Những quan điểm, niềm tin sai lầm về bạo lực học đường

17/11/2020 08:50
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để phát huy hiệu quả những chương trình phòng chống bạo lực học đường trong tương lai thì trước tiên chúng ta phải nhận ra, phải thay đổi những niềm tin sai lầm.

Trong thời gian vừa qua, hàng loạt vụ bạo lực học đường giữa học sinh đã xảy ra ở khắp các tỉnh, thành như Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Thanh Hóa... Bạo lực xảy ra ngay trong lớp học, cổng trường và nhiều nơi khác.

Nạn bạo lực học đường luôn là vấn đề dư luận quan tâm, nhất là thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc học sinh đánh nhau rồi quay clip tung lên mạng xã hội. Đây cũng là vấn đề trọng tâm mà ngành giáo dục cùng với nhiều cơ quan khác cần thêm các giải pháp phối hợp, giải quyết hiệu quả hơn.

Cần thêm nhiều giải pháp để xử lý vấn đề bạo lực học đường. Ảnh minh họa: HA.

Cần thêm nhiều giải pháp để xử lý vấn đề bạo lực học đường. Ảnh minh họa: HA.

Khoảng 20h00’ ngày 15/7/2020, Nguyễn Duy Dương (SN 2003, trú tại thôn Đông, xã Vạn Ninh, Thành phố Móng Cái), đi đến Khu đô thị Phượng Hoàng.

Do có mâu thuẫn trong tham gia giao thông trước đó và bị bạn bè kích động, Dương đã cùng Thắng (trong nhóm bạn của Dương, SN 2003, trú tại thôn 13, xã Hải Xuân, Thành phố Móng Cái) lao tới túm tóc, đạp và đấm vào mặt em P.H.C (sinh năm 2005, trú tại khu 3, phường Hải Yên, Thành phố Móng Cái).

Khi thấy C. ngã xuống và bị co giật, hai đối tượng sợ hãi bỏ chạy về nhà. Hậu quả, em P.H.C. đã tử vong khi đang trên đường đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế Thành phố Móng Cái. (1)

Chỉ vì mâu thuẫn lời nói, hai nữ sinh lớp 7 của một trường ở Quận 9 - Thành phố Hồ Chí Minh hẹn nhau tới địa điểm gần trường để giải quyết và đánh nhau.

Đáng nói là sự việc được nhiều học sinh đi theo cổ vũ, quay clip. Hai nữ sinh nói trên là học sinh Trường Trung học cơ sở Trường Thạnh (Quận 9). Vụ việc diễn ra cách đây 2 tuần. (2)

Ngày 24/9, mạng xã hội chia sẻ clip nhóm nữ sinh mặc đồng phục, đánh nhau dữ dội trước cổng trường. Theo clip ghi lại, có 2 nữ sinh mặc đồng phục (một em áo trắng, một áo khoác đen) đang đánh bạn trên vỉa hè.

Xung quanh rất nhiều người thản nhiên đứng xem, một số em đứng bên ngoài lớn tiếng chửi bới, nhiều lần xông vào giật tóc, đấm đá đối thủ.

Hai em áo trắng đồng thời kéo lê bạn áo khoác đen xuống lòng đường, đạp vào đầu và tát tới tấp vào mặt nữ sinh. Vụ bạo lực xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều người. Song phần đông chỉ đứng xem hoặc dùng điện thoại quay clip.

Xác định đây là nhóm nữ sinh Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội) đánh hội đồng bạn ngay trước cổng trường. (3)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), thầy Nam chia sẻ: “Bạo lực học đường bao gồm về mặt thể chất, trừng phạt thân thể, các hành vi sử dụng vũ lực hoặc tạo áp lực gây ra đau đớn về thể xác của một người nào đó, bạo lực về mặt tâm lý như lời nói, bạo lực về mặt tình dục, quấy rối, bắt nạt… và cả hình thức bắt nạt truyền thống trực tiếp hoặc trên mạng xã hội.

Thủ phạm của bạo lực học đường và bắt nạt thường có thể là học sinh, nhân viên nhà trường và đôi khi có cả giáo viên và nó có thể xảy ra ở trên đường đi học và trong nhà trường.

Theo số liệu của Unesco từ năm 2017 thì tỷ lệ trẻ em và vị thành niên là nạn nhân của bạo lực học đường hàng năm trên thế giới lên đến con số là 246 triệu người.

Dẫu vậy trong cuộc chiến với bạo lực học đường mà toàn ngành Giáo dục đang phát động thì vẫn tồn tại khá nhiều quan điểm, và những niềm tin sai lầm đã vô tình tạo ra nhiều rào cản cho những nỗ lực giải quyết vấn đề bạo lực học đường này.

