Thầy giáo trường Ams chỉ cách ôn thi tốt nghiệp môn Lịch sử hiệu quả

08/05/2021 06:45
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thi trắc nghiệm, học sinh cần làm là hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 theo khoanh vùng ôn tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để giúp cho các em học sinh lớp 12 ôn tập tốt kiến thức môn Lịch sử chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Khuất Duy Dũng - Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường Trung học chuyên Hà Nội - Amsterdam, thầy Dũng chia sẻ: “Việc ôn tập môn Lịch sử chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021 theo tôi học sinh nên có một thời gian biểu cho từng môn thi.

Các em cần có một kế hoạch ôn tập cụ thể bởi trong cùng một thời gian học sinh còn phải ôn tập nhiều môn cho kỳ thi này. Có thể nói là trong cùng một khoảng thời gian ngắn nhưng các con phải làm nhiều việc.

Đây là môn thi trắc nghiệm, việc đầu tiên học sinh cần làm chính là hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức trong sách giáo khoa theo khoanh vùng ôn tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thông thường tỷ lệ câu hỏi thi nằm trong phần kiến thức lớp 12 chiếm 90% còn 10% câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11, không có nội dung kiến thức chương trình lớp 10. Các câu hỏi thuộc chương trình kiến thức lớp 11 chủ yếu ở mức độ Nhận biết; Thông hiểu; Vận dụng và không có câu hỏi Vận dụng cao.

Sự kiện lịch sử thông thường bao gồm: Thời gian, hoàn cảnh, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, bài học rút ra và ý nghĩa lịch sử của sự kiện đó... Từ những kiến thức, sự kiện, giai đoạn lịch sử cụ thể từng phần, từng chương, hãy học các bài Tổng kết phần, chương để rèn luyện kỹ năng khái quát hóa kiến thức và xâu chuỗi vấn đề.

Tất cả những kiến thức, những vấn đề và sự kiện lịch sử cốt lõi, nổi bật nhất đều hiện hữu trong các bài Tổng kết và đa phần học sinh không để ý. Vì lịch sử phải chính xác, các em nên ôn luyện theo dòng thời gian, từ đó phát triển các nội dung có liên quan”.

Thầy Dũng chia sẻ: "Cần ôn tập có kế hoạch, có định hướng cụ thể chứ không phải cứ cầm sách đọc từ đầu đến cuối, như vậy thì quá dài và không thể nhớ nổi. Ôn tràn lan như vậy cũng không biết thế nào là đủ và đâu là những thông tin cần thiết, quan trọng". Ảnh: Tùng Dương.
Thầy Dũng chia sẻ: "Cần ôn tập có kế hoạch, có định hướng cụ thể chứ không phải cứ cầm sách đọc từ đầu đến cuối, như vậy thì quá dài và không thể nhớ nổi. Ôn tràn lan như vậy cũng không biết thế nào là đủ và đâu là những thông tin cần thiết, quan trọng". Ảnh: Tùng Dương.

Thầy Dũng cho biết: “Đối với các môn xã hội và cụ thể là môn Lịch sử, học sinh cần xem kỹ đề thi tham khảo, bám sát vào những gợi ý của đề để biết được đề thi hỏi những vấn đề gì. Rõ ràng nhất ở đề minh họa năm 2021 thì tổng thể chung không hỏi quá khó, điều thứ hai là những câu hỏi về sự kiện, thời gian gần như rất ít.

Ví dụ một mốc sự kiện Đảng cộng sản Việt Nam ra đời vào năm 1930, những năm trước với câu này đề thi thường hỏi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời vào năm nào? Như vậy các con phải nhớ năm.

Nhưng giờ đây đề thi không hỏi như vậy, mà lại hỏi về khía cạnh như: Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của yếu tố nào…như vậy yêu cầu học sinh phải hiểu kỹ, hiểu bản chất hơn và mang tính tư duy.

Trước đây đề thi hỏi Phong trào Đồng khởi diễn ra năm nào? Nhưng hiện nay có thể hỏi trong giai đoạn 1954 - 1975 sự kiện nào đánh dấu bước nhảy vọt của Cách mạng Miền Nam…thì đó lại là Đồng khởi.

Đề thi cung cấp số liệu sẵn đòi hỏi học sinh phải tư duy đây là chiến dịch nào, sự kiện gì. Vậy nên học sinh cần phải hiểu được cách ra đề để tự mình thay đổi cách học. Cần ôn và học theo lối tư duy.

Để ôn tập như vậy nếu nói không học thuộc lòng thì cũng không phải vì học sinh phải nắm được điều đó, phải thuộc nhưng không phải thuộc “vẹt” mà cần hiểu được bản chất, tư duy vấn đề đó, có những cái nổi bật, đặc trưng…bắt buộc học sinh phải nắm được.

Ngoài ôn tập theo sách giáo khoa, học sinh cần vẽ sơ đồ để định hình được các mốc sự kiện, ví dụ giai đoạn 1919 - 1930 có những vấn đề gì, 1930 -1945 có vấn đề gì, 1945 - 1954…?

Học sinh cần nắm chắc từng giai đoạn, hiểu rõ, ví dụ 1930 -1945 phải nắm được 3 vấn đề. Thứ nhất là phong trào 1930 -1931. Thứ hai là phong trào 1936 – 1939 và thứ ba là cao trào 1939 -1945. Sau khi xác định được 3 giai đoạn như trên thì có thể thu nhỏ lại để học kỹ từng giai đoạn để xem 1930 -1931 có vấn đề gì nổi bật? Và tiếp theo là các giai đoạn còn lại.

Cần ôn tập có kế hoạch, có định hướng cụ thể chứ không phải cứ cầm sách đọc từ đầu đến cuối, như vậy thì quá dài và không thể nhớ nổi. Ôn tràn lan như vậy cũng không biết thế nào là đủ và đâu là những thông tin cần thiết, quan trọng.

Nhưng nếu có định hướng, khoanh vùng kiến thức quan trọng thì các em sẽ biết được ôn phần này là đúng hay sai, kiến thức sẽ nằm trong vùng nào và ôn tập phần nào là đủ, còn thiếu những phần nào chưa ôn, trong phần đó có mấy vấn đề…?

Ví dụ giai đoạn 1939 – 1945, học sinh phải nắm được những sự kiện thế giới tác động đến Lịch sử Việt Nam, lúc này các em cần liệt kê các sự kiện. Thứ hai, khi sự kiện thế giới tác động đến Việt Nam thì ở trong nước có chuyển biến gì không? Lúc đó các em triển khai từng chuyển biến…

Thứ ba, trước những chuyển biến của thế giới, chuyển biến của Việt Nam như vậy thì Đảng ta có chủ trương mới gì? Như vậy sẽ có từng chủ trương cụ thể.

Và cuối cùng, Chủ trương đó diễn ra như thế nào? Được thực hiện theo quá trình chuẩn bị cho Cách mạng tháng 8, Cao trào kháng Nhật cứu nước, Tổng khởi nghĩa. Nếu làm được sơ đồ tóm tắt những ý chính như vậy sẽ giúp học sinh ôn tập hiệu quả.

Ngoài ra học sinh cần làm nhiều câu hỏi mẫu, đề thi mẫu trắc nghiệm để luyện kỹ năng làm bài và nhớ kiến thức lâu hơn, mỗi lần làm là một lần học lại kiến thức.

Trong quá trình luyện làm bài ở nhà cũng không nhất thiết không được dùng tài liệu. Với câu hỏi dễ các em đánh dấu xong, nhưng với những câu khó nên dùng sách giáo khoa, dùng tài liệu tham khảo dở ra xem bởi trong quá trình đó các em xác định kiến thức, và còn có thể đọc thêm được kiến thức rộng hơn. Quá trình ôn tập là như vậy”.

Các em học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam trong giờ học Lịch sử. Ảnh: NVCC.
Các em học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam trong giờ học Lịch sử. Ảnh: NVCC.

Chú ý khi làm bài thi trắc nghiệm

Theo thầy Dũng: “Thi trắc nghiệm là xu thế chung và điều cần nhất là các em phải thay đổi cách học, cách ôn tập. Khi thực hiện làm bài thi cần đảm bảo tiến trình, không quá sa đà quá lâu ở một câu.

