Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (gọi tắt là Quy chế 18) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới ban hành đã gây tranh cãi gay gắt về tiêu chuẩn đầu ra, trong đó có yêu cầu về ngoại ngữ.
Trả lời trên Báo Dân trí, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hà Nội đã lý giải về sự phù hợp của quy định về ngoại ngữ. Ông Thạch đã dẫn ra tại Website của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (Educational Testing Service - ETS), so sánh thang điểm IELTS và TOEFL iBT cho thấy 5.5 IELTS tương đương với 46-59 điểm TOEFL iBT. Do đó, ông Thạch cho rằng việc lựa chọn cận dưới mức điểm 46 TOEFL iBT vẫn bảo đảm tương đương IELTS 5.5 và có cao hơn mức điểm 45 ở Quy chế 08 năm 2017.
Cũng theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, có một bảng so sánh khác gợi ý trình độ B2 của Khung tham chiếu châu Âu (CEFR) tương đương với 72 điểm của TOEFL iBT, so sánh này dựa vào trình độ tiếng Anh của các nước nói tiếng Anh là Vương quốc Anh, Australia, Canada và Hoa Kỳ (Papageorgiou và cộng sự). Do vậy vị này nhận định việc đòi hỏi ứng viên của Việt Nam đạt được mức điểm tối thiểu 72 theo thang điểm TOEFL iBT là chưa thực tế [1].
Phụ lục ban hành kèm Thông tư 18 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ |
Giải thích này nhiều chuyên gia cho rằng không thuyết phục. Theo quyết định của Thủ tướng ban hành Khung trình độ quốc gia, tiến sĩ phải có trình ngoại ngữ tương đương bậc 4/6 Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (tương đương B2 của CEFR – so sánh mức độ tương đương quy định trong Thông tư 01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 24/01/2014 ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Quy chế mới quy định điểm TOEFL iBT 46 điểm là quá thấp (B2 phải tối thiểu 72 điểm). Tại Đại học Quốc gia Hà Nội đang áp dụng TOEFL iBT đối với đầu vào sau đại học là 42 tương đương bậc 3/6 (B1) và 72 tương đương bậc 4/6 (B2).
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh: NVCC) |
Theo bảng tham chiếu của tổ chức ETS quan trọng nhất là bảng Comparing TOEFL iBT Scores to the CEFR, ghi rõ TOEFL iBT 42 là B1 và 72 là B2. Như vậy tối thiểu 72 mới đạt B2.
Trong khi cũng trên trang này có 1 bảng phía trên là qui đổi TOEFL iBT sang IELTS, ở mục Comparing TOEFL iBT® Test and IELTS Academic Module Scores, bảng Total Score Comparison Tool có ghi TOEFL iBT 46-59 tương đương IELTS 5.5.
Bảng tham chiếu của tổ chức ETS |
Như vậy có thể thấy người soạn thông tư có khả năng chỉ nhìn thấy bảng trên (tức là qui chiếu TOEFL iBT qua trung gian IELTS: TOEFL iBT 46 = IELTS 5.5 mà IELTS 5.5 tương đương B2 nên gán luôn TOEFL iBT 46 = IELTS 5.5 = B2). Điều này là vi phạm nguyên tắc tham chiếu. Phải qui chiếu 1 bài test vào khung qui chiếu (Khung ngoại ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN từ 1-6 hoặc Khung tham chiếu châu Âu từ A1-C2), chứ qui chiếu qua một bài thi khác như thế là không chính xác (các công ty/đơn vị khảo thí quốc tế có thể so sánh điểm bài thi của họ với điểm bài thi quốc tế khác chủ yếu vì mục đích thị phần, cạnh tranh).
“Đây có lẽ là nguyên nhân điểm của TOEFL iBT B2 trong Phụ lục của Quy chế 2021 chưa thực sự chính xác”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức lý giải.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/tranh-cai-gay-gat-muon-co-tien-si-that-phai-co-cong-bo-quoc-te-20210714095619011.htm