Giáo viên co mình lại vì áp lực và quy định, bạo lực học đường gia tăng

05/04/2021 07:15
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đừng bắt thầy cô giáo phải tự co mình lại, đừng để giáo viên phải đơn độc trong việc giáo dục học trò ở mỗi giờ lên lớp!

Sự việc nam sinh lớp 8 trường Trung học cơ sở Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) bị bạn cùng trường dùng dao đâm tử vong trong giờ ra chơi sáng ngày 1/4/2021 khiến dư luận bàng hoàng, đau xót và đây không phải là trường hợp duy nhất trong năm học này.

Chỉ riêng trong vòng khoảng 1 tháng nay đã có hàng chục vụ học sinh đánh nhau xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước và mức độ nghiêm trọng, nhẫn tâm thì ai cũng có thể nhìn thấy khi xem những clip video trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.

Học sinh bây giờ có ngoan hiền hay không? Vì sao tình trạng bạo lực học đường hiện nay lại đang diễn ra trên diện rộng và giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?

Một học sinh lớp 11 ở Thanh Hóa bị bạn học đánh vỡ sọ não (Ảnh minh họa trên giaoduc.net)

Một học sinh lớp 11 ở Thanh Hóa bị bạn học đánh vỡ sọ não (Ảnh minh họa trên giaoduc.net)

Học sinh bây giờ có ngoan hiền không?

Nếu đánh giá học trò chỉ nhìn vào cách các em chơi với nhau hay cư xử ở nhà thì rất khó chính xác bởi gần như rất ít học sinh có những hành động không phù hợp hợp. Phần lớn các em tỏ ra ngoan hiền, lễ phép với người lớn và biết nhường nhịn, sẻ chia với các em nhỏ xung quanh mình.

Vì vậy, mỗi khi có sự việc học sinh xích mích, đánh nhau ở bên ngoài thì chúng ta vẫn hay nghe câu nói của một số bậc phụ huynh: “con tôi ở nhà ngoan lắm” nhưng thực tế chưa hẳn tất cả đã là như vậy.

Có nhiều em rất dễ thương kể cả ở nhà hay ở trường nhưng cũng có nhiều em khi bước ra khỏi nhà là ngôn phong, cử chỉ, hành động hoàn toàn trái ngược với khi ở nhà.

Một số học sinh lớp 6, lớp 7 bây giờ đã tụ tập với nhau ở quán xá gần cổng trưởng để ăn uống, miệng phì phèo thuốc lá, thậm chí một số em còn hút shisha với nhau. Tình trạng học sinh đi học mà không vào lớp học đã không còn là chuyện hiếm ở nhiều cấp học.

Một số học sinh kết bè, kết phái với nhau nên chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ trong lớp học, trong lúc trò chuyện trên mạng xã hội với bạn bè trong lớp, trong trường là kéo theo nhiều bạn bè khác đến “nói chuyện”.

Một số em tuy còn nhỏ nhưng mỗi khi “nói chuyện” với những bạn bè cùng trang lứa, thậm chí là lớp đàn anh, đàn chị khóa trên cũng dùng lời lẽ chợ búa và sẵn sàng lao vào ẩu đả nhằm chứng tỏ “số má” với bạn bè.

Một số em đến trường không chịu học hành, có những hành động không phù hợp với thầy cô giáo, thách thức thầy cô khi bị nhắc nhở. Những trường hợp như thế nào không chỉ dừng lại ở học sinh nam mà học sinh nữ bây giờ cũng không hề hiếm.

Nhiều em còn tỏ thái độ vênh váo, hỗn láo với thầy cô, xưng hô với thầy cô bằng những lời lẽ xấc xược rất khó nghe. Thế nhưng, những thầy cô đứng lớp bây giờ cũng đành phải lờ đi để giảng dạy bởi với quy định hiện nay của ngành thì giáo viên đành...bất lực.

Một số thầy cô giáo vì muốn tốt cho tương lai của học trò, có những lời lẽ cứng rắn, dùng cây thước dẻo đánh nhẹ vào tay, véo tai học sinh thôi là ngày hôm sau đã có phụ huynh vào trường báo với Ban giám hiệu.

Có phụ huynh còn làm đơn lên Phòng, lên Sở thưa gửi nên những thầy cô giáo rơi vào hoàn cảnh này phải giải trình với cấp trên, thậm chí phải xin lỗi phụ huynh, xin lỗi học trò…

Nhiều thầy cô thấy đồng nghiệp của mình như vậy cũng đã nản dần bởi thực tế giáo viên bây giờ chỉ được phép dạy để đạt chỉ tiêu của nhà trường đề ra, chỉ được phép nói lời hay, ý đẹp trước học trò và động viên, khích lệ học trò mà thôi.

Vì sao tình trạng bạo lực học đường hiện nay lại đang rất phức tạp

Thực ra, những clip bạo lực học đường được đăng tải trên mạng xã hội chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm mà thôi. Bởi, bây giờ học sinh thường có những nhóm zalo, facebook “nội bộ” với nhau.

Những buồn vui, những clip, những hình ảnh quay được, chụp được thì các em đưa lên nhóm. Việc công bố công khai chỉ là cá biệt bởi thực tế bạo lực học đường còn khủng khiếp hơn nhiều mà dư luận đang thấy.

Nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường thì nhiều lắm, báo chí đã nói khá nhiều. Nhưng, có lẽ nguyên nhân cơ bản nhất hiện nay là một số phụ huynh cưng chiều con em mình quá mức, nghe con chỉ một chiều…

Những cái sai của con em mình không được uốn nắn từ nhỏ, lớn lên lại tiếp xúc với nhiều clip bạo lực trên internet, kết bạn với những học sinh ham chơi hơn ham học…

Đến trường thì các em biết thầy cô không được la rầy, quát nạt, không có kỷ luật mang tính răn đe. Nhà trường bây giờ đang hướng tới “thân thiện”, “tích cực”, “trường học hạnh phúc”…

Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực từ tháng 11/2020, quy định giáo viên không được kỷ luật học sinh vi phạm bằng việc phê bình trước trường, trước lớp.

Học sinh không còn bị đuổi học như trước đây.

Giáo viên thì năm nào cũng phải ký cam kết không được vi phạm đạo đức nhà giáo.

Trong khi, học sinh vi phạm- dù học sinh sai rành rành cũng được dư luận, báo chí lên tiếng bênh vực với lý lẽ là các em còn nhỏ, chưa trưởng thành nên có những lời lẽ, hành động chưa phù hợp. Nhà trường mà kỷ luật đuổi học học trò là thất bại…

Nhiều lý thuyết sách vở được vẽ ra nhưng bạo lực học đường đang xảy ra là thực tế chứ không phải là những lý tưởng viển vông mà một số người đang …tưởng tượng.

Vì thế, bạo lực học đường sẽ còn tiếp tục xảy ra, còn diễn biến phức tạp, trường hợp như học sinh đâm bạn tử vong ở trường Trung học cơ sở Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) không phải là trường hợp đầu tiên và chắc chắn sẽ không phải là cuối cùng.

Giải pháp nào cho tình trạng bạo lực học đường?

Giáo dục học trò có nhiều biện pháp. Mềm mỏng, nhân ái, yêu thương tất nhiên phải là chủ đạo nhưng có nhiều trường hợp phải “rắn” với học trò, với con em mình thì mới mong hạn chế được bạo lực học đường.

Cha mẹ phải nêu gương, gần gũi, sẻ chia con em mình, khéo léo giám sát con em mình một cách tế nhị. Nhất là khi cho con dùng điện thoại, các em đã sử dụng mạng xã hội…

Nhà trường phải là ngôi nhà lớn cho học trò, ở đó thầy cô được quyền xử lý học sinh vi phạm. Trong giờ học, nếu học sinh không học, quậy phá bạn bè, vô lễ với thầy cô thì bảo vệ nhà trường, giáo viên Đoàn- Đội, giám thị, Ban giám hiệu phải lên tiếng giáo dục, mời gia đình vào trường chung tay giải quyết…

Những trường hợp ẩu đả có tính tập thể cần thiết liên hệ với công an địa phương vào làm việc, chấn chỉnh, uốn nắn, không giấu diếm dư luận.

Những học sinh mà nhà trường cảm thấy bất lực có thể kết hợp với gia đình, địa phương đưa vào các trung tâm giáo dưỡng để tiếp tục học tập và để...làm gương cho học sinh khác.

Hệ thống văn bản của ngành cần phải có hướng mở để giáo viên được là…giáo viên- họ có cái quyền nhất định khi đứng lớp chứ không thể dạy 40-50 học trò mà giáo viên lại không thể phê bình học trò trước lớp!

Nói thì dễ, chứ vào lớp dạy ở tiết thứ 4, thứ 5 trong buổi học mà giáo viên không nghiêm, không lớn tiếng thì đừng mơ học sinh ngoan hiền ngồi học- cho dù là học sinh tiểu học chứ đừng nói là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Đừng bắt giáo viên phải co mình lại, đừng để giáo viên phải đơn độc trong việc giáo dục học sinh ở mỗi giờ lên lớp! Nhưng mỗi khi bạo lực học đường xảy ra thì có người lại nói tại giáo dục của nhà trường, tại giáo viên.

Gia đình có 1-2 đứa con nên việc cưng chiều là chắc chắn nhưng cũng chỉ vì có 1-2 đứa con nên nếu để các em hư hỏng, hỗn láo ngay từ nhỏ thì khi về già cha mẹ sẽ đau lắm, khổ tâm nhiều lắm!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY