Những "cái nhất" của ngành Giáo dục năm Covid

02/01/2021 07:15
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm Covid-19 nhiều biến động nhưng bằng sự nỗ lực lớn của toàn ngành đã khắc phục được những khó khăn để việc học tập, sinh hoạt dần đi vào ổn định hơn.

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhiều ngành nghề trong cả nước nói chung và giáo dục Việt Nam nói riêng gặp khó khăn rất lớn. Điều này, đã tác động trực tiếp đến cuộc sống học tập, sinh hoạt của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực lớn của toàn ngành đã khắc phục được những khó khăn để việc học tập, sinh hoạt dần đi vào ổn định hơn.

Sau thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 học sinh tiếp tục được đến trường (Ảnh Phan Tuyết)

Sau thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 học sinh tiếp tục được đến trường (Ảnh Phan Tuyết)

Những cái nhất chưa từng xảy ra đối với ngành giáo dục trong năm học vừa qua

1/ Học sinh, sinh viên có "kỳ nghỉ Tết" dài nhất

Chưa có khi nào học sinh, sinh viên lại được nghỉ học thời gian dài đến như thế (từ ngày 20/1/2020 đến tận giữa tháng 4).

Trong quãng thời gian đó, gần như cả xã hội đều tập trung theo dõi sát sao những thông báo học sinh, sinh viên nghỉ học hay tiếp tục đến trường. Lần đầu tiên, toàn bộ 63 tỉnh thành cùng hơn 200 trường đại học đóng cửa với hơn 24 triệu học sinh, sinh viên phải nghỉ học để thực hiện dãn cách xã hội, phòng chống dịch COVID-19 diễn biến ngày một phức tạp.

Thầy trò nghỉ học nhưng luôn trong tư thế sẵn sàng. Có khi, địa phương này vừa thông báo tựu trường buổi sáng thì ngay buổi chiều ra gấp công văn rút lại để thay bằng thông báo mới. Có địa phương đi học một tuần rồi nghỉ lại và cuối cùng, nhận luôn thông báo nghỉ học chờ đến khi có thông báo lại.

Đã có những giờ phút cực kỳ cân não khi lãnh đạo của Bộ, ngành ở các địa phương đắn đo, cân nhắc cho học sinh tiếp tục nghỉ học hay đến trường.

Đã có những chỉ trích của dư luận vì quá lo lắng khi sợ học sinh, sinh viên đến trường sẽ làm nguy cơ cho dịch bệnh bùng phát. Đã có không ít ý kiến muốn xóa bỏ năm học vừa qua để học sinh, sinh viên học lại khi dịch bệnh đã bị đẩy lùi.

Tuy thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những hướng đi đúng, những chỉ đạo kịp thời để học sinh, sinh viên vẫn nghỉ học nhưng vẫn tiếp thu được kiến thức.

Câu nói “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” đã trở thành câu khẩu hiệu của ngành giáo dục trong suốt mùa dịch bệnh.

Không để học sinh mất bài, mất kiến thức, ngành giáo dục ở các địa phương đã có nhiều sáng tạo trong việc dạy và học. Nơi không có sóng điện thoại, mạng Internet giáo viên phô tô bài đi vào từng bản làng xa heo hút đưa bài đến tận tay cho học sinh và lấy bài về chấm sửa cho các em mỗi tuần.

Nơi thuận lợi, nhà trường, Sở giáo dục tổ chức dạy học dạy trực tuyến, dạy trên truyền hình. Giáo viên các trường tổ chức dạy học thông qua Zalo, Messenger, email hoặc quay trực tiếp truyền trên hội nhóm liên kết với phụ huynh để giúp học sinh học tập.

2/ Điều chỉnh khung thời gian năm học nhiều nhất

Do thời gian nghỉ học quá nhiều, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải hai lần thay đổi khung thời gian năm học.

Lần thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh khung thời gian năm học 2019-2020 với kế hoạch kết thúc năm học vào ngày 30-6 (thay vì 30/5), công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, công nhận xét tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15-7, thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia từ ngày 23 đến 26-7, hoàn thành thi tuyển sinh lớp 10 trước ngày 15-8.

Lần thứ hai, kết thúc năm học trước ngày 15 tháng 7 năm 2020. Thi trung học phổ thông từ ngày 08 đến ngày 11 tháng 8 năm 2020.

Bên cạnh đó, nội dung kiến thức ở các cấp học đã được giảm tải, rút gọn đến mức có thể. Ngày trở lại trường đúng vào cái nắng oi ả của mùa hè nhưng không vì thế mà giảm lòng nhiệt huyết của mọi người.

Giáo viên cùng học sinh luôn nỗ lực chạy đua với thời tiết nóng nực, với thời gian cận kề để kết thúc chương trình đúng quy định nhưng vẫn đảm bảo đúng chuẩn kiến thức kỹ năng cho học sinh.

3/ Có nhiều bộ sách giáo khoa nhất

Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới với học sinh lớp 1.

Lần đầu tiên cả nước có tới 5 bộ sách giáo khoa được các trường tổ chức cho giáo viên bình chọn để đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

Cũng là lần đầu tiên, giáo việc có quyền bình chọn sách cho phù hợp với năng lực của học sinh theo từng vùng miền.

4/ Sách giáo khoa nặng và có nhiều sạn nhất

Sau một tháng triển khai sách giáo khoa mới, dư luận đã phản ứng quyết liệt vì chương trình nặng và rất nhiều sạn. Nội dung kiến thức trong cả 5 bộ sách giáo khoa dạy rất nhanh, phần đông học sinh không thể theo nổi.

Có bộ sách mới học tới tuần 15 nhưng học sinh phải đọc trơn một văn bản dài, phải viết được chính tả nghe viết. Trong khi với chương trình cũ, cuối năm học sinh cũng chỉ nhìn chép và đọc một văn bản khá ngắn.

Sạn được chỉ ra trong lỗi dùng từ, lỗi về câu, về ý nghĩa giáo dục, về phân biệt chủng tộ (da đen, da trắng), về lượng âm vần trong một bài học, lỗi vì thiếu vắng những chuẩn mực đạo đức để dạy học sinh…

5/ Dư luận phản ứng về những sai sót trong sách giáo khoa nhiều nhất

Cả 5 bộ sách đều dính sạn nhưng điển hình là bộ sách Cánh Diều do (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM biên soạn) được dư luận “quan tâm” nhiều nhất.

30 năm trở lại đây, đã trải qua ít nhất 2 lần thay sách giáo khoa nhưng chưa khi nào làn sóng chỉ chích, lên án của dư luận về “sạn” trong sách lại mạnh mẽ, quyết liệt như vậy. Đã một thời gian khá dài trên các diễn đàn, các buổi tụ họp thậm chí ngay ngoài chợ thì chủ đề “sạn” trong sách giáo khoa cũng được mang ra bàn tán quyết liệt và trở thành điểm nóng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi xem xét đã thừa nhận trách nhiệm và nhóm tác giả sách phải chỉnh sửa, hiệu đính nội dung chưa phù hợp ngay trong năm học này.

Riêng 4 bộ sách còn lại các tác giả và nhà xuất bản xin được chỉnh sửa bổ sung vào lần tái bản tiếp theo.

6/ Kỳ thi trung học phổ thông dài nhất

Vì biến động bất thường của dịch Covid-19, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia không còn tổ chức vào mốc thời gian quen thuộc cuối tháng 6 như hằng năm mà được lùi tới ngày 9-10/8.

Không còn tên gọi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia mà đổi tên thành thi tốt nghiệp trung học phổ thông giao quyền cho các địa phương giữ vai trò chủ trì, trường đại học chỉ thanh kiểm tra nhằm đảm bảo đúng mục tiêu và quy định của Luật Giáo dục.

Nếu như bình thường, kỳ thi trung học phổ thông chỉ kéo dài dăm ngày (từ khâu chuẩn bị đến khi thi xong) thì với năm 2020, kỳ thi kéo dài hơn bình thường vì phải chia làm 2 đợt.

Gần đến ngày thi, vào ngày 24/7 Đà Nẵng ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và có tốc độ lây lan đến chóng mạt ra các tỉnh Quảng Nam và thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ buộc phải quyết định chia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ra làm 2 đợt. Những thí sinh ở địa phương có bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ thi đợt 2 từ ngày 3-5/9.

Dù kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức thành 2 đợt nhưng đã được đánh giá là kỳ thi nghiêm túc và an toàn.

Phan Tuyết