Vẫn 2-3 thầy dạy 1 sách giáo khoa, tích hợp làm chi cho rắc rối?

12/01/2021 06:59
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu giáo viên vẫn dạy đơn môn như hiện nay thì việc xây dựng môn học tích hợp chẳng giải quyết được vấn đề gì mới nhưng mọi thứ sẽ phức tạp hơn…

Năm học 2021-2022 tới đây thì ngành giáo dục sẽ triển khai thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 của cấp Trung học cơ sở. Điều khác biệt so với trước đây là ở cấp học này sẽ có thêm 2 môn học tích hợp, đó là: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Thế nhưng, từ trước đến nay thì giáo viên cấp Trung học cơ sở chỉ được đào tạo từ 1-2 chuyên ngành và khi ra trường chỉ được phân công ở môn học mà mình được đào tạo chính ở trường sư phạm.

Hàng chục năm đi dạy, giáo viên vẫn dạy 1 phân môn nên việc Bộ chủ trưởng “tích hợp” 2-3 môn học hiện nay thành một môn học tích hợp ở chương trình mới đang khiến cho giáo viên dưới cơ sở có phần băn khoăn.

Bởi thực tế việc tập huấn chương trình mới hiện nay họ vẫn đang được bồi dưỡng, định hướng dạy đơn môn.

Các môn tích hợp vẫn đang được định hướng giáo viên dạy đơn môn (Ảnh minh họa: VTV.vn)

Các môn tích hợp vẫn đang được định hướng giáo viên dạy đơn môn

(Ảnh minh họa: VTV.vn)

Giáo viên đang được định hướng 1 sách 2-3 thầy dạy

Trong những đợt tập huấn các modul đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì giáo viên các nhà trường đang được định hướng là giáo viên dạy môn nào sẽ vẫn dạy phân môn đó trong môn học tích hợp.

Điều này, cũng được ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao đổi với Báo Thanh niên vào ngày 25/12 vừa qua như sau:

Đối với mỗi mạch kiến thức trong các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cấp Trung học cơ sở có thể được bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kỳ của năm học.

Cụ thể, mỗi mạch nội dung của môn Khoa học tự nhiên có thể phân công cho một giáo viên có chuyên môn phù hợp (Hóa học: chất và sự biến đổi chất; Sinh học: vật sống; Vật lý: năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời) để bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng 1/2 học kỳ của năm học.

Mỗi mạch nội dung của môn Lịch sử và Địa lý có thể phân công cho một giáo viên Lịch sử và một giáo viên Địa lý để bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kỳ của năm học.

Với cách dạy học tích hợp như vậy thì vẫn vừa tận dụng được đội ngũ giáo viên hiện có ở tất cả các đơn môn, vừa không yêu cầu giáo viên phải thay đổi quá đột ngột khi đang dạy đơn môn phải chuyển sang dạy tích hợp”.

Với chia sẻ của thầy Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cùng với thực tế tập huấn tại các địa phương cho thấy các môn học tích hợp tới đây của cấp Trung học cơ sở vẫn là một môn học có từng mạch kiến thức riêng và giáo viên môn nào thì vẫn đảm nhận dạy phân môn của mình.

Môn Lịch sử và Địa lý vẫn cần 2 thầy, môn Khoa học tự nhiên là 3 thầy như hiện nay. Điều này cũng đồng nghĩa là sách thì viết và in “tích hợp” nhưng việc phân công giảng dạy vẫn không có nhiều thay đổi so với hiện nay dạy từng đơn môn.

Nhưng, khó khăn thì sẽ rất nhiều…

Về tương lai, có thể các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở sẽ do một người dạy bởi vì hiện nay một số trường đại học sư phạm đã và đang mở ngành đào tạo giáo viên cho những môn học này.

Nhưng, trước mắt và hàng chục năm tới đây vẫn đang là một bài toán rất nan giải mà các nhà trường sẽ phải đối mặt khi dạy 2 môn học tích hợp của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ nhất: giáo viên 5 môn học hiện nay là: Hóa học, Sinh học, Vật lí, Lịch sử, Địa lý được đào tạo rất khác nhau.

Nếu là giáo viên học hệ đại học thì họ được đào tạo 1 chuyên ngành. Giáo viên học hệ cao đẳng trước đây thì sẽ có một môn chính và một môn phụ. Chẳng hạn, Hóa- Sinh; Hóa- Địa; Lý- Công nghệ; Sử- Địa; Văn- Sử; Địa- Tổng phụ trách Đội…

Sau này, họ học hàm thụ lên đại học tại chức hoặc từ xa thì chỉ được đào tạo 1 chuyên ngành học mà thôi.

