“Dạy ở điểm trường thì cực nhất là đi chở nước sinh hoạt”

22/02/2021 06:22
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hứng được rồi rồi nhưng mang can nước đó từ dưới hẻm núi lên đến mặt đường để xe máy là rất vất vả, nhiều lúc lên gần đến nơi lại bị trượt chân ngã, đổ hết nước.

“Thời gian đầu đi dạy tại điểm trường trong bản, tôi ở nhà công vụ chung với Ủy ban xã, trạm Y tế…đây là mấy phòng tạm bằng tre nứa, gỗ rất cũ, gió lùa tứ phía.

Hỏi thăm các chị đồng nghiệp rằng nơi sinh hoạt…ở đâu? Các chị nói ở đây không có nước mà phải đi chở từng can cách đây mấy cây số. Mình chưa làm vậy bao giờ nên có hỏi là chở nước như thế nào? Các chị hướng dẫn lấy can nhựa loại 20 lít, dùng đòn gánh buộc ngang sau yên xe máy rồi treo 2 can nước 2 bên.

Nhưng muốn chở được 2 can nước thì tay lái phải vững, nếu không sẽ bị ngã vì đường toàn đá lại còn leo dốc cao ngoằn nghèo. Nghe vậy tôi cũng làm theo và ra nơi lấy nước.

Đây là một mạch nước nhỏ chảy ra từ khe đá dùng chung cho mấy bản quanh điểm trường nơi tôi công tác, cách nơi tôi ở khoảng 2km. Muốn lấy được nước phải xách can nhựa theo con đường mòn đi bộ xuống hẻm núi khoảng 200 mét, xếp hàng cùng người dân đợi đến lượt mình hứng nước. Vào mùa có mưa thì nhanh chứ mùa cạn phải ngồi hứng cả giờ đồng hồ mới đầy được can nhựa.

Hứng được rồi rồi nhưng mang can nước đó từ dưới hẻm núi lên đến mặt đường để xe máy là rất vất vả, nhiều lúc lên gần đến nơi lại bị trượt chân ngã, can nước lăn theo triền dốc xuống phía dưới, phải quay trở lại nhặt can nước rồi leo lên.

Vậy nên mỗi lần đi lấy nước thường mất vài tiếng đồng hồ, chưa kể có nhiều lần chở 2 can nước về gần đến điểm trường lại bị ngã xe đổ hết nước.

Với 2 can nước đó phải dùng rất tiết kiệm, để nấu ăn và rửa mặt nhưng cũng chỉ được vài ba ngày, còn trong tuần khi ở điểm trường thì tất cả việc tắm gội, giặt quần áo… đều phải đợi đến chiều thứ sáu cuối tuần về nhà cách điểm trường hơn 50 km đường rừng, lúc đó mới “giải quyết.

Việc thiếu nước sinh hoạt ở điểm trường này như vậy cứ kéo dài hết năm này qua năm khác khiến cho cuộc sống của tôi cũng như các đồng nghiệp nơi đây rất vất vả.

Mặc dù được sự quan tâm của nhà nước cho xây những bề chứa lớn tại điểm trường nhưng trên thực tế là vùng núi cao không có nguồn nước để dẫn vào, bể xây xong để khô như vậy”.

Cô Lồ Thị Lan, người dân tộc Bố Y - Giáo viên dạy lớp 1 Trường Tiểu học số 2 thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Lồ Thị Lan, người dân tộc Bố Y - Giáo viên dạy lớp 1 Trường Tiểu học số 2 thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai và các em học sinh của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô Lồ Thị Lan, người dân tộc Bố Y - Giáo viên dạy lớp 1 Trường Tiểu học số 2 thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai và các em học sinh của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Lan chia sẻ: “Sinh ra tại xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tốt nghiệp Sư phạm khoa Tiểu học, ra trường tôi nhận công công tác tại điểm trường lẻ trong bản của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Hồi hộp lo lắng không biết sẽ ra sao, chưa tưởng tượng được khi làm giáo viên đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho học sinh như thế nào? Mọi cảm giác cứ xáo trộn trong tôi.

Hôm đầu tiên đến điểm trường nhận công tác, tôi thấy nhiều chuyện không giống với những suy nghĩ, tưởng tượng của mình trước đó. Khi đi thực tập chúng tôi được trải nghiệm thực tế tại một trường ở thành phố nơi có học sinh, cơ sở vật chất rất tốt.

Sinh ra và lớn lên ở vùng cao nhưng tôi cũng không tưởng tượng được ở nơi này lại có một ngôi trường đơn sơ như vậy, khác xa với nơi mình đã thực tập.

Điều kiện vật chất, đường xá đi lại và sinh hoạt ở vùng này còn rất nhiều khó khăn, hơn nữa các em học sinh rất hạn chế khi giao tiếp bằng tiếng phổ thông”.