Những niềm tin sai lầm này đang làm nản lòng một số người đã và đang quyết tâm cho những thay đổi trong môi trường giáo dục”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam: "Chúng ta đang có Những quan điểm, niềm tin sai lầm về bạo lực học đường. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam: "Chúng ta đang có Những quan điểm, niềm tin sai lầm về bạo lực học đường. Ảnh: NVCC.

Những quan điểm sai lầm

Theo thầy Nam: “Thứ nhất, chúng ta thường có suy nghĩ trường cứ đẹp là được, trường đông học sinh là xấu và trường không có đánh nhau là trường an toàn.

Nhiều người có ấn tượng ban đầu về một ngôi trường an toàn nhưng họ chỉ dựa vào ý nghĩ chủ quan của bản thân họ và điều đó không đúng hoàn toàn.

Ví dụ: Một trường học nếu xảy ra bạo lực học đường hoặc có các "băng nhóm" học sinh thì sẽ được nhận định rằng trường đó không an toàn.

Còn một ngôi trường sạch đẹp với cơ sở vật chất tiện nghi hiện đại, có hệ thống an ninh bảo vệ… thì sẽ được coi là một ngôi trường an toàn. Tuy nhiên trên thực tế không có gì đảm bảo một ngôi trường có tài lực dồi dào sẽ là một ngôi trường yên bình.

Phụ huynh thường tin vào báo cáo thống kê của nhà trường trong vài năm không có vụ đánh nhau, hay bạo lực thể chất, không có học sinh hạnh kiểm xấu về vấn đề hành vi… thì chắc sẽ là trường an toàn.

Thực ra theo tôi thì không có vấn đề gì đảm bảo rằng học sinh và giáo viên không phải trải qua những hình thức bạo lực khác nhau như bạo lực tinh thần, bạo lực về lời nói, bạo lực như o bế các mối quan hệ, tẩy chay, loại trừ xã hội…

Nhiều phụ huynh tin tưởng những trường học có quy mô lớn, đông học sinh thì sẽ hay xảy ra các vụ bắt nạt và bạo lực hơn… tuy nhiên cũng không có gì đảm bảo việc này là đúng hay sai?

Nhiều ngôi trường quy mô lớn nhưng có cách quản lý hiện đại, tổ chức các hoạt động rất tốt, biết kết nối bằng cách tạo ra sự gần gũi giữa con người với con người, tạo ra những điều kiện phát triển về mặt giao tiếp, đối thoại giữa giáo viên, phụ huynh, học sinh và nhà trường…việc đó sẽ giúp cho trường học trở thành nơi giàu tính gắn kết và chắc chắn sẽ an toàn hơn.

Điều thứ hai, nhiều người cho rằng bạo lực học đường là vấn đề của nhà trường? Vấn đề này khá phổ biến hiện nay nhất là với các bậc phụ huynh ở trường tư thục, trường quốc tế khi các vị đã phải trả một mức học phí khá cao so với mặt bằng chung hiện tại.

Khi trả mức học phí cao thì nhiều người cho rằng họ không còn trách nhiệm gì khi con ở trường và nếu giáo viên có thông về những hành vi sai trái của con mình thì phản ứng thông thường là sự không hài lòng của các phụ huynh.

Thậm chí còn có một số tình huống phụ huynh chỉ đạo ngược trở lại cho nhà trường chứ không phải là hợp tác chung tay xử lý vấn đề đó của con mình.

Thứ ba, niềm tin bắt nạt là một chuyện thường của trẻ con. Đối với nhiều người thì chuyện bắt nạt là phần bình thường không thể thiếu của tuổi thơ, vậy nên có một bộ phận không nhỏ phụ huynh xem nhẹ hoặc lờ đi những hành vi bắt nạt từ khi sự việc còn mới hình thành.

Nhiều phụ huynh có con là thủ phạm bắt nạt tình thần, bắt nạt bằng lời nói, thì lại đi chế diễu, phê phán người khác có con bị bắt nạt, đôi khi họ cho rằng các phụ huynh có con bị bắt nạt đang làm trầm trọng hóa vấn đề lên.

Họ tin rằng trẻ em bây giờ cũng giống như xưa, cũng nghịch và trêu chọc nhau để lớn lên, nhưng thực tế không phải như vậy.

Trẻ em ngày nay có thể sử dụng môi trường Internet để “nhốt” nạn nhân của chúng vào không gian mạng xã hội mà không thể nào nạn nhân tránh khỏi sự lo lắng, xấu hổ và đôi khi là nhục nhã bởi những lời tấn công, thậm chí kẻ chủ mưu còn huy động nhiều thành viên khác trên cộng đồng mạng cùng hùa vào chia sẻ, nhận xét…

Những tác động tiêu cực của nó thì chúng ta đã biết rồi và điều đó có thể gây ra chết người và áp lực của nó còn lớn hơn rất nhiều so với việc đấm, đá truyền thống.

