Phòng giáo dục Ba Đình đối thoại về các khoản thu chi xã hội hóa trường học

30/11/2020 13:45
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đây là lần đầu tiên Phòng Giáo dục Ba Đình tổ chức cuộc đối thoại để lắng nghe và giải đáp nội dung về thu chi cho Hiệu trưởng và Trưởng ban đại diện phụ huynh.

Ngày 27/11 Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận với Hiệu trưởng và Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn quận về công tác thu, chi tài chính tại các trường năm học 2020-2021.

Đây là lần đầu tiên Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức một cuộc đối thoại để lắng nghe và giải đáp rõ các nội dung về thu chi cho Hiệu trưởng và Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh các trường trực thuộc.

Kết thúc cuộc đối thoại, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Đình - Lê Đức Thuận cho biết, nội dung đối thoại tập trung các vào các vấn đề nóng, mới, khó và các vấn đề mọi người cùng quan tâm như: Nâng cao chất lượng dạy học; Công tác tuyển sinh đầu cấp; Kĩ năng ứng xử của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường...

Thông qua cuộc đối thoại Phòng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị, những sáng kiến của Ban giám hiệu các nhà trường đồng thời tiếp nhận những kiến nghị hợp pháp, chính đáng của phụ huynh học sinh. Đồng thời, đây cũng là dịp tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo thu chi trong các trường học và cơ sở giáo dục đồng thời đánh giá tình hình thực trạng công tác thu – chi của các trường trong một vài năm gần đây.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Đình - Lê Đức Thuận trong buổi đối thoại (ảnh: NVCC)

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Đình - Lê Đức Thuận trong buổi đối thoại (ảnh: NVCC)

Được biết, tại cuộc đối thoại ông Lê Đức Thuận đã trả lời thẳng về các vấn đề nóng, bất cập được đại diện phụ huynh, các trường trên địa bàn nêu ý kiến.

Không thu tiền sử dụng điều hòa

Tại hội nghị, đại diện cha mẹ học sinh nhiều trường rất quan tâm là từ năm học 2020 – 2021, tiền điều hòa sẽ được Ủy ban nhân dân quận hỗ trợ. Vậy mức hỗ trợ là bao nhiêu và tính từ thời điểm nào?

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, công văn số 1742/UBND-GD&ĐT ngày 5/10 của Ủy ban nhân dân quận Ba Đình về chấp thuận các khoản thu, chi học phí và các khoản thu khác năm học 2020-2021 nêu rõ:

Không thu tiền sử dụng điều hòa các lớp năm học 2020-2021. Ủy ban nhân dân quận bố trí kinh phí hỗ trợ tiền điện điều hòa trong 2 tháng trên cơ sở số tiền điện điều hòa phát sinh tại đơn vị (lấy 2 tháng sử dụng nhiều nhất). Trên cơ sở số tiền điện thực tế phát sinh do sử dụng điều hòa các lớp năm học 2019-2020, các đơn vị dự kiến nhu cầu trong năm học 2020-2021 và xây dựng kinh phí trên trong dự toán năm 2021.

Song, nếu cha mẹ học sinh có mong muốn tự nguyện đóng góp một phần kinh phí thì phòng giáo dục và Đào tạo sẽ báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận.

Còn liên quan đến việc bắt buộc học sinh tham gia bảo hiểm y tế 100%, nếu không đạt thì sẽ đánh giá vào thi đua của nhà trường và giáo viên trong khi một số gia đình có điều kiện kinh tế đã tham gia cho con các gói bảo hiểm chăm sóc, khám sức khỏe của Manulife, Daichi… thì được Trưởng phòng giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình giải đáp:

Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và các biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế) quy định: Học sinh sinh viên là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế, do vậy:

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội có văn bản số 4445/UBND-KGVX ngày 14/9/2020 về việc tăng cường thực hiện bảo hiểm y tế học sinh sinh viên trên địa bàn Thành phố Hà Nội cũng đặt ra chỉ tiêu, yêu cầu thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế và đảm bảo 100% học sinh sinh viên tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; đưa chỉ tiêu tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế học sinh sinh viên là một tiêu chí đánh giá chất lượng, bình xét thi đua.

Ủy ban nhân dân quận Ba Đình có văn bản số 1347/UBND-BHXH ngày 11/8/2020 về việc thực hiện bảo hiểm y tế học sinh sinh viên năm học 2020-2021 cũng đặt ra chỉ tiêu, yêu cầu thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế và đảm bảo 100% học sinh sinh viên tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; đua chỉ tiêu tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế, học sinh sinh viên là một tiêu chí đánh giá chất lượng, bình xét thi đua.

