Ngày 1/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc với thành phố Hà Nội về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội do ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trình bày cho biết, tính từ ngày 27/1 đến nay, sau khi xuất hiện 2 ổ dịch ở Thành phố Chí Linh (Hải Dương) và Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), trên địa bàn Hà Nội đã có 19 ca dương tính (trong đó Quận Nam Từ Liêm có 9 ca, huyện Đông Anh có 4 ca, huyện Mê Linh có 3 ca, quận Cầu Giấy có 2 ca và quận Hai Bà Trưng có 1 ca).
Trên thực tế, dịch bệnh ở Hà Nội xuất hiện nhanh, trong vòng 5 ngày tính từ ngày 27/1 đến nay đã ghi nhận 19 trường hợp mắc bệnh và chu kỳ lây nhiễm đã sang chu kỳ thứ 4.
Hà Nội đã rà soát gần 16.000 trường hợp đi về từ vùng dịch kể từ 15/01/2021 và truy vết 412 trường hợp F1, đã lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung các trường hợp này.
Qua rà soát cũng có trên 2.000 trường hợp F2, hiện đang được cách ly tại nhà.
Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chiều ngày 1/2 Ảnh: Trần Minh/Sức khỏe đời sống |
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay Bộ Y tế rất quan ngại về tình hình dịch của Hà Nội. “Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thống nhất quan điểm: Phải giữ bình yên cho Thủ đô để người dân được đón Tết an toàn.” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, sở dĩ Bộ Y tế quan ngại về tình hình dịch ở Hà Nội, bởi đợt dịch lần này sẽ khó khăn hơn, phức tạp hơn và khác hẳn so với đợt dịch bùng phát trước tại Đà Nẵng, do chủng biến thể mới của vi rút có tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ lây nhiễm rút ngắn hơn.
Theo Bộ trưởng, Hà Nội cần chống dịch quyết liệt hơn. “Những nguy cơ này đòi hỏi chúng ta phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, nếu không thì tốc độ lây nhiễm của vi rút sẽ nhanh hơn chúng ta” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, đồng thời nhấn mạnh Hà Nội phải thay đổi chiến lược đối phó và nâng ứng phó dịch lên 1 mức so với đợt dịch lần trước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Hà Nội vừa thực hiện truy vết, nhưng cũng không chờ truy vết mà phải khoanh vùng ngay.
“Khoanh vùng càng nhanh càng tốt, càng rộng càng tốt. Nơi nào có bệnh nhân thì khoanh rộng hơn và lấy mẫu toàn bộ người dân ở đó. Khi khu vực đó tất cả các mẫu có kết quả âm tính thì mới tính đến giãn cách, khoanh hẹp hơn”- Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, sở dĩ Hà Nội phải nâng ứng phó dịch lên 1 mức so với đợt dịch lần trước là vì cư dân của Hà Nội có mối quan hệ mật thiết với các tỉnh có ổ dịch và có hành trình đi lại hết sức phức tạp. “Chúng ta phải chặn nguồn lây. Nếu không, tốc độ lây nhiễm sẽ gia tăng” - Bộ trưởng khuyến cáo.
Theo Bộ trưởng lần này phải coi các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh. Từ đó truy ra F2 và coi F2 gần như F1.
“Chúng tôi đồng ý cách ly F2 ở nhà, nhưng phải thực hiện cách ly F2 tại nhà nghiêm ngặt và phải có giám sát. Đó là sự thay đổi trong cách thức ứng phó dịch”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắc lại.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng Hà Nội phải ra khuyến cáo mạnh, yêu cầu người dân toàn thành phố bắt buộc phải đeo khẩu trang; hạn chế tập trung đông người ở khu vui chơi, giải trí; khuyến cáo người dân hạn chế đi tới các tỉnh...
Về xét nghiệm, Hà Nội phải xây dựng các tổ đội để lấy mẫu thật nhanh tại một số khu vực trọng điểm, khu vực nghi ngờ. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Y tế sẽ huy động sinh viên các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng hỗ trợ lấy mẫu. Bộ Y tế sẽ tiến hành tập huấn việc lấy mẫu.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế dành công suất xét nghiệm của các đơn vị thuộc Bộ để hỗ trợ Hà Nội.
“Hà Nội lấy mẫu bao nhiêu thì chúng tôi đáp ứng xét nghiệm từng đó, chứ không chỉ là con số 40.000 mẫu như Hà Nội nêu” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị làm tối đa công suất xét nghiệm. Bộ Y tế đã điều 12 đơn vị hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm 40.000 mẫu, trong đó ĐH Y Hà Nội 5.000 mẫu, BV Nhiệt đới Trung ương 5.000 mẫu; BV Nhi Trung ương l5.000 mẫu; BV Phổi Trung ương 5.000 mẫu; Trường ĐH Y tế công cộng 3.000 mẫu... “Quan trọng nhất là việc điều phối lấy mẫu xét nghiệm của Hà Nội. Có xét nghiệm thì chúng ta mới nhanh chóng triển khai tiếp chống dịch”.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Hà Nội nghiên cứu hợp tác với y tế tư nhân trong công tác xét nghiệm.
Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: Trần Minh/Sức khỏe đời sống |
Về điều trị, trước mắt, Bộ Y tế bố trí Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ điều trị cho Hà Nội.
Tuy nhiên, Hà Nội cần khởi động ngay việc thiết lập bệnh viện dã chiến, để hình thành mạng lưới điều trị, phòng trường hợp cần thiết.
Bộ Y tế giao BV Bạch Mai hỗ trợ việc này. Hà Nội cũng cần đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế, cho người thực hiện chống dịch.
Về vấn đề mua sắm trang thiết bị, vật tư chống dịch, Bộ trưởng cho biết quy định về tài chính đã cụ thể.
“Quan điểm của chúng tôi Hà Nội cần gì cho chống dịch, cần bao nhiêu người cứ trao đổi với Bộ, Bộ sẵn sàng hỗ trợ tối đa.
Bộ sẽ cùng Hà Nội chống dịch thành công” - Bộ trưởng nói và giao Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và một số cán bộ của Bộ hàng ngày tham gia cuộc họp của Sở Chỉ huy của Hà Nội về công tác phòng chống dịch.
Phát biểu tại cuộc họp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh nhiều lần: “Hà Nội phải nhanh và quyết liệt hơn”.
Theo ông Ngọc Anh, Thành phố Hà Nội hiện đang gặp khó khăn về xét nghiệm và chuyên gia, cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Hà Nội đã lập một "Sở chỉ huy" chiến dịch COVID-19, nhưng cần chuyên gia từ Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Đại học Y Hà Nội trợ giúp.
Ngày 1/2, Bộ Y tế đã có văn bản giao các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ thực hiện 40.000 xét nghiệm cho Hà Nội.