Nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua là nhiệm kỳ đầu tiên của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, có sự tập hợp lớn của nhiều trường đại học và cao đẳng cùng một số cơ quan nghiên cứu, tập hợp lực lượng trí thức phải nói là to lớn của đất nước.
Năm 2004, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam thành lập với hơn 40 hội viên, đến năm 2014 số hội viên tăng lên là 50 trường.
Qua 10 năm hoạt động, Hiệp hội ngoài công lập đã góp phần phát triển hệ thống các trường đại học cao đẳng ngoài công lập, gánh vác một phần kinh phí không nhỏ cho nhà nước chi cho đào tạo nguồn nhân lực.
Đến cuối năm 2014, gần 400 trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã cử đại diện về Thủ Đô để tham gia một sự kiện quan trọng là Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 2015-2020) của Hiệp Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội chung không phân biệt công lập và ngoài công lập. Giáo sư Trần Hồng Quân được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong hai ngày 2 và 3/12/2020, Đại hội toàn thể lần thứ II nhiệm kỳ 2020-2025 của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành mới. Ban Chấp hành đã bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ II.
Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam là Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.
Để có cái nhìn tổng quát về dấu ấn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020.
Giáo sư Trần Hồng Quân |
Phóng viên: Thưa Giáo sư, năm 2020 đánh dấu nhiều sự kiện giáo dục quan trọng của đất nước và là năm kết thúc nhiệm kỳ I của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Là Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ này, Giáo sư có thể chia sẻ một vài đánh giá tổng quát của mình về nhiệm kỳ vừa rồi?
Giáo sư Trần Hồng Quân: Nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua là nhiệm kỳ đầu tiên của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, có sự tập hợp lớn của nhiều trường đại học và cao đẳng cùng một số cơ quan nghiên cứu, tập hợp lực lượng trí thức phải nói là to lớn của đất nước.
Hiệp hội nhận thức được sức mạnh của lực lượng này, vả lại khi xác định tính chất là tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hiệp hội có nhiệm vụ tập hợp các trường đại học và cao đẳng, các viện nghiên cứu, các cá nhân quan tâm tới giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng để hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Hiệp hội có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho các hội viên, mặt khác Hiệp hội còn có một chức năng quan trọng hơn, đó là nghiên cứu, tham mưu, phản biện, góp ý xây dựng những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
Nhiệm kỳ 2015-2020, Hiệp hội đã làm tương đối tốt nhiệm vụ tham mưu và phản biện, mặc dù giai đoạn đầu của nhiệm kỳ này các hội viên cảm thấy hoạt động của Hiệp hội chưa đem lại lợi ích thiết thực trực tiếp với mình, bởi Hiệp hội hoạt động chủ yếu ở tầm vĩ mô là chính.
Sau khi phát hiện ra điều đó, Hiệp hội có tổ chức lại và xây dựng ra một thực thể tổ chức khác, đấy chính là các câu lạc bộ.
Trong điều lệ của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thì Hiệp hội không có cấp thấp hơn, không có phân hội, chi hội mà chỉ có cấp trung ương. Do đó, bản thân câu lạc bộ làm chức năng của phân hội, chi hội nhưng lại có phần linh hoạt hơn.
Mỗi câu lạc bộ tập hợp các thành viên có yếu tố giống nhau, có sự quan tâm giống nhau để cùng sinh hoạt chung để cùng nhau phát triển. Một trường không chỉ tham gia một câu lạc bộ mà hoàn toàn có thể tham gia nhiều câu lạc bộ.
Và trên thực tế, gần 20 câu lạc bộ kể từ khi thành lập đến nay hoạt động rất sôi động, có chất lượng, đi sâu vào những vấn đề cụ thể của các ngành, từng cộng đồng tương ứng. Chủ trương đó đã bổ khuyết những thiếu sót của Hiệp hội trong nửa nhiệm kỳ đầu.
Càng về cuối nhiệm kỳ, Hiệp hội hoạt động ngày càng sôi động hơn cùng với các câu lạc bộ, chỉ có điều là khi có Covid-19 thì có một số trở ngại, nhưng cũng là cơ hội cho một cách nhìn khác về phương thức dạy và học.
Nhìn tổng quát mà nói, xét về mặt tư duy thì Hiệp hội thuộc nhóm tư duy tiên tiến, không bảo thủ. Đứng về mặt sức tập hợp sức mạnh thì Hiệp hội càng ngày có sức tập hợp càng lớn hơn. Đứng về các hội viên, sự tham gia ngày càng tích cực năng động hơn.