Cô Lồ Thị Lan, người dân tộc Bố Y - Giáo viên dạy lớp 1 Trường Tiểu học số 2 thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai và các em học sinh trong giờ thể dục. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô Lồ Thị Lan, người dân tộc Bố Y - Giáo viên dạy lớp 1 Trường Tiểu học số 2 thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai và các em học sinh trong giờ thể dục. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Học tiếng H’Mông để hiểu học sinh của mình

Cô Lan cho biết: “ Điểm trường nơi tôi dạy với gần 60 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và đều là người dân tộc H’Mông, các em sống ở các thôn bản cạnh điểm trường.

Từ bé sinh ra chỉ loanh quanh trong bản sâu nên nhận thức rất hạn chế, kể cả phụ huynh các em cũng vậy, việc giao tiếp bằng tiếng phổ thông rất khó và hầu như các em không biết.

Khó nhất là dạy môn Tiếng Việt các em lớp 1, lớp 2, tôi mất rất nhiều công sức vì học sinh chưa biết tiếng phổ thông, nếu chỉ đọc cơ bản thì cũng tạm ổn, nhưng khi dạy đến phần luyện từ và câu hoặc tập làm văn thì rất vất vả.

Học sinh bị hạn chế về vốn từ nên hầu hết các tiết dạy tôi đều phải cung cấp, bổ sung thêm vốn từ cho học sinh, phải tìm cách nói làm sao cho các em hiểu được. Trong lớp cũng có một số em thông thạo tiếng phổ thông nên tôi nhờ các em đó nói lại để cả lớp hiểu được.

Có lúc những em đó phiên dịch lại để tôi cũng hiểu được tiếng H’Mông và bản thân tôi cũng đã tự học tiếng H’Mông của học sinh để giúp thuận tiện hơn trong việc truyền đạt kiến thức cho học trò của mình.

Đối với môn Toán cũng vậy, những phép tính nhân, chia, vẽ hình cũng gặp khó khăn vì các em chưa hình dung ra được. Phần bài giải Toán có lời văn nhưng vì vốn từ của các em rất ít nên khi đọc lên các em cũng không hiểu được đề Toán hỏi cái gì, cần làm gì và làm thế nào?

Đối với một số em trong lớp có lực học yếu hơn các bạn, để các em không sợ học tập nên ngoài giờ dạy trên lớp hoặc lúc ra chơi tôi cũng giành chút thời gian để kèm thêm cho đến khi các em đó hiểu bài”.

Cô Lan chăm sóc học sinh tận tình hàng ngày như một người mẹ thứ 2 của các em. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô Lan chăm sóc học sinh tận tình hàng ngày như một người mẹ thứ 2 của các em. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Được phụ huynh học sinh mời đến nhà ăn Tết

Cô Lan cho biết: “Vào những dịp Tết các gia đình trong bản thường mổ lợn và cũng mời chúng tôi đến dự chung vui, phụ huynh học sinh ở đây rất quý giáo viên nên nếu không đến dự là họ buồn lắm.

Khi đến ăn Tết bao giờ cũng được họ mời uống rượu mà phải uống bằng bát, tôi thì không biết uống rượu nên nhiều lúc cứ phải trốn hoặc chỉ dám nhấp môi một chút, nếu không uống người dân cho rằng cô giáo không thật lòng.

Khi ra về nhiều phụ huynh còn tặng cho cặp bánh chưng hoặc một miếng thịt lợn sống được xâu lạt để cầm tay mang về, có lúc lại là những cây rau cải, củ su hào…được trồng tại vườn nhà, món quà tuy đơn sơ nhưng là thể hiện tình cảm của người dân và cũng phần nào giúp cho thầy cô giáo cắm bản như tôi thấy ấp áp trong lòng”.

Tám năm bám 4 điểm trường trong bản

Theo cô lan: “ Điểm trường thứ 3 tôi đến nhận công tác nằm cheo leo trên đỉnh núi và đường đi lại khó khăn hơn rất nhiều so với 2 điểm trường trước và cũng rất khan hiếm nước sinh hoạt.

Lên được điểm trường này chúng tôi phải leo ngược dốc cao 5 - 6 km đường mòn, nhiều lúc bị ngã xe rách cả áo, hỏng xe thì thường xuyên vì đường rất trơn, khó đi, nhiều đoạn phải dắt xe chứ không thể đi nổi vì bùn đất đặc sệt nhất là vào những ngày mưa rét.

Lúc lên trường thì leo ngược dốc và lúc xuống núi cũng vất vả không kém, xe lao nhanh và ngày nào cũng bị ngã xe, ngã nhiều quá nên cũng quen, những lúc như vậy tôi lại cùng đồng nghiệp giúp nhau dựng xe lên rồi đi tiếp mà không ai nói câu gì vì tủi thân.

Tại điểm trường mới tôi được phân công dạy lớp 1, vừa ở mầm non nên những thói quen như ngồi học trong lớp và các hoạt động khác các em đều chưa quen, chúng tôi lại phải từng bước rèn học sinh vào nếp.

Về giao tiếp bằng tiếng phổ thông các em cũng chưa thể bằng học sinh các lớp lớn nên rèn từ cách ngồi, cách cầm bút, làm quen với các chữ cái, tập đọc, tập viết… mọi việc dạy, làm quen ở lớp 1 này đúng nghĩa là bắt đầu.

Nhiều lúc ngồi học nhưng các em không tập trung, có em đang học trong lớp thì bất ngờ chạy ra sân chơi, nhưng lúc như vậy tôi lại ra dỗ dành để các em quay vào học, vất vả nhưng cũng vui lắm anh ạ, các em hồn nhiên, ngây thơ, đáng yêu lắm.

Ngay như trong lớp, nhiều lúc tôi giảng bài nhưng mặt em nào cũng ngơ ngác không hiểu cô nói gì, cô thì nói còn học sinh lại nhìn chăm chú vào cô, thấy vậy tôi hỏi lại bằng tiếng H’Mông là các em có hiểu không? Và đa số các em nói không hiểu.

Vậy nên trên lớp ngoài giảng dạy bằng tiếng phổ thông nhưng có nhiều lúc tôi phải vận dụng vốn từ bản địa để làm sao cho các em hiểu cô giáo nói gì, cứ tiếng phổ thông đan xen tiếng H’Mông, từ đó các em mới hiểu được bài học.

Có câu văn nói về đá nhưng tôi nói mãi học sinh vẫn không hiểu, tôi ra sân lấy một hòn đá mang vào để các em cảm nhận được. Vậy nên trong giờ học tôi phải vận dụng rất nhiều hình thức từ lời nói, cử chỉ…và cả đạo cụ thì các em mới hiểu bài.

Hàng tuần tôi cũng dành 1 đến 2 tiết học để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, học múa hát để học sinh có cơ hội trau dồi thêm tiếng phổ thông, tăng thêm vốn từ qua giao tiếp và sau nhưng giờ học như vậy các em rất vui".

Cô Lan chia sẻ: " Bố mẹ tôi cũng động viên rất nhiều, con hãy cố gắng, trên đó các đồng nghiệp ở được thì mình cũng ở được chứ sao lại tính bỏ nghề". Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô Lan chia sẻ: " Bố mẹ tôi cũng động viên rất nhiều, con hãy cố gắng, trên đó các đồng nghiệp ở được thì mình cũng ở được chứ sao lại tính bỏ nghề". Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Theo cô Lan: "Hàng tuần tôi cũng dành 1 đến 2 tiết học để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, học múa hát để học sinh có cơ hội trau dồi thêm tiếng phổ thông". Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Theo cô Lan: "Hàng tuần tôi cũng dành 1 đến 2 tiết học để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, học múa hát để học sinh có cơ hội trau dồi thêm tiếng phổ thông". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Lan chia sẻ thêm: “Cũng có lúc một vài học sinh vắng mặt, cứ sáng lên lớp thấy thiếu em nào là tôi phải đến ngay nhà em đó tìm hiểm xem tại sao học sinh không đi học?

Có em nói do bố mẹ chưa nấu cơm cho ăn nên không đi học, có em thì ngủ quên vì bố mẹ đi làm nương sớm không gọi, có em sáng ra mải chơi và cũng có em không thích đi học.

Những lúc như vậy tôi lại vận động, nói với phụ huynh chịu khó dậy sớm nấu cơm cho các con ăn để đi học, nhưng có em tôi cũng phải dỗ dành, thậm chí phải nịnh thì mới chịu đến lớp.

Nhìn lại thời gian qua tôi thấy cũng có lúc vui, lúc buồn, lúc đầu mới lên điểm trường tôi cũng trợt có suy nghĩ bỏ nghề vì nơi đây điều kiện thiếu thốn, quá vất vả nhất là thiếu nước sinh hoạt hàng ngày.

Bố mẹ tôi cũng động viên rất nhiều, con hãy cố gắng, trên đó các đồng nghiệp ở được thì mình cũng ở được chứ sao lại tính bỏ nghề?

Những vùng xa đó học sinh rất cần những thầy cô giáo như con, nghe vậy tôi lại tiếp tục lên công tác, ngày tháng dần qua, công việc cuốn hút và tôi cũng thấy thích nghi lúc nào không biết nữa.

Xác định ở đâu cũng sẽ có khó khăn riêng, đã quen rồi nên bây giờ đi chở nước cũng thấy vui anh ạ, nếu được chọn lại tôi vẫn sẽ chọn nghề giáo vì đó là ước mơ từ hồi nhỏ của tôi, vẫn xung phong đi điểm trường.

Đã 9 năm đi dạy học thì có tới 8 năm tôi dạy ở điểm trường trong bản vùng xa, đầy ắp những kỷ niệm với các em học sinh, với người dân thôn bản, với những chuyến đi lấy nước hàng ngày, tuy vất vả nhưng cứ nhìn thấy những ánh mắt hồn nhiên trong trẻo của các em học sinh là tôi như quên hết mọi vất vả, cực nhọc”.

Tùng Dương