Năm 2020 là vừa tròn 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, 05 năm triển khai thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" và triển khai thực hiện Nghị định 105/NĐ-CP.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để cùng lắng nghe chia sẻ của ông về kế hoạch trong thời gian tới.
Phó giáo sư Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Phóng viên: Điều tâm đắc nhất của Vụ trưởng sau khi thực hiện những đề án, chuyên đề nêu trên là gì?
Phó giáo sư Nguyễn Bá Minh: Đó là sự tác động của các kết quả đạt được qua việc thực hiện các Đề án, chuyên đề: Giáo dục mầm non có được nền tảng căn bản để phát triển, thực hiện sứ mạng của cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân là “đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non”.
Phóng viên: Chúng ta đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Vụ trưởng có thể nêu những thành tự cơ bản đã đạt được là gì?
Phó giáo sư Nguyễn Bá Minh: Sau 10 năm triển khai thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi, nhờ sự quan tâm, chung tay góp sức của toàn xã hội, giáo dục mầm non đã có diện mạo mới, có thể khái quát 6 thành tựu cơ bản, như sau:
Một là, nhận thức của cha mẹ, của người dân, của những người làm công tác quản lý và của toàn xã hội về giáo dục mầm non đã thay đổi. Giáo dục mầm non ngày càng có vị trí xứng đáng hơn trong suy nghĩ và hành động của mọi người và được xã hội quan tâm hơn;
Hai là, xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cơ bản để phát triển giáo dục mầm non;
Ba là, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non được phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương, đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ;
Bốn là, chương trình giáo dục mầm non được đổi mới, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non được nâng cao;
Năm là, cơ sở vật chất, trường lớp được đầu tư phát triển đảm bảo điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non;
Sáu là, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được phát triển cả về chất lượng và số lượng, về cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non.
Ảnh minh họa |
Phóng viên: Thưa Vụ trưởng, thời gian tới, giải pháp nào là giải pháp then chốt nhất trong đổi mới căn bản toàn diện đối với bậc giáo dục mầm non?
Phó giáo sư Nguyễn Bá Minh: Theo tôi, thời gian tới cần chú trọng 3 giải pháp sau:
Đổi mới Chương trình giáo dục mầm non để cập nhật với những tiến bộ của thế giới về giáo dục mầm non và liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông;
Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình.
Không chỉ quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực mà cần có cơ chế, chính sách tốt để các thầy cô có thu nhập xứng đáng, môi trường điều kiện làm việc tốt;
Tăng cường đầu tư cho giáo dục mầm non vùng khó, có cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non tư thục, dân lập ở vùng thuận lợi; phát huy hơn nữa trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong mối quan hệ gia đình - nhà trường - cộng đồng để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Ảnh minh họa |
Phóng viên: Sắp bước sang năm mới, Vụ trưởng còn trăn trở điều gì và nhắn nhủ gì với các thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp đứng lớp ở bậc học mầm non?
Phó giáo sư Nguyễn Bá Minh: Giáo viên mầm non có sứ mệnh vẻ vang. Giáo viên mầm non không chỉ là người chăm lo, dạy dỗ cho các cháu nhỏ, mà còn là người đặt nền móng đầu tiên cho bước đường trưởng thành của một đứa trẻ, là người trực tiếp thực hiện vai trò, sứ mạng “cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam” như Luật Giáo dục quy định.
Đồng thời, cô giáo mầm non có thể xem như một “người mẹ thứ hai”, là người để trẻ có thể tin tưởng, có cảm giác được quan tâm bảo vệ.
Chính vì vậy mà người giáo viên mầm non có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục các thế hệ tương lai cho đất nước.
Để thực hiện được vai trò, sứ mệnh của mình trong những năm qua đội ngũ làm công tác giáo dục mầm non đã không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất, năng lực, vượt qua khó khăn vất vả góp phần quan trọng vào việc tạo nên sự phát triển, tạo nên diện mạo mới của giáo dục mầm non.
Phần lớn thầy cô giáo là người yêu nghề mến trẻ, sáng tạo, tận tụy, thầm lặng cống hiến. Mầm non là bậc học có nhiều giáo viên ở điểm trường xa xôi, hẻo lánh nhất vì lớp mầm non phải bám thôn, bám bản.
Nếu như giáo viên ở các bậc học khác sau giờ dạy có thể rời học sinh, rời lớp để giao tiếp xã hội, thì với giáo dục mầm non, 10 giờ các cháu ở trường là 10 giờ các cô phải ở cạnh trẻ, chỉ cần lơ là 1 phút là có thể xảy ra mất an toàn.
Khi người khác đang đưa đón con mình đến trường thì các cô đang phải giao nhận từng trẻ với cha mẹ học sinh, vì yêu nghề mến trẻ các cô xem đó là niềm vui, hạnh phúc, nhưng không khỏi có phút chạnh lòng khi nghĩ về sự thiệt thòi của con mình.
Đưa đón con đến trường cũng là một niềm vui của người làm cha làm mẹ, nhưng giáo viên mầm non phải hy sinh niềm vui, hạnh phúc tối thiểu ấy để hoàn thành trách nhiệm với những trẻ em khác, học trò của mình.
Tiếc rằng đâu đó trong xã hội vẫn chưa có sự sẻ chia, chưa nhận thức đúng vai trò và sự cống hiến của các cô.
Mặc dù trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến đội ngũ nhà giáo mầm non, tuy nhiên chế độ, chính sách vẫn chưa tương xứng với tính chất nghề nghiệp của các cô (thu nhập vẫn còn thấp, áp lực công việc lớn…).
Trong chỉ đạo đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, chính sách đối với giáo viên, nhất là đối với giáo dục mầm non được Bộ trưởng đặc biệt quan tâm và ngành giáo dục đang và sẽ tích cực tham mưu Chính phủ để trong thời gian tới giáo viên mầm non sẽ có thu nhập cao hơn, công việc đỡ áp lực hơn, điều kiện làm việc tốt hơn để đội ngũ nhà giáo mầm non cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người.
Nhân dịp năm mới, tôi kính chúc quý thầy cô sức khỏe, hạnh phúc, càng ngày càng yêu nghề mến trẻ, tự hào hơn với sứ mệnh ươm mầm non cho đất nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Vụ trưởng.