Nhiều phụ huynh tin rằng trẻ em bây giờ cũng giống như xưa, cũng nghịch và trêu chọc nhau để lớn lên, nhưng thực tế đã có nhiều hành vi vượt quá kiểm soát. Ảnh minh họa: HA.

Nhiều phụ huynh tin rằng trẻ em bây giờ cũng giống như xưa, cũng nghịch và trêu chọc nhau để lớn lên, nhưng thực tế đã có nhiều hành vi vượt quá kiểm soát. Ảnh minh họa: HA.

Điều thứ tư, chúng ta cũng hay có quan điểm, cách nhìn sai lầm rằng cứ có quy định, cứ phạt nghiêm khắc là đủ, đôi khi chúng ta nghĩ rằng chỉ cần cấm cái gì đó hoặc phạt thật nặng một hành vi nào đó là có thể giải quyết được vấn đề bạo lực học đường.

Nhưng theo lẽ thường lại cần phải có những nguyên tắc hành vi ứng xử và hệ thống thưởng, phạt rõ ràng. Nếu chỉ với quy định nghiêm khắc thôi thì sẽ chưa đủ để răn đe, làm giảm những hành vi bạo lực, thậm chí còn làm cho việc này trầm trọng thêm, học sinh cảm thấy ấm ức, bị đối xử bất công và từ đó dẫn đến trả đũa. Bạo lực lại sinh ra bạo lực.

Điều thứ năm, nhiều phụ huynh cho rằng cứ chuyển trường kẻ bắt nạt đi là mọi việc sẽ ổn. Việc giải quyết bắt nạt đó không đơn thuần là loại bỏ kẻ bắt nạt, những học sinh tham gia vào chuyện bắt nạt cũng có nhiều vai trò.

Bên cạnh kẻ cầm đầu bắt nạt thì còn có kẻ ủng hộ, người chứng kiến và thậm chí là những bạn quay clip, vậy nếu đơn giản chỉ loại ra một mình kẻ bắt nạt thôi thì việc bắt nạt vẫn không dừng lại và sẽ có một bạn khác sẽ lại làm tiếp chuyện bắt nạt đó.

Theo tôi ở trong một số trường học khi chúng ta thấy rằng có sự việc bắt nạt xảy ra, và khi xác định thủ phạm của việc bắt nạt thì nhiều bậc phụ huynh thường khuyến khích việc chuyển trường đối tượng đó, nhưng thực ra điều này cũng chưa chắc làm hạn chế và xóa sổ hiện tượng bắt nạt học đường như hiện nay.

Điều thứ sáu, nhiều người cho rằng cứ có chính sách, có chương trình là giải quyết được vấn đề?

Để ứng phó với vấn nạn học đường thì cũng đã có nhiều chính sách, nhiều trường đã áp dụng triển khai một chương trình nào đó.

Thậm chí nhiều trường tư thục còn “nhập khẩu” nguyên một chương trình quốc tế về phòng chống bạo lực học đường rồi áp dụng vào trường mình, hướng dẫn cho các giáo viên thực hiện.

Nhưng phần lớn các chương trình này được thực hành theo mệnh lệnh hành chính, và khi các giáo viên đã có quá nhiều gánh nặng và áp lực chuyên môn rồi, từ đó dẫn đến việc giáo viên không mặn mà với ý tưởng mới đó.

Nhiều khi giáo viên thực hiện một cách đối phó theo kiểu có thôi chứ không hết lòng vì nó, việc này dẫn đến chương trình chỉ là cái vỏ hình thức, đôi khi những người làm chương trình này lại bị “tấn công” rằng chương trình này không hiệu quả…và đấy là một thực tế mà các nhà quản lý, những người làm chính sách cần phải lưu ý”.

Thầy Nam nhấn mạnh: “Ngay như ở Viện Tâm lý và tâm thần học Việt - Pháp của chúng tôi cũng đã có nhiều chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này, và chúng tôi cũng biết được khi triển khai một chương trình như thế này xuống dưới nhà trường thì sẽ phải lưu ý những vấn đề gì.

Vậy nên những quan điểm và niềm tin không phù hợp hiện nay về vấn đề bạo lực học đường, và để có thể phát huy được hiệu quả của những chương trình phòng chống bạo lực học đường trong tương lai thì trước tiên chúng ta phải nhận ra, phải thay đổi những niềm tin sai lầm trên”.

Tài liệu tham khảo:

(1). https://www.tienphong.vn/giao-duc/nam-sinh-lop-9-bi-danh-tu-vong-truoc-ngay-thi-chuyen-cap-1689290.tpo

(2). https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-mau-thuan-2-nu-sinh-lop-7-hen-ra-bai-dat-trong-danh-nhau-post213344.gd

(3). https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/ha-noi-nu-sinh-danh-nhau-du-doi-truoc-cong-truong-20200925151322837.htm

Tùng Dương