Đến lúc phải cải cách thi tuyển sinh lớp 10 để định hướng cho chương trình mới

15/03/2021 06:59
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với phương thức tuyển sinh lớp 10 bằng cách thi tuyển thi ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ như hiện nay, không nên tính hệ số 2 cho môn Toán, Ngữ văn.

Việc thi tuyển sinh vào lớp 10 ở nước ta căng thẳng hơn cả kì tuyển sinh vào đại học, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh.

Thi tuyển sinh lớp 10 đã tốn rất nhiều giấy mực của dư luận xã hội. Đã có nhiều đề nghị bỏ kì thi này, thay vào đó cần có phương thức xét tuyển phù hợp để giảm áp lực cho học trò.

Phần lớn các địa phương chọn thi ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, trong đó Toán, Ngữ văn thường được tính hệ số 2, Ngoại ngữ hệ số 1.

Việc chọn môn thi tuyển sinh lớp 10 gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ vô hình trung đã hình thành tâm lý môn chính, môn phụ cho học sinh, phụ huynh.

Với học sinh lớp 9, chỉ tập trung học ba môn thi tuyển sinh lớp 10 (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) đã trở nên không còn cá biệt.

Để giải quyết tình trạng này, một số địa phương đã đưa môn thi thứ tư vào môn thi bắt buộc khi tuyển sinh lớp 10.

Môn thi thứ tư chỉ thông báo vào cuối tháng 3, với hy vọng sẽ giảm mức độ học lệch của học trò. Thế nhưng, giải pháp này cũng đang và đã nhận được phản ứng trái chiều của dư luận.

Với 4 môn thi, mức độ gia tăng áp lực học tập lên học sinh lớp 9 càng lớn, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được đánh giá căng thẳng hơn cả thi vào đại học. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được đánh giá căng thẳng hơn cả thi vào đại học. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Không nên tính hệ số các môn thi tuyển sinh lớp 10

Với phương thức tuyển sinh lớp 10 bằng cách thi tuyển thi ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ như hiện nay, không nên tính hệ số 2 cho môn Toán, Ngữ văn.

Tại sao vậy?

Thứ nhất, sẽ góp phần làm giảm tâm lý học lệch, và tâm lý coi thường các môn khác của học sinh nói chung, học sinh lớp 9 nói riêng.

Thứ hai, Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn Ngoại ngữ đã được “xếp ngang hàng” với môn Toán, Ngữ văn trong xếp loại học lực cuối kì, cuối năm học. (Khoản 6, Điều 2 Thông tư Số: 26/2020/TT-BGDĐT)[1]

Thứ ba, góp phần xóa tâm lý môn chính – môn phụ trong quan niệm của người học và cả người dạy.

Môn học này có thể là chính với người này, phụ với người khác khi kiến thức bộ môn góp phần định hướng nghề nghiệp, phân luồng sau trung học cơ sở, chứ không nhất thiết các môn tuyển sinh mới là môn chính, còn lại là môn phụ.

Cần thay đổi tuyển sinh lớp 10 để định hướng cho chương trình phổ thông mới.

Năm học 2021 – 2022 sẽ là năm đầu tiên áp dụng chương trình mới ở lớp 6. Chương trình mới hướng đến giáo dục phẩm chất và năng lực cho người học.

Thế nhưng, với phương thức thi cử, kiểm tra đánh giá như hiện nay khó có thể đạt được mục đích giáo dục phẩm chất và năng lực cho người học.

Một điều đã ăn sâu vào máu thịt của nền giáo dục nước nhà chính là tâm lý, trào lưu và có thể nói là đã hình thành quy luật thi gì học nấy, nội dung và phương thức các kì thi ảnh hưởng sâu sắc đến phương pháp dạy học, mục đích người học.

Với phương thức thi truyền thống như hiện nay, học sinh học để thi, thi xong là chữ trả cho thầy, chứ không phục vụ cho mục đích phát triển phẩm chất và năng lực.

Chính vì vậy, xảy ra hiện tượng học giỏi Toán, Lý, Hóa... nhưng không làm được việc, thi điểm cao nhưng không tự phục vụ được cho... chính bản thân mình.

Vì vậy, thay đổi nội dung, phương thức tuyển sinh lớp 10 để định hướng cho chương trình phổ thông mới là rất cần thiết.

Kiểm tra đánh giá phẩm chất và năng lực để tuyển sinh vào lớp 10 sẽ góp phần phân luồng sau trung học cơ sở tốt nhất, giảm áp lực cho toàn xã hội chứ không riêng gì cho học sinh.

Bên cạnh đó, cũng là biện pháp định hướng giáo dục cho các cơ sở Trung học cơ sở, góp phần thành công cho chương trình mới.

Vì vậy, cần sớm tổ chức thi đánh giá năng lực tuyển sinh lớp 10 càng sớm càng tốt. Tổ chức thi đánh giá năng lực tuyển sinh lớp 10 đỡ tốn kém, đảm bảo công bằng, thúc đẩy dạy và học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực tốt nhất.

Vấn đề đặt ra là, ai dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đương đầu với thách thức, khó khăn khi phá vỡ phương thức thi cử truyền thống ở các địa phương.

Thi đánh giá năng lực tuyển sinh lớp 10 không còn mới ở nước ta, Nam Định, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang làm.[2]

Còn thi tuyển sinh lớp 10 theo phương thức hàn lâm hiện nay, năm sau, lớp 7, 8, 9 học để thi, làm sao lớp 6 học để phát triển phẩm chất và năng lực?

Nên chăng, Bộ Giáo dục cần tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm từ Nam Định, thành phố Hồ Chí Minh để hoàn thiện quy trình thi đánh giá năng lực tuyển sinh lớp 10 trên cả nước càng sớm càng tốt.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-26-2020-tt-bgddt-sua-doi-quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-190228-d1.html

[2]https://thanhnien.vn/giao-duc/tuyen-sinh-lop-10-bang-thi-danh-gia-nang-luc-824498.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến