Từ ngày 11/7/2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu thực hiện việc chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.
Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường tại thành phố, nên công tác chấm thi đã được triển khai nghiêm ngặt, chặt chẽ tới từng giám khảo.
Chấm thi chia ca, bố trí ăn trưa và về lệch giờ
Theo Phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục – Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay, thành phố có 20 tổ chấm thi môn Ngữ Văn, gồm 18 giám khảo/tổ.
Hiện các tổ đã chấm chung để thống nhất về đáp án, biểu điểm. Mỗi phòng chấm sẽ dưới 10 người, mỗi tổ chia làm 2 phòng chấm.
Các nguyên tắc phòng chống dịch Covid-19 đã được Sở triển khai rất nghiêm ngặt, chặt chẽ đến từng cán bộ, giám khảo tham gia vào công tác chấm thi.
Giám khảo sẽ tham gia chấm thi được chia theo ca, thời gian mỗi ca lệch nhau 30 phút. Giờ ăn trưa, ra về của các giám khảo cũng được bố trí lệch giờ, tránh tập trung đông người và thực hiện nghiêm chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ mà thành phố đang áp dụng.
Toàn bộ những người tham gia vào hội đồng chấm đều đã được xét nghiệm Covid-19, đến hội đồng chấm được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn.
Các giám khảo đi xét nghiệm Covid-19 trước khi thực hiện nhiệm vụ chấm thi (ảnh: CTV) |
Trong quá trình chấm, các giám khảo buộc phải tuân thủ nghiêm các quy tắc 5K, đeo khẩu trang, găng tay, kính chống giọt bắn, giữ đúng khoảng cách, không tập trung quá số người đã quy định trong suốt quá trình làm việc tại hội đồng chấm.
Những giám khảo nào có các biểu hiện về sức khỏe như ho, sốt, khó thở thì phải báo về tổ trưởng/tổ phó mỗi tổ, hay nhân viên y tế túc trực để có sự can thiệp và xử lý kịp thời.
Chấm thi đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh
Theo ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ triển khai nghiêm túc, tuân thủ nghiêm các quy định về việc chấm thi, cùng với các quy định về phòng chống dịch bệnh.
“Tuyệt đối không vì dịch bệnh mà thành phố xuề xòa, làm tắt hay bỏ qua một công đoạn nào, nhất là đối với môn tự luận, nhằm đảm bảo công bằng cho tất cả mọi thí sinh” – ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh.
Với bộ môn Ngữ Văn, các giám khảo sẽ tuân thủ nghiêm hướng dẫn chấm và thang điểm chấm của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định để cho ra khung đáp án chấm của thành phố, không cứng nhắc trong quá trình chấm.
Một số giám khảo chấm thi môn Ngữ Văn tham gia chấm thi năm nay chia sẻ: Đề thi năm nay được đánh giá là thoáng, thí sinh dễ kiếm điểm, nhưng trong biểu điểm vẫn thể hiện tính phân hóa rõ rệt. Tính tư duy và sự sáng tạo của người làm bài luôn được đề cao.
Mỗi bài làm tự luận của thí sinh sẽ được chấm 2 vòng, có phiếu chấm điểm rõ ràng, để hạn chế tối đa nhát khả năng lệch điểm trong bài thi của học sinh.
Nếu bài làm nào của thí sinh mà điểm số của 2 giám khảo lệch nhau dưới 0,75 điểm thì 2 giám khảo sẽ ngồi lại để thảo luận, thống nhất điểm số.
Nếu lệch nhau từ 1 đến 1,25 điểm thì sẽ ghi biên bản báo cáo để điều chỉnh, còn lệch nhau 1,5 điểm trở lên thì sẽ phân công giám khảo chấm tiếp lần 3.