Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lộc – Hiệu trưởng Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nói rằng, hiện nay, xếp hạng đại học là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục đại học, là một trong những tiêu chí để đánh giá bộ mặt của nền giáo dục đại học quốc gia.
Những năm qua, một số trường đại học Việt Nam đã có mặt trong các bảng xếp hạng khu vực và thế giới, tuy nhiên số lượng và thứ hạng vẫn ở mức khiêm tốn.
Giáo sư Nguyễn Lộc – Hiệu trưởng Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam). (Ảnh: NVCC) |
PV: Thưa Giáo sư, Giáo sư đánh giá thế nào về việc các trường đại học Việt Nam hiện nay đã tham gia và có mặt trong các bảng xếp hạng khu vực và thế giới?
Giáo sư Nguyễn Lộc: Trong những năm gần đây, đến thời điểm nhất định trong năm, chúng ta có nhiều quan tâm về thứ hạng của một số trường đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng đại học của thế giới. Phản ứng của xã hội là rất khác nhau do thông tin chưa đầy đủ.
Hiện nay, có 3 bảng xếp hạng đại học thế giới được coi là uy tín nhất bao gồm:Bảng Xếp hạng học thuật các trường đại học thế giới – Academic Ranking of World Universities (ARWU); Bảng Xếp hạng các trường đại học thế giới của QS – QS World University Rankings (QS-Quacquarelli Symonds); Bảng Xếp hạng các trường đại học thế giới của THE - Times Higher Education World University Rankings.
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về độ tin cậy của các bảng xếp hạng, song sự ảnh hưởng tích cực của chúng ngày càng tăng.
Các bảng xếp hạng quốc tế được công bố từ năm 2003 song mãi tới năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam mới có hai trường đại học hàng đầu là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có mặt ở Bảng Xếp hạng các trường đại học thế giới của QS.
Để đơn giản, nếu tính xếp hạng thế giới cho trường (không tính các dạng xếp hạng theo khu vực hay theo các tiêu chí khác), cho đến nay số trường đại học Việt Nam có mặt trong 3 bảng xếp hạng uy tín nêu trên là rất ít, có 6 trường, bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Trường Đại học Duy Tân.
Vị trí của các trường đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế vẫn còn khiêm tốn, thường có thứ hạng thấp. Chẳng hạn như theo Bảng xếp hạng năm 2022 của QS, hai trường Đại học Quốc gia của Việt Nam cùng trong hạng 801-1000, Trường Đại học Tôn Đức Thắng: 1001-1200 và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội: 1201+.
PV: Theo Giáo sư, những rào cản nào khiến thứ hạng của đại học Việt Nam còn khiêm tốn trên các bảng xếp hạng quốc tế?
Giáo sư Nguyễn Lộc: Thứ nhất, văn hóa chất lượng hay cụ thể hơn là văn hóa xếp hạng chưa phát triển được coi là rào cản chính đối với sự khiêm tốn về thứ hạng của đại học Việt Nam.
Văn hóa xếp hạng được thể hiện qua nhận thức rằng, chất lượng của trường đại học có thể định lượng qua tổ hợp các tiêu chuẩn. Và chất lượng này phân biệt thứ hạng của trường đại học. Người học có thể sử dụng thứ hạng này để chọn trường phù hợp cho mình. Do đó, trường đại học sử dụng để cải thiện chất lượng của trường, quốc gia sử dụng để xác định chiến lược phát triển cho giáo dục đại học quốc gia.
Thứ hai, do tuổi đời của các trường đại học của Việt Nam còn quá non trẻ. Trong khi các trường đại học có thứ hạng cao trên thế giới thường có quá trình hình thành và phát triển vài trăm năm như các trường đại học ở Mỹ cho đến xấp xỉ nghìn năm như các trường ở Anh Quốc và Châu Âu.
Các trường đại học của Việt Nam được coi là rất trẻ. Thậm chí gần đây, Đại học Quốc gia Hà Nội còn được xếp hạng trong Bảng xếp hạng của các trường đại học dưới 50 năm của QS. Để đạt được thứ hạng chất lượng cao đòi hỏi các trường đại học phải có thời gian tính đến hàng trăm năm.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ của Chính phủ để thúc đẩy thứ hạng các trường đại học của quốc gia của Việt Nam chưa rõ nét. Kinh nghiệm cho thấy khá nhiều quốc gia đã thành công trong việc thúc đẩy việc nâng thứ hạng của các trường đại học trên các bảng xếp hạng quốc tế thông qua các chương trình, đề án khác nhau.
Chẳng hạn như Trung Quốc ngay từ năm 1993 đã thông qua Định hướng Cải cách và Phát triển Giáo dục với nội dung nổi bật là xây dựng 100 trường đại học trọng điểm (Key universities). Nội dung này sau được cụ thể hóa hơn trong Dự án nổi tiếng 985 được công bố vào năm 1998 với mục tiêu xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế (World-class universities). Riêng ngân sách dành cho giáo dục đại học vào thời điểm đó được tăng lên gấp đôi với số tiền là hơn 10 tỷ đô la Mỹ, chiếm tới 1% GDP của quốc gia.
Những nội dung cải cách này đã mang kết quả rõ nét là số trường đại học của Trung Quốc có mặt trong tốp 50 trường hàng đầu thế giới tăng từ 1 vào năm 2004 đến 4 vào năm 2022, chưa kể đến rất nhiều trường đại học Trung Quốc có mặt trong các thứ hạng thấp hơn.
Hàn Quốc cũng là một ví dụ đáng nghiên cứu. Năm 1999 Chính phủ Hàn Quốc đề ra một chính sách giáo dục đại học mới cho Thế kỷ 2021, được gọi là Trí tuệ Hàn Quốc 21 (Brain Korea 21-BK21). Mục đích trung tâm của BK 21 là phát triển các trường đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Chính phủ Hàn Quốc quyết định dành ngân sách 1,2 tỷ Đô la Mỹ cho Dự án trong thời gian 7 năm. Cùng với nhiều nỗ lực khác, có thể nói giáo dục đại học Hàn Quốc đã có những tiến bộ ngoạn mục trong thời gian vừa qua.
Năm 2004 Hàn Quốc không có trường đại học nào nằm trong tốp 50 của thế giới. Trường Đại học Quốc gia Seoul, niềm tự hào của Hàn Quốc lúc đó mới xếp thứ 119. Đến nay, Bảng xếp hạng QS 2022 đã có tên 2 trường đại học của Hàn Quốc trong tốp 50 trường đại học hàng đầu thế giới danh giá.
PV: Thời gian vừa qua một số trường đã có mặt trong các bảng xếp hạng như: Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh… Việc vươn lên của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân ít nhiều vấp phải ý kiến của một số nhà nghiên cứu đặt ra dấu hỏi về tính liêm chính học thuật, quan điểm của Giáo sư như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Lộc: Việc vươn lên của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân trong Bảng xếp hạng thế giới THE có nhiều điểm đáng chú ý như sau:
Cho đến hết năm công bố 2019 không có trường đại học nào của Việt Nam được xếp hạng trong THE. Các năm 2020 và 2021 chỉ có hai Đại học quốc gia của Việt Nam cùng với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có mặt trong THE với thứ hạng từ 801-1001+.
Đến công bố THE năm 2022 ngoài 3 trường trên, lần đầu tiên xuất hiện Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân. Hơn nữa, hai trường này mới vào đã có thứ hạng rất cao là 401-500, trong khi đó ba trường đại học đàn anh trên tụt thứ hạng xuống còn 1001-1200 và 1200+. Điều đặc biệt, Trường Đại học Duy Tân là trường đại học tư thục.
Nếu nhìn sang Bảng xếp hạng QS thì hai Đại học quốc gia của Việt Nam cùng với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Tôn Đức Thắng, tùy từng lúc, thường có mặt trong những năm 2020, 2021 và 2022. Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn có thứ hạng thấp hơn các trường khác, còn Trường Đại học Duy Tân vẫn không có mặt trong bảng xếp hạng QS 2022 bao gồm khoảng 1300 trường đại học.
Bên cạnh những sự chúc mừng và khen ngợi sự bứt phá ngoạn mục trong xếp hạng trường đại học thế giới của hai trường đại học trên, có nhiều câu hỏi đặt ra về “liêm chính học thuật”, bởi sự bứt phá của 2 trường này chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng của mạnh về tiêu chuẩn Nghiên cứu (Research) và trích dẫn (Citations). Về vấn đề này có thể bàn luận thêm như sau:
Bảng xếp hạng THE sử dụng số liệu của Cơ sở dữ liệu Scopus (Scopus Database) để đánh giá tiêu chuẩn nghiên cứu và trích dẫn. Scopus có thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn bài báo khoa học của hơn 30.000 tạp chí chuyên ngành trong khoa học, kỹ thuật, y tế, xã hội, nghệ thuật và nhân văn.
Để được liệt kê vào danh mục trên SCOPUS, các tạp chí được lựa chọn nghiêm ngặt về chất lượng và mức độ ảnh hưởng của tạp chí trong ngành, bao gồm danh tiếng của nhà xuất bản, sự đa dạng về tác giả, thành viên hội đồng biên tập; mức độ nhận biết về tạp chí của các nhà biên tập có uy tín v.v… (cho đến nay Việt Nam mới có 6 tạp chí có tên trong Scopus). Do vậy, các chỉ số nghiên cứu và trích dẫn của hai trường đại học nói trên được THE sử dụng từ các bài báo và tạp chí thuộc Cơ sở dữ liệu Scopus có thể được coi là đáng tin cậy trong bối cảnh hiện nay.
Vấn đề liêm chính khoa học được một số nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam đề cập đến có liên quan đến “Tạp chí săn mồi”. “Tạp chí săn mồi” hay đúng hơn là “Xuất bản săn mồi” (Predatory Publishing) là thuật ngữ do nhà nghiên cứu về thư viện người Mỹ Jeffrey Beall đặt ra vào năm 2009 nhằm mô tả mô hình xuất bản học thuật đòi hỏi thu phí xuất bản từ các tác giả mà không thực hiện các dịch vụ kiểm tra chất lượng, tính hợp pháp và các công việc biên tập mà các tạp chí uy tín thường phải làm. Cùng với thuật ngữ này cho tới nay người ta còn bàn tới vấn đề “Tác giả săn mồi” (Predatory authorship), “Hội nghị săn mồi” (Predatory conferences)… Đây là vấn đề đáng được quan tâm nhưng đòi hỏi cần có thêm thời gian nghiên cứu. Trên diễn đàn học thuật quốc tế quan điểm về “Xuất bản săn mồi” còn rất khác nhau.
PV: Theo Giáo sư, các trường đại học Việt Nam cần làm gì để hội nhập vào các bảng xếp hạng và cải thiện vị trí trong các bảng xếp hạng khu vực, thế giới?
Giáo sư Nguyễn Lộc: Đầu tiên, cần phát triển mạnh hơn “văn hóa xếp hạng” đối với các trường đại học của Việt Nam. Thứ hạng cao trong một bảng xếp hạng, đặc biệt là xếp hạng thế giới mang tới cho trường đại học uy tín, nguồn lực, cơ hội hợp tác quốc tế…
Hơn nữa văn hóa này tạo nên một môi trường cởi mở hơn khi ta có một thông tin tin cậy về thứ hạng các trường đại học, qua đó các trường tốt có thể phát huy mạnh hơn nữa, các trường đang phát triển cần phải nỗ lực mạnh hơn, nhờ vậy, vị thế của giáo dục đại học Việt Nam ngày càng phát triển.
Xếp hạng thế giới là sân chơi khốc liệt. Đằng sau sự thăng hạng nào đó là một sự nỗ lực không ngừng của trường đại học. Xếp hạng thế giới đòi hỏi có một chiến lược rõ ràng và toàn diện mà các trường đại học phải chú trọng xây dựng, thực hiện.
Jamil Salmi trong cuốn “The Challenge of Establishing World-Class Universities” có đề cập đến 3 đặc điểm của một trường đại học đẳng cấp thế giới, trong đó có đặc điểm là: Nguồn lực dồi dào.
Các bảng xếp hạng cũng minh chứng điều này khi các trường đại học có mặt trong thứ hạng thế giới đều tập trung ở những nước như Mỹ, Anh Quốc, Châu Âu… Do vậy, ngoài nỗ lực đơn lẻ của các trường đại học, rất cần có những chương trình hỗ trợ hiệu quả, đặc biệt là hỗ trợ nguồn lực từ phía quốc gia cho các trường đại học.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư.