Đối sánh điểm học bạ với điểm thi tốt nghiệp chỉ là phần nổi của tảng băng

05/08/2021 07:08
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh lớp 12 được “cấy” điểm học bạ cao ngất ngưởng, không chịu học, có khả năng bị điểm liệt khiến giáo viên chủ nhiệm ăn không ngon, ngủ không yên.

Một giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh trải lòng, thầy có 1 học sinh lớp 12 tổng kết điểm học bạ cuối năm trên 8.0 nhưng sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông kết thúc, thầy ngày đêm lo lắng sợ em thi rớt.

“Môn Ngữ văn, học sinh chỉ làm 2 câu phần Đọc hiểu và viết mở bài câu Nghị luận văn học chưa xong, rồi chờ hết 2/3 thời gian nộp bài. Em cũng không chắc có làm đúng hết hay không nên tôi đoán khả năng em có thể bị điểm liệt (dưới 1.0 điểm)”, thầy giáo kể.

Từ câu chuyện trên, bài viết bàn về góc khuất của việc đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm trung bình học bạ lớp 12 và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của kì thi tốt nghiệp cho những năm tới.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Đối sánh điểm theo tỉnh chỉ là phần nổi của tảng băng

Ngày 27/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm trung bình học bạ lớp 12. Mục đích của việc đối sánh này nhằm khống chế các trường làm “đẹp” học bạ, giúp học sinh có thêm cơ hội đỗ tốt nghiệp và thuận lợi trong việc xét tuyển đại học.

Kết quả đối sánh cho biết, Giáo dục công dân là môn duy nhất có điểm thi tốt nghiệp cao hơn điểm học bạ. Các môn còn lại, điểm thi tốt nghiệp thấp hơn điểm học bạ, nhất là các môn có kết quả thi còn thấp như Tiếng Anh, Lịch sử.

Về cơ bản, theo nhận định của Bộ Giáo dục, trung bình điểm thi tốt nghiệp và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn học có sự tương đồng và khoảng cách được thu hẹp hơn so với năm 2020. Thế nhưng, cá nhân người viết cho rằng, việc đối sánh điểm theo tỉnh chỉ là phần nổi của tảng băng.

Bởi lẽ, nếu đối sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp và trung bình điểm học bạ lớp 12 của từng trường trung học phổ thông thì chắc chắn tỉ lệ lệch sẽ khác - sẽ có nhiều trường điểm học bạ cao hơn nhiều so với điểm thi tốt nghiệp.

Theo tìm hiểu của cá nhân người viết, nhiều trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, kể cả một số trường công lập tuyển đầu vào thấp ở Thành phố Hồ Chí Minh (và các tỉnh thành khác cũng không ngoại lệ), thường cho điểm học bạ rất cao bởi tâm lí không ai muốn học sinh mình rớt tốt nghiệp, ảnh hưởng đến thành tích chung.

Ngoài ra, việc đối sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp và trung bình điểm học bạ lớp 12 cũng khó có chuyện tương đồng nếu như ma trận đề thi tốt nghiệp không tương tương với ma trận đề kiểm tra định kì, học trì ở trên lớp.

Đó là, đề thi tốt nghiệp ra dễ thì trung bình điểm thi sẽ cao hơn trung bình điểm học bạ và ngược lại. Phổ điểm môn Tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục công dân của kì thi năm nay chứng minh điều đó.

Vậy nên, nếu không cộng 30% điểm trung bình học bạ lớp 12 vào xét tốt nghiệp thì không có chuyện tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm rất cao. Cụ thể, tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 năm 2020: 98,34%; năm 2019: 94,06%; năm 2018: 97,57%.

Làm sao để đưa kì thi tốt nghiệp về thực chất?

Người viết cho rằng, để đưa kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông về thực chất, Bộ Giáo dục có thể tham khảo những đề xuất sau đây.

Thứ nhất, bỏ cộng 30% trung bình điểm học bạ lớp 12, bởi đây là chiếc “phao cứu sinh” cho thí sinh hơn là đánh giá năng lực. Một số tỉnh đã công bố tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay rất cao như Trà Vinh: 99,07%; Sơn La: 98,34%; Đồng Nai: 99,37%; Long An: 99,51%... cũng nhờ cộng điểm học bạ mà có.

Còn nhớ, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của cả nước trước năm 2014 nếu không dựa vào học bạ chỉ khoảng dưới 60%. Vậy nên, cần nhanh chóng bỏ kết quả học bạ để tính điểm thi tốt nghiệp nhằm đánh giá đúng thực chất lực học của các thí sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà.

Thứ hai, bỏ luôn điểm khuyến khích của giấy chứng nhận nghề trong cơ cấu điểm xét tốt nghiệp. Hiện nay học sinh cũng không mấy hào hứng học nghề trong nhà trường. Nhiều trường ép học sinh học nghề theo lớp để dễ quản lí, vậy nên có chuyện nữ sinh phải học nghề điện (đa số các em không thích), nhiều em không có năng khiếu nghệ thuật thì lại học nghề chụp ảnh.

Có thể nhận thấy, học sinh học nghề để được cộng điểm xét tốt nghiệp là chủ yếu, ít em mong muốn học cho biết nghề, giỏi nghề, dẫn đến lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của thầy và trò.

Thứ ba, với môn thi tự luận Ngữ văn, cần bỏ hẳn phần Đọc hiểu, phần này có những câu cho không điểm, không phù hợp với học sinh thi để lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, thậm chí hạ thấp vị thế của người đã 18 tuổi.

Có thể đọc thêm các bài viết liên quan trên Giáo dục Việt Nam như: “Tôi thấy đề thi Ngữ văn có những câu hỏi vô duyên, không phù hợp với lứa tuổi 18” ngày 9/7/2021; “Giáo viên mổ xẻ sự vô lí trong đáp án môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục” ngày 24/7/2021.

Thứ tư, một giáo viên Vật lí ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm, cần thay đổi cấu trúc môn thi thành phần của bài thi tổ hợp nhằm phân biệt rạch ròi giữa phạm vi kiến thức xét tốt nghiệp và phạm vi kiến thức xét tuyển đại học.

“Ví dụ, đề thi môn Vật lí có 40 câu, chia làm 2 phần. Phần 1 gồm 20 câu, mỗi câu 0,5 điểm dành cho việc xét tốt nghiệp. Phần 2 gồm 20 câu, mỗi câu 0,25 điểm để xét tuyển đại học. Nếu học sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp thì không phải làm phần 2”, thầy giáo đề xuất.

Thứ năm, Bộ Giáo dục nên quy định lại điểm liệt sao cho phù hợp với quy chế đánh giá học sinh phổ thông theo quy định hiện hành. Hiện tại, môn học nào học sinh bị xếp loại trung bình từ 2.0 điểm trở xuống thì ở lại lớp.

Theo cá nhân người viết, nên quy định điểm liệt của kì thi tốt nghiệp là 2.0 điểm thay vì 1,0 điểm như hiện nay. Trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại, học sinh không khó để đánh “lụi” sao cho đạt trên 1,0 điểm để khỏi “liệt”.

Dẫu biết rằng, đề xuất này sẽ làm giảm tỉ lệ đỗ tốt nghiệp, thậm chí giảm hơn nhiều so với những năm qua. Tuy vậy, điểm thi của học sinh sẽ thực chất, kéo theo đó việc dạy và học sẽ nghiêm túc hơn để học sinh có thêm động lực học tập.

Học sinh không đáp ứng điều kiện, rớt tốt nghiệp sẽ được hiệu trưởng cấp chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông, có thể đi học nghề hoặc thi lại vào những năm khác. Hi vọng đây sẽ là luồng gió mới góp phần “dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật” như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng kì vọng.

Tài liệu tham khảo:

[1] //baotravinh.vn/giao-duc/ty-le-dau-tot-nghiep-thpt-nam-2021-la-99-07-10304.html?

[2] //www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ty-le-do-tot-nghiep-thpt-nam-2021-dat-9834-41530

[3] //baodongnai.com.vn/tintuc/202107/ty-le-dau-tot-nghiep-thpt-nam-2021-la-9937-3069372/

[4] //baolongan.vn/long-an-ket-qua-so-bo-ty-le-tot-nghiep-dat-99-51--a118412.html

[5] //vtv.vn/giao-duc/nen-hay-khong-bo-diem-hoc-ba-khi-xet-tot-nghiep-thpt-20200906132043169.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương