Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 vào ngày 6/11, các phóng viên đã quan tâm đặt câu hỏi đến Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc triển khai Nghị quyết 116 về chính sách hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp. Hiện nay, tiến độ giải ngân đến đâu? Làm thế nào để người dân tiếp cận những gói hỗ trợ này tốt hơn?
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, các doanh nghiệp đã và đang khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay đang có vấn đề khó khăn về thu hút người lao động quay trở lại làm việc. Xin hỏi các Bộ ngành có giải pháp gì?
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan. Ảnh: Nhật Bắc |
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan thông tin, đến ngày 6/10, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.
Về triển khai hỗ trợ, tính đến ngày 5/11 đã giải quyết hướng dẫn hỗ trợ cho 9.967.023 lao động, gồm 9.039.487 lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 630.545 người đã dừng tham gia, tương đương với 86% số người lao động đề nghị hỗ trợ với số tiền là 22.889 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 22.582 tỷ đồng tương đương vói 98% tổng kinh phí đã được giải quyết, trong đó đại đa số chi trả cho tài khoản cá nhân.
Đại dịch COVID-19 đã tác động đến 9,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2021 tăng dần lên 12,2 triệu người trong quý II/2021 và tính riêng trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người chịu ảnh hưởng.
Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.
Tiền lương thu nhập giảm, lương bình quân của người lao động giảm còn 5,2 triệu đồng/lao động, đã giảm 877.000 đồng so với quý II/2021 và giảm 603.000 so với 2020. Tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tỉ lệ thiếu việc làm trong quý III là 4,46%, tương đương hơn 1,8 triệu người tăng 1,86% so với quý trước.
Trên phạm vi toàn quốc, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532.200 người so với quý trước và tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III là 3,98%, tăng 1,36% so với quý trước và tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%. Có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, về các tỉnh, lao động giảm làm lượng lao động bị dịch chuyển từ các vùng bị hạn chế đã làm cho thị trường lao động bị chia cắt cục bộ, gây ra nguy cơ thiếu lao động ở một số vùng, ngành, lĩnh vực.
Quang cảnh buổi họp báo. |
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, Chính phủ đang thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; tuyên truyền cho người lao động những lợi ích khi gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, chia sẻ cùng doanh nghiệp trong lúc khó khăn; khuyến khích doanh nghiệp có chế độ hỗ trợ cho người lao động về tiền lương, baỏ hiểm, ngày nghỉ lễ... để giữ chân người lao động; hướng dẫn người lao động hoàn thiện các giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ; tiếp tục các chính sách hỗ trợ về nhà ở, phòng trọ, thực phẩm cho người lao động yên tâm làm việc; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19.
Thứ hai, hỗ trợ đưa người lao động trở lại làm việc, tổ chức tuyên truyền để người lao động nắm được thông tin quay trở lại cơ sở lao động; ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, hỗ trợ các chi phí y tế, xét nghiệm COVID-19, cách ly; hỗ trợ về đi lại khi người lao động quay trở lại doanh nghiệp; hỗ trợ bồi dưỡng kỹ năng, tư vấn về nghề nghiệp; phối hợp thông tin giữa các địa phương về tạo điều kiện, hỗ trợ đi lại cho người lao động quay lại làm việc; hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh các sinh hoạt phí tối thiểu như thuê nhà ở, hỗ trợ chi phí y tế; khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, động viên người lao động ngoại tỉnh đã trở về quê sẵn sàng quay lại công việc...
Thứ ba, có kế hoạch kết nối lao động trên địa bàn, giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động ở các vùng, khu vực sản xuất trọng điểm, rà soát trình độ, thông tin của người lao động để làm cơ sở kết nối cung cầu lao động; thực hiện các phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa các hình thức tìm kiếm việc làm, tổ chức kết nối lao động liên vùng trên toàn quốc; đào tạo kỹ năng nghề kịp thời cho người lao động để bổ sung cho cơ sở lao động...
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn. Ảnh: Nhật Bắc |
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Lê Hùng Sơn thông tin thêm, trong quá trình triển khai Nghị quyết 116, Bảo hiểm hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cải cách tối đa quy trình thủ tục nên hầu như không phát sinh thêm thủ tục gì, mà người lao động chỉ cần cung cấp số tài khoản cá nhân cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chuyển cho cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả. Trên nền tảng sẵn có của Bảo hiểm xã hội đã giải ngân tương đối nhanh, trên 22 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Lê Hùng Sơn, hiện nay cơ bản thủ tục thuận lợi, chỉ có một số vướng mắc nhỏ.
"Ví dụ, theo Nghị quyết 116 và Quyết định 28 của Thủ tướng thì việc chi trả cho những đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên nhưng theo Nghị định 60 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính thì không thuộc đối tượng chi trả.
Có nghĩa là các đơn vị sự nghiệp công lập phải tự đảm bảo 1 phần chi thường xuyên thuộc đối tượng chi trả thì việc xác định thuộc cơ quan tài chính các cấp về việc tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên ở các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bảo hiểm xã hội đã báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và hiện nay các đơn vị vướng mắc về quy định này cũng không lớn.
Vướng mắc thứ 2 là hiện nay 2,7 triệu người bảo lưu về quê sau đợt bùng phát dịch thứ 4 mới có hơn 1 triệu người nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm hiểm xã hội. Mặc dù chúng tôi không quy định địa giới hành chính, người lao động có thể nộp ở bất kỳ đơn vị bảo hiểm xã hội nào nhưng người lao động cũng chưa tiếp cận. Sắp tới chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến từng tổ dân phố, phường thị trấn để mời người lao động đến nhận hỗ trợ", Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh.