Vụ án đau lòng ở Đan Phượng, hung thủ có thể đối mặt với hình phạt nào?

04/04/2021 07:09
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hung thủ đã đâm chết bạn cùng trường đang học lớp 9 (sinh năm 2006) sẽ phải đối mặt với hình phạt nào của pháp luật?

Theo báo cáo chính thức của Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng, vào khoảng 8 giờ 50 phút ngày 1/4, trong giờ ra chơi sau tiết học thứ 2, học sinh N. Q. K (sinh năm 2006, là học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Hồng Hà, đã mang theo dao bầu và đâm vào bụng học sinh N.V.H.D. (sinh năm 2007), học sinh lớp 8 cùng trường.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, đại diện Ban Giám hiệu Trường Trung học cơ sở Hồng Hà và nhân viên y tế cùng một số giáo viên đã đưa cháu D. đến Trạm Y tế xã Hồng Hà để sơ cứu, sau đó đến Bệnh viện Đa Khoa huyện Đan Phượng cấp cứu vào lúc 9 giờ 20 phút.

Tuy nhiên do vết thương quá nặng, cháu D. đã tử vong vào hồi 10 giờ cùng ngày tại bệnh viện.

Vụ án mạng xảy ra trên địa bàn xã Hồng Hà. Ảnh: Kinh tế đô thị

Vụ án mạng xảy ra trên địa bàn xã Hồng Hà. Ảnh: Kinh tế đô thị

Sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Đan Phượng chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng, tiến hành điều tra, xác minh rõ nguyên nhân vụ việc; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi mâu thuẫn.

Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với nhà trường nhanh chóng ổn định tâm lý học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường, duy trì việc dạy và học; đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có học sinh tử vong.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Lao động – Thương binh xã hội huyện, Hội Chữ thập đỏ huyện và các ban nghành, đoàn thể huyện thăm hỏi, động viên gia đình học sinh tử vong; Ủy ban nhân dân xã Hồng Hà phối hợp với gia đình tổ chức cho cháu N.V.H.D. Đồng thời, tuyên truyền, vận động ổn định tình hình địa phương.(1)

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp- Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội đã có những phân tích về vụ việc dưới góc nhìn pháp lý.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường nhận định: “Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cả nạn nhân và thủ phạm đều còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường càng khiến cho dư luận, nhà trường và gia đình các em bàng hoàng, đau đớn.

Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh điều tra làm rõ động cơ, mục đích, nguyên nhân sự việc, tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập tài liệu chứng cứ, xác định độ tuổi của cả nạn nhân và thủ phạm…để có căn cứ xử lý phù hợp theo quy định pháp luật.

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, em học sinh đang là học sinh lớp 9, có sự quản lý của gia đình, nhà trường, tuy nhiên không chịu tu dưỡng rèn luyện mà với tính côn đồ nên đối tượng đã ra tay gây án bằng hung khí nguy hiểm là dao nhọn, tước đi mạng sống của một học sinh lớp 8 khác (có khả năng ít tuổi hơn).

Chính vì vậy nếu đối tượng đã đủ 14 tuổi (dù chưa đủ tuổi trưởng thành) đối tượng vẫn sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật về hành vi “Giết người” - là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 01 Điều 123 BLHS 2015 (giết người dưới 16 tuổi) với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Theo Điều 12 BLHS 2015 sửa đổi 2017 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người.

Tuy nhiên khoản 2 Điều 101 BLHS 2015 về tù có thời hạn quy định:

Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:

1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Điều 91, Bộ luật hình sự năm 2015 cũng quy định về nguyên tắc xử lý với người chưa thành niên phạm tội như sau:

“Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội”.

Theo đó nếu em học sinh lớp 9 có độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là 12 năm tù.

Nếu em học sinh đó từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì có thể phải đồi mặt với mức hình phạt cao nhất là 18 năm tù.

Trường hợp nếu em học sinh gây án khi chưa đủ 14 tuổi thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đã thực hiện mà bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại khoản 1 Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, cụ thể:

Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS thì áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng”.

Bạo lực học đường ngày càng đáng báo động. Ảnh minh họa chụp từ màn hình VTV

Bạo lực học đường ngày càng đáng báo động. Ảnh minh họa chụp từ màn hình VTV

Nhân định về tính chất của vụ việc và nạn bạo lực học đường hiền nay, Luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ quan điểm:

“Có thể nói đây là vụ việc đau xót đối với ngành giáo dục, nhà trường và gia đình, bạn bè của các em học sinh, gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo lực học đường đang ở mức báo động hiện nay.

Vụ án này tước đi mạng sống của một em học sinh lớp 8, đặt ra bài toán cho nhà trường cần phải có những biện pháp giáo dục tăng cường tinh thần đoàn kết đối với các em học sinh, tôn trọng và trân quý tình cảm bạn bè; cùng với đó là việc giáo dục, kiểm soát nhân cách và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của các em học sinh trong nhà trường.

Độ tuổi từ 14 đến 18 tuổi là độ tuổi rất quan trọng hình thành nhân cách của các em, rất nhiều em học sinh dễ sa ngã, mất kiểm soát, đánh mất bản thân mình ở độ tuổi này.

Do đó gia đình và nhà trường phải kết hợp giáo dục các em để các em hình thành nhân cách ổn định bên cạnh việc phát triển tri thức, tránh những mâu thuẫn không đáng có tuổi học trò mà phát sinh sự việc đau lòng như trên”.

*Tài liệu tham khảo:

(1) http://kinhtedothi.vn/huyen-dan-phuong-thong-tin-chinh-thuc-vu-nam-sinh-lop-8-bi-ban-cung-truong-dam-tu-vong-414726.html

Trần Phương