Ngày 19/2, bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã ký ban hành kế hoạch tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021-2022.
Đà Nẵng kết hợp xét tuyển và thi tuyển trong kỳ tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2020-2021. Ảnh: AN |
Theo đó, đối với tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập thì mỗi thí sinh đăng kí dự thi với tối đa 2 nguyện vọng.
Trong đó, nguyện vọng 1 dự tuyển vào trường trung học phổ thông thứ nhất; Nguyện vọng 2 dự tuyển vào trường trung học phổ thông thứ hai.
Mỗi thí sinh đủ điều kiện, có thể đăng kí dự tuyển vào một lớp chuyên của Trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn.
Thí sinh được thay đổi nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 trường trung học phổ thông bằng cách viết phiếu thay đổi nguyện vọng và nộp tại nơi nộp hồ sơ đăng kí dự tuyển (theo công văn hướng dẫn của Sở).
Đối với tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập, phương thức tuyển sinh là kết hợp xét tuyển với thi tuyển.
Cách tính điểm xét tuyển là căn cứ vào kết quả xếp loại hạnh kiểm và học lực 4 năm học cấp trung học cơ sở. Cụ thể, hạnh kiểm Tốt, học lực Giỏi (5,0 điểm); Hạnh kiểm Khá, học lực Giỏi hoặc hạnh kiểm Tốt, học lực Khá (4,5 điểm);
Hạnh kiểm Khá, học lực Khá (4,0 điểm); Hạnh kiểm Trung bình, học lực Giỏi hoặc hạnh kiểm Tốt, học lực Trung bình (3,5 điểm); Hạnh kiểm Khá, học lực Trung bình hoặc hạnh kiểm Trung bình, học lực Khá (3,0 điểm); Các trường hợp còn lại 2,5 điểm.
Môn thi gồm ba môn: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, trong đó môn Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận, môn Ngoại ngữ theo hình thức tự luận kết hợp trắc nghiệm.
Thời gian làm bài thi là 120 phút/môn đối với Ngữ văn và Toán và 90 phút đối với môn Ngoại ngữ. Lịch thi sẽ được Sở thông báo cụ thể chậm nhất 30 ngày trước ngày thi môn thi đầu tiên.
Hệ số điểm như sau: bài thi môn Toán, môn Ngữ văn hệ số 2, bài thi môn Ngoại ngữ hệ số 1. Còn về nội dung đề thi trong phạm vi chương trình trung học cơ sở do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chủ yếu ở lớp 9.
Đề thi bảo đảm nội dung chương trình, chính xác, rõ ràng, phân hoá được trình độ học sinh, phù hợp với thời gian làm bài cho từng môn thi.
Mỗi môn có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương về yêu cầu, nội dung, thời gian làm bài. Mỗi đề thi phải có hướng dẫn chấm và biểu điểm kèm theo.
Điểm xét tuyển = điểm Toán x 2 + điểm Ngữ văn x 2 + điểm Ngoại ngữ + Tổng điểm kết quả xếp loại hạnh kiểm và học tập của 4 năm học cấp trung học cơ sở + điểm ưu tiên (nếu có).
Nguyên tắc xét tuyển như sau: Chỉ xét tuyển đối với các thí sinh tham gia thi tuyển đủ 3 bài thi (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và điểm mỗi bài thi đều lớn hơn 0.
Điểm chuẩn của mỗi trường ở nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 là bằng nhau; Thí sinh được xét tuyển theo nguyện vọng 1 trước, nguyện vọng 2 sau. Nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không xét nguyện vọng 2; Xét tuyển theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
Đối với chế độ tuyển thẳng, Sở có quy định đối tượng cụ thể như: học sinh là người dân tộc rất ít người, học sinh khuyết tật;
Học sinh đạt giải (cá nhân, đồng đội) cấp quốc gia, quốc tế trong các cuộc thi, kì thi do Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức hoặc Bộ phối hợp tổ chức; Viết thư quốc tế UPU, Tin học trẻ, văn nghệ, thể dục thể thao được đăng kí tuyển thẳng vào lớp 10 trường trung học phổ thông theo địa bàn quận, huyện học sinh đang học lớp 9 trung học cơ sở.
Học sinh đang học chương trình tăng cường tiếng Pháp tại Trường Trung học cơ sở Trưng Vương và Trung học cơ sở Nguyễn Huệ xếp loại tốt nghiệp từ loại khá trở lên, xếp loại công nhận tốt nghiệp chương trình tăng cường tiếng Pháp từ loại trung bình trở lên được xét tuyển vào học lớp 10 tăng cường tiếng Pháp tại Trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh.
Địa bàn xét tuyển thẳng (trừ học sinh đang học chương trình tăng cường tiếng Pháp) bao gồm: Học sinh thuộc diện tuyển thẳng đang học tập tại các trường trung học cơ sở thuộc địa bàn quận, huyện nào thì được đăng kí 2 nguyện vọng tuyển thẳng vào các trường trung học phổ thông thuộc quận huyện đó, ưu tiên nguyện vọng 1 trước.
Nếu được tuyển thẳng theo nguyện vọng 1 thì không xét tuyển thẳng theo nguyện vọng 2.
Những học sinh thuộc diện tuyển thẳng, nếu không đăng kí tuyển thẳng vào các trường trung học phổ thông theo địa bàn quy định nêu trên, có thể đăng kí dự thi vào các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố như các học sinh khác và không được tuyển thẳng vào trường theo quy định chung.
Về thứ tự xét tuyển thì lần lượt như sau: sẽ xét tuyển vào lớp chuyên của Trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn; Xét các trường hợp đề nghị tuyển thẳng; Xét tuyển vào lớp Tiếng Nhật, lớp Tiếng Đức, lớp Tiếng Hàn; Xét tuyển vào các trường trung học phổ thông công lập.
Sở cũng lưu ý thì sinh đã trúng tuyển vào Trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn sẽ không tham gia xét tuyển vào các trường trung học phổ thông (kể cả lớp Tiếng Nhật, Tiếng Đức, Tiếng Hàn).
Nếu thí sinh đã đỗ vào lớp Tiếng Nhật hoặc lớp Tiếng Đức, Tiếng Hàn thì sẽ không tham gia xét tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 (nếu có đăng kí vào các trường trung học phổ thông công lập);
Trường hợp thí sinh không trúng tuyển vào lớp Tiếng Nhật, Tiếng Đức, Tiếng Hàn và thí sinh có đăng kí các nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 vào trường trung học phổ thông công lập;
Thì được xét tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 như những học sinh đăng kí vào lớp học ngoại ngữ 1 là Tiếng Anh ở các trường trung học phổ thông (điểm môn ngoại ngữ tham gia xét tuyển là điểm ngoại ngữ đã dự thi để xét vào lớp Tiếng Nhật, Tiếng Đức, Tiếng Hàn).
Việc sắp xếp học sinh vào các ban được thực hiện sau khi học sinh đã trúng tuyển vào trường trung học phổ thông. Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch phân ban, xếp lớp, báo cáo Sở.
Hội đồng tuyển sinh mỗi trường trung học phổ thông tổ chức họp cha mẹ học sinh và toàn thể học sinh mới trúng tuyển vào trường để phổ biến chủ trương và những vấn đề có liên quan đến việc phân ban.
Hướng dẫn học sinh đăng kí vào một trong ba ban gồm: Cơ bản, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn.
Việc tổ chức phân ban tại các trường phải phù hợp với nguyện vọng, năng lực học tập của học sinh, bảo đảm quyền lợi của học sinh và điều kiện của nhà trường.