Giáo sư Trần Hồng Quân tham dự hội thảo VEC 2020 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. |
Phóng viên: Nhiệm kỳ vừa qua, nhiều đóng góp của Hiệp hội được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận. Vậy Giáo sư kỳ vọng gì ở nhiệm kỳ 2020-2025 của Hiệp hội?
Giáo sư Trần Hồng Quân: Nhiệm kỳ 2020-2025 khi mà bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, trong nước bên cạnh việc đạt được nhiều thành tựu về kinh tế- xã hội thì bản thân chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn.
Đó là buộc phải sớm trở thành quốc gia có thực lực để vừa tiếp tục phát triển, nắm cơ hội phát triển, vừa bảo vệ đất nước. Tức là có thuận lợi nhưng thách thức cũng không nhỏ. Giáo dục đại học phải tự thấy sứ mạng vẻ vang và trách nhiệm to lớn của mình.
Cụ thể là giáo dục đại phải xây dựng đội ngũ lao động có chất lượng, bên cạnh đó là góp phần xây dựng sức mạnh trí tuệ cho Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay hai yếu tố đó là quan trọng bậc nhất để xây dựng thực lực quốc gia.
Do vậy, Hiệp hội cũng thấy rằng mình có trách nhiệm to lớn để tham gia vào sự phát triển giáo dục đại học.
Với tất cả sự biến động hết sức nhanh chóng của thế giới hiện nay thì giáo dục đại học cũng cần có tư duy cực kỳ năng động, không bảo thủ để theo kịp các trào lưu, đặc biệt là trong hoàn cảnh hội nhập càng ngày càng sâu.
Hiện nay, sau 1 nhiệm kỳ có kinh nghiệm, bây giờ vừa giải quyết một số vấn đề nội bộ như tăng cường nhân lực, tổ chức, kế thừa của nhiệm kỳ cũ, tôi hi vọng nhiệm kỳ tới Hiệp hội sẽ làm được nhiều việc quan trọng.
Thế giới đã và đang có nhiều biến động, từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với giáo dục đại học cho đến đại dịch Covid-19 buộc nhiều nước đã phải thay đổi chiến lược của mình, trong đó có nhiều chuyện liên quan trực tiếp đến giáo dục.
Thậm chí tác động của đại dịch Covid-19 cộng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho những thay đổi về ngành nghề, cách thức tổ chức đào tạo, nhu cầu đào tạo con người toàn cầu, tất cả đã diễn ra một cách nhanh chóng và sâu sắc, do đó đòi hỏi chúng ta không thể trì trệ được.
Đòi hỏi mới, thách thức mới bao giờ cũng tạo ra động lực mới, với động lực đó tôi tin rằng Hiệp hội sẽ hoạt động sôi nổi hơn, hiệu quả hơn và thiết thực hơn đóng góp cho sự nghiệp chung.
Giáo sư Trần Hồng Quân tham dự hội thảo VEC 2020 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. |
Phóng viên: Khép lại năm cũ, năm Tân Sửu đã đến, Giáo sư gửi gắm điều gì với ngành giáo dục, với các trường đại học, cao đẳng thông qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam?
Giáo sư Trần Hồng Quân: Cũng như kỳ vọng đối với Hiệp hội nói chung thì tôi cũng có kỳ vọng đối với các hội viên của Hiệp hội cần phải luôn cập nhật sự thay đổi của bối cảnh và luôn luôn canh tân bản thân mình, xây dựng đội ngũ, tất cả các yếu tố liên quan đến đào tạo có chất lượng và nghiên cứu khoa học.
Các trường cũng cần khắc phục điểm yếu lâu nay, đó là yếu về công tác nghiên cứu khoa học.
Chỗ này bản thân các trường có thể khắc phục, không nhất thiết phải chờ đợi chương trình, ngân quỹ của nhà nước, nếu chúng ta sáng tạo thì chúng ta hoàn toàn có thể làm.
Điều đó tạo điều kiện để nâng cao chất lượng và đóng góp lớn cho sự phát triển đất nước. Hi vọng các trường thành viên có sự năng động lớn trong giai đoạn mới và sớm thực hiện chủ trương tự chủ đại học.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giáo sư.