Thống kê sinh viên tìm được việc làm sau tốt nghiệp có phải số liệu thật?

22/09/2021 07:36
Phạm Minh (Thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học phải căn cứ vào số liệu sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp hằng năm.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2018, các trường đại học phải công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trước khi công bố chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh.

Đây là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, là cơ sở quan trọng để thí sinh đưa ra lựa chọn ngành học và trường học.

Vấn đề đặt ra là, tỷ lệ cử nhân có việc làm đúng ngành học được các trường công bố có thực sự là thống kê chuẩn xác hay còn mang tính hình thức?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, nếu các trường thực sự muốn xây dựng uy tín, vì lợi ích của người học thì phải công bố chính xác số liệu này và sẵn sàng giải trình với bất kỳ thắc mắc nào.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

PV: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường công bố tỷ lệ cử nhân tìm được việc làm 1 năm sau khi tốt nghiệp từ năm 2018, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét về số liệu đã chính xác chưa? Ông nghĩ sao về điều này?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Xã hội hoàn toàn có cơ sở để đặt ra những nghi vấn liên quan đến công bố của các trường đại học về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Trong báo cáo của đa số các trường đại học, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường rất cao. Tuy nhiên, hằng năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều công bố hàng ngàn cử nhân trình độ đại học thất nghiệp, một số chỉ làm những công việc giản đơn không liên quan tới ngành nghề được đào tạo như phục vụ nhà hàng, chạy xe công nghệ chở khách, chở hàng...

Rõ ràng, khi đặt số liệu của các trường công bố so với số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống kê thì có sự chênh lệch. Điều này đặt ra hoài nghi về công bố của các trường đại học cũng là điều dễ hiểu.

PV: Thưa ông, việc công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp có ý nghĩa như thế nào đối với người học, với bản thân nhà trường và các cơ quan quản lý?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Nếu nhà trường thực sự mong muốn xây dựng uy tín, vì lợi ích của người học thì con số đó phải được công bố chính xác và sẵn sàng giải trình trước bất kỳ ý kiến nào.

Qua khảo sát thực tế, nếu tỷ lệ sinh viên có việc làm thấp thì nhà trường phải chủ động giảm quy mô tuyển sinh, để tập trung đào tạo tốt hơn, đồng thời tính toán đến các hướng mới phù hợp với thị trường lao động.

Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra một vấn đề mâu thuẫn, nếu giảm quy mô tuyển sinh thì nguồn thu của nhà trường sẽ giảm, đây cũng chính là bài toán khó của các cơ sở giáo dục hiện nay.

Bên cạnh đó, việc để có số liệu khảo sát chính xác thì còn phụ thuộc vào “văn hóa chất lượng”. Nhà trường có chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí tương xứng để thu thập số liệu chính xác không? Và những sinh viên đã ra trường cũng phải có trách nhiệm với nhà trường, với xã hội để chủ động cung cấp những thông tin cần thiết này.

Hiện tại, nhiều trường vẫn đang rất khó khăn để thực hiện được việc này.

Nếu các trường làm tốt việc khảo sát và đưa ra được số liệu chuẩn xác, dù đây không phải là những con số đẹp như mong muốn, nhưng khi nhìn thẳng vào thực tế, trường sẽ có những điều chỉnh phù hợp về chỉ tiêu tuyển sinh cũng như kế hoạch đào tạo.

Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem lại vấn đề duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đã thực đảm bảo tính xác thực chưa? Chỉ tiêu tuyển sinh không chỉ căn cứ vào số lượng giảng viên, diện tích sàn xây dựng,... mà còn phải căn cứ vào số liệu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm qua từng năm, và yêu cầu con số này phải thật chính xác.

Số liệu đó là căn cứ quan trọng để các trường tự điều chỉnh quy mô tuyển sinh cho mình. Nếu như số liệu bị đẩy lên cho đẹp thì có nghĩa là quy mô tuyển sinh bị đẩy lên theo, điều này gây ra bất lợi cho chính người học và thị trường lao động.

Đối với người học, việc công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là cơ sở để các em định hướng ngành nghề và chọn trường cho mình. Người học cần biết về cơ hội việc làm sau khi được đào tạo, tránh để xảy ra tình trạng sinh viên hụt hẫng sau khi ra trường do không tìm được việc. Với người học thì con số này là tiêu chí đánh giá, là thước đo về chất lượng, uy tín đào tạo của trường.

Có số liệu chính xác, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và của ngành giáo dục là phải giúp cho hoạt động đào tạo của các trường phát huy hiệu quả nhất. Hiệu quả được thể hiện ở chỗ là sinh viên ra trường có việc làm và đặc biệt là làm đúng ngành nghề đã học.

Cần cân nhắc tính toán kỹ lưỡng để chọn ngành học phù hợp. Ảnh minh họa: VNU

Cần cân nhắc tính toán kỹ lưỡng để chọn ngành học phù hợp. Ảnh minh họa: VNU

PV: Ông vừa đề cập đến một mâu thuẫn, là khi có con số chuẩn xác về tỷ lệ sinh viên có việc làm mà thấp thì trường phải giảm quy mô tuyển sinh, dẫn tới giảm nguồn thu. Vậy phải làm sao để các trường thực hiện công khai, minh bạch và chính xác số liệu này?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Các trường phải xây dựng và hình thành được “văn hóa về chất lượng”, bên cạnh đó phải có cơ chế giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý đến xã hội về những con số mà các trường đại học công bố.

Các trường đại học có quyền tự chủ đi cùng với trách nhiệm giải trình. Đây là công việc thuộc về trách nhiệm mà họ phải làm.

Điều cần phải nhìn nhận lại ở đây là chúng ta đang thiếu một cơ chế giám sát chặt chẽ, kiểm định, thanh tra bài bản, chất lượng.

Rất nhiều trường công bố có trên 80% đến gần 100% sinh viên ra trường tìm được việc làm trong vòng 1 năm, vậy tại sao con số cử nhân thất nghiệp vẫn không ngừng tăng lên? Tôi cho rằng cần phải xem lại, phải chăng thất nghiệp không phải hoàn toàn do đào tạo kém mà còn vì đang đào tạo thừa nhân lực?

Những trường đặc thù như đào tạo công an, quân đội, việc tuyển sinh, đào tạo thực hiện theo đặt hàng của nhà nước. Sinh viên tốt nghiệp được phân công nhiệm vụ về các đơn vị theo kế hoạch.

Còn lại các trường đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, đáp ứng cho tất cả các thành phần kinh tế. Vậy ai là người đặt hàng, giao chỉ tiêu? Bộ Giáo dục mà không nắm được nhu cầu lao động của xã hội thì chỉ tiêu tuyển sinh không thể chuẩn xác. Việc duyệt chỉ tiêu cho các trường cũng không thể sâu sát được.

Khi xem xét chỉ tiêu tuyển sinh cần phải thực hiện tốt khâu kiểm định chương trình và kiểm tra tính chính xác số liệu về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm.

Về kiểm định chương trình, chúng ta chưa có chuẩn chương trình để thực hiện kiểm định. Chuẩn chương trình chính là thước đo, chúng ta chưa có thước đo thì không thể đo lường, đánh giá được.

Việc kiểm định chương trình vẫn mang nặng tính hình thức. Một đoàn kiểm định cùng làm việc với các trường khác nhau, các ngành khác nhau thì không thể chuẩn. Ví dụ, khi kiểm định chương trình đào tạo ngành kinh tế thì phải có người trong đoàn là chuyên gia đầu ngành về kinh tế. Nhưng khi kiểm định chương trình cho ngành báo chí, đoàn phải có chuyên gia trong lĩnh vực báo chí.

Thứ hai là phải kiểm tra chỉ tiêu tuyển sinh có sát với nhu cầu lao động của xã hội hay không. Muốn biết việc tuyển sinh, đào tạo đáp ứng đủ hay thừa so với nhu cầu lao động xã hội thì cần có báo cáo tình trạng, số liệu cụ thể về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Cả hai việc này chúng ta chưa làm tốt thì việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ không đạt chuẩn.

Chúng ta phải thực hiện giám sát, kiểm tra thật chặt chẽ về những công bố, số liệu mà các trường cung cấp. Còn nếu số liệu đưa ra không đủ độ tin cậy, không có cơ sở, không giám sát kiểm tra được thì những con số đó hoàn toàn vô nghĩa.

Làm tốt công tác giám sát, kiểm tra, nếu trường nào để xảy ra tình trạng báo cáo sai với kết quả thực tế thì Bộ Giáo dục cần đưa ra chế tài xử phạt hợp lý.

Bởi lẽ, nếu các trường báo cáo sai lệch thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Những con số “đẹp” nhưng không thực chất sẽ khiến các cơ sở giáo dục không còn động lực để nâng cao chất lượng đào tạo của mình.

Hoạt động đào tạo cũng không cân bằng được giữa cung và cầu, làm ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, thị trường lao động trong tương lai.

Không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sẽ dẫn tới đào tạo tràn lan, một số ngành thừa nhân lực và câu chuyện cử nhân thất nghiệp sẽ còn tiếp diễn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường của một số trường đại học công khai trên Website. Liệu rằng số liệu này đã thực sự chính xác?

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Từ 71,1% - 93,8% (năm 2020 - 2021).

Trường Đại học Ngoại thương: Từ 88% - 100% (năm 2018 - 2019).

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: 90,3% (năm 2019 - 2020).

Trường Đại học Công Đoàn: Từ 82,4% – 88,4% (năm 2019 - 2020).

Trường Đại học Nội Vụ: Từ 90,5% – 91,5 (năm 2019 - 2020).

Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam: 81,5% (năm 2020).

Trường Đại học Mở Hà Nội: Từ 89% - 100% (năm 2020 - 2021)

Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh: từ 91,92% - 96,47% (năm 2020 - 2021)

Trường Đại học Cần Thơ: Từ 94,9% -97,2% (năm 2020 - 2021)

Phạm Minh (Thực hiện)