Các Giám đốc Sở nêu quan điểm về bỏ hay giữ 30% điểm học bạ trong xét tốt nghiệp

14/08/2021 07:39
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có một ma trận đề thi chung cho cả nước để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì giữa các địa phương có sự công bằng.

Liên quan đến quy định điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh theo công thức 70% điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông + 30% điểm trung bình học bạ lớp 12 của học sinh, các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương đã lên tiếng về vấn đề này.

Nên có “ma trận” đề kiểm tra chung cho cả nước

Ông Lê Duy Định – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cho biết, thực ra, việc cộng 30% điểm vào điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông là hợp lý.

Giám thị coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 tại điểm thi Trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Ảnh: AN

Giám thị coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 tại điểm thi Trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Ảnh: AN

Bởi vì điểm số đó thể hiện cả một quá trình học tập của học sinh và nó đánh giá trên cả hai mặt là hạnh kiểm, học lực. Nó tốt hơn so với việc chỉ đánh giá số điểm của một kỳ thi. Bởi trong kì thi đó có tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.

“Vấn đề quan trọng bây giờ là làm sao mình quản lý được tính nghiêm túc trong quá trình cho điểm của các thầy cô giáo ở bậc phổ thông cũng như trong việc tổ chức các bài kiểm tra định kỳ.

Và quản lý cho được sự đồng đều, độ khó giữa các bài kiểm tra định kỳ giữa các tỉnh, thành. Cái này, Vụ giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã từng nêu ý tưởng về ma trận đề thi chung cho cả nước trong các bài kiểm tra định kì.

Rồi sau đó, các tỉnh căn cứ vào ma trận của Bộ giáo dục để triển khai thành một đề thi riêng, cụ thể ở trường mình. Đó là một ý tưởng hay mà Bộ đã đưa ra nhưng không biết vì lý do gì mà không triển khai.

Như vậy, nó sẽ đảm bảo tính công bằng giữa các địa phương trong quá trình kiểm tra, đánh giá học sinh. Hơn nữa, việc sử dụng điểm học lực, hạnh kiểm trong suốt quá trình đào tạo là xu thế chung của giáo dục hiện đại".

Cũng theo ông Định, việc dùng kết quả của một kì thi để đánh giá về cả một quá trình học tập, rèn luyện thì là một kiểu cũ quá rồi. Vì một kì thi còn mang nhiều yếu tố rủi ro trong đó như: trúng tủ hay không trúng tủ, rồi ảnh hưởng bởi tâm lý, dịch bệnh cũng là vấn đề….

Điểm kiểm tra định kỳ, thường xuyên… phải thật

Đồng quan điểm không nên bỏ 30% điểm học bạ lớp 12 trong xét tuyển tốt nghiệp trung học phổ thông, ông Đặng Ngọc Tuấn - Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho hay, việc cơ cấu 30-70 trong điểm xét tuyển tốt nghiệp cũng là cơ sở để đối sánh việc dạy học ở địa phương.

"Trên cơ sở đối sánh điểm giữa điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm trung bình học bạ, nếu có sự chênh lệch nhiều thì rõ ràng quá trình dạy học chưa thực chất. Trên cơ sở đó, ngành giáo dục sẽ có chỉ đạo, yêu cầu các trường cần điều chỉnh lại việc dạy học để đảm bảo tính thực chất.

Vấn đề này thì tồn tại nhiều quan điểm, nhưng theo tôi thì cần có một phép để đối sánh, vừa đánh giá cả một quá trình vừa đánh giá tổng kết.

Trong đó, thi tốt nghiệp được xem là đánh giá tổng kết, còn đánh giá cả quá trình cũng rất quan trọng (điểm trung bình học bạ).

Sau đó, mình sẽ có số liệu để đối sánh. Nếu có sự chênh lệch nhiều thì quá trình dạy học rõ ràng chưa thực chất. Nếu không có số liệu đó thì không có chỗ nào để so sánh cả và không có chỉ đạo dạy học tốt được", ông Tuấn nói.

Trước những lo ngại việc để tồn tại 30% điểm trung bình học bạ trong xét tốt nghiệp sẽ dẫn đến việc "làm đẹp" học bạ, tăng điểm cho thí sinh, ông Tuấn có quan điểm rằng:

"Vấn đề ở đây là quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của quá trình dạy học có thực chất hay không? Chứ không phải vì lo sợ làm tăng điểm học bạ mà bỏ cả một quá trình đánh giá".

Còn theo ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, đánh giá học sinh là cả một quá trình, còn điểm số của một kì thi là chưa đủ.

Muốn đánh giá chính xác chất lượng học sinh thì phải là một quá trình cố gắng, nỗ lực của học sinh đó. Thông qua các kì kiểm tra, đánh giá thường xuyên tại các trường phổ thông thì tỷ lệ điểm 30% là cần thiết để đảm bảo đánh giá một cách khách quan và toàn diện nhất về học sinh đó khi cấp bằng tốt nghiệp.

“Trong quá trình dạy học thì không nên xem nhẹ các cột điểm kiểm tra thường xuyên, định kì. Các giáo viên đều được quán triệt phải cho điểm đúng, đánh giá đúng năng lực học tập của các em.

Từ đó, tạo ra một môi trường học tập trung thực, chất lượng. Nếu các thầy cô ra đề thi, kiểm tra không bám sát chương trình giảng dạy, thi cử chỉ mang tính chất học thuộc thì cũng sẽ không đánh giá đúng chất lượng giáo dục", ông Quốc nói.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, nhà trường, giáo viên cũng cần mạnh dạn thay đổi, điều chỉnh hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

AN NGUYÊN