Mất hàng trăm triệu đồng chạy biên chế để được dạy thêm học sinh chính khóa?

06/01/2021 07:30
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dạy thêm thu nhập gấp 5 – 10 lần lương, dù lương 15 triệu đồng/tháng, giáo viên những môn dạy thêm được như hiện nay cũng khó mà bỏ dạy thêm!

Chuyện dạy thêm, học thêm là câu chuyện chưa hề cũ trong dư luận của nước ta. Có rất nhiều lý giải cho nguyên nhân học trò chúng ta phải quay cuồng học thêm và giải pháp hạn chế, xóa bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay.

Có phải lương giáo viên thấp, nên phải ép học sinh để dạy thêm?

Để trả lời câu hỏi này, đầu tiên phải xác định giáo viên nào dạy thêm?

Thật ra không phải tất cả giáo viên đều dạy thêm; với tiểu học chỉ có giáo viên chủ nhiệm, với trung học chỉ có giáo viên bộ môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một phần bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Ngoài ra, dạy thêm, học thêm chỉ rầm rộ ở thành thị, còn nông thôn có nhưng không nhiều; với vùng sâu, vùng xa, giáo viên còn phải vận động học trò đi học, không có khái niệm dạy thêm. [1]

Điều đó có nghĩa, phần lớn giáo viên sống bằng lương của mình. Mặt khác, so với các ngành nghề khác, lương giáo viên vẫn thuộc hàng cao nhất trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp hiện nay.

Trên một số diễn đàn, đã có những lời khuyên chân tình của giáo viên “Nếu bạn thấy lương thấp, chưa tương xứng với cống hiến của mình, bạn nên đổi nghề”. Thế nhưng, hàng năm có rất ít giáo viên đổi nghề, nhảy việc.

Nên lương thấp không phải là lý do để giáo viên dạy thêm đổ lỗi!

Giải pháp để xóa bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm là gì? (Ảnh minh họa: VTV)

Giải pháp để xóa bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm là gì? (Ảnh minh họa: VTV)

Mất hàng trăm triệu đồng chạy 1 suất biên chế giáo viên... dù biết lương thấp?

Trước khi chọn trường, chọn nghề sư phạm, ngoài được miễn học phí, những sinh viên sư phạm chắc chắn đã biết lương giáo viên như thế nào, tháng bao nhiêu tiền, số tiền đó có sống được không.

Hiện nay, hàng trăm ngàn giáo sinh sư phạm ra trường chưa có việc làm, điều đó có nghĩa với mức lương giáo viên hiện hưởng vẫn thu hút được nguồn lực lao động của xã hội.

Chuyện chạy công chức trong tuyển dụng giáo viên không hề mới. Người ta sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để kiếm một chân giáo viên biên chế. [2]

Nếu không sống được bằng lương, cớ sao người ta lại “đầu tư” như thế? Mất hàng trăm triệu đầu tư, phải có cách thu lời sau đó chứ, trong khi đó lương lại thấp?

Một đồng nghiệp ở Hà Nội khoe với tôi mỗi tháng dạy thêm có thể kiếm được 100 triệu đồng - 120 triệu đồng. Số tiền này bằng lương tháng của tôi cả năm.

Được biết trung bình một lớp dạy thêm ở thủ đô có 40 học sinh, mỗi em đóng 60.000 đồng/ buổi, như vậy giáo viên dạy 8 buổi cũng thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Còn một đồng nghiệp khác ở tỉnh, dạy cho vui mỗi tháng cũng kiếm được 20-30 triệu đồng.

Tôi hỏi vài đồng nghiệp đang dạy hợp đồng tại các trường công lập rằng sao không bỏ nghề khi mức lương thấp như vậy? Họ thật thà trả lời, bám trụ lại chẳng qua để lấy cái “mác” mở lớp dạy thêm bên ngoài, chứ mấy ai sống nhờ đồng lương.

Mỗi mùa thi, một giáo viên dạy thêm có thể kiếm vài trăm triệu là chuyện bình thường. Đương nhiên không phải giáo viên nào cũng được thu nhập như vậy, bởi còn phụ thuộc vào trình độ, danh tiếng và môn học. Một giáo viên phổ thông lương có thể từ 5-10 triệu đồng nhưng thu nhập từ dạy thêm có thể gấp 10 lần con số đó.

Như vậy, mất hàng trăm triệu để làm giáo viên... dạy thêm học sinh chính khóa!

Tăng lương giáo viên sẽ xóa bỏ được dạy thêm, học thêm?

Có ý kiến cho rằng, tăng lương giáo viên 20 triệu đồng/tháng, có lẽ chẳng giáo viên nào dạy thêm; trả lương giáo viên từ 15 triệu đồng/tháng như trường dân lập, giáo viên sẽ không muốn dạy thêm. [3]

Thật ra giáo viên trường dân lập có muốn dạy thêm học sinh chính khóa cũng không dạy được, nhà trường không cho phép, học sinh đã được học đầy đủ trong giờ chính khóa rồi, không có nhu cầu học thêm nữa.

