Lớp 6 không biết đọc, cũng phải xem khả năng nhận thức của học sinh

18/04/2021 06:50
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có ý kiến dư luận cho rằng lỗi của trẻ không đọc thông viết thạo mà vẫn được lên lớp là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp 1. Nói như thế là không đúng.

Thời gian gần đây, báo chí có đưa tin về một số học sinh Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đọc viết khó khăn, có chữ đọc được, chữ không. Có bạn đọc, viết còn sai, không thể đọc liền câu mà phải đánh vần từng chữ, chính tả viết sai nhiều.

Đáng chú ý, có 2 bạn đã bỏ học vì mặc cảm không theo kịp bài, cũng không biết vì sao mình lại được lên lớp. Theo lời phụ huynh của học sinh này thì thời điểm lớp 1, lớp 2 bạn đó biết mặt chữ, ghép vần được, nhưng sang lớp 3 thì bị chậm lại so với các bạn, con học lớp 4 nhưng đọc viết chưa thạo. Khi biết con được lên lớp 5, vị phụ huynh này đã xin cho con ở lại lớp nhưng không được?

Một đứa trẻ đúng độ tuổi đang học lớp 6 mà con chưa đọc thông viết thạo thì có thể nói em đó có “bệnh về tiếp thu kiến thức”. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Một đứa trẻ đúng độ tuổi đang học lớp 6 mà con chưa đọc thông viết thạo thì có thể nói em đó có “bệnh về tiếp thu kiến thức”. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Trước vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nhà giáo N.K - Hiệu trưởng một trường Tiểu học ở nội thành Hà Nội, cô N.K chia sẻ: “Tôi không có ý định bàn chuyện ai sai ai đúng ở đây, mà tôi muốn nói về mặt tư duy bình thường của một đứa trẻ.

Một đứa trẻ đúng độ tuổi đang học lớp 6 mà con chưa đọc thông viết thạo thì có thể nói em đó có “bệnh về tiếp thu kiến thức” chứ không phải là bệnh lý về sức khỏe cơ thể.

Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu và phát hiện ra một số bệnh ở trẻ, trong đó có việc một phần nhỏ bán cầu não không thể thu nạp được lượng kiến thức liên quan đến ngôn ngữ. Còn những phần khác của não vẫn hoàn toàn tiếp nhận bình thường. Thực tế có rất nhiều phụ huynh không “chấp nhận” cụm từ thiểu năng trí tuệ với con mình.

Trẻ nếu mắc bệnh này có mọi biểu hiện như bình thường, ăn nói, đi lại, mọi cử chỉ…nhưng lại không thể nhập được kiến thức liên quan đến ngôn ngữ vào trong đầu. Rất nhiều trường hợp học xong và kiểm tra lại ngay lúc đó hoặc trong thời gian rất ngắn thì được, nhưng sau một thời gian dài hơn thì trẻ không nhớ được những gì đã học.

Khi trẻ đã không nhập được ngôn ngữ, không hiểu được Tiếng Việt thì sẽ không viết được, không đọc được cũng như không học được các môn khác, có nắm được một chút kiến thức thì cũng không biết viết ra thế nào. Thực tế đó là một bệnh nhưng rất nhiều bố mẹ không chịu nghĩ con mình bị mắc bệnh đó.

Ngay trong trường tôi cũng có 2 học sinh như vậy, các cháu phát triển bình thường, biết chọn ăn món ngon, chọn quần áo đẹp, chơi trò chơi điện tử rất giỏi, rất nhớ đường dù mới chỉ được đi qua một lần nhưng lại không thể nhớ được kiến thức đã học, kể cả mặt chữ và phần tập ghép vần. Đó là sự thật.

Trẻ chỉ bị một mảng nhỏ ở não không tiếp thu được ngôn ngữ, kiến thức ngôn ngữ không nhập được vào đầu dẫn đến trẻ không thể đọc thông viết thạo, đó là lý do”.

Cô N.K cho biết thông thường về tư duy có thể hiểu như sau: “Với một bài kiểm tra định kỳ hàng ngày của các con và ở đây tôi đang nói đến những con bị bệnh. Các con sẵn sàng đọc một văn bản trước mặt, hỏi thì trẻ cũng trả lời được, cũng gạch được những ý để có thể đạt được 5 điểm.

