Việc tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 hàng năm, nhận được nhiều quan tâm của dư luận. Có nơi thực hiện ngay sau khi vừa tổng kết năm học, có nơi mãi tới 15/7 mới thực hiện thi.
Tổ chức thi tuyển sinh muộn có lợi gì?
Cái lợi mà rất nhiều người nhìn thấy, chính là nguồn thu nhập của giáo viên luyện thi. Với giáo viên dạy luyện thi, thi càng muộn, càng có lợi; chỉ một mùa luyện thi, giáo viên kiếm thu nhập bằng cả năm lương đi dạy là chuyện bình thường.
Vì thế, những địa phương tổ chức thi muộn thường gặp phải sự phản ứng của phụ huynh, học sinh. Tội nhất là các sĩ tử, học thêm, học đêm, học ngày; nhiều em chỉ muốn thi cho rồi, đậu hay trượt cũng được, sợ học quá; áp lực học tập, thi cử đè nặng lên học trò, phụ huynh, gia đình.
Tổ chức thi tuyển sinh muộn, lợi thì có lợi nhưng … sức học sinh chẳng còn.
Nên tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 thời gian nào cho phù hợp? (Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn) |
Tổ chức thi sớm có lợi không?
Với giáo viên dạy thêm, luyện thi không có lợi về kinh tế; không có thời gian để họ “cày cấy”, nên thu nhập giảm, nhưng thực chất là có lợi cho giáo viên và ngành giáo dục; giáo viên có thêm thời gian nghỉ ngơi, nạp năng lượng, du lịch; tránh được hiện tượng “chán dạy” như “chán bóng” trong thể thao.
So với thi muộn, thi sớm kết quả khách quan hơn; ngành giáo dục địa phương có kết quả thực chất từ giáo dục của các trường, qua đó có đánh giá, chỉ đạo kịp thời.
Về phía học trò, phụ huynh, áp lực thi, học giảm thấy rõ; học trò được hưởng mùa hè trọn vẹn, đầy ý nghĩa; thay vì phải “cắm đầu” vào học để thi, các em có thời gian để trải nghiệm, chọn lựa tiếp tục học Trung học phổ thông hay học nghề.
Tổ chức thi thế nào cho gọn, nhẹ, tiết kiệm?
Bà Rịa – Vũng Tàu thay đổi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 |
Nhiều em học sinh lớp 9 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, có tâm trạng chung, hồ hởi, phấn khởi đón nhận thông tin năm nay tổ chức thi tuyển sinh ngay đầu tháng 6.
Thầy giáo T. dạy toán, là người nổi tiếng “mát tay” về luyện thi vào trường chuyên tâm sự:
“Mình đồng tình cao về thời gian thi môn chuyên ngay sau khi kết thúc năm học, có thế mới chọn được học sinh thông minh, có tố chất thật sự; nếu ôn luyện nhiều, có thể đạt điểm cao, do cần cù bù thông minh; không có tố chất, học chuyên cũng khổ”.
Các địa phương có trường chuyên, nên tổ chức kỳ thi chung trường chuyên và trường không chuyên; chỉ khác trường chuyên thêm một buổi thi trước hay sau, để học sinh đăng ký trường chuyên, thi môn chuyên.
Việc tổ chức như vậy giảm áp lực cho các em trượt chuyên; tất cả chỉ tham gia một kì thi; giảm tiền bạc chấm thi, coi thi, ra đề thi cho nhà nước.
Xét chọn trường chuyên trước (Môn chuyên hệ số 2, các môn khác hệ số một), với trường không chuyên sau (Toán, Văn hệ số 2, môn khác hệ số một). Như vậy, kì thi trở thành hai trong một.
Để làm được như vậy, không khó, đòi hỏi người đứng đầu thực sự có tâm, vì học sinh thân yêu. Ngay từ đầu năm, công bố kế hoạch thi tuyển sinh cho học sinh biết; tuyệt đối không “bẻ kèo”, thay đổi, gây xáo trộn không đáng có.
Tránh “tai nạn nghề nghiệp” đã từng xảy ra khi đề thi sai nội dung, kiến thức, dữ liệu; đề thi trùng với đề kiểm tra cấp phòng đã sử dụng; cần chọn đội ngũ giáo viên ra đề có chuyên môn, kinh nghiệm; giám sát chặt chẽ, cung cấp công cụ để người ra đề tra cứu thông tin, tránh nhầm lẫn, trùng lặp đáng tiếc.
Với kì thi tuyển sinh lớp 10, nhiều địa phương còn căng thẳng hơn thi Quốc gia; vì thế, cần lắm giảm áp lực thi cử cho học trò; thi ngay sau khi tổng kết năm học một hay hai tuần là phù hợp, trả lại cho học trò một mùa hè trọn vẹn yêu thương.