Có nhiều bạn đọc là giáo viên có thắc mắc về việc tính tăng giờ cho giáo viên là tính theo tuần, theo tháng hay theo cả năm học.
Một bạn đọc có tên N.Đ.H có địa chỉ mail hun….004@gstudent.ctu.edu.vn gửi thư về Tòa soạn Tạp chí điện tử Việt Nam có nội dung như sau:
“Kính gửi Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam!
Ngày 19 tháng 8 năm 2019, Báo giaoduc.net.vn có bài viết “Hướng dẫn chi tiết cách tính tiền lương dạy thêm giờ của giáo viên phổ thông”.
Trong bài viết có đề cập đến số tiết định mức của giáo viên trong năm, theo cách tính là lấy số tiết định mức tuần nhân với số tuần quy định của từng cấp học, cụ thể: cấp trung học cơ sở có số tiết định mức năm là 703 tiết, cấp trung học phổ thông có số tiết định mức năm là 629 tiết (con số này có văn bản nào quy định cụ thể không?).
Vậy cho tôi hỏi, số tiết định mức năm trên có được sử dụng để tính số tiết dư giờ không? Và nếu sử dụng để tính số tiết dư giờ thì có hợp lí không?
Bởi vì, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học, trong đó có 35 tuần thực dạy và 2 tuần hoạt động giáo dục.
Vậy, 2 tuần hoạt động giáo dục sao lại quy định giáo viên phải thực hiện tương đương 19 tiết/tuần (trung học cơ sở), 17 tiết/tuần (trung học phổ thông).
Tôi xin lấy ví dụ cụ thể sau: Giáo viên A dạy cấp trung học phổ thông được phân công giảng dạy là 18 tiết/tuần (không phân công kiêm nhiệm khác). Trong năm học, giáo viên này giảng dạy đủ 35 tuần (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo) và thực hiện đầy đủ các hoạt động do trường đề ra (2 tuần hoạt động giáo dục).
Như vậy, mỗi tuần giáo viên A dư 1 tiết theo quy định, 35 tuần dạy sẽ dư được 35 tiết. Nhưng khi tính số tiết dư giờ để trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên này thì chỉ có dư 1 tiết cho cả năm (35 tuần dạy x 17 tiết/tuần – 629 tiết định mức năm = 1 tiết dư cả năm). Điều này có hợp lí không?
Rất mong được sự phản hồi của Báo Giáo dục Việt Nam
Tôi xin trân trọng cảm ơn!”
(Ảnh minh họa: VTV) |
Trước hết xin chân thành cảm ơn bạn đọc đã quan tâm và có câu hỏi gửi về Tòa soạn, đây là một câu hỏi khá hay.
Dưới góc độ hiểu biết, kiến thức của cá nhân, người viết xin được trao đổi cùng bạn và các đồng nghiệp, ngõ hầu làm sáng tỏ các vấn đề trên.
Thứ nhất, giáo viên tính tăng giờ dựa trên số tiết dạy vượt giờ của năm học.
Căn cứ vào thông tư liên tịch số: 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ trả thêm giờ đối với giáo viên dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
Tại “Điều 3. Nguyên tắc tính trả tiền lương dạy thêm giờ
[…] 2. Định mức giờ dạy/năm đối với giáo viên mầm non; định mức tiết dạy/ năm học đối với giáo viên phổ thông; định mức giờ giảng dạy/năm học đối với giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; tiêu chuẩn giờ giảng/năm học đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề; định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được gọi chung là định mức giờ dạy/năm.[…]”
Và tại “Điều 4. Cách tính tiền lương dạy thêm giờ
[…]d) Số giờ dạy thêm/năm học = [Số giờ dạy thực tế/năm học + Số giờ dạy quy đổi/năm học (nếu có) + Số giờ dạy tính thêm/năm học (nếu có) + Số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học (nếu có)] - (Định mức giờ dạy/năm).[…]
Do đó căn cứ để tính tăng giờ là dựa vào năm học, nếu trong năm học vượt dạy định mức số tiết/năm học quy định của từng cấp học thì được tính thừa giờ.
Thứ hai, quy định số tiết định mức/ năm học
Căn cứ Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông hợp nhất Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT.
Tại “Điều 5. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hàng năm
1. Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó:
a) 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;
b) 05 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;
c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;
d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.
2. Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó:
a) 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;
b) 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;
c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;
d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.[…]”
Còn tại “Điều 6. Định mức tiết dạy
Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau:
1. Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết.[…]”
Như vậy, định mức tiết dạy của cấp học, bậc học nhân với thời gian thực dạy để làm căn cứ tính định mức tiết dạy/ năm học.
Trong phần ví dụ của bạn, giáo viên A dạy cấp trung học phổ thông được phân công giảng dạy là 18 tiết/tuần (không phân công kiêm nhiệm khác) sẽ được áp dụng 2 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Từ năm 2019 - 2020 trở về trước thời gian thực dạy là 37 tuần, số tiết dạy trên 1 năm học của giáo viên đó như sau: 18 tiết/ tuần x 37 tuần là 666 tiết, còn định mức giờ dạy/ năm của giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần x 37 tuần là 629 tiết.
Do đó, giáo viên trên được tính thừa giờ 37 tiết/năm học nhân với số tiền dư giờ của tiết học.
Trường hợp 2: Ở năm học 2020 - 2021 thực hiện theo Quyết định 2084/QĐ-BGDĐT ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 thì số tuần thực học ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông xuống còn 35 tuần.
Do đó, giáo viên A trên số tiết dạy trên năm học 18 tiết/ tuần x 35 tuần là 630 tiết, còn số tiết định mức trên năm học là 17 tiết/ tuần x 35 tuần là 595 tiết, do đó giáo viên A trên được tính dư giờ 35 tiết.
Một số quan điểm và thông tin trao đổi cùng bạn. Phần tư vấn có tính chất tham khảo.