Hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm đang biến tướng thành du lịch, vui chơi?

21/01/2021 06:58
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chú trọng đẩy mạnh thực hành thông qua những buổi học ngoại khóa vừa giúp trẻ tiếp thu kiến thức, kỹ năng mà không bị áp lực bởi một yếu tố nào.

Việc có một học sinh lớp 4 của trường tiểu học Âu Dương Lân, quận 8 tử vong khi đi tham gia ngoại khóa ở Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) trong tuần qua đã làm dấy lên sự lo ngại của phụ huynh, giáo viên khi cho học sinh đi tham gia ngoại khóa.

Vai trò của nhà trường

Theo Hiệu trưởng trường tiểu học Âu Dương Lân, quận 8, chuyến đi ngoại khóa này hoàn toàn là sự tự nguyện, dựa trên sự đăng ký của phụ huynh và học sinh.

Nói là sự tự nguyện đăng ký tham gia, nhưng nếu nhà trường và đơn vị tổ chức có trách nhiệm, có phương án đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi tham gia, thì chắc chắn sự cố đáng tiếc như đã nói ở trên sẽ không xảy ra như vậy.

Hoạt động ngoại khóa là một trong những nội dung không thể thiếu trong chương trình giảng dạy của nhà trường. Tham gia ngoại khóa không chỉ giúp cho các em học sinh tăng cường về mặt sức khỏe, giải tỏa mệt mỏi sau những giờ học, mà còn là cơ hội để các em phát triển các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm tại một khu sinh thái (ảnh: CTV)

Học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm tại một khu sinh thái (ảnh: CTV)

Khi các trường tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa đều có kế hoạch từ trước, có văn bản xin ý kiến của lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, có một thực tế phải nhìn nhận rằng, phần lớn các kế hoạch tham quan ngoại khóa chủ yếu cũng chỉ nằm trên giấy tờ, ít khi được phổ biến kỹ càng tới các giáo viên.

Trước ngày diễn ra hoạt động tham quan ngoại khóa, thường thì các nhà trường và đơn vị tổ chức chưa có các buổi họp để triển khai kế hoạch, phương án tổ chức buổi hoạt động này tới toàn thể giáo viên tham gia.

Toàn bộ sơ đồ nơi tổ chức mà học sinh tham quan, thời gian diễn ra hoạt động cũng ít khi được phổ biến tới giáo viên, nhân viên nhà trường biết, nắm rõ để phối hợp, tổ chức một cách nhịp nhàng, hạn chế các tình huống rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Bản thân giáo viên chủ nhiệm của các lớp cũng chỉ biết vận động học sinh tham gia, thu tiền và nộp lại cho kế toán của trường. Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch, nhà trường cũng cần thể hiện rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận.

Hoạt động ngoại khóa cần gắn với hoạt động chuyên môn

Đẩy mạnh kiến thức thực tế thông qua các hoạt động học tập ngoại khóa là nền tảng để các em học sinh phát triển trí tuệ vững chắc. Những bài học lý thuyết có thể khiến cho các em không nhớ lâu, song khi được thực hành hay khi có điều kiện áp dụng thì sẽ là bài học bổ ích ghi sâu vào trí nhớ của trẻ.

Chú trọng đẩy mạnh thực hành thông qua những buổi học ngoại khóa vừa giúp trẻ tiếp thu kiến thức, kỹ năng mà không bị áp lực bởi một yếu tố nào.

Học sinh đều trong độ tuổi nghịch ngợm, hiếu động, nhiều em thiếu kỹ năng xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm, nên nguy cơ xảy ra thương tích, tai nạn trong chuyến đi là khá cao. Hơn nữa, việc quản lý, chăm sóc các em trong những chuyến đi thường là các thầy cô giáo chủ nhiệm, bảo mẫu, một vài phụ huynh và nhân viên khu du lịch.

Tác giả bài viết - Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn (ảnh: NVCC)

Tác giả bài viết - Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn (ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, lớp học thường rất đông học sinh, địa điểm tham quan thường rộng lớn, nên nếu không cẩn thận thì không thể quản lý học sinh một cách chặt chẽ, thiếu sự kiểm soát.

Những năm gần đây, để thuận tiện cho các hoạt động ngoại khóa, nhà trường thường kết hợp với các công ty du lịch, chọn địa điểm đi thường là các khu du lịch sinh thái.

Mỗi học sinh khi tham gia đều phải đóng một số tiền, nhưng có một thực tế là thường các em đi đến những nơi này chủ yếu là chơi nhiều hơn là học tập. Các hoạt động tổ chức chưa gắn liền với nội dung bài học.

Hoạt động ngoại khóa được hiểu như là hoạt động tổ chức ngoài giờ học chính khóa, thường mang tính chất tự nguyện nhiều hơn là bắt buộc. Đây chính là sự tiếp nối hoạt động dạy và học trên lớp, là con đường gắn lý thuyết với thực tiễn.

Hiện nay, một số trường tổ chức hoạt động trải nghiệm còn mang nhiều tính hình thức, phần lớn chỉ dừng lại việc tổ chức cho học sinh đi tham quan, dã ngoại. Còn việc thu nhận được kiến thức, kỹ năng gì từ những chuyến đi này thì dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Không phải cứ tổ chức cho học sinh “vác ba lô” lên là đi hoạt động ngoại khóa. Nhà trường cần tổ chức những chương trình này gắn liền với nội dung của các môn học.

Ví du: Với học sinh lớp 3, để dạy chương trình thực vật và động vật, chúng ta có thể tổ chức cho học sinh đi đến Thảo Cầm Viên. Với các em học sinh lớp 4, để dạy các kiến thức về hoạt động sản xuất của người dân vùng Đồng Bằng Nam Bộ, nhà trường có thể cho học sinh được trải nghiệm tại các khu du lịch sinh thái.

Khi dạy về Lịch Sử thì có thể cho học sinh tham quan các bảo tàng…Như vậy, mỗi chuyến đi trải nghiệm chỉ cần tổ chức trong một buổi của ngày học, kinh phí tổ chức cũng không đáng kể.

Giáo viên cũng có thể đa dạng hóa các hình thức tổ chức, phương pháp tổ chức hoạt động. Khi tham gia, các em học sinh cần biết ghi chép, làm việc nhóm, quan sát, thực nghiệm và cuối cùng là báo cáo sản phẩm theo từng nội dung, yêu cầu.

Chính việc này giúp cho các em thoát khỏi các lớp học truyền thống, cách tiếp thu kiến thức một chiều và chuyển sang hình thức học tập sinh động, chân thực.

Tham gia ngoại khóa là một trong những hoạt động không thể thiếu trong chương trình giáo dục. Nếu tổ chức tốt, các chuyến đi này sẽ tạo ra cho học sinh nhiều trải nghiệm, giúp cho các em học tập ngày càng tốt hơn.

Để một buổi học tập ngoại khóa đạt hiệu quả và an toàn, cần chú ý rèn kỹ năng cho học sinh tuân thủ các quy định tập thể, khả năng tự phục vụ, kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm.

Cha mẹ cũng cần phối hợp với nhà trường trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về tai nạn thường gặp như tai nạn giao thông, tai nạn đuổi nước, ngộ độc thực phẩm.

Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn