các vị trí trong các cơ quan, tổ chức. Bởi nguyên chuyện họ gian dối "mua" bằng để có thể tiến thân, giành được một vị trí công việc nào đó thì đã không đủ tư cách rồi.
Điều đó thể hiện họ không trung thực và cần sớm đưa ra đội ngũ khỏi cán bộ, công chức, viên chức. Bằng con đường gian dối để giành được vị trí công việc thì chắc chắn khó thể đem lại lợi ích cho đất nước ngoài việc họ bo bo lo cho lợi ích cá nhân mà thôi", đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nhấn mạnh.
.