Với những câu hỏi dễ học sinh thường chủ quan và đánh dấu luôn, chính vì thế nhiều em không được điểm cao vì nhầm, sai ở những câu không đáng sai. Nhưng các em lưu ý mỗi câu hỏi dù dễ đến đâu bao giờ cũng có những từ “lắt léo”, vậy nên dù có dễ đến mấy tôi cũng khuyên các em nên dành chút thời gian đọc kỹ, ngẫm nghĩ, kể cả những câu đã làm được.

Đối với những câu hỏi khó bao giờ cũng có bốn vấn đề A, B, C, D và có hai vấn đề sai hoàn toàn, nếu ôn tập tốt thì các em nhìn là thấy sai ngay, lúc này nên mạnh dạn dùng bút chì gạch hai đáp án sai đi và tỷ lệ còn lại 50/50.

Trong quá trình làm nếu chưa có phương án chọn trên hai phương án còn lại thì cũng tạm thời đánh dấu bút chì vào một câu lựa chọn rồi chuyển sang làm câu khác. Sau khi làm hết các câu sẽ quay lại làm nốt những câu đã được đánh dấu bằng bút chì, như vậy các em sẽ không bị mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi.

Các em hãy nhớ lời giải “chìa khóa” nó không nằm ở hai đáp án đó, mà lời giải nằm ở câu hỏi, trong câu hỏi sẽ có “chìa khóa” ở đó. Ví dụ: Nguyên thủ Quốc gia nào sau đây tham dự Hội nghị Ialta tháng 2/1945? Ở đây câu hỏi thể hiện rõ với 4 phương án là Nhật, Pháp, Mỹ và Đức.

Như vậy có thể thấy Hội nghị Ialta là của nước đồng minh thì chắc chắn sẽ không có Nhật và Đức. Nhật và Đức là phát xít nên 2 phương án này sai, nên gạch đi. Còn lại Pháp và Mỹ, với những kiến thức các em đã ôn tập thì sẽ nắm được trong Hội nghị Ialta là của các nước lớn trong phe đồng minh, Pháp là nước bị Đức xâm lược, vậy nên nguyên thủ của Pháp không có vai trò quan trọng trong phe đồng minh.

Trong phe đồng minh quan trọng nhất là hai quốc gia Mỹ và Liên Xô, vậy ở đây câu trả lời đúng là Mỹ. Trong câu hỏi sẽ có “chìa khóa” là như vậy”.

Thầy Dũng lưu ý thêm khi làm bài thi: “ Tuy học thuộc bài nhưng không ít học sinh vẫn không đạt điểm cao, chính là do thiếu phương pháp làm bài.

Vậy để có một phương pháp làm bài hiệu quả, cần nắm vững những bí quyết cần đọc và hiểu đề thi. Trong thực tế nhiều học sinh đọc đề thi qua loa đại khái, vội vã làm ngay dẫn đến tình trạng xa đề, lạc đề, không tập trung vào trọng tâm mà đề yêu cầu.

Vạch đề cương sơ lược trên giấy nháp: Việc này không những giúp cho các em không bị mất ý lớn, bỏ sót điều quan trọng mà còn tạo ra trật tự, trình tự trình bày mạch lạc.

Đặc thù của môn Sử không quá chú trọng phần nhập đề, mở đề như môn Văn mà phải xoáy sâu vào thân bài, nội dung. Ăn điểm hay không là nằm ở phần này. Phân phối thời gian làm bài hợp lý cho từng câu hỏi cũng là yếu tố quan trọng trong suốt quá trình làm bài thi.

Chú ý những câu hỏi có số điểm cao, không nhất thiết phải làm theo cấu trúc của đề thi mà câu nào dễ làm trước, khó làm sau. Cần dành ít phút để kiểm tra lại bài làm, chỉnh sửa câu từ, chính tả...

Trình bày bài thi cũng là một khâu rất quan trọng vì giá trị của một bài thi không những thể hiện ở phần nội dung mà còn ở phương pháp trình bày sạch, đẹp, dễ nhìn”.

Tùng Dương