Nữ sinh lớp 10 tự tử sẽ khiến nhiều người day dứt suốt cuộc đời

08/12/2020 06:19
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giáo sư Trần Thành Nam: “Tôi thấy vấn đề gây bức xúc ở chỗ giáo viên không được phép đem học sinh ra phê bình trước tập thể”.

Vụ nghi ngờ nữ sinh lớp 10 ở An Giang tự tử (may mắn được phát hiện và cấp cứu kịp thời) để lại bức thư tuyệt mệnh đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận mấy ngày qua.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu đúng như phương tiện truyền thông đăng tải thì việc em Y. uống thuốc tự tử ngay tại trường để minh chứng bản thân không mắc lỗi như nhà trường đã quy kết. Sự việc khiến nhiều người xót xa và đặt nhiều câu hỏi về phương pháp giáo dục, kỷ luật học sinh của Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.

Lá thư được cho là của em Y. để lại trước khi uống thuốc tự tử trong nhà vệ sinh tại trường học. Ảnh: TTXVN.

Lá thư được cho là của em Y. để lại trước khi uống thuốc tự tử

trong nhà vệ sinh tại trường học. Ảnh: TTXVN.

Trong bức tâm thư được cho là của em Y. viết gửi đến ông Nguyễn Việt Hùm - Hiệu trưởng, bà Nguyễn Ngọc Hạnh - Hiệu phó và cô chủ nhiệm Huỳnh Thị Thu Huệ cùng với các giáo viên có đoạn:

"Em mong các giáo viên trên xin dừng chèn ép làm vậy sau cái chết của em. Mong nhà trường này tự suy xét lại và đối xử tốt hơn với các bạn sau này";

"Xin cô Hiệu phó đừng lấy uy quyền ra trấn áp học sinh, xin cô chủ nhiệm đừng bạo lực các bạn sau này và các em sau thời em";

"Sau cái chết của em xin nhà trường đừng bao giờ tin vào những việc chưa rõ ràng và bạo lực tinh thần với các bạn khác";

"Em từng rất hâm mộ các thầy cô khi còn nhỏ nhưng giờ đây mọi thứ sụp đổ khi giáo viên thì bạo lực tinh thần em”.

Cô Hiệu phó đọc tên em dưới toàn trường vào thứ 2 tuần rồi". "Thầy Hiệu trưởng chấp nhận ký vào đơn kỷ luật em. Nay em xin lấy sinh mạng bản thân để chứng minh lời em nói là thật".

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ: “Quan trọng không phải là sự việc xảy ra như thế nào, mà là em học sinh đó diễn giải sự việc ra sao để từ đó dẫn đến hành vi tiêu cực. Nếu nhà trường yêu cầu đi học thêm và đứa trẻ hiểu được việc học thêm là để cải thiện học lực yếu thì sẽ không có gì đáng tiếc xảy ra.

Nhưng nếu nhà trường bắt học sinh đi học thêm đại trà chứ không phải là chỉ phụ đạo riêng những em học kém thì lại là chuyện khác.

Thông tin tôi được biết thì học lực của em Y. khá tốt, vậy tại sao phải học thêm đại trà? Đứa trẻ đang hiểu rằng nhà mình nghèo, kinh tế khó khăn nhưng nhà trường vì mục tiêu gì đó đã bắt học sinh phải tham gia, vậy thì việc học thêm ấy không phải vì mục đích tốt đẹp.

Bên cạnh đó là việc bị phê bình dưới cờ, rồi hiệu trưởng nhà trường yêu cầu nữ sinh Y. phải có mặt tại trường từ 6 giờ 30 phút đến 6 giờ 50 phút từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần để các cô giáo của trường luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và tham gia lao động tại trường.

Cô giáo chủ nhiệm là Huỳnh Thị Thu Huệ (giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4) nhiều lần nặng lời khi nói chuyện với em Y.

Tất cả những sự việc đó tôi cho là phương pháp phản giáo dục. Ngay trong Thông tư 32/2020/TT/BGDĐT qui định: Cho dù học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì giáo viên cũng không được phép kỷ luật nêu tên học sinh trước lớp, trước toàn trường.

Nhà trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn vì em Y. tự tử do nguyên nhân ở nhà trường chứ không phải ở gia đình. Tôi thấy vấn đề đặc biệt gây bức xúc ở chỗ giáo viên không được phép đem học sinh ra phê bình trước tập thể”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, giáo viên đưa sự việc em Y. tự tử viết trên mạng xã hội theo lối chỉ trích học sinh là một sai lầm, không phù hợp với môi trường sư phạm. Ảnh: NVCC.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, giáo viên đưa sự việc em Y. tự tử viết trên mạng xã hội theo lối chỉ trích học sinh là một sai lầm, không phù hợp với môi trường sư phạm. Ảnh: NVCC.

Theo thầy Nam: “Hành động phản ứng rất mạnh mẽ của em Y. là muốn chứng tỏ với các thầy cô cần phải dừng lại những áp đặt, cần phải làm khác đi, nếu không các thầy cô sẽ phải hối hận.

Trong mỗi tình huống, thầy cô phải biết được tất cả những hành động, những điều mình muốn nói cho đứa trẻ, cho học sinh để làm sao các em cảm nhận được rằng thầy cô nói và hành động như vậy là vì bản thân học sinh.

