Dạy và học qua mạng internet, nghe tưởng đơn giản nhưng chưa bao giờ dễ dàng

27/02/2021 11:30
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc dạy và học trực tuyến của nhà trường nếu nói mang nặng về kiến thức thì không, mà đó là cơ hội để các con cũng như thầy cô được trao đổi, chia sẻ, tương tác.

“Việc phòng dịch thì đương nhiên không thể tránh được, nhưng còn vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần của học sinh và đó cũng là lý do mà tôi muốn chia sẻ. Thường với các con bậc tiểu học khi đến trường thì việc học kiến thức là một phần nhưng còn liên quan đến tâm lý lứa tuổi, bản thân các con còn nhỏ nên rất cần các hoạt động, các mối tương tác với thầy cô và bạn bè.

Bây giờ các con phải ở nhà trong một khoảng thời gian dài dẫn tới việc ảnh hưởng tâm lý của trẻ, vì thế việc dạy và học trực tuyến của nhà trường nếu nói mang nặng về kiến thức thì không phải, mà đó là cơ hội để các con cũng như các thầy cô được trao đổi chia sẻ, tương tác.

Thời gian ở nhà quá lâu nên rất cần những chia sẻ với nhau về mọi điều trong cuộc sống, cũng để giảm bớt áp lực về tinh thần khi trẻ trong một thời gian dài mà không có hoạt động gì, đó chính là điều cơ bản nhất”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Vũ Thị Hồng Nhung - Phó hiệu trưởng phụ trách khối 1-2-3, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Nam Từ Liêm, Hà Nội đã chia sẻ như vậy.

Nhà giáo Vũ Thị Hồng Nhung: "Nhưng nếu như trong trường hợp chúng ta không còn cách nào khác thì việc học trực tuyến vẫn là một giải pháp, mặc dù nó kéo theo sự vất vả của giáo viên, của phụ huynh cũng như mọi sự chuẩn bị cơ sở vật chất của nhà trường và gia đình. Ảnh: TD.

Nhà giáo Vũ Thị Hồng Nhung: "Nhưng nếu như trong trường hợp chúng ta không còn cách nào khác thì việc học trực tuyến vẫn là một giải pháp, mặc dù nó kéo theo sự vất vả của giáo viên, của phụ huynh cũng như mọi sự chuẩn bị cơ sở vật chất của nhà trường và gia đình. Ảnh: TD.

Theo cô Nhung: “Còn những vấn đề vướng mắc trong việc học trực tuyến như phần mềm dạy học có thời gian ngắn, học sinh đăng nhập vào lớp rồi lại ra hay nội quy của tiết học đó có vấn đề…và thực tế là chúng tôi cũng đã vấp phải những điều đó ở mùa dịch trước.

Rút kinh nghiệm nên ngay từ đầu năm học này nhà trường đã có những kế hoạch cho việc đó. Các con được hướng dẫn sử dụng thiết bị học trực tuyến ngay ở trên lớp trong thời gian vừa qua cũng như được dạy kỹ năng tự học khi ở nhà, tất cả các con đều được tập dượt ngay trên lớp trong một thời gian dài.

Còn nếu để nói các con lớp 1 lớp 2 học trực tuyến có khó khăn hay không thì chắc chắn là khó khăn hơn với các anh chị lớp lớn. Trong tình huống phải đánh giá về việc học trực tuyến như hiện nay thì khẳng định không thể bằng so với học trực tiếp được. Giáo viên vô cùng vất vả, để mà theo sát được các con, chấm bài…đều khó khăn hơn việc làm trực tiếp.

Hơn nữa học trực tiếp thì sẽ có 8 tiết trong một ngày nhưng học qua mạng thì không thể nào để học sinh nhìn vào máy tính cả ngày được, vậy nên đối với lứa tuổi lớp 4 – 5 có thể đẩy nhiều thời gian hơn một chút và các bạn lớp nhỏ thì giảm bớt thời lượng xuống cho phù hợp. Đó cũng là hạn chế.

Phụ huynh học sinh cũng vất vả hơn vì phải đồng hành cùng các con, thậm chí có gia đình bố mẹ phải thay nhau nghỉ làm để ở nhà học cùng con. Có vài ý kiến của phụ huynh phản ánh như nhà ở xa, cháu phải ở với ông bà…nói chung có nhiều vấn đề liên quan đến việc giáo viên và học trò không được gặp nhau qua môi trường mạng.

Ngoài ra chúng ta chưa có sự đầu tư thích đáng cho chương trình, nội dung dạy học trực tuyến cũng như chuẩn bị nguồn học liệu số để thực hiện. Có nhiều trường giáo viên tham gia dạy học trực tuyến đã soạn bài giảng ở file word và trình chiếu trực tiếp file word này trong khi dạy dẫn đến không thu hút được học sinh.

Một số giáo viên cũng cho biết, họ đang cố gắng học cách sử dụng một phần mềm dạy học trực tuyến vì thấy rằng mình chưa thành thạo kĩ năng dạy học này và mong muốn có phần mềm hỗ trợ chuyển hóa bài giảng từ dạng truyền thống sang trực tuyến, vì không thể sử ngữ liệu truyền thống cho dạy học trực tuyến.

Theo tôi dạy học trực tuyến cần có câu hỏi trắc nghiệm đa dạng, cần có tích hợp phần mềm để người học thể hiện kĩ năng toán học như vẽ đồ thị, vẽ hình… có phần mềm giúp tương tác làm bài tập trực tiếp trên phần mềm, quản lí được việc học từ đánh giá chẩn đoán đến hướng dẫn học, đánh giá quá trình thì mới đảm bảo được chất lượng học tập, chứ như hiện nay giáo viên vẫn phải gửi bài tập qua email rồi nhờ phụ huynh in ra cho học sinh làm, như vậy chất lượng bài làm không thực chất.

Nhưng nếu như trong trường hợp chúng ta không còn cách nào khác thì việc học qua mạng vẫn là một giải pháp. Mặc dù nó kéo theo sự vất vả của giáo viên, của phụ huynh cũng như mọi sự chuẩn bị cơ sở vật chất của nhà trường và gia đình".

Cô Nhung cho biết: “Cũng cần phải đề cập đến mặt mạnh của việc học qua mạng, đó là kỹ năng của giáo viên làm việc với học sinh trong khi dạy học từ xa, những kỹ năng về Công nghệ thông tin của cả giáo viên và học sinh, kỹ năng tự giác tự học của các con…đều được nâng cao.

Những kỹ năng này thật sự cần thiết, bởi nếu như học bình thường thì không bao giờ chúng ta nghĩ đến việc phải làm những công việc đó. Nhưng chắc chắn với sự phát triển không ngừng về công nghệ và các con không những chỉ quen với loại hình học trực tuyến mà còn phải biết nhiều loại hình học tập khác nữa.

Theo tôi, nếu muốn dạy và học qua mạng thì chúng ta phải thay đổi cách truyền đạt của giáo viên. Học trực tuyến phải tập trung vào tương tác chứ không thể giữ nguyên kiểu giáo viên nói một hồi rồi mới hỏi học sinh được. Học thế đừng nói đến trẻ, ngay cả người lớn ngồi nghe cũng buồn ngủ.

Giáo dục qua mạng là xu thế tất yếu của thời kỳ chuyển đổi số nhưng chưa bao giờ là điều dễ dàng thực hiện với tất cả các nhóm, các cấp học và đồng bộ trên toàn hệ thống.

Nếu mục đích cuối cùng của chúng ta là đạt chuẩn kiến thức đầu ra cho từng khối lớp thì việc cần phải làm là đánh giá một cách chính xác bao nhiêu học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến hoặc không thể đạt được chuẩn kiến thức đầu ra.

Với nhóm học sinh không đạt chất lượng ấy, giải pháp sẽ là gì khi chúng tồn tại xen kẽ với những nhóm đã hoàn thành chương trình học. Ngoài ra, tôi cho rằng sẽ phản giáo dục nếu áp dụng một "công thức" dạy và học qua mạng với mọi cơ sở giáo dục, mọi cấp, vùng miền trong khi trình độ dạy và học, điều kiện sống cụ thể khác nhau”.

Tiết học cùng tìm hiểu về Covid - 19 của học sinh lớp 2Q2 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh minh họa chụp năm 2020.

Tiết học cùng tìm hiểu về Covid - 19 của học sinh lớp 2Q2 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh minh họa chụp năm 2020.

Đây cũng là cơ hội cho các loại hình sáng tạo trong giảng dạy

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng: Việc học trực tuyến với học sinh nông thôn gặp khó khăn về công nghệ và điều kiện về phương tiện học tập nên chất lượng học tập giảm là đương nhiên.

Không chỉ giáo viên dạy học vùng nông thôn, ngay cả giáo viên dạy học ở thành phố có đủ phương tiện thì kết quả học trực tuyến cũng không cao, nhất là học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Bởi vì, học sinh ngoài kiến thức, còn phải giao lưu với giáo viên, bạn bè và tiếp thu bằng sự cảm nhận trực tiếp trên lớp học và thực hành.

Dù là giải pháp tối ưu, nhưng dạy học trực tuyến có những hạn chế nhất định như thầy trò ít được tương tác trực tiếp, chất lượng tiết học phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường truyền mạng, kỹ năng sử dụng công nghệ của giáo viên. Đặc biệt, dạy học trực tuyến cũng khó tiếp cận với tất cả đối tượng học sinh, vì hiện còn khoảng 20% học sinh còn khó khăn, không có thiết bị công nghệ để phục vụ học trực tuyến.

Thầy Lâm cũng đề xuất: Đối với những vùng nông thôn không có ổ dịch, nhà trường có thể chia học sinh ra thành nhiều tốp để học sinh đến lớp, một lớp học chia nhỏ nhằm thực hiện giãn cách để phòng chống dịch. Những vùng nông thôn có dịch Covid - 19 thì bắt buộc phải thực hiện trực tuyến hoặc nghỉ học để phòng chống dịch.

Dịch Covid -19 mang đến những thử thách đặc biệt cho mọi nhà. Chúng không có sự loại trừ cho đối tượng, vùng miền, lĩnh vực nào để chúng ta tiện sắp xếp như một tiền lệ nào có sẵn.

Đây cũng là cơ hội cho các loại hình sáng tạo trong giảng dạy, cách thức quản lý linh hoạt, các trường học cũng đã phải nỗ lực nhiều. Dạy qua mạng chính là các trường đang nỗ lực vì người học, đó cũng là xu hướng tất yếu mà ngành giáo dục phải nắm bắt trong một thế giới khó lường về công nghệ và cả dịch bệnh, rủi ro.

Ngừng dạy qua mạng để chuyển đổi sang một cách khác như giáo viên gửi các câu hỏi cho phụ huynh học sinh để phụ huynh có hình thức trao đổi, dạy cho trẻ phù hợp đối với số người chưa nắm bắt kịp, người khó khăn, nghĩa là thêm việc, thêm mô hình, cách thức dạy học, quản lý cho các thầy cô.

Đây cũng là một quyết sách vì người học, nó thể hiện sự thấu hiểu, bớt đi khoảng cách giữa người giàu, nghèo, nông thôn, thành thị, không nhất thiết chỉ có một cách dạy và học”.

Tùng Dương