Quy hoạch giáo dục nghề nghiệp không đơn thuần chỉ là sáp nhập và giải thể

23/04/2021 06:50
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước khi sáp nhập rất cần xác định mô hình trường, chiến lược phát triển nhà trường, tổ chức bộ máy quản lý, tổ chức đào tạo... sau khi sáp nhập.

Ngày 22/4, Quảng Nam có quyết định về việc chuyển giao nguyên trạng 5 trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn vào Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam, đổi tên thành Trường Cao đẳng Quảng Nam.

Cụ thể, các trường: Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam, Trung cấp nghề Nam Quảng Nam, Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam, Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc - Miền núi Quảng Nam, Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Quảng Nam được chuyển giao nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ, biên chế, nhân sự, tài sản, tài chính, cơ sở vật chất, đất đai... vào Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam.

Kể từ ngày 1/6, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam sẽ được đổi tên thành Trường Cao đẳng Quảng Nam trên cơ sở hợp nhất 6 trường.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng giao cho các đơn vị chuyên môn lên kế hoạch sáp nhập 3 trường gồm Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Lâm Đồng và Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt.

Nhiều tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... cũng tính chuyện tinh gọn mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thực tế cho thấy song song với phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cũng phát triển nhanh chóng cả công lập lẫn ngoài công lập.

Tuy nhiên giáo dục nghề nghiệp cũng đang đứng trước nhiều thách thức cần phải vượt qua như: mở rộng quy mô tuyển sinh và nhanh chóng nâng cao tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật; thực hiện khung trình độ quốc gia và cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp; sắp xếp đội ngũ giáo viên, giảng viên dư dôi hoặc thiếu năng lực đáp ứng; thiếu kết nối giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động...

Đánh giá chung về hạn chế của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh chỉ ra một số điểm ví như chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng; nhiều chương trình được đầu tư nhưng thiếu tính kế thừa; chương trình thuộc nhiều dự án dạy nghề thiếu phát triển nhân rộng; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư rất lớn, thiết bị hiện đại nhưng không phù hợp hoặc không tuyển sinh được…

Còn về quản lý thì giáo dục nghề nghiệp có nhiều hạn chế do chia cắt trong quản lý nhiều năm, dẫn đến nguồn lực đầu tư bị dàn trải, không phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) (ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) (ảnh: Tùng Dương)

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những bất cập trên chính là công tác quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp, bao gồm mạng lưới các trường, phân bố theo ngành kinh tế và theo lãnh thổ, ngành nghề đào tạo trong các trường, cũng như cơ chế phối hợp công - tư trong giáo dục nghề nghiệp chưa thật rõ ràng và thiếu định hướng chiến lược”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

5 kiến nghị để quy hoạch giáo dục nghề nghiệp mang lại hiệu quả

Trước những hạn chế và thách thức như vậy, việc quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở đào tạo cùng ngành nghề đào tạo là một giải pháp quan trọng khắc phục những yếu kém và nhằm hiện đại hóa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, huy động nguồn lực nhiều hơn cho giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, việc quy hoạch sẽ liên quan đến sáp nhập, giải thể, sắp xếp lại nên nó không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật mà còn đụng chạm đến quyền lực, lợi ích của một số bên liên quan do đó cần phải nghiên cứu tìm hiểu một số trường yếu kém do nguyên nhân gì? Từ đó có giải pháp tương thích, tránh quy hoạch mang tính áp đặt để tránh đi những hậu quả không mong muốn.

Quy hoạch cần có mục tiêu, không chỉ là sáp nhập và giải thể, mà phải quy hoạch cả ngành nghề đào tạo, không để sự chồng chéo ngành nghề đào tạo giữa các trường mà chất lượng thấp, cung vượt quá cầu.

Trước khi sáp nhập rất cần xác định mô hình trường, chiến lược phát triển nhà trường sau khi sáp nhập, tổ chức bộ máy quản lý, tổ chức đào tạo, quản lý, sử dụng nguồn lực hậu sáp nhập..., tránh thất thoát lãng phí do tham nhũng trục lợi như bán đất công sai qui định của pháp luật. Đất nhà trường được cấp trước đây cần tính toán cho sự phát triển 30-50 năm sau hoặc lâu hơn và nếu có dư dôi ra có thể bán đấu giá để tăng thêm nguồn lực hiện đại hóa cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau sáp nhập.

Để công tác quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp mang lại hiệu quả, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh có 5 kiến nghị.

Một là, đề xuất Ban Bí thư có một Chỉ thị riêng về quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của Đảng từ Trung ương đến địa phương và các Bộ ngành;

Hai là, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí để sáp nhập hoặc giải thể, thành lập mới. Nên dựa theo các tiêu chuẩn chất lượng (điều kiện đảm bảo chất lượng), hiệu quả (năng suất đào tạo, tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động địa phương) và tiêu chuẩn về cơ hội học nghềcủa thanh niên, người thất nghiệp (những vùng khó khăn cần chú ý khi xây dựng tiêu chuẩn đảm bảo cơ hội tiếp cận đến giáo dục nghề nghiệp);

Ba là, có phương án xử lý về con người nhất là tiêu chuẩn lãnh đạo quản lý ở trường sau khi sáp nhập vì sau sáp nhập sẽ là trường đa ngành nghề nhưng Hiệu trưởng chỉ có thể quán xuyến được và có thế mạnh ở vài ngành nghề đào tạo nào đó nên sau sáp nhập Hiệu trưởng sẽ rất khó khăn xử lý nhiều vấn đề mang tính chuyên môn về quản lý học tập, chương trình, thiết kế cơ cấu bộ máy, ổn định tổ chức... và cơ sở vật chất (nhất là đất đai) sau khi quy hoạch đó là chưa kể đến qui mô và tầm quản lý lại phải lớn hơn với yêu cầu cao hơn trước đây;

Bốn là, hình thành mới và củng cố các trường cao đẳng cộng đồng đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho mọi người qua việc cung cấp các khóa học mềm dẻo, mở suốt đời, từ vài ba ngày cho đến 3 - 6 tháng, 1 - 2 năm;

Cuối cùng, mở thêm mới và đồng thời đóng cửa một số chương trình đào tạo ở một trình độ có sự chồng chéo, ưu tiên dành cho các trường ngoài công lập đào tạo những ngành mà họ làm được, các trường công lập tập trung vào những ngành chất lượng cao mà các trường ngoài công lập không đầu tư, hoặc đào tạo theo những ngành mà Nhà nước có nhu cầu ưu tiên cao nhất.

Thùy Linh