Tâm sự với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Quế cho biết, từ nhỏ bản thân đã thích thiên nhiên, cây cỏ và đến giờ cũng vậy.
Đến khi học trung học, chị dành sự yêu thích đặc biệt đối với môn Sinh học, vì lẽ đó chị Quế thi và trúng tuyển vào lớp chuyên Sinh của Trường trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội).
Khi thi đại học chị trúng tuyển vào hệ cử nhân tài năng Sinh của Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tiến sĩ 9X Đoàn Thị Quế đã học tập, trải nghiệm ở khắp 5 Châu (ảnh: NVCC) |
“Niềm đam mê khoa học của tôi bắt đầu bằng việc nhìn thấy môi truờng đang bị biến đổi, bị ô nhiễm.
Chắc ai ở cái thời của tôi đều ít nhiều có một tuổi thơ gắn liền với những buổi trưa hè trốn mẹ đội nắng rong chơi ngoài đồng lúa, bắt cá trên mương, nhảy sông tắm hay săn trứng chim ở những bụi cây, rồi những ngày xuân se se lạnh cùng mẹ đi chúc Tết ngước mắt nhìn say đắm những chồi non mới nhú.
Rồi chứng kiến những màu xanh ấy bị biến mất, những con sông bị chuyển sang màu đen, bốc mùi khó chịu khiến tôi không khỏi xót xa.
Một trong những sự nối tiếc của tôi là không có dịp chứng kiến thiên nhiên của những năm tháng tuổi thơ ấy, và nuối tiếc cho thế hệ sau này cũng không có cơ hội có được một tuổi thơ như thế”, Tiến sĩ 9X chia sẻ.
Với xót xa và quyết tâm muốn làm gì đó để được sống có ích, chị Quế đã nuôi uớc mơ được đi du học, ước mơ được nhìn ra thế giới.
“Tôi thấy mình may mắn vì có những buớc đệm cần thiết đó là được học một chương trình cử nhân bằng tiếng Anh, có cơ hội gặp gỡ những nhà khoa học đi trước tại chương trình trường hè khoa học năm đầu tiên.
Cứ như vậy, tôi có nhiều thông tin hơn và nói thật là thử xin học bổng, thử xin thôi. Không dám nghĩ mình được học bổng ERUSMUS MUNDUS (EM) về tài nguyên và môi truờng biển ngay lần đầu tham gia.
Hồi đến gặp các thầy, tôi vẫn còn thắc mắc sao em được chọn. Có thể họ đã nhìn ra cái sự quyết tâm muốn cống hiến của tôi.
Chốt lại là không cần phải quá giỏi, chỉ cần có một mục tiêu rõ ràng và là người phù hợp nhất là được” – chị Quế nói.
Năm ấy chị Quế cũng được cả cái học bổng Vlirous của Bỉ về sinh học phân tử, nhưng chị đã chọn EM để có đuợc cơ hội trải nghiệm nhiều hơn, không chỉ học kiến thức về mặt chuyên môn.
Lớp thạc sĩ của chị Quế có 21 bạn, mỗi người một quốc gia, một sắc tộc, làm cho sự trải nghiệm càng thú vị hơn.
Trong vòng 2 năm học thạc sĩ (2014-2016), cô nàng người Việt này có cơ hội được học ở 4 nước, bắt đầu từ Pháp, Tây Ban Nha, Anh rồi kì cuối cùng là tại Úc.
Chị Quế chụp ảnh kỉ niệm cùng các bạn học cùng thạc sĩ (ảnh: NVCC) |
Sau khi kết thúc chương trình học thạc sĩ, chị Quế ở Châu Âu làm tiến sĩ ở Bỉ (từ năm 2017-2020) theo diện học bổng của Research Networks-Marie Skłodowska-Curie. Một lần nữa chị được đi khắp Châu Âu. “Tuổi trẻ của tôi là nhưng chuyến đi dài” – chị Quế cười và nói.
“Đi 1 ngày đàng học 1 sàng khôn"– chị Quế kể về thời gian có cơ hội được học và biết đến những nhà khoa học mà cả đời cống hiến cho nghiệp nghiên cứu thì bản thân mình lại càng thấy có động lực, muốn cống hiến một phần nhỏ bé cho cuộc sống.
Không chỉ giành học bổng đi học thạc sĩ, tiến sĩ mà chị còn có nhiều bài báo ISI đăng trên tạp chí uy tín thế giới. “Tôi cứ làm theo đam mê, dám thử, nỗ lực, cứ như thế nên đạt được như vậy thôi” - chị Quế tâm sự.
