Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được phản ánh từ giáo viên, học sinh và đặc biệt là từ Ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2018 -2019 Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội liên quan đến việc chi tiêu các quỹ tài trợ, ủng hộ nhà trường…
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh N.V.H, thành viên đại diện của Ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2018 -2019 đã cho biết: “Tôi muốn chia sẻ một trong rất nhiều chuyện bức xúc, hầu hết đều liên quan đến quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội, điển hình là việc nhà trường đã tự ý gọi thợ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa tại các phòng học trong nhà trường năm 2019 khi chưa được Ban đại diện cha mẹ học sinh đồng ý.
Với hơn 50 phòng học, mỗi phòng có từ 2 đến 3 chiếc điều hòa, tổng cộng khoảng hơn 100 chiếc, những điều hòa này là xã hội hóa, đều do phụ huynh đóng góp mua và lắp đặt để phục vụ các con trong mùa hè. Phụ huynh toàn trường đã họp và bầu ra người đại diện để lên kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng hàng năm vì là tài sản của tập thể cha mẹ học sinh, không phải tài sản của nhà trường.
Theo quy định, hàng năm Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ tự thuê công ty dịch vụ bảo dưỡng vào trường để xem xét, đánh giá tình trạng hoạt động, cũng như hỏng hóc của máy điều hòa để có phương án xử lý. Thủ tục sẽ phải có báo giá chi tiết các hạng mục như bảo dưỡng, thay thế vật tư, nếu hỏng, có hợp đồng cụ thể, sau khi có thảo luận, có chữ kí của Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh, lúc đó đơn vị cung cấp dịch vụ mới được tiến hành sửa chữa. Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ cử người thanh toán trực tiếp tiền bảo dưỡng, sửa chữa cho đơn vị cung cấp dịch vụ, việc này không liên quan đến nhà trường".
Phiếu đề nghị thanh toán mà Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội nhận được. Ảnh: NVCC. |
Bản kê vật tư, sửa chữa mà Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội nhận được. Ảnh: NVCC. |
Việc của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Nhà trường tự ý làm?
Theo anh N.V.H : "Thật bất ngờ, khi ban phụ huynh chưa tiến hành lên kế hoạch khảo sát để bảo dưỡng định kì số điều hòa trên, ngày 08/10/2019 có một số nhân viên của Xưởng Điện lạnh Việt Cường, địa chỉ tại số 358 đường Mĩ Đình, phường Mĩ Đình II, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã đến gặp Ban đại diện cha mẹ học sinh của Trường Trung học phổ thông Chu Văn An với yêu cầu thanh toán 108, 847 triệu đồng, theo phiếu đề nghị thanh toán thì đó là số tiền bảo dưỡng và sửa chữa điều hòa tại trường?
Theo như nội dung ghi rõ trong giấy đề nghị thanh toán thì việc bảo dưỡng này theo thỏa thuận giữa Ban giám hiệu Trường trung học phổ thông Chu Văn An, Ban thường trực cha mẹ học sinh nhà trường với Xưởng Điện lạnh Việt Cường, cũng như căn cứ theo báo giá ngày 10/7/2019. Những người này cũng thông báo rằng đã tiến hành bảo dưỡng và sửa chữa số điều hòa tại các phòng học”.
Cũng theo anh N.V.H : “Bản thân chúng tôi là những người đại diện được tập thể cha mẹ học sinh bầu ra, và không mời xưởng điện lạnh này đến bảo dưỡng, cũng không được mời đến khảo sát cùng với xưởng điện lạnh, không hề biết đến thỏa thuận, cũng như báo giá, không được chứng kiến việc sửa chữa này.
Theo tôi đây là thỏa thuận giữa nhà trường và xưởng Điện lạnh Việt Cường, không hề có người đại diện hay chữ kí của thường trực Ban đại diện cha mẹ học sinh, việc này là sai nguyên tắc. Ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền đặt câu hỏi mục đích ở đây là gì? Việc làm này không thuộc phạm vi, quyền hạn của nhà trường nhưng trường vẫn cố tình thực hiện?
Theo tôi, nhà trường đã tự ý, tùy tiện lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ để bảo dưỡng điều hòa. Tôi cùng nhiều phụ huynh xem bản kê phần bảo dưỡng, sửa chữa thấy nhiều khoản mục không làm, nhiều khoản khai khống đội giá so với mặt bằng giá thị trường cùng thời điểm.
Sau đó, trong một cuộc họp với sự tham dự của hiệu trưởng Lê Mai Anh, ban giám hiệu nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh tại trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh có chất vấn hiệu trưởng về việc tùy tiện này, yêu cầu nhà trường đưa ra biên bản khảo sát, bản báo giá, bản nghiệm thu có chữ kí của Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng nhà trường không đưa ra?
Cũng tại cuộc họp đó, cô Lê Mai Anh nói đây không phải là việc của ban giám hiệu, nhà trường không biết và không liên quan, nhưng cô Lê Mai Anh lại đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh phải thanh toán số tiền trên cho xưởng Điện lạnh Việt Cường”.
Anh N.V.H bức xúc nêu: “Việc hàng chục con người cùng với máy móc, không thể tự ý vào trường để tiến hành sửa chữa điều hòa tại các phòng học trong suốt một thời gian dài mà bộ phận bảo vệ cũng như ban giám hiệu nhà trường lại không biết, nếu không được phép của hiệu trưởng thì làm sao bộ phận bảo vệ nhà trường lại dám cho họ vào? Bây giờ cô Lê Mai Anh lại bảo nhà trường không biết, điều này quá vô lí.
Thường trực Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường kiên quyết không kí nhận, không thanh toán khoản tiền trên. Nhưng một thời gian sau, thông qua một phụ huynh giữ quỹ này tôi được biết vì phải chịu nhiều "áp lực" từ phía nhà trường nên họ đã phải thanh toán số tiền trên cho xưởng điện lạnh".
Để làm rõ các thông tin liên quan, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với anh Trần Văn Kế - Chủ xưởng Điện lạnh Việt Cường. Anh Kế đã cho biết: "Đó là năm 2019, lúc đó việc thanh toán có gặp một số vấn đề trục trặc giữa ban phụ huynh và nhà trường, nhưng sau đó một thời gian chúng tôi đã nhận được chuyển khoản đầy đủ số tiền đó, và cũng không nhớ là phụ huynh hay phía nhà trường chi trả.
Tôi nhớ trước khi làm, nhà trường gọi chúng tôi đến khảo sát với sự có mặt của ban giám hiệu, đại diện hội phụ huynh, tổ điện nước của trường, chúng tôi báo giá, sau đó mới thi công. Còn thỏa thuận 3 bên lâu quá nên tôi không nhớ rõ là có hay không, giấy tờ lâu nên cũng bỏ rồi".
Cũng theo anh Kế: "Trường Trung học phổ thông Chu Văn An Hà Nội là khách quen nhiều năm rồi của xưởng chúng tôi, nhà trường gọi là tôi đến ngay. Mỗi lần bảo dưỡng điều hòa như vậy phải mất thời gian cả tháng trời, phải bắc giàn giáo, máy bơm, nhân lực, rất mất thời gian".
Về việc này, anh N.V.H khẳng định: "Ông Kế ở xưởng điện lạnh nói đến trường khảo sát có sự chứng kiến của ban phụ huynh, nói như vậy là không đúng. Nếu như vậy thì mời hiệu trưởng nhà trường đưa ra bản khảo sát, đồng ý báo giá, biên bản nghiệm thu xem có chữ kí của Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh và các thành viên trong ban đại diện khóa học đó hay không là rõ ngay! Nếu các biên bản không có chữ kí của Trưởng ban và hơn chục người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh, tôi khẳng định người đại diện cha mẹ học sinh tại buổi khảo sát, báo giá ở đây là giả mạo.
Người có chức năng mời xưởng điện lạnh đến bảo dưỡng điều hòa phải là chúng tôi, là Ban đại diện cha mẹ học sinh, phải có chữ kí của chúng tôi trong biên bản từ khảo sát, đến thi công, nghiệm thu thì mới có giá trị để thanh toán. Việc này ông Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh không biết, chúng tôi cũng không được chứng kiến mọi việc, không có chữ kí của Trưởng ban và hơn chục người chúng tôi trong thường trực ban đại diện thì đó là biên bản giả mạo. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần thanh tra làm rõ vấn đề này".
Để đảm bảo tính khách quan và thông tin đa chiều, do bối cảnh giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho cô Lê Mai Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội đề nghị cung cấp thông tin và cho biết quan điểm các nội dung phụ huynh, giáo viên, nhân viên phản ánh này, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào.