Do dịch Covid-19, không riêng gì nước ta, mà rất nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang hình thức dạy trực tuyến, hoặc vừa trực tuyến và trực tiếp.
Với học sinh tiểu học, trung học cơ sở, chất lượng học trực tuyến thấp hơn hẳn với học trực tiếp; vì với học sinh tiểu học và trung học cơ sở, kĩ năng, ý thức tự học chưa được hoàn thiện, cần phải được giao tiếp, tham gia các hoạt động giáo dục để định hướng, hoàn thiện.
Với học sinh trung học phổ thông, nếu học sinh có ý thức, có kĩ năng tự học, học trực tuyến ảnh hưởng ít hơn chất lượng. Tuy nhiên, với học sinh ý thức học tập chưa tốt, kĩ năng tự học chưa tốt, chất lượng giáo dục giảm hẳn so với trực tiếp.
Không bê nguyên bài giảng trực tiếp sang dạy trực tuyến
Hiện nay, chúng ta chưa có “Khung kế hoạch”, “Khung chương trình” cho dạy học trực tuyến, nên toàn bộ kế hoạch giáo dục đều thực hiện theo dạy trực tiếp; nên thời khóa biểu dạy và học thực hiện như… dạy trực tiếp.
Phần lớn giáo viên khi dạy trực tuyến sử dụng bài giảng điện tử dạy trực tiếp cho dạy trực tuyến. Như vậy, vô hình trung, dạy trực tuyến và trực tiếp cùng một phương pháp như nhau.
Ảnh minh họa: Hanoimoi.com.vn |
Phó giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đã chia sẻ: “Giáo viên cũng cần lưu ý không bê nguyên các yêu cầu, nội dung của bài dạy trực tiếp sang bài dạy trực tuyến.
Khi dạy trực tuyến, cần khai thác các công cụ, phần mềm và kinh nghiệm học tập của học sinh. Các em giỏi công nghệ, dễ sử dụng công nghệ vào việc học hơn chúng ta tưởng.
Giáo viên nên giao các bài tập, các hoạt động được “công nghệ hóa”, trước và sau bài học để các em học theo công việc, làm ra sản phẩm, và lưu ý rằng, tránh tình trạng “thuyết trình”, “yêu cầu suy nghĩ” trong một thời gian dài, khiến tiết học trở nên mệt mỏi, tẻ nhạt, không nên tổ chức các hoạt động đòi hỏi chú tâm, tư duy quá 10 phút khi dạy trực tuyến.
Tức là, trong một tiết dạy, giáo viên nên tổ chức tối thiểu 3- 4 hoạt động để học sinh tương tác. Giáo viên cũng cần khai thác việc tự học của học sinh, để giao các nhiệm vụ trước và sau giờ học hiệu quả, tránh chỉ tập trung cho giờ học trên lớp.
Giáo viên có thể tổ chức học theo nhóm, các nhiệm vụ dạy học để học sinh ứng dụng công nghệ, làm bài tập liên môn,… như thế các em sẽ hứng thú, tiết kiệm được thời gian học tập, tăng khả năng ứng dụng thực tiễn”.[1]
Việc sử dụng bài giảng điện tử trình chiếu dạy trực tiếp đã tạo ra “chợ giáo trình” trên mạng; ngoài ra, sử dụng bài giảng điện tử trình chiếu dạy trực tiếp cho dạy trực tuyến chưa đạt yêu cầu về phương pháp, kĩ thuật, nội dung dạy trực tuyến; lỗi này không thuộc thầy cô, tất cả vẫn chỉ “vừa làm vừa tự học”, chưa có bất cứ chương trình nào của ngành giáo dục bồi dưỡng cho phương thức dạy trực tuyến.
Đừng lấy điểm số để đánh giá học trực tuyến
Xã hội đang băn khoăn về phương pháp, nội dung khi dạy trực tuyến; còn đó lo lắng, dạy trực tuyến sẽ kiểm tra đánh giá như thế nào?
Thạc sĩ Đinh Thu Hồng, giáo viên tiểu học học khu Gwinnett, bang Georgia, Mỹ, chia sẻ: “Giáo viên, phụ huynh cần xác định mục tiêu thích hợp với trẻ. Trong bối cảnh hiện nay, thay vì điểm số, thành tích, chỉ số vượt khó nên là một điểm sáng để đánh giá học sinh.
Nhiều người bày tỏ lo ngại dịch bệnh dẫn tới việc trường đóng cửa, việc học tập của con ngắt quãng, chậm trễ, thậm chí thụt lùi. Đúng, các con có thể bị thụt lùi nếu nói về thành tích, điểm số học tập tại lớp.
Thế nhưng, những bạn nhỏ đang trải qua kỳ dịch bệnh không hề thụt lùi mà biết đâu lại có khả năng phát triển, tiến bộ.
Nếu được thầy cô, bố mẹ dành thời gian quan tâm, dẫn dắt, các con có thể biết đồng cảm, có sự gắn kết với gia đình, sáng tạo, biết tự tìm cách giải trí, đọc sách.
Thời gian giãn cách không được đến trường, trẻ có thể học nấu nướng, giặt giũ, sắp xếp, thu vén việc nhà cùng những kỹ năng sinh tồn cơ bản.
Các con biết quý trọng đồng tiền và tiết kiệm, ít đòi hỏi hơn. Bố mẹ có thể dạy con biết trân quý những nỗ lực của thầy cô giáo, y bác sĩ, tình nguyện viên, người dọn rác, người bán hàng cùng nhiều người khác đang chăm lo cho chúng ta trong thời điểm này.
Thời gian khốn khó, ngặt nghèo có thể cho trẻ cơ hội để trải nghiệm, học hỏi, chia sẻ, đồng cảm nhiều hơn.
Biết đâu bối cảnh hiện nay đang ươm mầm những nhà lãnh đạo mới, những người có lợi thế vì biết rằng những gì là quan trọng nhất trong cuộc sống sau khi đã có một quãng thời gian sống chậm rãi và đơn giản hơn”.[2]
Việc dạy trực tuyến không phải mới bắt đầu năm học này, thế nhưng những tồn tại về phương pháp, nội dung, khung chương trình, …ngành giáo dục vẫn hoàn toàn bị động.
Phụ huynh lo lắng về dạy và học trực tuyến
Phần lớn các cơ sở giáo dục đang phân thời khóa biểu học trực tuyến như trực tiếp; mỗi buổi học có thể kéo dài 5 tiết, một ngày học lên 8 tiết; phụ huynh đang vô cùng lo lắng cho sức khỏe các con, khi 1 ngày “dán mắt vào màn hình” 8 tiếng.
Ở góc độ là nhà khoa học giáo dục, Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rồi, thời gian tiếp xúc với máy tính nhiều quá sẽ khiến con người trở nên phụ thuộc và lạm dụng vào màn hình.
Ngoài ra, theo các nghiên cứu về nghiện game online, người ta lấy tiêu chuẩn để chẩn đoán về nghiện và phụ thuộc là 6 tiếng tiếp xúc với màn hình máy tính trở lên và nhu cầu ngày càng tăng, cứ ngắt khỏi màn hình là cáu gắt.
Bây giờ việc dạy học online nhiều như vậy, bên cạnh đó, bố mẹ không thể kiểm soát được thời gian còn lại trong ngày mà con tiếp cận với màn hình trong cuộc sống… dẫn đến tổng thời gian sử dụng màn hình của đứa trẻ trở nên quá tải.[3]
Dạy học trực tuyến còn đó bộn bề lo lắng, từ thời khóa biểu, phương pháp, khung chương trình, khung kế hoạch năm học…
Nên chăng, Bộ cần gấp rút tổ chức bồi dưỡng “Phương pháp, kĩ thuật dạy học trực tuyến” cho giáo viên trên cả nước.
Bên cạnh đó, cần xây dựng “Khung chương trình”; “Khung kế hoạch” năm học; “Ngân hàng đề kiểm tra”… dành cho hình thức hình thức dạy học trực tuyến.
Dạy học trực tuyến và trực tiếp không giống nhau hoàn toàn, cần có nghiên cứu, xem xét nghiêm túc phương pháp, kĩ thuật dạy học để đảm bảo chất lượng; là nhu cầu cấp thiết của thực tiễn; giáo viên chúng tôi mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có văn bản hướng dẫn để dạy trực tuyến khắc phục được những tồn tại hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/qua-hon-1-nam-nhung-han-che-cua-hoc-truc-tuyen-van-cham-khac-phuc-889383.vov
[2]https://vtc.vn/hoc-sinh-lop-1-o-my-hoc-online-nhu-the-nao-ar635226.html
[3] https://tuoitrethudo.com.vn/phu-huynh-lo-lang-ve-tinh-trang-con-minh-phai-hoc-hon-8-tiet-moi-ngay-176647.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.