Cô nàng 9X đã tham gia nghiên cứu lĩnh vực liên quan đến độc tố học với lý do muốn tìm hiểu xem chúng có tác hại như thế nào đến sức khoẻ con nguời.
Bởi theo chị phân tích, con nguời tiếp xúc chủ động hay thụ động với một hỗn hợp đủ loại các chất hoá học có nguồn gốc từ tự nhiên đến nhân tạo thông qua những sinh hoạt hàng ngày, từ việc ăn, uống, hít thở đến tắm gội, trang điểm, uống thuốc hay sử dụng thực phẩm chức năng. Tất cả những chất ấy tương tác với nhau tạo ra 1 tác động tổng hợp lên sức khoẻ con người.
Nhóm chất độc mà chị Quế đặc biệt quan tâm đó là nhóm độc tố có ảnh hưởng đến hệ nội tiết được gọi là "Endocrine disruptors". Những chất này có tác hại là phá huỷ sự cân bằng nội tiết, dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm phải kể đến là suy giảm hệ miễn dịch, gây ung thư, giảm khả năng sinh sản...
Chị Quế (áo đỏ) chụp ảnh cùng các bạn trong dự án (ảnh: NVCC) |
Ngoài ra, một trong nhưng nhóm nguy hiểm nhất là “Persistant organic pollutants-POPs”. Đó là những chất độc hữu cơ, khó bị phân huỷ ví dụ như là chất độc đioxin, thuốc trừ sâu, các chất có nguồn gốc công nghiệp đựợc chế tạo ra làm chất bán dẫn PCBs (polychlorinated biphenyls) hay chất chống cháy nổ BRFs (Brominated flame retardants).
Tuy đã bị cấm sản xuất và sử dụng, nhưng do được dùng nhiều trong quá khứ và khó bị phân huỷ nên hiện nay những chất độc này vẫn tồn tại khắp mọi nơi. Bản thân những chất này là những chất không phân cực, rất thích dầu mỡ nên chúng hay tích tụ ở những mô mỡ.
Do đó chúng có khả năng khuyếch đại sinh học, đơn giản là động vật sống lâu, nhiều mỡ sẽ tích luỹ nhiều chất này.
Và ai trong chúng ta đều có chúng trong cơ thể chủ yếu qua đường ăn uống. Ảnh hưởng của chúng đến sức khoẻ con người thường lâu dài và đang được nghiên cứu, đặc biệt là trong mối quan hệ với những nhóm chất khác mà con nguời tiếp xúc hàng ngày.
Chúng còn có một đặc tính là có khả năng truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai và cho con bú, nên một đứa trẻ khi sinh ra đã mang trong mình những chất này.
Những chất này ảnh hưởng tới trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là điều đáng lo ngại vì chúng đang trong quá trình phát triển, một sai sót nhỏ trong hoạt động của tế bào và cơ thể có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Việc loại bỏ chúng hoàn toàn là điều gần như không thể nhưng có thể hạn chế bằng cách hạn chế ăn thịt động vật, đặc biệt là những con sống lâu năm, có hàm luợng chất béo cao ví dụ sẽ ăn thịt gà thay vì thịt bò, bỏ đi phần mỡ khi ăn thịt.
Chị Quế cho rằng, hạn chế không có nghĩa là không ăn để vẫn đảm bảo hàm lượng dinh duỡng cần thiết. Và tốt nhất là ăn uống da dạng, thay đổi món ăn mỗi ngày và chủ yếu dùng các sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Cũng nên hạn chế ăn đồ nuớng, sản phẩm hun khói và thức ăn bị cháy để tránh nhóm PAHs (Polycyclic aromatic hydrocarbons) những chất sản sinh ra khi các chất hữu cơ bị nhiệt phân huỷ.
Còn một vấn đề nữa mà qua quá trình nghiên cứu chị Quế đưa ra khuyến cáo là tránh dùng đồ nhựa. Bởi trong nhựa có Bisphenol A gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Điều đặc biệt ở chị Quế chính là năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị đã phải bảo vệ luận án tiến sĩ qua hình thức trực tuyến. "Vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 thật sự là không dễ dàng gì đối với tất cả mọi người trong đó có bản thân mình.
Nhưng, tôi thấy mình đã may mắn vì khi Covid-19 ập đến châu Âu cũng là lúc đang ở bước cuối cùng của làm tiến sĩ, trong khi đi chơi thì đã đi gần hết nên thời điểm đó chỉ ngồi nhà viết xong khóa luận với 2 bài báo.
Không có bạn bè người thân bên cạnh, không phải ai cũng chịu nổi sự cô đơn đó, đặc biệt là trong thời gian Châu Âu đóng cửa. Tôi vẫn may mắn là có những người bạn thân có thể chia sẻ được.
Áp lực tâm lý thì chỉ có vận động là đỡ, nên tôi luyện chạy nhiều hơn, dần dần bị mê chạy lúc nào không biết.
Chạy thì đúng là không dễ nhưng sau khi chạy, vượt qua sự chây ì của bản thân thì cảm giác thật tuyệt.
Sau 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6), tôi đã chạy hết thành phố Liege, ngắm hết mùa hoa nở ở Bỉ, chứng kiến thiên nhiên chuyển sắc” - chị Quế kể.
Bảo vệ luận án tiến sĩ xong thì dịch Covid-19 vẫn tiếp tục phức tạp nhưng chị Quế may mắn được làm sau tiến sĩ ở Thụy Điển, chị dự kiến khi hoàn thành khóa học nếu có cơ hội về Việt Nam làm việc thì sẽ trở về để gần gũi gia đình và bạn bè.
Chị Quế cho rằng, nói về đi du lịch sang chảnh thì các cuộc hội thảo khoa học là tuyệt vời nhất (ảnh: NVCC) |
Mới chạm tuổi 30 mà đã đi đủ 5 châu lục, phóng viên hỏi chị kinh nghiệm để vừa học tập tốt lại được đi du lịch bằng con đường học bổng thì chị Quế kể, thật sự thì bản thân cũng không thích di chuyển quá nhiều, nhưng không thích thì lại cứ phải làm, sinh năm con Dê nhưng lại cầm tinh con Ngựa.
Khoá học thạc sĩ nửa năm chuyển nhà một lần, vài tháng lại lo giấy tờ 1 lần. Mà làm nhiều thành quen nên giờ kinh nghiệm nhiều về việc này và cũng khiến khả năng thích nghi với môi trường mới tốt hơn.
Còn đi du lịch thì phải tranh thủ tối đa chứ đợi dành dụm, đủ tiền mới đi thì biết bao giờ. Trong khi ở châu Âu đi du lịch rất dễ và rẻ, thời điểm làm thạc sĩ ít tiền thì đi xe bus, đi máy bay giá rẻ, ở nhà nghỉ giường tầng, ăn đồ siêu thị.
"Tôi nhớ là dành 3 tháng liền mùa hè đi du lịch hết Tây Ban Nha rồi hết Pháp, rồi qua Bỉ. Một mình lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, nhớ lại mà thấy trải nghiệm thật là đẹp.
Cái nắng oi ả của xứ biển Địa Trung Hải, cũng những rừng Olive, bóng cây cam thấp thoáng trong sân của những ngôi nhà vàng trắng nhỏ xinh. Một mình ngồi nghỉ bên bờ biển ăn tạm miếng bánh mỳ cho đỡ đói lòng.
Làm tiến sĩ và giờ sau tiến sĩ thì có kinh tế hơn, nhưng thời gian rảnh lại ít hơn nên không còn nhưng chuyến đi dài được nữa.
Giờ chủ yếu là đi thăm bạn bè. Nói về đi du lịch sang chảnh thì các cuộc hội thảo khoa học là tuyệt vời nhất.
“Khi tham gia hơn chục hội thảo quốc tế, thầy cô còn bảo 1/2 thời gian làm tiến sĩ thấy tôi không ở Bỉ.
Có chỗ ăn ở miễn phí, nên thường kết hợp đi du lịch luôn. Nhớ nhất là 2 dịp được sang Nhật và Chile.
Cố gắng làm việc chăm chỉ thì xin đi đâu thầy cô cũng cho” chị Quế vui vẻ kể lại.
Bằng kinh nghiệm và sự trải nghiệm của mình, chị Quế cho rằng khi còn trẻ có sức khoẻ và thời gian thì nên cố gắng đi thật nhiều, vì sau này nhớ lại những kỉ niệm đó sẽ luôn đẹp như nắng vàng biển xanh ở Địa Trung Hải và nên đi một mình để tìm được sự tự do và yên bình.
“Gần 7 năm ở Châu Âu, vui buồn có, những lúc cô đơn nhớ nhà cũng có nhưng mình luôn cảm thấy may mắn vì đuợc tận hưởng thanh xuân như thế. Mình luôn sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm với những bạn trẻ đầy nhiệt huyết mang trong mình hoài bão và những uớc mơ”, vị tiến sĩ 9X gửi gắm.