Như vậy, nhìn từ đội ngũ giáo viên sẽ dạy 2 môn tích hợp vào năm học tới đây thì chỉ có một số ít giáo viên học hệ cao đẳng được đào tạo 2 môn gần với môn tích hợp của chương trình mới.

Vì thế, xét về trước mắt thì có thể vẫn là giáo viên nào dạy môn nào của chương trình hiện nay thì tới đây sẽ dạy một phân môn (mạch kiến thức) của chương trình mới nhưng về lâu dài phải đảm nhận tất cả các phân môn của môn học- đây cũng là định hướng của Bộ.

Nếu những thầy cô giáo này không đảm nhận được việc dạy các phân môn trong môn tích hợp thì thế hệ sinh viên đang học các môn học tích hợp hiện nay sẽ là những người thay thế.

Trong khi, giáo viên Trung học cơ sở hiện nay đang thừa nhiều nhất là lại rơi vào 5 môn học này. Nhưng, đa số họ đang còn rất trẻ, đa số phải trên dưới 20 năm nữa mới có thể về hưu.

Nếu họ dạy cả môn tích hợp thì rất khó khăn trong việc lĩnh hội các phân môn mà họ không được đào tạo, việc tập huấn hiện nay thực tế rất khó lấp đầy kiến thức các phân môn mà họ không được đào tạo.

Nếu họ bị tinh giản sẽ là một thiệt thòi, nếu để dạy thì sinh viên được đào tạo bài bản không có cơ hội đứng lớp mà học sinh học các môn tích hợp với những thầy cô không được đào tạo bài bản các phân môn thì đó là một sự thiệt thòi cho các em.

Nhưng, nếu để các giáo viên đơn môn hiện nay dạy được tất cả các phân môn trong môn tích hợp quả là một việc làm rất nan giải, không dễ gì đào tạo một vài ngày là giáo viên có thể làm chủ được kiến thức các phân môn mới.

Nhất là trong khi hiện nay Bộ đang chủ trương bồi dưỡng trực tuyến, giáo viên phải tự học là chính, việc tập huấn trực tiếp chủ yếu là báo cáo lại kết quả bồi dưỡng học trực tuyến mà thôi.

Thứ hai: việc thực hiện các môn học tích hợp trong những năm tới đây sẽ rất phức tạp cho các nhà trường trong việc phân công, sắp xếp thời khóa biểu và thậm chí cả phần kiểm tra, vào điểm cho học sinh từng học kỳ.

Mỗi cái đề kiểm tra chẳng lẽ lại mỗi người ráp vào một mạch kiến thức hay sao, mà không ráp vào thì lại không phải là môn tích hợp.

Vì thế, khâu ra đề, chấm bài tới đây, nhất là bài kiểm tra học kỳ nếu ra một đề thì giáo viên phải đợi nhau chấm, nếu ra 2-3 đề/ 1 môn tích hợp cũng sẽ phát sinh nhiều khó khăn cho nhà trường.

Việc Bộ chủ trương xây dựng 2 môn học tích hợp suy cho cùng chưa hẳn là hay và điều này đã được nhiều giáo viên, tác giả tham gia góp ý, phản biện trên diễn đàn Tạp chí Giáo dục Việt Nam với hàng trăm bài viết từ khi chương trình tổng thể, chương trình môn học đang trong quá trình dự thảo.

Nếu giáo viên vẫn dạy đơn môn như hiện nay thì việc xây dựng môn học tích hợp chẳng giải quyết được vấn đề gì mới nhưng mọi thứ sẽ phức tạp hơn…

Chẳng hạn như môn Lịch sử và Địa lý cả 4 năm học của cấp Trung học cơ sở cũng chỉ có 4 chủ đề liên quan với nhau.

Vì vậy, khi tiếp cận, tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì giáo viên đều mường tượng ra rất nhiều khó khăn nhưng có lẽ khó khăn nhiều hơn cả là những thầy cô sẽ dạy 2 môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở từ năm học 2021-2022 tới đây.

Tài liệu tham khảo:

https://thanhnien.vn/giao-duc/hoc-sinh-se-khong-hoc-theo-thoi-khoa-bieu-lap-lai-hang-tuan-1321030.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO