Thu nhập không phải là nhân tố quan trọng nhất khi thu hút giảng viên giỏi

23/10/2021 07:30
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tiến sĩ Phạm Trí Thành thừa nhận thời gian qua trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã xảy ra tình huống không giữ chân được người giỏi.

Thực tiễn cho thấy việc thu hút sinh viên, giảng viên, nhà khoa học xuất sắc đã khó, nhưng giữ chân họ còn khó hơn.

Từ thực tế của cơ sở, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cho rằng việc cạnh tranh, thu hút sinh viên, giảng viên, nhà khoa học giỏi giữa các cơ sở giáo dục đại học hiện nay là xu hướng tất yếu của cơ chế thị trường, bối cảnh hội nhập toàn cầu và hệ thống giáo dục Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Nếu trước kia có thể 10 năm, 20 năm chúng ta mới phải chỉnh sửa thay đổi một chương trình giáo dục đại học, bây giờ có thể trong một năm, một học kỳ thậm chí trong một tháng phải đổi mới cho phù hợp. Bởi vậy nhu cầu cần và cạnh tranh để thu hút người tài, giảng viên, nhà khoa học, sinh viên giỏi là một xu thế mang tính tất yếu để tồn tại của các cơ sở đào tạo đại học.

Tiến sĩ Phạm Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Phạm Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội (ảnh: NVCC)

“Xu thế này đã tạo ra không ít những động lực thúc đẩy sự phát triển và cả những thách thức phải vượt qua cho các cơ sở giáo dục đại học nước ta. Không có sự ổn định mang tính lâu dài cho các khung chương trình đào tạo, mà nó phải đổi mới, cải cách liên tục để đáp ứng với sự thay đổi liên tục của thực tiễn cuộc sống”, Tiến sĩ Phạm Trí Thành nói.

Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội nêu một nghịch lý rằng: “Nếu ở chương trình đào tạo các ngành nghệ thuật đặc biệt là nghệ thuật Sân khấu – Điện ảnh cần phải có thời gian và kinh nghiệm nhiều thời kỳ mới tạo nên được. Hơn nữa, công việc thay đổi không phải việc dễ làm trong một thời gian ngắn. Vì vậy, để có được những người giảng viên, nhà khoa học, tức là những bộ máy cái vận hành khung chương trình đó lại càng không dễ.

Nên sự cạnh tranh để thu hút người tài về khía cạnh nào đó cũng có thể làm mất đi những chương trình đào tạo chuyên ngành sâu, nhất là những ngành đào tạo đặc thù phục vụ cho công tác bảo tồn văn hóa nghệ thuật trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”.

Thu hút người tài, thu nhập không phải nhân tố quan trọng nhất

Đề cập tới nhân tố quan trọng nhất khi thu hút giảng viên, nhà khoa học giỏi, Tiến sĩ Phạm Trí Thành khẳng định: “Trong thu hút giảng viên, nhà khoa học giỏi, thu nhập là vấn đề thiết yếu nhưng không phải là nhân tố quan trọng nhất.

Theo tôi nhân tố quan trọng nhất phải là sự ghi nhận, lựa chọn và môi trường giảng dạy nghiên cứu phù hợp của cơ sở giáo dục đại học thu hút người tài. Vì những người tài thường là những con người tâm huyết và đam mê, họ có thể hy sinh nhiều thứ trong cuộc sống để được thỏa mãn đam mê và tâm huyết của mình. Được sống làm việc, sáng tạo, nghiên cứu trong một môi trường tốt sẽ là động lực giúp họ cống hiến tốt hơn, tạo nên niềm tin, nghị lực phát triển.

Tất nhiên trong môi trường sáng tạo đó không thể loại trừ yếu tố đảm bảo nguồn lực kinh tế cho bản thân và gia đình của họ.

Trong lịch sử khoa học công nghệ Việt Nam, Bác Hồ đã từng kêu gọi các trí thức, nhà khoa học thành công ở nước ngoài về nước tham gia vào hệ thống đào tạo và nghiên cứu khoa học khi đất nước còn nhiều khó khăn hơn các nước bạn rất nhiều.

Họ đã trở về, như đàn chim trở về quê hương, đã lao động sáng tạo cống hiến cả cuộc đời cho đất nước và trở thành những nhà khoa học, giảng viên kỳ cựu nổi tiếng làm rạng danh cho đất nước Việt Nam.

Bởi vậy nhân tố quan trọng nhất phải là sự ghi nhận của các cơ sở đào tạo về tài năng, sắp xếp môi trường giảng dạy, sáng tạo và nghiên cứu khoa học phù hợp luôn là quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục đại học mọi thời đại. Nhất là trong thực tiễn cạnh tranh thu hút người tài của các cơ sở đào tạo đại học hiện nay".

Nói về thực tế tại trường Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, Tiến sĩ Phạm Trí Thành thừa nhận thời gian qua nhà trường đã xảy ra tình huống không giữ chân được người giỏi và thậm chí là không giữ được sinh viên giỏi có khả năng phát triển làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học phục vụ cho hệ thống giáo dục về Sân khấu – Điện ảnh sau này.

Họ “ra đi” vì không đảm bảo được yêu cầu cần thiết về kinh tế và môi trường làm việc, phải tìm những cơ sở khác để tồn tại và nuôi dưỡng niềm đam mê.

“Sự thiếu hụt đội ngũ giảng viên, làm khoa học kế cận là vấn đề vô cùng bức thiết của Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Rất nhiều những giáo trình, sáng kiến, công trình khoa học, nghề nghiệp của các nhà khoa học, giảng viên, nghệ sỹ giỏi đã dành cả cuộc đời chắt lọc xây dựng mà không tìm được người để trao truyền và phát huy phục vụ công tác đào tạo trong hiện tại và tương lai.

Nếu không tìm được đội ngũ kế cận thì những giáo trình, sáng tạo, công trình đó sẽ bị mai một và mất dần đi không thể phát huy trong công tác đào tạo.

Nhà trường hiện nay có nhiều chuyên ngành đào tạo vô cùng đặc thù, quý hiếm như: Đào tạo diễn viên Rối, Biên kịch Kịch hát dân tộc, Nhạc công dàn nhạc dân tộc, thiết kế Mỹ thuật sân khấu, diễn viên Cải lương, Tuồng, Chèo… nhưng cũng rất khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo cũng như xây dựng lực lượng giảng viên đào tạo.

Mặt khác, vấn đề việc làm của đầu ra đào tạo của các chuyên ngành này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Công việc sáp nhập các nhà hát, định hướng tự chủ thu chi của các đơn vị nghệ thuật và làn sóng cạnh tranh hội nhập văn hóa nghệ thuật đã làm dần mất đi cơ hội việc làm đúng chuyên ngành đào tạo của các sinh viên sau khi ra trường.

Tất cả những rào cản khó khăn đó đang làm dần mất đi nguồn sinh viên thi vào các chuyên ngành nói trên và có thể cũng mất đi cả chuyên ngành đào tạo đó. Vì theo quy định nếu liên tục không tuyển sinh đào tạo được nhiều năm thì sẽ xóa bỏ các chuyên ngành đào tạo đó”, Tiến sĩ Phạm Trí Thành nêu thực tiễn đáng lo ngại của nhà trường.

Trong bối cảnh tự chủ đại học, để phát huy hiệu quả những chính sách thu hút nhân tài, Tiến sĩ Phạm Trí Thành kiến nghị: “Nhà nước cần có hành lang pháp lý để giao quyền tự chủ thực chất cho các cơ sở đào tạo đại học, cụ thể là cho Hội đồng trường. Hiện tại có nhiều văn bản còn chưa thực sự thống nhất với nhau, chưa được hướng dẫn cụ thể, vận dụng phù hợp theo đặc thù của từng cơ sở giáo dục đại học tạo nên rào cản cho công tác tự chủ của các trường đại học.

Hỗ trợ kinh phí cũng như các thiết chế đào tạo phù hợp, khoa học hiện đại để tạo nên môi trường nghiên cứu khoa học, giảng dạy chất lượng nhất là lĩnh vực nghệ thuật.

Cần có chính sách cụ thể cho công tác tự chủ về phát triển chuyên môn cũng như đội ngũ giảng viên và nhà khoa học của các trường đào tạo đại học.

Cần ủng hộ các cơ sở đại học sáng tạo trong việc thu hút nhân tài về cộng tác và làm việc như kinh phí, thu nhập, về đời sống và điều kiện giảng dậy nghiên cứu như thành phố Đà Nẵng hay một số trường đại học công lập và dân lập đã làm. Đặc biệt trong lĩnh vực Sân Khấu, Điện ảnh rất khó tìm được người tài phù hợp, thì càng cần có những chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút được nhân tài”.

Cuối cùng, theo Tiến sĩ Thành, trong hệ thống đào tạo nghệ thuật nói chung và Sân khấu – Điện ảnh nói riêng cũng cần có một chương trình đào tạo giảng viên, cần có chế độ chính sách ưu tiên riêng cho người học trong lĩnh vực này (gọi là đào tạo giáo sinh). Hiền tài là nguyên khí của quốc gia mà trong lĩnh vực Sân khấu – Điện ảnh Việt Nam có rất nhiều chuyên ngành đã trở thành bản sắc dân tộc Việt, nếu không thu hút, đào tạo được hiền tài thì sẽ ảnh hưởng nhiều tới nguyên khí của quốc gia.

Thùy Linh