Chúng ta đang sống trong thời đại kỷ nguyên số hay còn gọi là thời đại công nghệ 4.0. Sự phát triển chóng mặt của công nghệ đã làm thay đổi nhiều mặt đời sống của con người hiện nay.
Học bạ làm trên hệ thống Vnedu vậy có cần in ra và dán vào học bạ giấy? (Ảnh P.T) |
Với sự phục vụ của máy móc và trí tuệ nhân tạo, mọi thứ đều trở nên tiện ích, nhanh chóng và hiện đại.
Thế nhưng, không phải ai cũng biết sử dụng những tiện ích của công nghệ 4.0 mang lại nhằm giúp giải phóng sức lao động của con người.
Ngược lại, sử dụng không đúng càng làm tăng thêm việc, tạo thêm nhiều áp lực mới (như cách nói vui của nhiều giáo viên chúng tôi rằng 4.0 đã trở thành 0.4) trong quản lý của ngành giáo dục hiện nay.
Có thêm phần mềm quản lý, giáo viên thêm việc
Hiện nay, trường học nào cũng có ít nhất một phần mềm quản lý nhà trường. Nơi thì dùng phần mềm Vnedu, nơi chọn phần mềm Smas…
Trong các phần mềm này có đầy đủ các thư mục quản lý như, quản lý giáo viên, quản lý học sinh, chất lượng dạy học, sổ theo dõi, sổ báo giảng, sổ chủ nhiệm cá nhân, sổ liên lạc, học bạ…
Nếu trước đây khi chưa có phần mềm, giáo viên chúng tôi tự viết bằng tay, tuy vất vả thật đấy nhưng chỉ phải làm một lần.
Một số giáo viên ở phía Bắc cũng cho biết, từ khi có phần mềm quản lý, chúng tôi lại thêm việc phải làm thêm 2 lần là vừa làm học bạ trên phần mềm, vừa phải làm học bạ giấy viết bằng tay".
Có thầy cô giáo (đề nghị giấu tên) bức xúc: "Trong phần mềm có đầy đủ các thư mục, giáo viên vào làm khá nhanh. Ví như chỉ cần nhập điểm kiểm tra, điểm thi…phần mềm sẽ tự tổng kết điểm, tính phần trăm.
Ngỡ vậy là xong, nhưng lại có trường còn “đẻ” thêm một số quy định mà phần mềm không có như tính điểm riêng từng bậc (bao nhiêu điểm 1,2; điểm 3,4; điểm 5,6; điểm 7.8; điểm 9 và điểm 10, nam tính riêng, nữ tính riêng). Thế là, giáo viên phải đếm từng môn, từng giới tính đến hoa mắt ù tai".
Hay như chỉ cần nhập điểm vào một trang riêng của từng môn thì bảng tổng kết sẽ được cập nhật đầy đủ.
Nhà trường sẽ vào trang chung của cả trường chỉ cần kích chuột vào lớp nào là có ngay kết quả kiểm tra lớp đó. Tuy thế, trường nào cũng bắt in ra để kẹp vào hồ sơ lưu ở tổ, ở trường.
Nhưng nhiêu khê nhất, mệt mỏi nhất, áp lực nhất là việc làm học bạ. Có giáo viên cho biết vừa phải làm trên phần mềm, lại vừa phải viết trong học bạ giấy.
Mà làm một cuốn học bạ có phải nhanh đâu. Cả ngày ngồi cặm cụi ghi chép, vắt óc để nhớ từng học sinh ghi sao cho ngắn gọn, xúc tích và nhân văn.
Một lớp mà vài chục em có khi ghi học bạ cả tuần mới xong. Những lời ghi vắt ruột gan ấy cũng chỉ có giáo viên ghi và giáo viên đọc. Học sinh 5 năm sau mới cầm đến cuốn học bạ thì đọc cũng chẳng để làm gì.
Thời 4.0 mà học bạ cắt dán còn hơn thời 0.4
Việc làm học bạ ở bậc tiểu học nhiều năm trở lại đây liên tục thay đổi. Năm yêu cầu làm trên hệ thống rồi in ra kẹp vào cuốn học bạ giấy, năm yêu cầu viết tay, năm lại trở về làm trên hệ thống…
Những tờ giấy học bạ in ra sẽ được cắt và dán vào học bạ giấy (Ảnh P.T) |
Vài năm nay một số địa phương mà chỉ trong một trường cũng không thống nhất cách làm học bạ. Lớp 1 yêu cầu giáo viên viết học bạ bằng tay, lớp 2 đến lớp 5 làm học bạ làm trên hệ thống Vnedu và in ra để dán vào cuốn học bạ giấy.
Khổ nỗi, khi in trên giấy A4 so với cuốn học bạ giấy lại dư bề ngang, thừa bề dọc. Muốn dán vào cho khớp, cho đẹp buộc giáo viên phải cắt và dùng hồ để dán vào.
Người khéo tay chỉ cắt và dán (chưa nói đến việc ghi điểm, ghi lời phê) cũng hết cả ngày. Người không có hoa tay thì dán bị nhăn, bị rách nên chưa biết mấy ngày mới xong.
Nhiều giáo viên thắc mắc: Sao không làm học bạ và để luôn trên hệ thống? Hoặc nếu có in ra chỉ cần kẹp lại thành cuốn học bạ là xong còn bắt cắt dán làm gì?
Mọi chuyện đều có lý do của nó. Ví như, trường chúng tôi có học sinh chuyển trường ra phía Bắc. Nhà trường xuất học bạ trên hệ thống và in ra đưa cho phụ huynh.
Thế nhưng, gia đình các em báo lại, trường ngoài đó không đồng ý kiểu học bạ thế này mà vẫn trung thành với cuốn học bạ giấy từ trước đến nay.
Thế là, từ năm học sau đó giáo viên phải làm học bạ trên hệ thống và in ra, cắt để dán vào cuốn học bạ giấy.
Chủ trương giảm hồ sở sổ sách cho giáo viên vẫn đang chỉ nằm trên giấy
Phải ghi nhận một điều, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn rất quan tâm đến gánh nặng hồ sơ sổ sách của giáo viên. Bộ cũng đã nhiều lần ra công văn quy định lại việc hồ sở sổ sách sao cho gọn nhẹ. Tuy nhiên, phía cơ sở vẫn là “phép vua thua lệ làng”.
Nhiều nhà quản lý giáo dục cấp cơ sở vẫn đang làm theo lối cũ. Soạn bài trên vi tính, làm các loại sổ như sổ tổ, sổ kế hoạch các nhân, sổ chủ nhiệm, học bạ…cũng luôn bắt in ra chỉ để ký. Điều này, đã dẫn đến việc lãng phí và tăng việc làm cho nhiều nhà giáo khi cũng công việc ấy đôi khi phải làm đến hai lần.
Bộ thì ở xa, việc ra công văn lại thiếu sự kiểm tra, thẩm định. Nếu tư duy của người quản lý không thay đổi thì việc giảm áp lực sổ sách cho nhà giáo vẫn còn xa lắm.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.