Giáo viên công lập dạy thêm có thu nhập cao, chủ yếu dạy học sinh chính khóa! Chính vì vậy, dù kêu ca lương thấp nhưng vẫn “bám trụ” để dạy thêm, chứ mấy ai vì lương thấp mà bỏ nghề.

Dạy thêm thu nhập gấp 5 – 10 lần lương, dù lương 15 triệu đồng/tháng, giáo viên những môn dạy thêm được như hiện nay cũng khó mà bỏ dạy thêm!

Cơ sở nào để tăng lương cho giáo viên công lập lên ... 20 triệu đồng/tháng?

Để biết đề xuất tăng lương cho giáo viên công lập lên ... 20 triệu đồng/tháng thiếu thực tế thế nào, chúng ta tham khảo lương của những vị lãnh đạo Quốc gia.

Lương của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ nước ta hiện nay khoảng 20 triệu đồng/tháng [4]. Vậy sao đòi hỏi nâng lương giáo viên lên 20 triệu đồng/tháng được?

Làm sao xóa bỏ dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay?

Cần nhìn thẳng vào vấn đề, nhu cầu học thêm của học sinh hiện nay có 5 nguyên nhân chủ yếu:

Thứ nhất: Chương trình quá nặng, nội dung quá hàn lâm, không gắn với thực tế và tính vừa sức của học trò, thi và kiểm tra vẫn tập trung vào đánh giá khả năng ghi nhớ, khối lượng kiến thức, nên không học thêm khó vượt qua các kỳ thi.

Thứ hai: Chúng ta còn quá nặng về bằng cấp, chứng chỉ, nên làm méo mó mục đích của giáo dục, thực tế chúng ta dạy để học trò đi thi làm được bài, học sinh học để đạt điểm cao, chỉ là học để thi.

Thứ ba: Còn tồn tại các kỳ thi học sinh giỏi, đặc biệt ở bậc trung học cơ sở. Đề thi lại có nội dung kiến thức quá nặng, kiến thức đó lại đẩy từ lớp trên xuống cho lớp dưới.

Thứ tư: Chúng ta đang hợp pháp hóa dạy thêm học sinh chính khóa.

Thứ năm: Có một bộ phận giáo viên suy thoái đạo đức, coi đồng tiền trên hết, ép học sinh đi học.

Vì vậy muốn xóa bỏ dạy thêm, học thêm tràn làn, phải giản lược chương trình, đảm bảo tính vừa sức; kiến thức hàn lâm, chuyên sâu nên dành cho bậc đại học.

Với giáo dục phổ thông tăng cường giáo dục STEM, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực. Giáo dục phải đạt được mục đích cao nhất, chính là học sinh có năng lực và nhu cầu tự học, tự khám phá và nghiên cứu kiến thức, có vậy mới mong có thế hệ học sinh sáng tạo trên cơ sở khoa học…

Xóa bỏ tất cả các kì thi học sinh giỏi ở tiểu học và trung học cơ sở theo cách tổ chức lâu nay. Cấm tuyệt đối giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa.

Đi đôi với các biện pháp hành chính, thực thi pháp luật nghiêm minh, cần có cải cách tiền lương với giáo viên cho hợp lý hợp tình, giáo viên không muốn, không dám, không cần dạy thêm.

Dạy thêm, học thêm tràn lan đang làm nhức nhối xã hội nước ta. Muốn xóa bỏ tệ nạn này, cần sự chung tay, đồng lòng của phụ huynh học sinh.

Nếu phụ huynh coi trọng điểm số hơn phẩm chất năng lực của con trẻ, chính phụ huynh đang góp sức nuôi dưỡng và cổ xúy cho tệ nạn dạy thêm, học thêm phát triển.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/day-them-hoc-them-dung-y-nghia-205865/

[2]https://www.tienphong.vn/giao-duc/mat-hang-tram-trieu-dong-de-lam-giao-vien-1250415.tpo?fbclid=IwAR0IhA5Pbo-5PodBHvbdi26ZPQKRLKVDige968KVjfFzhaNLAZSRJ5rMPPI

[3]https://vtc.vn/luong-20-trieu-dong-thang-co-le-chang-giao-vien-nao-nghi-den-viec-day-them-ar588831.html

[4]https://baophapluat.vn/trong-nuoc/luong-chu-tich-nuoc-thu-tuong-chu-tich-qh-tu-172020-479360.html

[5]https://vtc.vn/nhieu-giao-vien-day-them-vi-tien-khong-phai-vi-hoc-sinh-ar588510.html

Lê Mai