Nhìn lại nhiệm kỳ 2015 – 2019 cho thấy Hiệp hội đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ với tỉ lệ ước đạt 80-90%. Hiệp hội đã duy trì hoạt động thường xuyên, ngày càng được củng cố và phát triển, có bước trưởng thành về chất, có vị thế, vai trò và tạo được những ảnh hưởng tích cực nhất định đối với ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.
Nửa cuối nhiệm kỳ I, Hiệp hội đã tiến hành thành lập câu lạc bộ các khối trường. Sau đó các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt đều đặn. Thông qua việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, với chủ đề về chuyên môn, nghiệp vụ, đã tạo điều kiện gắn bó giữa các hội viên... Do vậy, hoạt động chung của Hiệp hội khá sôi nổi, thiết thực, có thêm chiều sâu, rất đa dạng, phong phú và nhiều sắc màu.
Đặc biệt, tại hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội tổ chức ở Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhận xét: Chỉ với nguồn lực rất hạn chế, “gần như là tay không” Hiệp hội đã kiên trì, cố gắng vượt qua thử thách, khó khăn đã “làm được nhiều việc cụ thể được đánh giá tốt”, trong khi cơ quan quản lý cấp bộ “có cả một bộ máy, các vụ, cục chức năng, điều kiện tương đối tốt, mà còn gặp không ít khó khăn trong tư vấn chính sách,...”.
Ngày 2/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức phiên trù bị (ảnh: Tùng Dương) |
Mới đây, Lãnh đạo Bộ đã đôi lần khẳng định và cảm ơn Hiệp hội đã có những ý kiến đóng góp giá trị, một số giải pháp rất thiết thực, phục vụ đáng kể cho sự chuyển biến tích cực của ngành, Hiệp hội đã và đang là cánh tay nối dài và đồng hành với Bộ.
Được biết, nhiệm kỳ vừa qua, một số ý kiến, đề xuất giải pháp của Hiệp hội đã được các cấp quản lý Đảng và Nhà nước lắng nghe, tiếp nhận và sử dụng. Ví như:
Một là, về tổ chức thi Tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và các trường đại học, cao đẳng được tự chủ thực hiện tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục đại học.
Ngay từ cuối năm 2010 Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng ngoài công lập Việt Nam đã đề xuất Phương án thi và tuyển sinh sau phổ thông trung học. Tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia chủ yếu bằng hình thức trắc nghiệm.
Đề nghị bỏ thi 3 chung, bỏ điểm sàn, để các trường đại học, cao đẳng thực hiện tự chủ tuyển sinh đúng với quy định của Luật Giáo dục đại học.
Sau đó Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam tiếp tục đề nghị, nhưng mãi đến năm 2016 mới được tiếp thu vận dụng, thực tế đạt được kết quả khả quan, bớt đi sự phức tạp, căng thẳng, tốn kém không cần thiết cho xã hội.
Hai là, về luật giáo dục nghề nghiệp. Với 3 công văn đã gửi, Hiệp hội đã bày tỏ quan điểm của mình về một số điều khoản trong Luật Giáo dục nghề nghiệp, rất cần được điều chỉnh để đảm bảo cho giáo dục và đạo tạo có được sự thống nhất quản lý như Nghị quyết 19, một công việc chỉ giao cho một đầu mối, tổ chức hoặc cá nhân đảm nhiệm nhằm tránh những hệ lụy tiêu cực, rào cản không cần thiết. Có khá nhiều hội viên sau khi được sáp nhập gặp những khó khăn lúng túng khi triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của hai cơ quan quản lý.
Ba là, Hiệp hội tích cực đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Hiệp hội cho rằng Luật Giáo dục là luật mẹ, cần được sửa trước, sau đó sẽ sửa đến Luật Giáo dục đại học. Luật Giáo dục đại học hiện tại mới chỉ là Luật của các cơ sở giáo dục đại học, chứ chưa phải là Luật giáo dục đại học.
Cần phải có thêm hai chương mới, đó là chương Hệ thống cơ sở giáo dục đại học và Chương Quan hệ xã hội; đồng thời điều chỉnh, bổ sung và sửa chữa một số điều khoản cho phù hợp, mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đại học trong những năm tới. Những nội dung này rất tiếc, chưa được Ban soạn thảo quan tâm tiếp nhận.
Bốn là, về sơ đồ cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là vấn đề rất cơ bản quan trọng của một nền giáo dục. Tham gia góp ý kiến vào dự thảo chung, trên cơ sở nghiên cứu tài liệu của UNESCO và các nước trong khu vực, Hiệp hội đã chủ động dự thảo sơ đồ hệ thống giáo dục quốc dân của mình và gửi tới Chính phủ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dự thảo của Hiệp hội đã được Bộ tiếp nhận, nghiên cứu và sử dụng, tạo được sự hứng khởi đối với Hiệp hội.
Năm là, tiếp thu và triển khai nghiên cứu về Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hiệp hội đi đầu trong việc tổ chức hội thảo tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; sau đó vấn đề nàyđã lan tỏa đến các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội quan tâm triển khai. Tạo nên những tác động tích cực đối với mọi lĩnh vực sản xuất, đời sống, kinh tế,... Có thể xem đây là một trong những đóng góp đáng kể của Hiệp hội cho xã hội.
Việc sắp xếp các tổ chức trong bộ máy quản lý Nhà nước của Nghị quyết 19 là nhằm đạt được mục tiêu, vừa giảm đầu mối vừa đảm bảo nâng cao chất lượng công viêc. Một số địa phương có kế hoạch sáp nhập các trường cao đẳng y tế, sáp nhập trường cao đẳng sư phạm thiếu hợp lý, tạo ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức đào tạo.
Đứng trước tình hình đó, thông qua tìm hiểunắm tình hình cụ thể, Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét chỉ đạo để việc thực thi Nghị quyết 19 đạt được mục tiêu và hiệu quả. Bộ Y tế rất đồng tình với ý kiến của Hiệp hội, trên cơ sở tính đặc thù cao trong việc đào tạo của các trường y, đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, để các trường cao đẳng y tế thực hiện tự chủ, phấn đấu vươn lên, đảm bảo chất lượng đào tạo, không phải sáp nhập.
Sáu là, đề xuất giải pháp khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 gây ra bằng cách vận dụng phương thức dạy học từ xa, thông qua dạy trực tuyến trên truyền hình và qua mạng internet. Khai thác lợi thế của phương pháp này là sinh viên tuy không tới lớp vẫn được học, được thực hành, chương trình năm học được hoàn thành, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra. Có thể nói đây là một trong những việc làm thể hiện rõ tâm huyết, trách nhiệm và quyết tâm cao của Hiệp hội.
Chỉ trong một thời gian ngắn (chưa đến 01 tháng) Hiệp hội đã liên tiếp gửi 3 công văn tới Thủ tướng và Bộ Giáo dục và Đào tạo để báo cáo và nhiệt tình, kiên trì thuyết phục.
Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét chỉ đạo ngành triển khai thực hiện. Với giải pháp này ngành giáo dục không còn bị động trước khó khăn do đại dịch gây ra, mà chủ động thực hiện kế hoạch, chương trình năm học 2020. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có lời cảm ơn Hiệp hội.
Phương thức đào tạo từ xa, đã được một vài trường áp dụng từ những năm trước đây. Nhưng nay, trên cơ sở truyền hình, qua mạng internet, phương thức này có điều kiện phát huy lợi thế và qua đại dịch, đã được nhận thức đầy đủ và đúng hơn, được khẳng định là một trong những phương thức đào tạo chính thức, phổ biến, được hầu hết các trường áp dụng và đạt được hiệu quả.
Đào tạo trực tuyến không chỉ có vai trò quan trọng trước mắt, góp phần chống dịch, mà còn có tác dụng đối với tương lai, trong việc triển khai chủ trương xây dựng xã hội học tập, giúp tất cả mọi người có nhu cầu đều có thể học từ mọi nơi, mọi lúc, tiếp thu kiến thức, nâng cao trình độ.
Bảy là, thực hiện tự chủ đại học là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Tự chủ đại học là một trong những giải pháp quan trọng bậc nhất để đẩy mạnh đổi mới giáo dục đại học đi tới kết quả.
Trong nhiệm kỳ qua, Hiệp hội rất quan tâm tới vấn đề này. Hai cuộc hội thảo quốc gia đã được tổ chức để trao đổi.
Ngày thứ 2 Đại hội Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ II, ảnh: Thùy Linh. |
Các đại biểu nhận thấy rằng tự chủ đại học là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với mỗi trường và đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao và nhất là bản lĩnh và tài trí của Lãnh đạo trường. Một số trường đã mạnh dạn đi đầu trong thực hiện tự chủ đại học và đã đạt được kết quả rất khả quan, xuất hiện mô hình khá chuẩn mực đưa lại những bài học kinh nghiệm quý báu về mọi mặt cho các trường.
Tám là, về hội đồng trường, ngay từ khi soạn thảo Điều lệ trường đại học, Hiệp hội đã có những đóng góp tích cực. Sau khi tổ chức hội thảo khoa học quốc gia do Thường trực Hiệp hội tổ chức cũng như hội thảo do các câu lạc bổ tổ chức.
Vấn đề cơ cấu, tổ chức hội đồng trường có quyền lực thực sự được các đại biểu tham dự trao đổi rất kỹ. Hiệp hội đã có văn bản gửi kiến nghị về thành phần Hội đồng trường về Chủ tịch Hội đồng trường. Đây là một trong những vấn đề đang còn phải tiếp tục nghiên cứu để tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh từ thực tế, giúp chủ trương chung đi được vào thực tế và phát huy hiệu quả.
Chín là, trình bày khá quyết liệt với cấp cao quan điểm của Hiệp hội về những hạn chế, thiếu sót và hệ lụy lớn trong dự thảo Kế hoạch sắp xếp săp xếp lại mạng lưới sư phạm và hệ thống trường công trong giáo dục đại học.
Có thể nói cả hai dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ chưa đáp ứng được với yêu cầu của đổi mới giáo dục đại học đối với hiện tại cũng như tương lai, chưa đạt được mục đích căn bản mà Nghị quyết 19 đặt ra. Hiệp hội đã báo cáo rõ quan điểm của Hiệp hội với Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Hiệp hội đã tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm mang tính quốc gia đạt cả về quy mô lẫn chất lượng. Các hội thảo lớn đều có sự tham gia đồng chủ trì tổ chức của một số Bộ, Ban ngành trung ương có liên quan, được Phó Thủ tướng đến dự và phát biểu ý chỉ đạo. Kết quả hội thảo và tọa đàm là cơ sở cho nội dung ý kiến đóng góp, đề xuất kiến nghị chung của Hiệp hội đạt chất lượng.
Các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt thông qua các hội thảo hoặc tọa đàm để trao đổi những vấn đề bất cập về chuyên môn nghiệp vụ đào tạo mà thực tế đặt ra cho mối khối trường cụ thể như y dược, điều dưỡng, xét nghiệm, thủy sản, xây dựng, du lịch, mỹ thuật ứng dụng,...
Chủ trương thành lập câu lạc bộ đáp ứng được nguyện vọng của các khối trường nên các trường tham gia tích cực, chủ động, nhiệt tình. Hoạt động của các câu lạc bộ đi vào nền nếp, hiệu quả. Nhờ vậy hoạt động của Hiệp hội càng ngày càng đạt được nhiều kết quả cả về chiều rộng và chiều sâu, nội dung trở nên đa dạng và phong phú thiết thực hơn.
Trong nhiệm kỳ I, Thường trực Hiệp hội đã đến thăm và làm việc với các trường hội viên ở các vùng miền trong cả nước.
Năm 2017, Hiệp hội phối hợp với Trường Đại học Hòa Bình, Viện đánh giá đo lường chất lượng giáo dục trực thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tham gia đấu thầu đề tài khoa học cấp Quốc gia. Hiện nay đã và đang triển khai, phấn đấu đảm bảo đúng tiến độ và đạt được chất lượng theo yêu cầu.
Một trong những nội dung quan trọng của giáo dục mở là phải xây dựng dữ liệu mở và tạo điều kiện để mọi người có thể khai thác dễ dàng, không tốn kém. Nhằm nghiên cứu để có ý kiến đề xuất về vấn đề này, Hiệp hội đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về hệ thống giáo dục mở tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với trên 300 đại biểu tham dự và trên một 130 báo cáo tham luận được gửi đến.
Tiếp theo, năm 2019, với đề tài xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở, Hiệp hội tổ chức hội thảo với sự đăng cai hỗ trợ của Trường Đại học Thăng Long và phối hợp của Hội Tin học Việt Nam, Hội Thư viện Việt Nam để nghiên cứu trao đổi. Gần 300 đại biểu đã tham dự nhiệt tình, thảo luận sôi nổi.
Hiệp hội đã thành lập Ban Tư vấn phát triển giáo dục mở để tham mưu, đề xuất và thực hiện các công việc cụ thể. Nhận thấy việc khai thác tài nguyên dữ liệu là rất cần thiết, phục vụ tốt cho tự học tập, nâng cao trình độ, nên trong gần hai năm (2019 và 2020) Ban Tư vấn đã mở trên 50 lớp tập huấn cho 70 trường với gần 1.000 cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy tham dự. Công việc này cùng với việc tiếp tục mở rộng, Hiệp hội còn dự kiến mở thêm các lớp nâng cao trong những năm tới.
Và từ tháng 1/2016, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của Hiệp hội đã được cấp phép và đi vào hoạt động. Trong khi các Trung tâm khác trực thuộc và được các đại học và trường đại học bao cấp, thì Trung tâm của Hiệp hội có tính độc lập, phù hợp với quy định của Luật Giáo dục sửa đổi, phải vươn lên trong bối cảnh cạnh tranh, không ít khó khăn. Tuy nhiên Trung tâm kiểm định của Hiệp hội cũng đã hoàn thành được mục tiêu và kế hoạch đề ra, kiểm định được gần 50 trường, luôn tôn trọng sự thực, khách quan và đảm bảo chất lượng.