Phải gạt bỏ tất cả những hành động và lời nói khiến các em nghĩ thầy cô và nhà trường đang đặt ra với các em vì thành tích.

Nếu chúng ta không hiểu được bản chất đó, không biết được đứa trẻ suy nghĩ gì thì không thể nào phòng ngừa được và sẽ phải chịu hậu quả đôi khi rất nặng nề, việc em Y. tự tử là một ví dụ về điều đó.

Các thầy cô đã được đào tạo nên sẽ biết những giai đoạn nào là rất nhạy cảm của học trò, những dấu hiệu nào là biểu hiện các con đang có vấn đề về sang chấn tâm lý, về sức khỏe tinh thần, là đối tượng yếu thế…

Ví dụ những gia đình nghèo, những em đang gặp vấn đề về sức khỏe, gặp vấn đề về bạn bè, gia đình đang bị khủng hoảng về kinh tế… thì tất cả những giai đoạn đó đều rất nhạy cảm.

Việc nhận diện những dấu hiệu đó để có hình thức cân nhắc, điều chỉnh hành vi ứng xử cũng như lời nói cũng là một yêu cầu trong chương trình đào tạo tại trường sư phạm mà thầy cô đã được học.

Giáo viên chủ nhiệm hoặc trực tiếp giảng dạy phải biết được đặc điểm phát triển tâm sinh lý lứa tuổi, còn đối với kỷ luật tích cực có lẽ phải trở thành Infographic 3 - 4 bước và treo ngay tại từng lớp hoặc trong nhà trường để giáo viên nhìn thấy hàng ngày.

Các thầy cô phải biết khi gặp những tình huống như vậy thì xử lý ra sao cho đạt hiệu quả giáo dục các em, định hướng cho các em, tránh những phát sinh rắc rối không tốt cho cả thầy cô và học trò sau này.

Ngay như việc giáo viên đem chuyện xảy ra với em Y. lên mạng mạng xã hội chỉ trích học sinh là hành vi sai nghiêm trọng, cần kiểm điểm nghiêm túc chứ không phải cứ vin vào quyền cá nhân rồi thích viết gì cũng được.

Học sinh không được mang thầy cô lên mạng thì thầy cô cũng không được mang học trò mình ra bình luận dù bóng gió hay trực tiếp, dù nói thẳng hay giấu tên.

Tôi hoàn toàn không đồng ý với biên bản kỷ luật của hội đồng nhà trường. Giáo dục không được đẩy các em đến bước đường cùng. Tuổi vị thành niên các em bị tổn thương thì vết hằn đó sẽ theo các em suốt cuộc đời và đây là điều rất nguy hại”.

Thầy Nam chia sẻ thêm: “Mỗi gia đình cần phải quan tâm và nói chuyện với trẻ khi con có điều gì không vừa lòng ở trường hay bất cứ đâu thì con nên chia sẻ cho bố mẹ biết.

Trước khi con có quyết định hành động việc gì đó, con cảm nhận mọi việc chưa đúng hoặc có gì đó áp đặt với con, con nên chia sẻ cho nhiều người biết. Có thể cách thức con diễn giải sự việc đó không đúng bản chất của vấn đề và gia đình cần giúp con hiểu đúng, tránh suy nghĩ và hành động tiêu cực.

Còn đối với nhà trường thì tôi thấy những hành động như vậy thì cần thiết phải có hình thức kiểm điểm, kỷ luật nghiêm khắc và phải xin lỗi công khai em Y. trước toàn trường. Thầy cô phê bình em Y. công khai dưới cờ thì cũng nên xin lỗi em Y. công khai”.

May mắn là sự việc xảy ra với em Y. đã được phát hiện kịp thời, nhưng chắc hẳn cũng sẽ khiến cho nhiều người day dứt đến suốt cuộc đời.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang:

Kết quả xác minh cho thấy hiệu trưởng Hùm cùng với cấp phó của mình đã có nhiều sai sót trong công tác tổ chức quản lý và biện pháp xử lý của nhà trường.

Cụ thể: tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng quy định; phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành - nêu họ tên học sinh vi phạm nội quy dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự việc xảy ra hết sức đáng tiếc.

Bên cạnh đó, biện pháp giải quyết, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, chưa hiệu quả nên gây bức xúc đối với phụ huynh và bản thân học sinh.

Từ những hạn chế, sai phạm này của nhà trường, Sở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Hùm và bà Hạnh trong 15 ngày (kể từ ngày 7-12).

Trong thời gian ông Hùm bị tạm đình chỉ nhiệm vụ hiệu trưởng, Sở Sở Giáo dục và Đào tạo giao ông Nguyễn Văn Cường, Phó Hiệu trưởng, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của nhà trường.

Ông Cường cũng được Sở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang giao nhiệm vụ chỉ đạo xác minh, làm rõ hành vi của cô Huỳnh Thị Thu Huệ (giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4) liên quan đến sự việc xảy ra tại trường và việc đăng thông tin trên mạng xã hội.

Qua đó, đối chiếu với các quy định của ngành chức năng để có hình thức xử lý phù hợp và báo cáo Sở Sở Giáo dục và Đào tạo trong thời gian sớm nhất.

Tùng Dương