Căn cứ vào văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố và Quận, ngày 07/9/2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận có văn bản số 102/PGDĐT ngày 7/9/2020 về thực hiện bảo hiểm y tế học sinh sinh viên năm học 2020-2021 là phù hợp với chỉ đạo của cấp trên, theo quy định của Luật.

Đại diện trường Tiểu học Kim Đồng đặt câu hỏi: Các khoản đầu tư thiết bị trường học như máy chiếu, loa... phụ huynh có được tự nguyện đóng góp hỗ trợ các con được không và làm như thế nào cho đúng để không gây ra việc có phụ huynh học sinh đóng góp xong vẫn viết đơn phản ánh không đúng với báo chí ?

Về câu hỏi này, ông Lê Đức Thuận cho rằng, Nhà trường thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 quy định về tài trợ cho các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các quy định khác có liên quan để khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, viện trợ, hỗ trợ giáo dục đào tạo.

Phòng Giáo dục và Đào tạo khi nhận được Kế hoạch vận động tài trợ của các trường gửi lên sẽ xem xét trong vòng 15 ngày có ý kiến trả lời (nếu chưa đủ điều kiện) hoặc phê duyệt (nếu đảm bảo các điều kiện, thủ tục theo qui định).

Các đơn vị lưu ý quy trình 8 bước mà liên phòng GDĐT-TCKH đã hướng dẫn tại Công văn số 1128 ngày 20/11/2018 để thực hiện đúng việc theo quy định, không để cha mẹ học sinh có thắc mắc, báo chí phản ánh việc làm sai quy định, chưa đúng quy trình.

Vì sao tiền học phẩm, trang bị ban đầu, bán trú, khoảng 10 năm gần đây không có sự thay đổi?

Trong khi đó, trường Mầm non Sao Mai băn khoăn: “Hàng năm đều có sự điều chỉnh các khoản thu theo quy định, vậy tại sao các khoản thu như: Tiền học phẩm, trang bị ban đầu, bán trú, khoảng 10 năm gần đây không có sự thay đổi, ngoài tiền học phí có tăng nhẹ?”.

Về nội dung này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho rằng, các khoản thu chi kèm theo mức thu - chi cho các hoạt động giáo dục ở các cơ sở giáo dục phải tuân thủ theo những qui định chung của Chính phủ, Bộ, Sở…; trong đó có căn cứ theo sự tăng giảm của thu nhập bình quân đầu người/ năm; theo lộ trình cải cách tiền lương của người lao động; theo tình hình giá cả thị trường… Việc tăng mức thu - chi đối với giáo dục luôn phải được cân nhắc ở từng đầu mục nội dung, không thể tăng đồng loạt và tăng cùng thời điểm.

Chỉ riêng việc tăng học phí, Ủy ban nhân dân thành phố (các địa phương) cũng luôn phải thận trọng, cân nhắc kĩ theo tình hình thực tế và có lộ trình rõ ràng. Cần có sự cân đối phù hợp giữa thu và chi cho phù hợp đối với từng hoàn cảnh, tình hình thực tế tại mỗi cơ sở giáo dục.

Cũng tại buổi đối thoại, trước nhiều ý kiến về việc thu, chi kinh phí hoạt động cho quỹ Ban phụ huynh cũng như công tác xã hội hóa giáo dục trong trường/lớp?

Trưởng phòng Lê Đức Thuận cho biết, căn cứ Thông tư số 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, quy định: Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ.

Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Lê Đức Thuận khẳng định, với nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Phòng Giáo dục và Đào tạo, đơn vị sẽ tham mưu, báo cáo tới Ủy ban nhân dân quận các vấn đề mà các phụ huynh, nhà trường còn cảm thấy khó khăn, vướng mắc để xem xét và giải quyết.

Về vấn đề theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh liệu có hạn chế sự phát huy của công tác xã hội hóa giáo dục và cũng hạn chế các lĩnh vực mà phụ huynh có thể tham gia với nhà trường trong việc đem lại những điều tốt đẹp cho học sinh?

Ông Thuận lý giải, qua theo dõi thực tế thì nội dung mà các đơn vị đề cập đúng là một vấn đề băn khoăn của Ban đại diện cha mẹ học sinh và tập thể phụ huynh học sinh ở nhiều trường học. Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu sâu hơn về ý kiến này để có ý kiến đề xuất với các cấp trên tiếp tục có những điều chỉnh trong văn bản hướng dẫn hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh cho phù hợp với tình hình đổi mới giáo dục và thực tế ở các cơ sở giáo dục hiện nay.

Tuy nhiên, trước khi có văn bản điều chỉnh của các Bộ, ban ngành thì Ban đại diện cha mẹ học sinh các Nhà trường vẫn thực hiện nghiêm theo Thông tư số 55 của của Bộ.

Thùy Linh