Và khi những đứa trẻ đó đạt được 5 điểm thì giáo viên không thể vì một tờ đơn của phụ huynh lại có thể để em đó bị lưu ban, mà thường theo quy định thì bài kiểm tra kết thúc năm học lại không liên quan đến giáo viên chủ nhiệm.

Hầu hết ở các trường thì bài thi là hiệu trưởng ra đề, giáo viên sẽ đổi từ lớp này sang trông ở lớp khác, tất cả các tệp bài kiểm tra đó sẽ chia cho các giáo viên khác cùng khối chấm điểm. Cô đang chủ nhiệm không được pháp chấm bài của lớp mình dạy.

Vậy nên có ý kiến dư luận cho rằng lỗi của trẻ không đọc thông viết thạo mà vẫn được lên lớp là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp 1. Nói như thế là không đúng.

Hơn nữa khi trẻ con lớn dần lên sẽ có một vấn đề là những em đó có khả năng ứng xử với một số vấn đề rất nhanh, chỉ cần ngồi cạnh một bạn làm được bài và em đó nhìn liếc qua một lần là đã nhớ rồi chép lại vào vở của mình đúng như vậy.

Ở lớp bình thường thì giáo viên sẽ có biện pháp cho những em đó ngồi một mình để làm bài xem thực chất ra sao? Nhưng nếu kiểm tra như thế phụ huynh lại có ý kiến: Tại sao cô bắt con tôi ngồi một mình? Như vậy là cô phân biệt đối xử…

Và với những em học sinh “nhanh” như vậy thì việc nhìn và quay cóp sẽ cực kỳ nhanh, hiểu ở góc độ khác thì đó là mặt mạnh của con, mỗi con có một mặt mạnh riêng không giống ai. Đó là thực tế và bản thân tôi đi dạy mấy chục năm nay đã gặp nhiều trường hợp như vậy.

Trường tôi ngay giữa Thủ đô cũng vẫn có học sinh lưu ban, những năm trước chúng tôi cho mấy em lớp 1 thi lại trong dịp hè, có phụ huynh đến trường xin với tôi cho con được lên lớp.

Tôi phân tích để phụ huynh hiểu rằng các bác cứ để cho con mình đuối từ năm này qua năm khác thì con sẽ không thể nào ổn được. Vậy bác hãy nghe tôi cứ để cho con học lại 1 năm, học lại con sẽ vững vàng hơn về kiến thức thì mới có thể học tiếp lớp 2. Như vậy vẫn có con bị lưu ban lớp 1”.

Cô N.K cho biết: "Nếu nói khó khăn thì nhiều ngành nghề chỉ có 12 ngày phép trong cả năm, trong khi giáo viên có hẳn 60 ngày nghỉ hè một năm chưa kể ngày phép, hơn nữa việc bồi dưỡng học sinh trong dịp hè đâu cần thiết phải ngày nào cũng học tập trung, có thể học Online, gửi bài để gia đình hỗ trợ làm. Tôi cho những ý kiến như vậy là ngụy biện”. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Cô N.K cho biết: "Nếu nói khó khăn thì nhiều ngành nghề chỉ có 12 ngày phép trong cả năm, trong khi giáo viên có hẳn 60 ngày nghỉ hè một năm chưa kể ngày phép, hơn nữa việc bồi dưỡng học sinh trong dịp hè đâu cần thiết phải ngày nào cũng học tập trung, có thể học Online, gửi bài để gia đình hỗ trợ làm. Tôi cho những ý kiến như vậy là ngụy biện”. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Mọi việc làm đều phải theo luật quy định

Cô N.K nói: “Theo luật khi các con thi lên lớp không đạt lần 1 sẽ cho con kiểm tra lại lần 2 và thậm chí lần 3 để gia đình công nhận kết quả đó của con, chứ không phải giáo viên thích là cho các con lưu ban.

Thực tế có con viết chữ nhấp nhô lên cao chèn cả vào dòng chữ trên, nhưng tất cả phần bài viết của con lại không bị sai chữ nào và trong bảng biểu chấm điểm thì trừ 2 điểm cho phần chữ viết, sai 1 lỗi trừ 0,5 điểm nhưng con không sai mà chỉ viết không đúng quy định, vậy chỉ trừ 2 điểm viết xấu thôi.

Còn nếu phụ huynh em đó hợp tác tự nhận thấy con mình như vậy thì nên đưa con đi chữa bệnh, nhưng đó là với gia đình có điều kiện và thực sự hiểu chuyện. Còn với những gia đình khó khăn kinh tế thì họ lại nghĩ nếu con họ bình thường được thì hãy để cho con họ phát triển, lớn hơn rồi tính sau. Hiện nay chúng ta đang phổ cập giáo dục đến bậc trung học cơ sở.

Tất cả giáo viên, học sinh, gia đình phải kết hợp với nhau và giáo viên cũng không thể tự đẩy bạn đó lên lớp được vì rất nhiều việc liên quan từ trông thi, chấm thi, trông và chấm thi chéo nhau theo quy định rất chặt chẽ.

Thực tế hiện nay một giáo viên lớp khác sang lớp này trông thi, nếu làm “chặt quá” thì học sinh về nhà mách với bố mẹ là hôm nay cô này sang trông thi ghê lắm, quát to làm con sợ nên mất tinh thần không làm được bài thi dẫn tới bị điểm kém. Bố mẹ nghe thấy vậy lại phản ánh đến nhà trường…chúng tôi gặp phải nhiều chuyện trớ trêu như vậy đó.

Còn theo quan điểm của tôi thì em học sinh lớp 6 kia vẫn chưa đọc và viết bình thường được thì chắc chắc chắn có vấn đề về mảng tư duy ngôn ngữ. Học từng đó năm mà vẫn không đọc thông viết thạo là có vấn đề về não bộ, không thể coi đó là trẻ bình thường được”.

Có một số giáo viên cho rằng theo quy định giáo viên phải bổ sung kiến thức cho học sinh chưa hoàn thành vào dịp hè. Khi hết hè phải kiểm tra lại, kiểm tra lần 1 chưa đạt thì tiếp tục kiểm tra lần 2… Dạy cả năm, giáo viên có 2 tháng hè nghỉ phép để nạp năng lượng. Nhiều giáo viên xa quê sẽ về nhà. Thế mà, học sinh yếu lại quy định buộc giáo viên phụ đạo trong hè điều này đã buộc giáo viên không dám cho các em ở lại.

Trước luồng ý kiến này, cô N.K nêu quan điểm: “Đây là quy định mà Bộ đưa ra và đã là quy định thì các trường đều phải theo. Nhưng sự thật là bản thân mình có ở trong ngành giáo dục thì mới hiểu vấn đề là con mình đuối quá nên chậm nhịp lại thêm 1 năm, bồi dưỡng thêm cho con phát triển để giải quyết việc năm nào con cũng bị với theo các bạn. Đó là tư duy của những người hiểu giáo dục.

Nhưng tư duy của phụ huynh không như vậy, họ nuôi thêm con 1 năm là vất vả thêm 1 năm, rồi còn những chuyện xung quanh tác động như con nhà này học dốt nên bị lưu ban, học kém quá mới thế, từng này tuổi mà vẫn học lớp 1 à…?

Các thầy cô chia sẻ như vậy thì thật sự cũng thương. Nhưng ngược lại nếu như những giáo viên đó suy ngẫm đứng về phía phụ huynh thì cũng thấy phụ huynh cũng đáng thương lắm chứ, họ cũng khó khăn vất vả lao động chân tay. Nói về nhân văn thì chúng ta không nên chặn hết mọi “nẻo đường” của một đứa trẻ có thể sẽ tiến bộ.

Nếu thầy cô nói 2 tháng hè nghỉ phép để nạp năng lượng. Nhiều giáo viên xa quê sẽ về nhà…Đương nhiên thầy cô vất vả nhưng tôi cũng phải nói thẳng các cô đã vào nghề giáo rồi, không yêu trẻ thì đừng có vào nghề. Đã chọn vào nghề rồi phải chấp nhận.

Nếu nói khó khăn thì nhiều ngành nghề chỉ có 12 ngày phép trong cả năm, trong khi giáo viên có hẳn 60 ngày nghỉ hè một năm chưa kể ngày phép, hơn nữa việc bồi dưỡng học sinh trong dịp hè đâu cần thiết phải ngày nào cũng học tập chung, có thể học Online, gửi bài để gia đình hỗ trợ làm. Tôi cho những ý kiến như vậy là ngụy biện”.

Tùng Dương