Đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội tiệm cận với đề thi SAT trên thế giới

16/03/2021 06:08
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là đánh giá của Tổ chuyên môn Hệ thống giáo dục HỌC MÃI đối với đề tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục sử dụng bài thi Đánh giá năng lực để thực hiện tuyển sinh vào các trường đại học thành viên. Ngày 14/3, Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố đề tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông năm 2021.

Theo đó, bài thi đánh giá năng lực có tổng số 150 câu tương ứng với 150 điểm, tổng thời gian làm bài là 195 phút với ba phần thi là Tư duy định lượng – Toán học (50 câu hỏi, thời gian làm bài 75 phút), Tư duy định tính – Ngữ văn (50 câu hỏi, thời gian làm bài 60 phút) và Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút).

Các câu hỏi của bài thi được đánh số lần lượt từ 1 đến 150 gồm 132 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với bốn lựa chọn từ các đáp án A, B, C hoặc D và 18 câu hỏi điền đáp án.

Theo đánh giá của Tổ chuyên môn Hệ thống giáo dục HỌC MÃI, đề thi có cấu trúc hoàn toàn khác biệt đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong đó khác biệt lớn nhất là không đơn thuần chỉ kiểm tra kiến thức được học trong chương trình trung học phổ thông mà hướng tới mục tiêu đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh dự thi.

Đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh chụp màn hình)

Đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh chụp màn hình)

Trong đề thi tham khảo, các câu hỏi không được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó như đề tốt nghiệp trung học phổ thông mà sẽ đan xen nhau. Với từng phân môn trong đề tham khảo cũng xuất hiện các hình thức đặt câu hỏi mới lạ, khác biệt so với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cụ thể:

Phần Tư duy định tính: 70% câu hỏi trong đề thi là các câu hỏi đọc hiểu văn bản, để trả lời được các câu hỏi này học sinh phải vận dụng những kiến thức về Văn học, Tiếng Việt và Tập làm văn đã được học.

Các văn bản sử dụng trong câu hỏi ngắn nhưng với số lượng tương đối lớn, do đó học sinh cần phải rèn luyện tích cực các kĩ năng đọc, phân tích để tìm được đáp án chính xác nhanh.

Phần Tiếng Việt (chiếm khoảng 26%) có các câu hỏi về kiến thức dùng từ khá khó, học sinh ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây từng bỏ qua phần nội dung Tiếng Việt vì tỉ trọng nhỏ trong đề thi, chính vì vậy học sinh rất dễ mất điểm ở phần nội dung này.

Phần Tư duy định lượng: Câu 1 là câu đọc dữ liệu trên biểu đồ, dạng câu hỏi này chưa xuất hiện trong đề thì tốt nghiệp trung học phổ thông. Câu 2, 10, 13, 41 là các câu ứng dụng kiến thức đạo hàm, tích phân, mũ, min - max vào giải quyết bài toán liên môn, thực tiễn.

Các dạng bài này trong các đề thi trung học phổ thông quốc gia trước đây đã xuất hiện, nhưng ở đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 ít xuất hiện hơn. Tuy nhiên, với độ khó ở mức trung bình thì học sinh dễ dàng vượt được qua các câu hỏi này.

Phần Khoa học: Bao gồm 5 môn học Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí với 10 câu hỏi/môn, so với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đề thi tham khảo của Đại học Quốc gia Hà Nội xuất hiện các câu hỏi với cách thức hỏi mới lạ.

Ví như, câu 132 hỏi về độ hụt khối lượng ở môn Hóa: thông qua đồ thị học sinh cần phân tích mối liên hệ giữa độ hụt khối và nhiệt độ nung thì mới có thể giải được bài toán. Việc này đòi hỏi học sinh vừa phải nắm chắc kiến thức cơ bản vừa phải có khả năng tư duy phân tích đồ thị.

Câu 130 là một câu hỏi về điện xoay chiều (chương 3, Vật lí 12) có dạng toán khá quen thuộc và phổ biến trong đề thi trung học phổ thông quốc gia những năm trước, tuy nhiên với hình thức điền đáp án học sinh buộc phải giải và tìm đáp án chính xác của câu hỏi chứ không thể sử dụng phương pháp loại đáp án như đối với câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn thông thường.

Câu 101, 102, 105-109-110 là các câu hỏi về sắp xếp sự kiện, dùng bảng số liệu hoặc sử dụng đoạn văn. Đây là những câu hỏi không yêu cầu học sinh nhớ chi tiết sự kiện nhưng phải có năng lực tư duy để so sánh, sắp xếp các sự kiện theo tiến trình lịch sử.

Việc xuất hiện dạng câu hỏi điền đáp án cùng với cách hỏi mới lại khác so với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội cần phải nắm vững kiến thức cơ bản cũng như phải có năng lực đọc hiểu, phân tích, đánh giá mới có thể hoàn thành tốt bài thi.

Cũng theo đánh giá của thầy cô ở HỌC MÃI thì đề thi tham khảo của Đại học Quốc gia Hà Nội tiệm cận với đề thi SAT trên thế giới. Đề thi đảm bảo độ tin cậy cao; Cấu trúc đề thi định hướng học sinh cần học toàn diện, học thực chất, không thể học tủ, học lệch; Đề thi có phổ rộng theo độ khó dễ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng được việc tuyển thí sinh theo phân tầng các trường đại học, thể hiện được sự đổi mới trong kiểm tra đánh giá.

Nhìn chung, các câu hỏi có trong đề thi không khó nhưng để hoàn thành tất cả các câu với điểm số tối đa là rất khó bởi cách thức xây dựng phương án nhiễu khá tinh vi, chưa kể đến quỹ thời gian khá hạn hẹp so với độ khó của đề thi cũng góp phần không nhỏ vào hiệu quả đánh giá năng lực của học sinh.

Thùy Linh