Phụ huynh nhặt “sạn” Tiếng Việt lớp 2 Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

20/09/2021 06:26
Lê An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong tiếng Việt lớp 2 (Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) có nhiều vấn đề "sạn" cơ bản được phụ huynh chỉ ra.

Con tôi năm nay học lớp 2 ở một trường tư thục tại Hà Nội. Năm ngoái, khi con học lớp 1, chúng tôi cũng đã khá đau đầu với câu chuyện chương trình, nội dung dạy với tốc độ "nhanh" khó hiểu.

Vợ chồng chúng tôi hay nói vui, con mình là thế hệ “chuột bạch”, là lứa học sinh tiên phong áp dụng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa.

Bên cạnh việc học sách mới với chương trình mới, các con cũng đầy thiệt thòi khi 2 năm bắt đầu học kiến thức thì lại bị Covid-19 ảnh hưởng. Thế hệ “tiên phong” được thụ hưởng cái mới nhưng đi kèm với nhiều cái được như những gì Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban làm chương trình giáo dục phổ thông mới thông tin thì cũng không ít vấn đề khiến phụ huynh chúng tôi đau đầu. Và một trong những vấn đề đó là sách giáo khoa.

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 - tập 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: L.A

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 - tập 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: L.A

Năm học này, trường con tôi chọn học sách Tiếng Việt lớp 2 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (Chủ biên Bùi Mạnh Hùng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam). Bắt đầu năm học, con tôi và học sinh ở Hà Nội đã học gần 1 tháng trực tuyến khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nên gần như buổi học nào của con tôi cũng có cơ hội theo dõi. Vì thế, tôi cũng chịu khó xem đầy đủ, toàn diện cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt này hơn.

Tôi hơi giật mình khi thấy cuốn sách Tiếng Việt lớp 2 (tập 1) đang vấp phải một số lỗi cơ bản. Trong bài này, cá nhân tôi xin đưa ra và phân tích sâu để những người có chuyên môn, các thầy cô giáo và bậc phụ huynh cùng xem xét và thảo luận.

Bối rối khi giải thích về cách gieo vần trong bài thơ lục bát

Xem kĩ cuốn sách Tiếng Việt tập 1 của con, tôi đọc được một bài thơ lục bát “Mẹ” của tác giả Trần Quốc Minh (trang 116 và 117). Chúng ta hãy cùng đọc kĩ bài thơ và xem các vần ở vị trí chữ thứ 6 và thứ 8 được gạch chân ở các dòng xem chúng đã khớp nhau theo đúng luật chưa:

Mẹ

Lặng rồi cả tiếng con ve

Con ve cũng mệt vì hè nắng oi

Nhà em vẫn tiếng ạ ời

Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru

Lời ru có gió mùa thu

Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về

Những ngôi sao thức ngoài kia

Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con

Đêm nay con ngủ giấc tròn

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.

(Trần Quốc Minh)

Theo luật thơ lục bát, vần ở chữ thứ 6 của câu lục trước sẽ phải trùng với vần ở chữ thứ 6 của câu bát phía sau, vần ở chữ thứ 8 của câu bát sẽ phải trùng với vần ở chữ thứ 6 của câu lục kế tiếp. Chỉ có thể khác dấu chứ không được khác vần.

Ta sẽ có các cặp chữ được gieo vần trong bài thơ trên như sau: Ve – hè, oi - ời, ời – ngồi, ru – thu, thu – đưa, về - kia, kia – vì, con – tròn, tròn – con. Sau liệt kê, ta hoàn toàn có thể thấy được có tận 5 cặp đã bị gieo vần sai luật. Đó là: oi - ời, ời – ngồi, thu – đưa, về - kia, kia – vì.

Bài thơ khiến phụ huynh băn khoăn có đúng quy luật thể thơ lục bát. Ảnh: L.A

Bài thơ khiến phụ huynh băn khoăn có đúng quy luật thể thơ lục bát. Ảnh: L.A

Có thể trong yêu cầu bài học này không bắt giáo viên nói về thể thơ, nhưng khi đưa một bài thơ làm ngữ liệu trong sách giáo khoa thì ít nhiều giáo viên cũng phải chỉ ra được đặc điểm của thể thơ trong bài dạy. Nhưng tôi tin, giáo viên cũng giống phụ huynh sẽ bối rối khi giải thích về cách gieo vần của thể thơ lục bát của bài này.

Các con mới chập chững tiếp xúc với thể giới văn thơ thì sách giáo khoa lại đưa vào một bài lục bát không theo quy tắc gieo vần có hợp lý?

Ra đề bài lủng củng, thiếu chú thích, không viết hoa tên riêng

Một trong những vấn đề rất “hại não” khi tôi đọc các câu hỏi trong các cuốn sách giáo khoa không chỉ ở môn Toán mà cả Tiếng Việt. Không biết, tôi “kém” hay các tác giả viết sách giáo khoa biết cách làm cho các vấn đề đơn giản trở nên phức tạp.

Quả thực, nhiều phần câu hỏi trong một số cuốn sách giáo khoa, tôi thực sự không hiểu người viết muốn hỏi gì? Và con tôi cũng nhiều lần đọc xong và nói: "Con không biết hỏi gì".

Đơn cử như ở trang 67, bài số 3 trong phần trả lời câu hỏi liên quan đến bài thơ, sách có nêu ra yêu cầu như sau: “Theo em, khổ thơ cuối ý nói gì?”. Nếu nghe thoáng qua, chúng ta đều cho rằng đó là câu nói quen thuộc, không có gì sai.

Nhưng thực ra, câu nói này chỉ dùng trong văn nói, còn theo văn viết thì là hoàn toàn bị sai ngữ pháp tiếng Việt. Đây là một câu bị viết sai ngữ pháp, diễn đạt tối ý. Nếu viết đúng, chưa cần viết hay thì sẽ phải là: “Theo em, ý của khổ thơ này nói gì?”. Nhưng vì là đề bài trên sách giáo khoa cần tính chuẩn mực và viết học sinh lớp 2, tác giả nên viết là: “Theo em, ý nghĩa của khổ thơ này là gì?” để thầy cô và học trò dễ hiểu hơn.

Hay ví dụ khác như tại trang 84, bài số 3, mục a, đề bài cho đoạn văn sau và yêu cầu học sinh chọn tiếng iêu hay ươu thích hợp điền vào ô trống: “Sóc hái rất… hoa để tặng bạn bè. Nó tặng… cao cổ một bó hoa thiên điểu rực rỡ. Còn chim… và chim liếu điếu được sóc tặng một bó hoa bồ công anh nhẹ như bông”.

Đọc đến bài này, tôi trôm nghĩ “hoa thiên điểu”, “hoa bồ công anh” tôi còn nhìn thấy trên ti vi, máy tính và ít nhiều được nghe đến rồi. Còn “chim liếu điếu” thú thực nhờ đọc cuốn sách mà tôi mới biết có loài chim tên được gọi như thế.

Tuy nhiên, các tác giả viết sách lại không hề có một dòng chú thích nào về loài chim này. Phải chăng các tác giả mặc nhiên nghĩ trẻ biết hết về loài chim này rồi chăng?

Các sự vật được nhân cách hóa nhưng không hề được biết hoa. Ảnh: L.A

Các sự vật được nhân cách hóa nhưng không hề được biết hoa. Ảnh: L.A

Tại trang 33, mục 1 là chuyện tranh “Chú đỗ con” của tác giả Nhật Linh. Trong bài, có nhiều sự vật được “nhân cách hóa”, có khả năng nói chuyện, hành động và có cảm xúc như con người.

Theo chính tả thì những sự vật, hiện tượng… khi được “nhân cách hóa” như vậy sẽ đều được coi như con người và tên riêng đều được viết hoa. Vì thế, các nhân vật được nhắc đến trong bài như chú Đỗ con, cô Mưa Xuân, chị Gió Xuân, bác Mặt Trời đều phải viết hoa.

Và tên các hành tinh là tên riêng, danh từ riêng nên phải viết hoa ngay cả khi không được “nhân cách hóa”. Ví dụ như sao Thổ, sao Hỏa, Mặt Trăng…

Tuy nhiên, cuốn sách không hề viết hoa các tên nhân vật, điều này có phù hợp với quy tắc chính tả?

Trẻ con như một tờ giấy trắng, chúng ta cho các con xem và học cái gì thì chúng sẽ làm theo và tạo thành thói quen. Lớp 2 là thời điểm các em học sinh bắt đầu học về ngữ pháp, chính tả nên câu chữ, văn phong chính tả, ngữ liệu chọn đưa vào sách giáo khoa cần phải đạt được chuẩn mực.

Qua đây, tôi cũng đề nghị Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Namnghiêm túc xem xét lại sách giáo khoa của mình xem còn lỗi gì không và sớm đính chính, chỉnh sửa. Để các lỗi nếu có không bị lặp lại cho học sinh các năm tiếp theo.

* Bài viết thể hiện quan điểm, văn phong của tác giả.

Lê An